Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 9 – Tam-tuệ-luân (Tiparivaṭṭa)

Tam-tuệ-luân (Tiparivaṭṭa)

Đức-Phật dạy rằng:

“Yato ca kho me bhikkhave, imesu catūsu ariya-saccesu evaṃ tiparivaṭṭaṃ dvādasākāraṃ yathābhūtaṃ ñāṇadassanaṃ suvisuddhaṃ ahosi, athāhaṃ bhikkhave, sadevake loke samārake sabrahmake sassamaṇa-brahmaṇiyā pajāya sadevamanussāya anuttaraṃ sammāsambodhiṃ abhisambuddho’ti paccaññāsiṃ…”

“- Này chư tỳ-khưu! Khi nào trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của tứ Thánh-đế theo tam-tuệ-luân (trí-tuệ-học, trí-tuệ-hành, trí-tuệ-thành) thành 12 loại trí-tuệ hoàn toàn trong sáng thanh-tịnh đã phát sinh đến với Như-Lai…”

– Này chư tỳ-khưu! Khi ấy, Như-Lai dõng dạc khẳng định truyền dạy rằng: “Như-Lai đã chứng đắc thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác vô thượng trong toàn cõi giới chúng-sinh nhân loại, vua chúa, sa-môn, bà-la-môn, chư-thiên, ma-vương, phạm-thiên cả thảy”.

Tứ Thánh-đế theo tam-tuệ-luân là thế nào?

Tam-tuệ-luân đó là 3 loại trí-tuệ luân chuyển theo tuần tự trong tứ Thánh-đế là:

1- Saccañāṇa: Trí-tuệ-học trong tứ Thánh-đế.

2- Kiccañāṇa: Trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế.

3- Katañāṇa: Trí-tuệ-thành hoàn thành xong phận sự trong tứ Thánh-đế.

Giảng giải

1- Saccañāṇa: Trí-tuệ-học trong tứ Thánh-đế

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, điều trước tiên cần phải học về phần pháp-học của tứ Thánh-đế, đó là 4 trí-tuệ-học trong tứ Thánh-đế cho hiểu rõ các chi pháp của mỗi Thánh-đế như sau:

1.1- Trí-tuệ-học trong khổ Thánh-đế

Trí-tuệ-học trong khổ Thánh-đế đó là học về ngũ-uẩn chấp-thủ (pañcupadānakkhandha) nghĩa là ngũ-uẩn là đối-tượng của 4 pháp-chấp-thủ (tham-dục chấp-thủ, tà-kiến chấp-thủ, pháp-thường-hành chấp-thủ, ngã-kiến chấp-thủ).

Ngũ-uẩn chấp-thủ có 5 uẩn là:

1- Sắc-uẩn chấp-thủ đó là 28 sắc-pháp là đối-tượng của pháp-chấp-thủ.

2- Thọ-uẩn chấp-thủ đó là thọ tâm-sở đồng sinh với 81 tam-giới-tâm là đối-tượng của pháp-chấp-thủ.

3- Tưởng-uẩn chấp-thủ đó là tưởng tâm-sở đồng sinh với 81 tâm tam-giới là đối-tượng của pháp-chấp-thủ.

4- Hành-uẩn chấp-thủ đó là 50 tâm-sở (trừ ra thọ và tưởng tâm-sở) đồng sinh với 81 tam-giới-tâm là đối-tượng của pháp-chấp-thủ.

5- Thức-uẩn chấp-thủ đó là 81 tam-giới-tâm là đối-tượng của pháp-chấp-thủ.

* Mỗi tâm phát sinh chắc chắn có một số tâm-sở đồng sinh với tâm ấy, nên có 4 uẩn phát sinh:

– Tâm ấy thuộc về thức-uẩn.

– Thọ tâm-sở đồng sinh với tâm ấy thuộc về thọ-uẩn.

– Tưởng tâm-sở đồng sinh với tâm ấy thuộc về tưởng-uẩn.

– Số tâm-sở còn lại đồng sinh với tâm ấy thuộc về hành-uẩn.

– Và vatthurūpa là nơi sinh của tâm với tâm-sở ấy thuộc về sắc-uẩn.

* Đối với tất cả chúng-sinh trong 11 cõi dục-giới và chư phạm-thiên trú trong 15 tầng trời sắc-giới phạm-thiên (trừ tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-tưởng-thiên) đều có đủ ngũ-uẩn.

* Đối với tất cả chư phạm-thiên trong 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên chỉ có 4 danh-uẩn mà thôi, không có sắc-uẩn.

* Đối với tất cả chư phạm-thiên trong tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-tưởng-thiên chỉ có 1 uẩn là sắc-uẩn mà thôi.

