Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 31 – Cõi-Giới Chúng-Sinh

Cõi-Giới Chúng-Sinh (Bhūmi)

Cõi-giới chúng-sinh (bhūmi) là nơi tạm trú đúng theo thời gian tuổi thọ ngắn ngủi hoặc lâu dài, tùy theo quả của ác-nghiệp hoặc quả của thiện-nghiệp của mỗi chúng-sinh trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới.

1- Cõi dục-giới có 11 cõi-giới.

2- Cõi sắc-giới có 16 tầng trời sắc-giới.

3- Cõi vô-sắc-giới có 4 tầng trời vô-sắc-giới.

Trong quyển sách nhỏ này chỉ giảng giải về cõi dục-giới gồm có 11 cõi-giới mà thôi, không đề cập đến cõi sắc-giới có 16 tầng trời sắc-giới và cõi vô-sắc-giới có 4 tầng trời vô-sắc-giới.

Dục-giới gồm có 11 cõi chia ra 2 cõi-giới

– Apāyabhūmi: Cõi ác-giới có 4 cõi.

– Kāmasugatibhūmi: Cõi thiện-giới có 7 cõi.

I-Apāyabhūmi: Cõi ác-giới có 4 cõi:

– Nirayabhūmi: Cõi địa-ngục là nơi tạm trú của các loài chúng-sinh địa-ngục.

– Pettivisayabhūmi: Cõi ngạ-quỷ là nơi tạm trú của các loài ngạ-quỷ.

– Asurabhūmi: Cõi a-su-ra là nơi tạm trú của các loài a-su-ra.

– Tiracchānabhūmi: Cõi súc-sinh là nơi tạm trú của các loài súc-sinh. 

Apāyabhūmi cõi ác-giới còn gọi là dugati-bhūmi có 4 cõi, là nơi tạm trú của bốn loài chúng-sinh địa-ngục, ngạ-quỷ, a-su-ra, súc-sinh. Các chúng-sinh này gọi là dugatiahetuka-puggala: chúng-sinh vô-nhân cõi ác-giới là loài chúng-sinh có tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) với suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả thuộc về bất-thiện-quả vô-nhân-tâm không có nhân nào trong 6 nhân (tham, sân, si, vô-tham, vô-sân, vô-si).

I.1- Nirayabhūmi: Cõi địa-ngục

Nirayabhūmi: Cõi địa-ngục là cõi hoàn toàn không có sự an-lạc, chỉ có khổ mà thôi, chúng-sinh trong cõi địa-ngục thuộc về loại chúng-sinh hóa-sinh luôn luôn bị hành hạ suốt ngày đêm, chết rồi hóa-sinh trở lại, phải chịu bao nỗi thống khổ cùng cực, chẳng bao giờ được ngơi nghỉ.

Ác-nghiệp nào cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm chúng-sinh trong cõi địa-ngục?

Người ác nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, không biết tự trọng, phạm điều-giới, tạo ác-nghiệp phạm giới.

Sau khi người ác ấy chết, nếu ác-nghiệp trong sân-tâm có nhiều năng lực có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong sân-tâm thuộc về bất-thiện-quả vô-nhân-tâm gọi là tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikicca) hóa-sinh làm chúng-sinh trong cõi địa-ngục chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy, cho đến khi mãn quả khổ của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục.

Nirayabhūmi cõi địa-ngục có bao nhiêu loại, mỗi loại có bao nhiêu cõi?

Niraya với naraka đồng nghĩa với nhau.

Narakabhūmi: Cõi địa-ngục có 2 loại:

– Mahānaraka: Đại-địa-ngục có 8 cõi lớn.

– Ussadanaraka: Tiểu-địa-ngục (cūḷanaraka) bao quanh 8 đại-địa-ngục, mỗi đại-địa-ngục có 4 cửa, mỗi cửa có 4 tiểu-địa-ngục gồm có 8 x 4 x 4=128 ussadanaraka (cūḷanaraka):tiểu-địa-ngục.

* Mahānaraka: Đại-địa-ngục có 8 cõi:

1- Sañjīvanaraka là đại-địa-ngục mà chúng-sinh địa-ngục bị giết chết, rồi hóa-sinh trở lại trong đại-địa-ngục ấy.

Trong đại-địa-ngục này, chúa đại-địa-ngục dùng khí giới giết chúng-sinh địa-ngục ấy chết, rồi hóa-sinh ngay tức khắc trở lại, và cứ tiếp diễn như vậy, gọi đại-địa-ngục này là sañjīvanaraka.

2- Kāḷasuttanaraka là đại-địa-ngục mà chúng-sinh địa-ngục bị đánh đập bằng sợi dây đen, rồi bị chặt ngay lằn dây ấy. 

Trong đại-địa-ngục này, chúa đại-địa-ngục đánh đập chúng-sinh địa-ngục bằng sợi dây màu đen, rồi dùng đao to chặt chúng-sinh địa-ngục ấy, nên gọi đại-địa-ngục này là kāḷasuttanaraka.

3- Saṅghātanaraka là đại-địa-ngục mà chúng-sinh địa-ngục bị hòn núi bằng sắt cháy đỏ chà xát chúng-sinh địa-ngục ấy thành bột.

Trong đại-địa-ngục này, chúng-sinh bị hòn núi to cao bằng sắt cháy đỏ sáng rực chà xát chúng-sinh địa-ngục thành bột, nên gọi đại-địa-ngục này là saṅghātanaraka.

4- Roruvanaraka (dhūmaroruva) là đại-địa-ngục mà chúng-sinh địa-ngục bị luồng khói nóng chui vào 9 môn làm nóng rực khóc than lớn tiếng.

Trong đại-địa-ngục này, chúng-sinh khóc than lớn tiếng, nên gọi đại-địa-ngục này là roruva-naraka. Hoặc chúng-sinh địa-ngục bị luồng khói nóng chui vào 9 môn làm nóng rực khóc than lớn tiếng, nên gọi đại-địa-ngục này là dhūmaroruva.

5- Mahāroruvanaraka (jālāroruva) là đại-địa-ngục mà chúng-sinh địa-ngục bị lửa thiêu đốt 9 môn nóng rực không chịu nổi khóc than lớn tiếng.

Trong đại-địa-ngục này chúng-sinh khóc than lớn tiếng hơn roruvanaraka, nên gọi đại-địa-ngục này là mahāroruvanaraka. Hoặc chúng-sinh địa-ngục bị luồng khói nóng chui vào 9 môn làm nóng rực không sao chịu nổi, khóc than lớn tiếng nhiều, nên gọi đại-địa-ngục này là jālāroruva.

6- Tāpananaraka (cūḷatāpana) là đại-địa-ngục mà chúng-sinh địa-ngục bị cắm chặt một nơi thiêu đốt nóng rực.

Trong đại-địa-ngục này, chúng-sinh bị cắm chặt bởi cây giáo sắt ở một chỗ, lửa thiêu đốt nóng rực, nên gọi đại-địa-ngục này là tāpananaraka.

7- Mahātāpananaraka (patāpana) là đại-địa-ngục mà chúng-sinh địa-ngục bị bắt buộc leo lên núi sắt cao nóng rực kinh khủng, rồi rơi xuống bị mũi giáo nhọn đâm thủng, còn bị lửa thiêu đốt càng nóng thêm nữa.

Trong đại-địa-ngục này, chúng-sinh độc ác bị bắt buộc leo lên núi sắt cao nóng rực kinh khủng, rồi rơi xuống bị mũi giáo nhọn đâm thủng, còn bị lửa thiêu đốt càng nóng dữ dội, nên gọi đại-địa-ngục này là mahātāpananaraka.

8- Avīcinaraka là đại-địa-ngục mà chúng-sinh địa-ngục độc ác bị giam giữ trong 4 bức thành sắt nóng, bị thiêu đốt suốt thời gian không ngừng.

Trong đại-địa-ngục này, chúng-sinh địa-ngục độc ác bị ngọn lửa địa-ngục thiêu đốt suốt thời gian không ngừng, nên gọi đại-địa-ngục này là avīcinaraka. 

Ác-nghiệp cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục

Ác-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi địa-ngục đó là ác-nghiệp trong sân-tâm tạo thân ác-nghiệp, khẩu ác-nghiệp, ý ác-nghiệp.

* Trong tất cả mọi ác-nghiệp chỉ có ác-nghiệp trọng-tội gọi là pañcānantariyakamma: 5 ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội đó là ác-nghiệp giết cha, ác-nghiệp giết mẹ, ác-nghiệp giết bậc Thánh A-ra-hán, ác-nghiệp làm bầm máu bàn chân của Đức-Phật, ác-nghiệp chia rẽ chư tỳ-khưu-Tăng là nặng hơn cả.

Nếu người ác nào đã phạm tội một trong 5 ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội này, sau khi người ác ấy chết, chắc chắn ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội ấy cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, mà không có nghiệp nào có khả năng làm gián đoạn được, nên gọi là ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội (ānantariyakamma), chúng-sinh địa-ngục ấy phải chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy suốt khoảng thời gian lâu dài cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới mong thoát ra khỏi cõi địa-ngục ấy được.

* Và người ác nào có tà-kiến cố-định chấp-thủ không thay đổi gọi là niyatamicchādiṭṭhikamma: ác-nghiệp tà-kiến cố-định, có 3 loại:

– Natthikadiṭṭhi: Vô-quả tà-kiến. 

– Ahetukadiṭṭhi: Vô-nhân tà-kiến.

– Akiriyādiṭṭhi: Vô-hành tà-kiến.

Người ác ấy hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp, đúng theo sự thật, nghiệp và quả của nghiệp là có thật sự, cho nên sau khi người ác ấy chết, chắc chắn ác-nghiệp tà-kiến cố-định ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy suốt khoảng thời gian không có hạn định, bởi vì chúng-sinh ấy không biết ăn năn, không chịu từ bỏ tà-kiến cố-định của mình.

Ác-nghiệp cho quả tái-sinh mỗi đại-địa-ngục

1- Trong đời, người ác nào cậy có quyền thế hành hạ, đàn áp, giết người, làm khổ người yếu thế một cách không hợp pháp, hoặc bọn cướp tàn nhẫn tràn vào xóm làng uy hiếp dân lành, cướp của cải, giết người, v.v…

Sau khi người ác ấy chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau phần nhiều trong cõi đại-địa-ngục sañjīvamahānaraka chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy trong suốt thời gian lâu dài cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục ấy.

2- Trong đời, người ác nào hành hạ, làm khổ người có giới-đức, giết hại bậc xuất gia như tỳ-khưu, sa-di, đạo-sĩ, người có giới hạnh tốt, v.v… 

Sau khi người ác ấy chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau phần nhiều trong cõi đại-địa-ngục kāḷasuttamahānaraka chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy trong suốt thời gian lâu dài, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục ấy.

3- Trong đời, người ác nào hành hạ các loài gia súc như trâu, bò, voi, ngựa, v.v… không có tâm bi thương xót chúng-sinh, và những người thợ săn thú rừng, bắn chim, v.v…

Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau phần nhiều trong cõi đại-địa-ngục saṅghātamahānaraka chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy trong suốt thời gian lâu dài, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục ấy.

4- Trong đời, người ác nào đốt rừng thiêu đốt các sinh vật, làm nghề bẫy chim, bẫy thú rừng, làm nghề bắt cá bằng lưới, người nuôi gia cầm để bán thịt, v.v…

Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau phần nhiều trong cõi đại-địa-ngục cūḷaroruvamahānaraka chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy trong suốt thời gian lâu dài, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục ấy.

5- Trong đời, người ác nào trộm cắp của cải đồ đạc của cha mẹ, của thầy tổ, của tỳ-khưu-Tăng, sa-di, của tu-nữ, trộm cắp phẩm vật cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng, v.v…

Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau phần nhiều trong cõi đại-địa-ngục mahāroruvamahānaraka chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy trong suốt thời gian lâu dài, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục ấy.

6- Trong đời, người ác nào đốt nhà, đốt chỗ ở của chư tỳ-khưu, sa-di, đốt chùa, phá ngôi bảo tháp, v.v…

Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau phần nhiều trong cõi đại-địa-ngục cūḷatāpanamahānaraka chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy trong suốt thời gian lâu dài, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục ấy.

7- Trong đời, người ác nào không học hỏi về nghiệp và quả của nghiệp, nên có tà-kiến thấy sai chấp lầm, như sau:

– Là người có đoạn-kiến (ucchedadiṭṭhi) cho rằng: chết là hết, không còn gì cả, không có tái-sinh kiếp sau nào cả.

– Là người có thường-kiến (sassatadiṭṭhi) cho rằng: người nào chết rồi trở lại sinh làm người ấy, nghĩa là người giàu chết rồi trở lại sinh làm người giàu; người nghèo chết rồi trở lại sinh làm người nghèo; người chết như thế nào rồi trở lại sinh làm người như thế ấy, v.v… Con chó nào chết rồi trở lại sinh làm con chó ấy; con mèo nào chết rồi trở lại sinh làm con mèo ấy; con thú nào chết rồi trở lại sinh làm con thú ấy.

– Là người không tin nghiệp và quả của nghiệp, nên không tin đại-thiện-nghiệp cho quả an-lạc, ác-nghiệp cho quả khổ; chỉ biết an-lạc hoặc khổ do số mạng mà thôi, …

Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau phần nhiều trong cõi đại-địa-ngục mahātāpanamahānaraka chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy trong suốt thời gian lâu dài, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục ấy.

8- Trong đời, người ác nào đã tạo 1 trong 5 ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội (ānantariyakamma) là ác-nghiệp giết cha, ác-nghiệp giết mẹ, ác-nghiệp giết bậc Thánh A-ra-hán, ác-nghiệp làm bầm máu bàn chân của Đức-Phật, ác-nghiệp chia rẽ chư tỳ-khưu-Tăng, hoặc có ác-nghiệp tà-kiến-cố-định (aniyatamicchādiṭṭhi) là ác-nghiệp vô-quả tà-kiến, ác-nghiệp vô-nhân tà-kiến, ác-nghiệp vô-hành tà-kiến, chấp-thủ cố định không thay đổi, hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp. 

Sau khi hai hạng người ấy chết, chắc chắn ác-nghiệp trọng-tội ấy cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục avīcimahānaraka.

Đối với chúng-sinh có ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy trong suốt thời gian lâu dài, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục ấy.

Còn đối với chúng-sinh có ác-nghiệp tà-kiến-cố-định, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy trong suốt thời gian lâu dài, không có hạn định, bởi vì chúng-sinh ấy không chịu từ bỏ tà-kiến cố-định của mình.

Nhận xét về hai loại ác-nghiệp trọng-tội

Hai loại ác-nghiệp trọng-tội đó là ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội (ānantariyakamma) là ác-nghiệp giết cha, ác-nghiệp giết mẹ, ác-nghiệp giết bậc Thánh A-ra-hán, ác-nghiệp làm bầm máu bàn chân của Đức-Phật, ác-nghiệp chia rẽ chư tỳ-khưu-Tăng và ác-nghiệp tà-kiến-cố-định là ác-nghiệp vô-quả tà-kiến, ác-nghiệp vô-nhân tà-kiến, ác-nghiệp vô-hành tà-kiến.

Trong hai loại ác-nghiệp trọng-tội này, ác-nghiệp tà-kiến-cố-định là nặng hơn ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội, bởi vì người có ác-nghiệp tà-kiến-cố-định là người hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp nên không biết ăn năn sám hối tội lỗi, không từ bỏ ác-nghiệp tà-kiến-cố-định của mình.

Còn người nào đã lỡ phạm 1 trong 5 ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội rồi, về sau, người ấy biết ăn năn sám hối tội lỗi của mình, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới, trở thành người cận-sự-nam (hoặc cận-sự-nữ), tránh xa mọi ác-nghiệp, chỉ tạo mọi đại-thiện-nghiệp và cố gắng tinh-tấn tạo mọi phước-thiện mà thôi, chắc chắn không thể tạo sắc-giới thiện-nghiệp được, bởi vì, sau khi người ấy chết, chắc chắn chỉ có ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội có quyền ưu tiên cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci mà thôi, không có nghiệp nào có khả năng làm gián đoạn được. Chúng-sinh địa ngục phải chịu quả khổ lâu dài, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục ấy.

Sau khi thoát ra khỏi cõi địa-ngục, hậu-kiếp của người ấy nếu có đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người, người ấy có khả năng tạo mọi thiện-nghiệp.

* Ví như trường-hợp tiền-kiếp xa xưa của Ngài Đại-trưởng-lão Mahāmoggallāna đã từng đánh cha mẹ đến chết, rồi bỏ vào bụi cây, đã phạm hai trong 5 ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội.

Sau khi tiền-kiếp ấy của Ngài chết, ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi đại-địa-ngục.

Trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, kiếp hiện-tại của Ngài Đại-trưởng-lão Mahāmoggallāna là bậc Thánh A-ra-hán Tối-thượng-thanh-văn có phép-thần-thông đệ nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.

Trước khi Ngài Đại-trưởng-lão Mahāmog-gallāna tịch diệt Niết-bàn, ác-nghiệp cũ còn dư sót nên Ngài Đại-trưởng-lão bị bọn cướp đánh đập Ngài tan xương nát thịt, chúng tưởng Ngài đã chết nên ném xác Ngài Đại-trưởng-lão vào bụi cây.

Ngài Đại-trưởng-lão Mahāmoggallāna vận dụng phép-thần-thông gắn liền lại, rồi bay đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, xin tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

* Trường-hợp tỳ-khưu Devadatta đã tạo hai ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội là làm bầm máu bàn chân của Đức-Phật và chia rẽ chư tỳ-khưu-Tăng. 

Đến khi tỳ-khưu Devadatta bị lâm bệnh nặng, trước khi chết, tỳ-khưu Devadatta biết ăn năn hối hận về tội lỗi của mình nên truyền bảo nhóm đệ-tử khiêng giường tỳ-khưu đang nằm đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, kính xin sám hối tội lỗi của mình.

Khi đến khuôn viên chùa Jetavana, đặt giường xuống để cho tỳ-khưu Devadatta rửa mặt, tỳ-khưu Devadatta vừa chạm đôi bàn chân xuống đất thì mặt đất nứt làm đôi, hút thân hình của tỳ-khưu Devadatta xuống sâu trong lòng đất. Sau khi tỳ-khưu Devadatta chết, ác-nghiệp vô-gián trọng-tội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy.

Trong bộ Chú-giải Pháp-cú giải rằng:

“So hi ito satasahassakappamattake Aṭṭhissaro nāma Paccekabuddho bhavissati.”

Sau khi tỳ-khưu Devadatta chết, ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci, kể từ đại-kiếp trái đất này cho đến 100 ngàn đại-kiếp trái đất sau nữa, mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người, hậu-kiếp của tỳ-khưu Devadatta sẽ trở thành Đức-Phật Độc-Giác có danh hiệu là Aṭṭhissara.

* Trường-hợp Đức-vua Ajātasattu đã giết Đức Phụ-vương Bimbisāra là bậc Thánh Nhập-lưu, đã phạm 1 trong 5 ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội.

Sau đó, Đức-vua Ajātasattu biết ăn năn hối lỗi, nên ngự đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, khi ấy, Đức-Phật thuyết bài kinh Sāmaññaphalasutta để tế độ Đức-vua. Sau khi nghe Đức-Phật thuyết-pháp xong, Đức-vua phát sinh hỷ lạc chưa từng có bao giờ, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, kính xin thọ phép quy y Tam-bảo rằng:

“Esāhaṃ bhante, Bhagavantaṃ saraṇam gacchāmi dhammañca bhikkhusaṃghañca. Upāsikaṃ maṃ Bhagavā dhāretu, ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gataṃ.”

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con đem hết lòng thành kính xin quy y nương nhờ nơi Đức-Thế-Tôn, nơi Đức-Pháp-bảo, nơi chư tỳ-khưu Tăng-bảo.

Kính xin Đức-Thế-Tôn nhận biết con là người cận-sự-nam đã quy y nơi Tam-bảo, kể từ hôm nay cho đến trọn đời.

Khi ấy, Đức-vua Ajātasattu kính xin sám hối tội lỗi giết Đức Phụ-vương của mình. Kính xin Đức-Phật chứng minh nhận biết sự sám hối tội lỗi của mình.

* Trong Chú-giải giảng rằng:

Sau khi nghe bài kinh Sāmaññaphalasutta này xong, nếu Đức-vua Ajātasattu không phạm ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội giết đức phụ-vương thì chứng đắc thành bậc Thánh Nhập-lưu ngay tại nơi ấy, nhưng vì Đức-vua Ajātasattu đã phạm ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội nên không thể trở thành bậc Thánh Nhập-lưu được.

Đức-vua Ajātasattu còn là phàm-nhân có đức-tin trong sạch đặc biệt nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, hết lòng lo phụng sự Tam-bảo đến trọn đời.

Thật vậy, sau khi Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn được 3 tháng 4 ngày, Ngài đại-trưởng-lão Mahākassapa tổ chức kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhất, gồm có 500 bậc Thánh A-ra-hán, tại động Sattapaṇṇi gần kinh-thành Rājagaha.

Đức-vua Ajātasattu hộ độ 500 bậc Thánh A-ra-hán trong kỳ kết tập Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi lần thứ nhất, suốt 7 tháng mới hoàn thành xong trọn bộ Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi.

Trong Chú-giải này, Đức-Phật truyền dạy được tóm lược như sau:

Sau khi Đức-vua Ajātasattu băng hà, ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội giết Đức phụ-vương lẽ ra cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi đại-địa-ngục Avīci chịu quả khổ suốt trong thời gian lâu dài, nhưng nhờ đại-thiện-nghiệp quy-y Tam-bảo và các đại-thiện-nghiệp khác nhất là đại-thiện-nghiệp hộ độ chư 500 bậc Thánh A-ra-hán trong kỳ kết tập Tam-tạng lần thứ nhất, làm giảm được tiềm năng cho quả của ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội ấy, nên chỉ cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi tiểu-địa-ngục Lohakumbhī (nồi đồng sôi) từ miệng nồi chìm xuống đến đáy nồi, trong khoảng thời gian 30 ngàn năm, rồi từ đáy nồi nổi lên miệng nồi trong khoảng thời gian 30 ngàn năm gồm có 60 ngàn năm mới thoát ra khỏi cõi tiểu-địa-ngục này.

Sau khi thoát ra khỏi cõi tiểu-địa-ngục, do nhờ đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm hạng người tam-nhân, hậu-kiếp của Đức-vua Ajātasattu sẽ trở thành Đức-Phật Độc-giác có danh hiệu là Vijitāvī.

Đại-địa-ngục (Mahānaraka)

Đại-địa-ngục (Mahānaraka) có 8 cõi sắp đặt chiều sâu của mỗi cõi đại-địa-ngục theo tuần tự, có khoảng cách nhau 15 ngàn do-tuần.

Mỗi cõi đại-địa-ngục có 4 hướng, mỗi hướng có 1 cửa, bên ngoài mỗi cửa có 4 địa-ngục ussadanaraka (cūḷanaraka: cõi tiểu-địa-ngục) nằm quanh 4 cửa.

Như vậy, đại-địa-ngục (mahānaraka) có 8 cõi, mỗi cõi có 4 cửa gồm có 32 cửa địa-ngục mà mỗi cửa có một chúa địa-ngục, gồm có 32 chúa địa-ngục.

* Ussadanaraka hoặc Cūḷanaraka

Ussadanaraka (Cūḷanaraka: tiểu-địa-ngục) nằm xung quanh 8 cõi đại-địa-ngục tại 4 hướng, mỗi hướng có 4 cõi tiểu-địa-ngục, mỗi cõi đại-địa-ngục có 16 cõi tiểu-địa-ngục.

Như vậy, 8 cõi đại-địa-ngục gồm có 128 cõi tiểu-địa-ngục.

Ussadanaraka: Cõi tiểu-địa-ngục có 4 cõi:

Bốn cõi ussadanaraka này nằm xung quanh 4 cửa của 8 cõi đại-địa-ngục có tên gọi giống nhau, nhưng chỉ có khác nhau về tội nặng, tội nhẹ mà thôi, theo thứ tự như sau:

– Gūthanaraka: Cõi địa-ngục hầm phẩn thối.

– Kukkulanaraka: Cõi địa-ngục hầm tro nóng.

– Simpalivananaraka: Cõi địa-ngục rừng cây gai nhọn.

– Vettaraṇīnaraka: Cõi địa-ngục sông nước mặn đầy gai nhọn.

1- Gūthanaraka: Cõi địa-ngục hầm phẩn thối

Tuy chúng-sinh đã thoát ra khỏi cõi đại-địa-ngục avīci rồi, nhưng năng lực của ác-nghiệp trọng-tội vẫn còn dư sót, nên ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi tiểu-địa-ngục gūthanaraka hầm phẩn thối, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy.

* Một thuở nọ, Đức-vua Bồ-tát Nimi truyền hỏi thiên nam Mātali rằng:

– Này thiên-nam Mātali! Hồ nước này chứa đầy phẩn và nước tiểu dơ bẩn có mùi hôi thối tỏa ra, chúng-sinh địa-ngục bị đói khát không chịu nổi, nên ăn phẩn và uống nước tiểu như vậy.

Do tiền-kiếp của các chúng-sinh ấy đã tạo ác-nghiệp như thế nào?

Vị thiên-nam Mātali biết rõ quả khổ của ác-nghiệp của các chúng-sinh ấy, nên tâu rằng:

– Muôn tâu Đại-vương cao thượng, tiền-kiếp của các chúng-sinh ấy khi còn trên cõi người là những người phản bạn, hại bạn, thường làm khổ những người khác, những chúng-sinh khác, không có tâm từ, tâm bi.

Sau khi những người ấy chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh làm những chúng-sinh trong cõi tiểu-địa-ngục này, phải chịu quả khổ đói khát không chịu nổi, nên phải ăn phẩn, uống nước tiểu dơ bẩn như vậy. Tâu Đại-vương.

2- Kukkulanaraka: Cõi địa-ngục hầm tro nóng

Tuy chúng-sinh đã thoát ra khỏi cõi tiểu-địa-ngục gūthanaraka hầm phẩn thối rồi, nhưng năng lực của ác-nghiệp trọng-tội vẫn còn dư sót, nên ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi tiểu-địa-ngục kukkulanaraka hầm tro nóng, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy.

* Hoặc người nào buôn bán lừa dối, lấy hàng hóa xấu trộn lẫn vào hàng hóa tốt, rồi bán giá cao theo món hàng hóa tốt, phạm điều-giới trộm-cắp, tạo ác-nghiệp trộm-cắp.

Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau phần đông trong cõi tiểu-địa-ngục kukkulanaraka: hầm tro nóng, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy thiêu đốt làm cho đói khát không sao chịu nổi, chúng-sinh địa-ngục chạy đến sông uống nước thì uống phải tro nóng lại càng khổ hơn nữa, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy như vậy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy.

3- Simbalivananaraka: Cõi địa-ngục rừng cây gai bén nhọn.

Tuy chúng-sinh đã thoát ra khỏi cõi tiểu-địa-ngục kukkulanaraka hầm tro nóng rồi, nhưng năng lực của ác-nghiệp trọng-tội vẫn còn dư sót, nên ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi tiểu-địa-ngục simpalivananaraka rừng cây gai bén nhọn, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy.

* Hoặc người đàn bà đã có chồng rồi, đi ngoại tình với người đàn ông khác, hoặc người đàn ông đã có vợ rồi, đi ngoại tình với người đàn bà khác, phạm điều-giới tà-dâm, tạo ác-nghiệp tà-dâm.

Sau khi người đàn bà hoặc người đàn ông ấy chết, ác-nghiệp tà-dâm ấy cho quả tái-sinh kiếp sau phần đông trong cõi tiểu-địa-ngục simpalivana-naraka rừng cây gai bén nhọn, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy.

4- Vettaraṇīnaraka: Cõi địa-ngục sông nước mặn đầy gai nhọn.

Tuy chúng-sinh đã thoát ra khỏi cõi tiểu-địa-ngục simpalivananaraka rừng cây gai nhọn rồi, nhưng năng lực của ác-nghiệp trọng-tội vẫn còn dư sót, nên ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi tiểu-địa-ngục vettaraṇīnaraka sông nước mặn đầy gai nhọn, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy.

* Hoặc người phụ nữ nào có tác-ý phá thai trong bụng của mình phạm điều-giới sát-sinh, tạo ác-nghiệp sát-sinh.

Người phụ nữ ấy sau khi chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau phần đông trong cõi tiểu-địa-ngục vettaraṇīnaraka sông nước mặn đầy gai nhọn, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy.

* Yamalokanaraka

Tuy chúng-sinh đã chịu quả khổ của ác-nghiệp trong cõi đại-địa-ngục (mahānaraka) và cõi tiểu-địa-ngục ussadanaraka rồi, nhưng năng lực của ác-nghiệp vẫn còn dư sót, nên ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi địa-ngục yamalokanaraka nằm bên ngoài cách xa cõi tiểu-địa-ngục ussadanaraka.

Cõi địa-ngục yamalokanaraka nằm quanh 4 hướng của cõi tiểu-địa-ngục ussadanaraka, mỗi hướng có 10 cõi địa-ngục nhỏ, gồm có 40 cõi địa-ngục yamalokanaraka.

Như vậy, cõi địa-ngục yamalokanaraka xung quanh 8 đại-địa-ngục, gồm có 320 cõi địa-ngục.

Yamalokanaraka có 10 cõi địa-ngục:

1- Lohakumbhīnaraka: Cõi địa-ngục nồi đồng rất sâu và to lớn sôi sùng sục không ngừng.

2- Simbalinaraka: Cõi địa-ngục rừng cây gai bén nhọn có chất độc dành cho đàn bà hoặc đàn ông phạm điều-giới tà-dâm, tạo ác-nghiệp tà-dâm. 

3- Asinakhanaraka: Cõi địa-ngục mà chúng-sinh sử dụng móng tay, móng chân bén nhọn của mình trở thành con dao bén xẻo da thịt trong thân của mình làm vật thực để ăn.

4- Tāmabodakanaraka: Cõi địa-ngục nồi sắt nấu đồng sôi sùng sục không ngừng.

5- Ayoguḷanaraka: Cõi địa-ngục tràn đầy những cục sắt cháy đỏ rực làm vật thực cho chúng-sinh trong cõi địa-ngục này.

6- Pissakapabbatanaraka: Cõi địa-ngục có bốn hòn núi lớn ở bốn hướng di chuyển được, lăn đến chà xát các chúng-sinh địa-ngục chết, rồi hóa-sinh trở lại chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy.

7- Dhusanaraka: Cõi địa-ngục mà chúng-sinh sống trong cõi này chịu đói khát khủng khiếp.

8- Sītalositanaraka: Cõi địa-ngục có độ lạnh kinh khủng hơn hết, chúng-sinh trong cõi này chết vì lạnh, rồi hóa-sinh trở lại. Chúa địa-ngục bắt chúng-sinh ấy ném xuống cõi địa-ngục này, cứ như vậy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy.

9- Sunakhanaraka: Cõi địa-ngục có nhiều loài chó địa-ngục cắn xé ăn thịt chúng-sinh địa-ngục chết, rồi hóa-sinh trở lại như vậy.

10- Yantapāsāṇanaraka: Cõi địa-ngục có hòn núi luôn luôn chạm vào nhau, chúa địa-ngục bắt chúng-sinh địa-ngục ném vào chỗ giữa hai hòn núi chạm nhau, chúng-sinh ấy chết, rồi hóa-sinh trở lại, cứ như vậy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy.

Lokantarikanaraka là cõi đại-địa-ngục đặc biệt nằm khoảng trống ở giữa là nơi giáp ranh của ba cakkavāḷa (cõi vũ trụ thế-giới).

Lokantarikanaraka: Cõi địa-ngục này hoàn toàn tối đen như mực, chúng-sinh trong cõi địa-ngục này có thân hình to lớn, có móng tay, móng chân cứng và dài để bám luôn luôn vào thành ranh giới vũ trụ thế-giới.

Như vậy, các cõi địa-ngục gồm có như sau:

– Mahānaraka (cõi đại-địa-ngục) có 8 cõi.

– Ussadanaraka (cõi tiểu-địa-ngục) có 128 cõi.

– Yamanaraka (cõi địa-ngục yama) có 320 cõi.

– Lokantarika naraka (cõi địa-ngục lokantarika) có một cõi.

Toàn cõi địa-ngục gồm có 457 cõi.

Nhận xét về ác-nghiệp nặng

Ác-nghiệp nặng cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi đại-địa-ngục mahānaraka, chúng-sinh ở trong cõi đại-địa-ngục chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy trong suốt thời gian lâu dài cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy. 

Tuy đã được thoát ra khỏi cõi đại-địa-ngục, nhưng ác-nghiệp ấy vẫn còn có năng lực, nên cho quả tái-sinh kiếp sau tiếp theo trong cõi tiểu-địa-ngục ussadanaraka, tiếp tục chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy theo tuần tự qua 4 cõi tiểu-địa-ngục, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy.

Tuy đã được thoát ra khỏi cõi tiểu-địa-ngục, nhưng ác-nghiệp ấy vẫn còn có năng lực, nên cho quả tái-sinh kiếp sau tiếp theo trong cõi địa-ngục yamalokanaraka, tiếp tục chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục.

Nếu ác-nghiệp ấy vẫn còn có năng lực thì cho quả tái-sinh kiếp sau trong loài ngạ-quỷ, tiếp tục chịu quả khổ của ác-nghiệp cho đến mãn quả của ác-nghiệp ấy.

Chúng-sinh chịu quả khổ của ác-nghiệp trong mỗi cõi địa-ngục lâu dài hoặc mau hoàn toàn tùy thuộc vào ác-nghiệp nặng nhiều hoặc nặng ít, cho nên tuổi thọ của chúng-sinh trong cõi địa-ngục không nhất định.

* Như trường hợp sau khi tỳ-khưu Devadatta chết, ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy từ cõi đại-địa-ngục đến cõi tiểu-địa-ngục suốt 100 ngàn đại-kiếp trái đất mới mãn quả của ác-nghiệp ấy.

Sau khi thoát ra khỏi cõi địa-ngục, đại-thiện-nghiệp mới có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm hạng người tam-nhân rồi trở thành Đức-Phật Độc-Giác có danh hiệu là Aṭṭhissara.

* Trường-hợp sau khi Đức-vua Ajātasattu băng hà, ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong cõi tiểu-địa-ngục Lohakumbhī, chịu khổ của ác-nghiệp ấy suốt 60 ngàn năm mới mãn quả của ác-nghiệp ấy.

Sau khi thoát ra khỏi cõi địa-ngục, đại-thiện-nghiệp mới có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm hạng người tam-nhân rồi trở thành Đức-Phật Độc-Giác có danh hiệu là Vijitāvī.

Cho nên, khi được sinh làm người mà người nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, vì dể duôi quên mình, có tác-ý trong ác-tâm tạo ác-nghiệp nặng nào, sau khi người ấy chết, ác-nghiệp nặng ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau làm chúng-sinh trong cõi đại-địa-ngục, rồi từ cõi tiểu-địa-ngục này đến cõi tiểu-địa-ngục khác, chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy.

Hậu-kiếp của người ấy, để có được đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trở lại làm người, thật là một điều vô cùng khó khăn.

Như Đức-Phật dạy rằng:

“Manussattabhāvo dullabho.”

(Được sinh làm người là một điều rất khó).

Chúng ta có diễm phúc được sinh làm người rồi, cần phải nên quý trọng, cố gắng giữ gìn các điều-giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn, đối với người tại gia, cần phải giữ gìn ngũ-giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn, tránh xa mọi ác-nghiệp dù nhẹ, bởi vì ác-nghiệp có cơ hội cho quả khổ trong kiếp hiện-tại và những kiếp vị-lai, và cố gắng tinh-tấn tạo mọi đại-thiện-nghiệp dù nhỏ dù lớn, bởi vì đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.

* Tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama là kiếp Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya sinh ra được một tháng tuổi nhớ lại tiền-kiếp của Đức-Bồ-tát theo tuần tự như sau:

* Tiền-kiếp của Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya là vị thiên-nam trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

* Tiền-kiếp của vị Đức-Bồ-tát thiên nam là chúng-sinh trong cõi tiểu-địa-ngục ussadanaraka chịu quả khổ của ác-nghiệp suốt 80.000 năm.

* Tiền-kiếp của chúng-sinh trong cõi tiểu-địa-ngục ussadanaraka là Đức-vua Bồ-tát Kāsi ngự tại kinh-thành Bārāṇasī trị vì đất nước Kāsi 20 năm. Đức-vua Kāsi đã tạo ác-nghiệp, sau khi Đức-vua băng hà, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh trong cõi tiểu-địa-ngục ussadanaraka, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy suốt 80.000 năm, mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục.

Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya đã nhớ lại được tiền-kiếp của mình như vậy, nên phát sinh tâm kinh sợ đến lúc trưởng thành sẽ lên ngôi làm vua. Để tránh lên ngôi làm vua, nên Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya phát-nguyện ba điều:

– Ta không phải là người bại liệt, ta phát nguyện làm như người bại liệt.

– Ta không phải là người điếc, ta phát nguyện làm như người điếc.

– Ta không phải là người câm, ta phát nguyện làm như người câm.

Ta quyết tâm thực-hành nghiêm chỉnh đúng theo ba điều phát nguyện này, để tránh lên ngôi làm vua.

Thật vậy, Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya nghiêm chỉnh thực-hành ròng rã suốt 16 năm.

Các vị bà-la-môn tâu lên Đức-vua Kāsirājā:

Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya là người xui xẻo kāḷakaṇṇī sẽ gây tai hoạ đến Đức-vua, Chánh-cung Hoàng-hậu và triều đình.

Tin theo lời các vị bà-la-môn, Đức-vua Kāsirājā truyền lệnh cho người đánh xe Sunanda chở Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya vào rừng sâu chôn sống Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya.

Khi rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, đến khu rừng, Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya đã thành tựu pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật bậc thượng, tránh lên ngôi làm vua một cách hợp pháp, nên Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya xuất gia trở thành đạo-sĩ sống trong rừng thực-hành bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật cho đến hết tuổi thọ.

Mỗi chúng-sinh trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, từ vô thủy trải qua vô số kiếp cho đến kiếp hiện-tại này, chắc là có nhiều kiếp đã từng tái-sinh trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh).

Nếu như người nào nhớ lại được tiền-kiếp của mình đã từng chịu khổ cùng cực trong cõi địa-ngục thì người ấy trong kiếp hiện-tại này chắc không dám phạm điều-giới nào, tạo ác-nghiệp ấy, bởi vì, chỉ có ác-nghiệp mới có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới mà thôi.

Người ấy giữ-giới các điều-giới của mình cho được trong sạch trọn vẹn, tạo đại-thiện-nghiệp, để tránh khỏi tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.

 

Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 30 - Ba hạng người trong đời
Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 32 - Cõi Ngạ-Quỷ

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *