Tà-kiến – Chánh-kiến (Micchādiṭṭhi – Sammādiṭṭhi)
Tà-kiến và chánh-kiến phát sinh do nhân nào?
Trong Chi-bộ-kinh, phần pháp 2 chi, Đức-Phật thuyết dạy tà-kiến (micchādiṭṭhi) phát sinh do 2 nhân-duyên như sau:
“Dveme Bhikkhave, paccayā micchādiṭṭhiyā uppādāya. Katame dve?
Parato ca ghoso, ayoniso ca manasikāro.
Ime kho bhikkhve, dve paccayā micchādiṭṭhiyā uppādāya”.
– Này chư tỳ-khưu! Do 2 nhân-duyên làm phát sinh tà- kiến. Hai nhân-duyên ấy là gì?
1- Parato ca ghoso: Lắng nghe tà-pháp từ hạng người có tà-kiến.
2- Ayoniso ca manasikāro: biết trong tâm với si-tâm không biết đúng 4 trạng-thái của các pháp hữu vi.
– Này chư tỳ-khưu! Do 2 nhân-duyên ấy làm phát sinh tà-kiến.
Giải Thích
Ayoniso ca manasikāro: biết trong tâm với si-tâm không biết đúng 4 trạng-thái của tất cả sắc-pháp, danh-pháp tam-giới như sau:
* Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-thường (anicca) thì do si-tâm biết đảo ngược cho rằng thường (nicca).
* Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái khổ (dukkha) thì do si-tâm biết đảo ngược cho rằng lạc (sukha).
* Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-ngã (anattā) thì do si-tâm biết đảo ngược cho rằng ngã (attā).
* Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái bất-tịnh (asubha) thì do si-tâm biết đảo ngược cho rằng tịnh (subha).
Ayonisomanasikāra: biết trong tâm với si-tâm biết đảo ngược 4 trạng-thái của tất cả sắc-pháp, danh-pháp tam-giới cho rằng thường, lạc, ngã, tịnh làm nhân-duyên phát sinh micchādiṭṭhi : tà-kiến, cũng làm nhân-duyên phát sinh vipallāsa: pháp-đảo-điên.
Vipallāsa: pháp-đảo-điên có 3 loại:
1- :Diṭṭhivipallāsa: tà-kiến đảo-điên thấy đảo ngược nơi sắc-pháp, danh-pháp cho rằng thường, lạc, ngã, tịnh.
2- Cittavipallāsa: tâm đảo-điên biết đảo ngược nơi sắc-pháp, danh-pháp cho rằng thường, lạc, ngã, tịnh.
3- Saññāvipallāsa: tưởng đảo-điên tưởng đảo ngược nơi sắc-pháp, danh-pháp cho rằng thường, lạc, ngã, tịnh.
Như vậy, pháp-đảo-điên có 3 loại, mà mỗi loại có 4 pháp, cho nên, gồm có 12 pháp-đảo-điên làm nhân-duyên phát sinh tà-kiến.
* Trong Chi-bộ-kinh, phần pháp 2 chi, Đức-Phật thuyết dạy chánh-kiến (sammādiṭṭhi) phát sinh do 2 nhân-duyên như sau:
“Dveme Bhikkhave, paccayā sammādiṭṭhiyā uppādāya. Katame dve?
Parato ca ghoso, yoniso ca manasikāro.
Ime kho bhikkhave, dve paccayā sammādiṭṭhiyā uppādāya.”
– Này chư tỳ-khưu! Do 2 nhân-duyên làm phát sinh chánh-kiến. Hai nhân-duyên ấy là gì? (1)
1- Parato ca ghoso: Lắng nghe chánh-pháp từ các bậc thiện-trí có chánh-kiến.
2- Yoniso ca manasikāro: hiểu biết trong tâm với trí-tuệ biết đúng 4 trạng-thái của các pháp hữu vi.
– Này chư tỳ-khưu! Do 2 nhân-duyên ấy làm phát sinh chánh-kiến.
Giải Thích
Yoniso ca manasikāro: biết trong tâm với trí-tuệ biết đúng 4 trạng-thái của tất cả sắc-pháp, danh-pháp tam-giới như sau:
* Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-thường (anicca) thì trí-tuệ biết đúng là vô-thường (anicca).
* Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái khổ (dukkha) thì trí-tuệ biết đúng là khổ (dukkha).
* Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái vô-ngã (anattā) thì trí-tuệ biết đúng là vô-ngã (anattā)
* Sắc-pháp, danh-pháp có trạng-thái bất-tịnh (asubha) thì trí-tuệ biết đúng là bất-tịnh (asubha).
Yonisomanasikāra: hiểu biết trong tâm với trí-tuệ biết đúng 4 trạng-thái của tất cả sắc-pháp, danh-pháp tam-giới đều có trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, trạng-thái bất-tịnh làm nhân-duyên phát sinh sammādiṭṭhi: chánh-kiến.
Chánh-kiến có 5 loại:
1-Kammassakatā sammādiṭṭhi: chánh-kiến-sở-nghiệp nghĩa là trí-tuệ thấy đúng, biết đúng thiện-nghiệp và ác-nghiệp mà mình đã tạo rồi là của riêng mình.
2-Vipassanā sammādiṭṭhi: chánh-kiến-thiền-tuệ nghĩa là trí-tuệ-thiền-tuệ tam-giới thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp là pháp vô-ngã, thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp, thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới.
3-Maggasammādiṭṭhi: chánh-kiến Thánh-đạo-tuệ nghĩa là trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới chứng đắc 4 Thánh-đạo-tuệ có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.
4- Phalasammādiṭṭhi: chánh-kiến-Thánh-quả-tuệ nghĩa là trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới chứng đắc 4 Thánh-quả-tuệ có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.
5-Paccavekkhaṇāsammādiṭṭhi: chánh-kiến quán-triệt nghĩa là trí-tuệ-thiền-tuệ quán-triệt Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn đã chứng đắc; quán-triệt phiền-não đã diệt tận và phiền-não chưa diệt tận được.
Thật ra, phước-thiện chánh-kiến trong 10 phước-thiện puññakriyāvatthu thì chỉ có kammassakatā sammā-diṭṭhi: chánh-kiến-sở-nghiệp mà thôi.