Ngũ-uẩn chấp-thủ:

– Sắc-uẩn chấp thủ thuộc về sắc-pháp.

– Thọ-uẩn chấp-thủ, tưởng-uẩn chấp-thủ, hành-uẩn chấp-thủ, thức-uẩn chấp-thủ thuộc về danh-pháp.

Như vậy, ngũ-uẩn chấp-thủ hoặc sắc-pháp danh-pháp trong tam-giới là khổ Thánh-đế mà bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ.

1.2- Trí-tuệ-học trong nhân sinh khổ Thánh-đế

Trí-tuệ-học trong nhân sinh khổ Thánh-đế đó là học về các loại tham-ái.

Tham-ái có 3 loại, 6 loại, 18 loại, 54 loại, 108 loại.

* Tham-ái có 3 loại là:

1- Kāmataṇhā: Dục-ái là tham-ái trong 6 đối-tượng: Sắc-ái, thanh-ái, hương-ái, vị-ái, xúc-ái, pháp-ái.

2- Bhavataṇhā: Hữu-ái là tham-ái trong 6 đối-tượng (sắc-ái, thanh-ái, hương-ái, vị-ái, xúc-ái, pháp-ái) hợp với thường-kiến và tham-ái trong thiền sắc-giới-tâm, thiền vô-sắc-giới-tâm, trong cõi trời sắc-giới phạm-thiên, cõi trời-vô-sắc-giới phạm-thiên.

3- Vibhavataṇhā: Phi-hữu-ái là tham-ái trong 6 đối-tượng (sắc-ái, thanh-ái, hương-ái, vị-ái, xúc-ái, pháp-ái) hợp với đọan-kiến.

* Tham-ái có 6 loại là:

– Rūpataṇhā: Sắc-ái là tham-ái trong đối-tượng sắc.

– Saddataṇhā: Thanh-ái là tham-ái trong đối-tượng thanh.

– Gandhataṇhā: Hương-ái là tham-ái trong đối-tượng hương.

– Rasataṇhā: Vị-ái là tham-ái trong đối-tượng vị.

– Phoṭṭhabbataṇhā: Xúc-ái là tham-ái trong đối-tượng xúc.

– Dhammataṇhā: Pháp-ái là tham-ái trong đối-tượng pháp.

* Tham-ái có 18 loại là 3 loại tham-ái nhân với 6 đối-tượng thành 18 loại tham-ái.

* Tham-ái có 54 loại là 18 loại tham-ái nhân với 3 thời:

– Thời quá-khứ có 18 loại tham-ái.

– Thời hiện-tại có 18 loại tham-ái.

– Thời vị-lai có 18 loại tham-ái.

Trong 3 thời gồm có 54 loại tham-ái.

* Tham-ái có 108 loại là 54 loại tham-ái nhân với 2 bên:

– Bên trong của mình có 54 loại tham-ái.

– Bên ngoài mình, của người khác, vật khác có 54 loại tham-ái.

Hai bên gồm có 108 loại tham-ái.

Các loại tham-ái đều thuộc về nhân sinh khổ Thánh-đế mà bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ.

1.3- Trí-tuệ-học trong diệt khổ Thánh-đế

Trí-tuệ-học trong diệt khổ Thánh-đế đó là học về các loại Niết-bàn.

* Niết-bàn có 2 loại:

1- Sa upādisesanibbāna: Hữu-dư Niết-bàn là Niết-bàn đối với chư bậc Thánh A-ra-hán đã diệt tận mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, còn gọi là phiền-não Niết-bàn (kilesaparinibbāna), nhưng ngũ-uẩn vẫn còn tồn tại cho đến khi hết tuổi thọ.

2- Anupādisesanibbāna: Vô-dư Niết-bàn là Niết-bàn đối với chư bậc Thánh A-ra-hán đã diệt tận mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót; đến lúc hết tuổi thọ, bậc Thánh A-ra-hán tịch diệt Niết-bàn, còn gọi là ngũ-uẩn Niết-bàn (khandhaparinibbāna), giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

* Niết-bàn có 3 loại:

1-Animittanibbāna: Vô-hiện-tượng Niết-bàn là Niết-bàn đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh-pháp hoặc sắc-pháp, hiện rõ trạng-thái vô-thường (aniccalakkhaṇa) hơn trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, do năng lực của tín-pháp-chủ (sadhindriya) hơn 4 pháp-chủ còn lại (tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ). Hoặc do năng lực của giới (sīla), dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn. Niết-bàn ấy gọi là Animittanibbāna: Vô-hiện-tượng Niết-bàn, là Niết-bàn không có hiện tượng của các pháp-hữu-vi.

2- Appaṇihitanibbāna: Vô-ái-Niết-bàn là Niết-bàn đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh-pháp hoặc sắc-pháp, hiện rõ trạng-thái khổ (dukkha-lakkhaṇa) hơn trạng-thái vô-thường, trạng-thái vô-ngã, do năng lực của định-pháp-chủ (samādhindriya) hơn 4 pháp-chủ còn lại (tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ). Hoặc do năng lực của định (samādhi) dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn. Niết-bàn ấy gọi là Appaṇihitanibbāna: Vô-ái-Niết-bàn, là Niết-bàn không có tham-ái nương nhờ.

3- Suññatanibbāna: Chơn-không-Niết-bàn là Niết-bàn đối với hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh-pháp hoặc sắc-pháp, hiện rõ trạng-thái vô-ngã (anattalakkhaṇa) hơn trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, do năng lực của tuệ-pháp-chủ (paññindriya) hơn 4 pháp-chủ còn lại (tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ). Hoặc do năng lực của tuệ (paññā), dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn. Niết-bàn ấy gọi là Suññatanibbāna: Chơn-không-Niết-bàn, là Niết-bàn hoàn toàn vô-ngã, không phải ta, không phải của ta.

Những Niết-bàn này đều thuộc về diệt khổ Thánh-đế mà bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ.

1.4- Trí-tuệ-học trong pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế

Trí-tuệ-học trong pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế đó là học về pháp-hành bát-chánh-đạo.

Bát-chánh-đạo có 8 chánh:

1- Sammādiṭṭhi: Chánh-kiến là trí-tuệ chân-chính, trí-tuệ thiền-tuệ chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế.

2- Sammāsaṅkappa: Chánh-tư-duy là tư duy chân-chính, có 3 pháp:

– Tư duy thoát ra khỏi ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục).

– Tư duy không làm khổ mình, khổ người.

– Tư duy không làm hại mình, hại người.

3- Sammāvācā: Chánh-ngữ là lời nói chân-chính, có 4

– Không nói dối.

– Không nói lời chia rẽ.

– Không nói lời thô tục.

– Không nói lời vô ích.

4- Sammākammanta: Chánh-nghiệp là nghề nghiệp chân-chính, có 3 điều:

– Không sát sinh.

– Không trộm cắp.

– Không tà dâm.

5- Sammā ājīva: Chánh-mạng là nuôi mạng chân-chánh là tránh xa cách sống tà-mạng do thân hành ác-nghiệp, do khẩu nói ác-nghiệp.

6- Sammāvāyāma: Chánh-tinh-tấn là tinh-tấn chân chính, có 4 pháp:

– Tinh-tấn ngăn ác pháp chưa sinh, không cho sinh.

– Tinh-tấn diệt ác pháp đã phát sinh.

– Tinh-tấn làm cho thiện pháp chưa sinh, được phát sinh.

– Tinh-tấn làm tăng trưởng thiện pháp đã phát sinh.

7- Sammāsati: Chánh-niệm là niệm chân chính, có 4 pháp-hành tứ-niệm-xứ:

– Thân niệm-xứ: Thân là đối-tượng của chánh-niệm.

– Thọ niệm-xứ: Thọ là đối-tượng của chánh-niệm.

– Tâm niệm-xứ: Tâm là đối-tượng của chánh-niệm.

– Pháp niệm-xứ: Tháp là đối-tượng của chánh-niệm.

8- Sammāsamādhi: Chánh-định là định-tâm chân-chính trong 4 hoặc 20 Thánh-đạo-tâm và 4 hoặc 20 Thánh-quả-tâm thuộc về siêu-tam-giới-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

Bát-chánh-đạo đó là 8 loại tâm-sở:

– Chánh-kiến có chi pháp là trí-tuệ tâm-sở.

– Chánh-tư-duy có chi pháp là hướng-tâm tâm-sở.

– Chánh-ngữ có chi pháp là chánh-ngữ tâm-sở.

– Chánh-nghiệp có chi pháp là chánh-nghiệp tâm-sở.

– Chánh-mạng có chi pháp là chánh-mạng tâm-sở.

– Chánh-tinh-tấn có chi pháp là tinh-tấn tâm-sở.

– Chánh-niệm có chi pháp là niệm tâm-sở.

– Chánh-định có chi pháp là nhất-tâm tâm-sở.

8 loại tâm-sở này gọi là bát-chánh-đạo chỉ cùng đồng sinh với 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm mà thôi, bởi vì trong bát-chánh-đạo có 3 chế-ngự-tâm-sở (viraticetasika): Chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng thuộc về loại niyata ekatocetasika, 3 tâm-sở cố định chỉ cùng đồng sinh với 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới mà thôi.

Tuy nhiên chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng là 3 chế-ngự-tâm-sở thuộc về loại aniyatayogīcetasika: Bất-định-tâm-sở còn thuộc loại nānākadāci: Mỗi tâm-sở riêng rẽ đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, bởi vì mỗi tâm-sở này có mỗi đối tượng khác nhau.

Bát-chánh-đạo theo tam-giới và siêu-tam-giới

Bát-chánh-đạo có 8 chánh mà mỗi chánh có nhiều loại, phân biệt bát-chánh-đạo tam-giới và bát-chánh-đạo siêu-tam-giới như sau:

* Chánh-kiến (sammādiṭṭhi) là trí-tuệ chân chính thấy đúng, biết đúng, có 5 loại:

1- Kammassatā sammādiṭṭhi: Chánh-kiến sở-nghiệp là trí-tuệ thấy đúng, biết đúng thiện-nghiệp và ác-nghiệp mà ta đã tạo rồi là thuộc của riêng ta, chỉ có ta là người thừa hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp và chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy mà thôi.

2- Vipassanā sammādiṭṭhi: Chánh-kiến thiền-tuệ là trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới (lokiyavipassanā) thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp.

3-Magga sammādiṭṭhi: Chánh-kiến Thánh-đạo-tuệ là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới (lokuttaravipassanā) chứng đắc Thánh-đạo-tuệ có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

4- Phala sammādiṭṭhi: Chánh-kiến Thánh-quả-tuệ là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới (lokuttaravipassanā) chứng đắc Thánh-quả-tuệ có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

5- Paccavekkhaṇā sammādiṭṭhi: Chánh-kiến quán-triệt là trí-tuệ quán-triệt Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn đã chứng ngộ, phiền-não nào đã bị diệt tận được và phiền-não nào chưa bị diệt tận được.

Trong 5 loại chánh-kiến này, chánh-kiến sở-nghiệp, chánh-kiến thiền-tuệ, và chánh-kiến quán-triệt thuộc về tam-giới.

Chánh-kiến Thánh-đạo-tuệ và chánh-kiến Thánh-quả-tuệ thuộc về siêu-tam-giới.

Chánh-kiến đó là tuệ-chủ tâm-sở (paññindriya-cetasika) đồng sinh với 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ, 4 đại-duy-tác-tâm hợp với trí-tuệ, 5 sắc-giới thiện-tâm, 5 sắc-giới duy-tác-tâm, 4 vô-sắc-giới thiện-tâm, 4 vô-sắc-giới duy-tác-tâm, 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm.

– Nếu khi tuệ-chủ tâm-sở (trí-tuệ tâm-sở) đồng sinh với tam-giới-tâm ấy thì chánh-kiến thuộc về tam-giới.

– Nếu khi tuệ-chủ-tâm-sở (trí-tuệ tâm-sở) đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm thì chánh-kiến thuộc về siêu-tam-giới.

* Chánh-tư-duy (sammāsaṅkappa) là tư-duy chân-chính, có 3 điều:

1- Tư-duy thoát ra khỏi ngũ-dục.

2- Tư-duy không làm khổ mình, khổ người.

3- Tư-duy không làm hại mình, hại người.

Chánh-tư-duy đó là hướng-tâm tâm-sở (vitakka-cetasika) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, đệ nhất thiền sắc-giới duy-tác-tâm, 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm.

– Nếu khi hướng-tâm tâm-sở đồng sinh với tam-giới-tâm ấy thì chánh-tư-duy thuộc về tam-giới.

– Nếu khi hướng-tâm tâm-sở đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm thì chánh-tư-duy thuộc về siêu-tam-giới.

* Chánh-ngữ (Sammāvācā) là lời nói chân-chính, có 3 loại:

1- Kathā sammāvācā: Chánh-ngữ lời-nói là lời nói hay, nói thật, lời nói chân-chính đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài đến cho người nghe.

2- Cetanā sammāvācā: Chánh-ngữ tác-ý là tác-ý thiện-tâm tránh xa 4 tà-ngữ:

– Tránh xa lời nói-dối, mà nói lời chơn-thật.

– Tránh xa lời nói chia-rẽ, mà nói lời hòa-hợp.

– Tránh xa lời thô-tục, mà nói lời dịu dàng dễ nghe.

– Tránh xa lời vô-ích, mà nói lời hữu-ích.

3- Virati sammāvācā: Chánh-ngữ chế-ngự, là chánh-ngữ tâm-sở tránh xa tà-ngữ, khi đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

Trong 3 loại chánh-ngữ này, chánh-ngữ lời-nói và chánh-ngữ tác-ý thuộc về tam-giới.

Chánh-ngữ chế-ngự đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm thuộc về siêu-tam-giới.

Chánh-ngữ đó là chánh-ngữ tâm-sở (sammāvācā-cetasika) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm.

– Nếu khi chánh-ngữ tâm-sở đồng sinh với tam-giới-tâm ấy thì chánh-ngữ thuộc về tam-giới.

– Nếu khi chánh-ngữ tâm-sở đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm thì chánh-ngữ thuộc về siêu-tam-giới.

* Chánh-nghiệp (sammākammanta) là nghề nghiệp chân-chính, có 3 loại:

1-Kiriyā sammākammanta: Chánh-nghiệp hành-động, là hành động đại-thiện-nghiệp đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài đến cho mọi người.

2- Cetanā sammākammanta: Chánh-nghiệp tác-ý là tác-ý thiện-tâm tránh xa tà-nghiệp:

– Tránh xa sự sát-sinh.

– Tránh xa sự trộm-cắp.

– Tránh xa sự tà-dâm.

3- Virati sammākammanta: Chánh-nghiệp chế-ngự, là chánh-nghiệp tâm-sở tránh xa tà-nghiệp, khi đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

Trong 3 loại chánh-nghiệp này, chánh-nghiệp hành-động và chánh-nghiệp tác-ý thuộc về tam-giới.

– Chánh-nghiệp chế-ngự đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm thuộc về siêu-tam-giới.

Chánh-nghiệp đó là chánh-nghiệp tâm-sở (sammā-kammantacetasika) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm.

– Nếu khi chánh-nghiệp tâm-sở đồng sinh với tam-giới-tâm ấy thì chánh-nghiệp thuộc về tam-giới.

– Nếu khi chánh-nghiệp tâm-sở đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm thì chánh-nghiệp thuộc về siêu-tam-giới.

* Chánh-mạng (sammā ājīva) là nuôi mạng chân-chính, có 2 loại:

1- Viriya sammā ājīva: Chánh-mạng tinh-tấn, là tinh-tấn nuôi mạng chân-chính, từ bỏ cách sống tà-mạng do thân hành ác-nghiệp, khẩu nói ác-nghiệp.

2- Virati sammā ājīva: Chánh-mạng chế-ngự, là chánh-mạng tâm-sở tránh xa cách sống tà-mạng, khi đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

Trong 2 loại chánh-mạng này, chánh-mạng tinh-tấn thuộc về tam-giới.

Chánh-mạng chế-ngự đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm thuộc về siêu-tam-giới.

Chánh-mạng đó là chánh-mạng tâm-sở (sammā ājīva) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm.

– Nếu khi chánh-mạng tâm-sở đồng sinh với tam-giới-tâm ấy thì chánh-mạng thuộc về tam-giới.

– Nếu khi chánh-mạng tâm-sở đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm thì chánh-mạng thuộc về siêu-tam-giới.

* Chánh-tinh-tấn (sammāvāyāma) là tinh-tấn chân-chính, có 4 điều:

– Tinh-tấn ngăn ác pháp chưa sinh, không cho sinh.

– Tinh-tấn diệt ác pháp đã phát sinh.

– Tinh-tấn làm cho thiện pháp chưa sinh, được phát sinh.

– Tinh-tấn làm tăng trưởng thiện pháp đã phát sinh.

Chánh-tinh-tấn đó là tinh-tấn tâm-sở (viriyacetasika) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, 5 sắc-giới thiện-tâm, 5 sắc-giới duy-tác-tâm, 4 vô-sắc-giới thiện-tâm, 4 vô-sắc-giới duy-tác-tâm, 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm.

– Nếu khi tinh-tấn tâm-sở đồng sinh với tam-giới-tâm ấy thì chánh-tinh-tấn thuộc về tam-giới.

– Nếu khi tinh-tấn tâm-sở đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm thì chánh-tinh-tấn thuộc về siêu-tam-giới. * Chánh-niệm (sammāsati) là niệm chân-chính trong 4 pháp-hành tứ-niệm-xứ:

– Thân niệm-xứ: Thân là đối-tượng của chánh-niệm.

– Thọ niệm-xứ: Thọ là đối-tượng của chánh-niệm.

– Tâm niệm-xứ: Tâm là đối-tượng của chánh-niệm.

– Pháp niệm-xứ: Pháp là đối-tượng của chánh-niệm.

Chánh-niệm đó là niệm-âm-sở (saticetasika) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, 5 sắc-giới thiện-tâm, 5 sắc-giới duy-tác-tâm, 4 vô-sắc-giới thiện-tâm, 4 vô-sắc-giới duy-tác-tâm, 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm.

– Nếu khi niệm tâm-sở đồng sinh với tam-giới-tâm ấy thì chánh-niệm thuộc về tam-giới.

– Nếu khi niệm tâm-sở đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm thì chánh-niệm thuộc về siêu-tam-giới.

* Chánh-định (sammāsamādhi) là định chân-chính trong 4 hoặc 20 Thánh-đạo-tâm và 4 hoặc 20 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

Chánh-định đó là nhất-tâm tâm-sở (ekaggatācetasika) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, 5 sắc-giới thiện-tâm, 5 sắc-giới duy-tác-tâm, 4 vô-sắc-giới thiện-tâm, 4 vô-sắc-giới duy-tác-tâm, 4 hoặc 20 Thánh-đạo-tâm, 4 hoặc 20 Thánh-quả-tâm.

– Nếu khi nhất-tâm tâm-sở đồng sinh với tam-giới-tâm ấy thì chánh-định thuộc về tam-giới.

– Nếu khi nhất-tâm tâm-sở đồng sinh với 4 hoặc 20 Thánh-đạo-tâm và 4 hoặc 20 Thánh-quả-tâm thì chánh-định thuộc về siêu-tam-giới.

Đó là 4 trí-tuệ-học trong tứ Thánh-đế thuộc về pháp-học Phật-giáo (pariyattisāsana).

2- Kiccañāṇa: Trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế

Sau khi học hỏi, hiểu rõ trí-tuệ-học trong tứ Thánh-đế xong thuộc về phần pháp-học Phật-giáo, luân chuyển sang trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế thuộc về phần pháp-hành Phật-giáo.

Hành-giả bắt đầu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ là thực-hành theo trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế.

Trí-tuệ-hành phận sự trong mỗi Thánh-đế khác nhau như sau:

– Trí-tuệ-hành phận sự nên biết khổ Thánh-đế.

– Trí-tuệ-hành phận sự nên diệt nhân sinh khổ-Thánh-đế.

– Trí-tuệ-hành phận sự nên chứng-ngộ diệt khổ Thánh đế.

– Trí-tuệ-hành phận sự nên tiến-hành pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế.

2.1- Trí-tuệ-hành phận sự trong khổ Thánh-đế

Khổ Thánh-đế (dukkha ariyasacca) đó là ngũ-uẩn chấp-thủ hoặc sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới là pháp mà hành-giả có trí-tuệ-hành phận sự nên biết (pariññeyyaṃ) khổ-đế với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp ấy là khổ-đế (không phải nên diệt, nên chứng ngộ, nên tiến hành).

2.2-Trí-tuệ-hành phận sự trong nhân sinh khổ Thánh-đế

Nhân sinh khổ Thánh-đế (dukkhasamudaya ariya-sacca) đó là tham-ái, là pháp mà hành-giả có trí-tuệ-hành phận sự nên diệt (pahātabbaṃ) nhân sinh khổ Thánh-đế với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới diệt từng thời tham-ái (không phải nên biết, nên chứng ngộ, nên tiến hành).

2.3- Trí-tuệ-hành phận sự trong diệt khổ Thánh-đế Diệt khổ Thánh-đế (dukkhanirodha ariyasacca) đó là Niết-bàn, là pháp mà hành-giả có trí-tuệ-hành phận sự nên chứng ngộ (sacchikātabbaṃ) diệt khổ-đế với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới chứng ngộ từng-thời Niết-bàn (không phải nên biết, nên diệt, nên tiến hành).

2.4- Trí-tuệ-hành phận sự trong pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế

Pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế (dukkhanirodha-gaminī paṭipadā ariyasacca) đó là pháp-hành bát-chánh-đạo, là pháp mà hành-giả có trí-tuệ-hành phận sự nên tiến hành (bhāvetabbaṃ) pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới đang tiến hành pháp-hành bát-chánh-đạo (không phải nên biết, nên diệt, nên chứng ngộ).

Trong 4 trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế này, thì trí-tuệ-hành phận sự nên biết khổ Thánh-đế là chính, đóng vai trò quan trọng trong pháp-hành thiền-tuệ.

Thật vậy, – khi hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, nếu có trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới thấy rõ, biết rõ sắc-pháp hoặc danh-pháp là khổ-đế thì đó là trí-tuệ-hành phận sự nên biết khổ-đế.

– Khi trí-tuệ-hành phận sự nên biết khổ-đế ấy, thì tham-ái không thể nương nhờ nơi sắc-pháp ấy hoặc danh-pháp ấy mà phát sinh, nghĩa là diệt tham-ái, đó là trí-tuệ-hành phận sự nên diệt-từng-thời (tadaṅgappahāna) tham-ái, nhân sinh khổ-đế.

– Khi trí-tuệ-hành phận sự nên diệt từng-thời (tadaṅgappahāna) tham-ái, nhân-sinh khổ Thánh-đế, thì đó là trí-tuệ-hành phận sự nên chứng ngộ từng-thời (tadaṅganibbāna) Niết-bàn, diệt khổ-đế.

– Khi trí-tuệ-hành phận sự nên biết khổ-đế, trí-tuệ-hành phận sự nên diệt từng-thời tham-ái, nhân-sinh khổ Thánh-đế, trí-tuệ-hành phận sự nên chứng ngộ từng-thời Niết-bàn, diệt khổ Thánh-đế, đó là trí-tuệ-hành phận sự nên tiến hành pháp-hành dẫn đến diệt khổ-đế.

Như vậy, 4 trí-tuệ-hành phận sự trong tứ đế này, thì trí-tuệ-hành phận sự nên biết khổ-đế là chính, đồng thời trí-tuệ-hành phận sự nên diệt từng-thời nhân sinh khổ-đế, trí-tuệ-hành phận sự nên chứng ngộ từng-thời diệt khổ-đế, trí-tuệ-hành phận sự nên tiến hành pháp-hành dẫn đến diệt-đế cũng thành tựu cùng một lúc không trước không sau.

Bốn trí-tuệ-hành phận sự trong tứ đế này thuộc về pháp-hành Phật-giáo (paṭipattisāsana).

3- Katañāṇa: Trí-tuệ-thành hoàn thành xong phận-sự trong tứ Thánh-đế

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, khi có 4 trí-tuệ-hành phận sự tứ đế với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới đã hoàn thành xong phận sự tứ đế, thì được luân chuyển đến 4 trí-tuệ-thành phận sự tứ Thánh-đế với trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới đã hoàn thành xong phận sự tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

– Khi ấy, khổ Thánh-đế đó là sắc-pháp, danh-pháp tam-giới là pháp mà trí-tuệ-hành phận sự nên biết (pariññeyyaṃ) sắc-pháp danh-pháp tam-giới là khổ-đế với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới, rồi được luân chuyển đến trí-tuệ-thành phận sự đã biết xong (pariññātaṃ) khổ Thánh-đế với Thánh-đạo-tuệ thuộc về trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

– Cũng đồng thời, nhân-sinh khổ Thánh-đế đó là tham-ái là pháp mà trí-tuệ-hành phận sự nên diệt (pahātabbaṃ) tham-ái, nhân sinh khổ-đế với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới, rồi được luân chuyển đến trí-tuệ-thành phận sự đã diệt xong (pahīnaṃ) nhân sinh khổ Thánh-đế với Thánh-đạo-tuệ thuộc về trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

– Cũng đồng thời, diệt khổ Thánh-đế đó là Niết-bàn là pháp mà trí-tuệ-hành phận sự nên chứng ngộ (sacchikātabbaṃ) Niết-bàn từng-thời là diệt khổ-đế với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới, rồi được luân chuyển đến trí-tuệ-thành phận sự đã chứng ngộ xong (sacchikataṃ) Niết-bàn, diệt khổ Thánh-đế với Thánh-đạo-tuệ thuộc về trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

– Cũng đồng thời, pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế đó là bát-chánh-đạo là pháp mà trí-tuệ-hành phận sự nên tiến hành (bhāvetabbaṃ) bát-chánh-đạo, pháp-hành dẫn đến diệt khổ-đế, với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới, rồi được luân chuyển đến trí-tuệ-thành phận sự đã tiến hành xong (bhāvitaṃ) pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế với Thánh-đạo-tuệ thuộc về trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới có đối-tượng Niết-bàn siêu tam-giới, đã hoàn thành 4 phận sự là:

– Khổ Thánh-đế là pháp nên biết, thì đã biết xong.

– Nhân sinh khổ Thánh-đế là pháp nên diệt, thì đã diệt xong.

– Diệt khổ Thánh-đế là pháp nên chứng ngộ, thì đã chứng ngộ xong.

– Pháp-hành dẫn đến diệt khổ Thánh-đế là pháp nên tiến hành, thì đã tiến hành xong.

Trong 4 trí-tuệ-thành đã hoàn thành xong 4 phận sự trong tứ Thánh-đế, thì trí-tuệ-thành phận sự đã tiến hành xong pháp-hành bát-chánh-đạo dẫn đến diệt khổ Thánh-đế là chính yếu, còn lại 3 trí-tuệ-thành phận sự trong mỗi Thánh-đế kia cũng đã hoàn thành xong mỗi phận sự đồng thời cùng một lúc không trước, không sau.

4 trí-tuệ-thành hoàn thành xong 4 phận sự trong tứ Thánh-đế thuộc về Pháp-thành Phật-giáo (paṭivedha-sāsana).

Trong Visuddhimagga có ví dụ rằng: Một đèn dầu thắp sáng trong đêm tối có 4 sự việc xảy ra cùng một lúc, không trước không sau:

– Ánh sáng tỏa ra.

– Bóng tối biến mất.

– Dầu hao dần.

– Tim cháy dần.

4 sự việc này xảy ra đồng thời cùng một lúc, không trước không sau.

Cũng như vậy, 4 trí-tuệ-hành phận sự, và 4 trí-tuệ-thành đã hoàn thành xong phận sự trong tứ Thánh-đế đồng thời, cùng một lúc, không trước không sau.

Quan hệ nhân quả của tam-tuệ-luân

Quan hệ từ quả đến nhân, từ nhân đến quả

4 trí-tuệ-thành trong tứ Thánh-đế chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, đó là kết quả của 4 trí-tuệ-hành phận sự đã hoàn thành xong trong tứ Thánh-đế.

4 trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế đã thực-hành đúng theo phận sự trong mỗi Thánh-đế, đó là kết quả của 4 trí-tuệ-học trong tứ Thánh-đế đã hiểu biết rõ mỗi chi pháp của mỗi Thánh-đế.

Như vậy, 4 trí-tuệ-học trong tứ Thánh-đế hiểu biết rõ các chi pháp của mỗi Thánh-đế làm nền tảng cơ bản, làm nhân phát sinh dẫn đến quả là 4 trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế đúng theo phận sự của mỗi Thánh-đế.

4 trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế đã hoàn thành xong làm nhân phát sinh dẫn đến quả là 4 trí-tuệ-thành trong tứ Thánh-đế chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, phạm hạnh cao thượng đã hoàn thành xong, kiếp này là kiếp chót, không còn tái-sinh kiếp nào nữa, chắc chắn sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Vai trò 4 trí-tuệ-hành và 4 trí-tuệ-thành

Trong 4 trí-tuệ-hành phận sự trong tứ Thánh-đế ở giai đọan đầu, thì trí-tuệ-hành phận sự nên biết sắc-pháp, danh-pháp tam-giới là khổ-đế với trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới, đóng vai trò chính yếu, còn 3 trí-tuệ-hành phận sự của mỗi Thánh-đế kia cũng được thành tựu đồng thời cùng một lúc, không trước không sau.

Trong 4 trí-tuệ-thành đã hoàn thành phận sự trong tứ Thánh-đế ở giai đọan cuối, thì trí-tuệ-thành đã hoàn thành xong phận sự đã tiến hành pháp-hành bát-chánh-đạo dẫn đến diệt khổ Thánh-đế với 4 Thánh-đạo-tuệ thuộc về trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới đóng vai trò chính yếu, còn 3 trí-tuệ-thành phận sự của mỗi Thánh-đế kia cũng được thành tựu đồng thời cùng một lúc, không trước không sau.

Bốn Thánh-đạo-tuệ diệt tận được 3 loại tham-ái

1- Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 2 loại tham-ái là vibhavataṇhā: Tham-ái hợp với đọan-kiến, và bhavataṇhā: Tham-ái hợp với thường-kiến, trong 4 tham-tâm hợp với tà-kiến (còn lại 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến, thì chưa diệt được).

2- Nhất-lai-Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 1 loại tham-ái là kāmataṇhā: Tham-ái trong 5 đối-tượng ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục) loại thô ở cõi dục-giới, trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến (còn 5 đối-tượng ngũ-dục loại vi-tế chưa diệt được).

3- Bất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 1 loại tham-ái là kāmataṇhā: Tham-ái trong 5 đối-tượng ngũ-dục vi-tế ở cõi dục-giới, trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến (còn tham-ái trong các bậc thiền sắc-giới-tâm, các bậc thiền vô-sắc-giới-tâm, trong tầng trời sắc-giới phạm-thiên, tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên thì chưa diệt được).

4- A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 1 loại tham-ái là bhavataṇhā: Tham-ái trong các bậc thiền sắc-giới duy-tác-tâm, các bậc thiền vô-sắc-giới duy-tác-tâm, các tầng trời sắc-giới phạm-thiên, các tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến không còn dư sót.

Như vậy, bậc Thánh A-ra-hán có khả năng đặc biệt diệt tận được hoàn toàn mọi tham-ái không còn dư sót nữa.

 

Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 8 - Tứ Thánh-Đế (Ariyasacca)
Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 10 - Tứ Thánh-đế trong Phật-giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *