1.3- Ác-Nghiệp Tà-Dâm

Tà-dâm là sự quan hệ tình dục với người khác mà không phải là vợ, là chồng của nhau. Tà-dâm là một hành vi xấu xa, bất chính, thấp hèn mà chư thiện trí chê trách. Vì vậy, tà-dâm gọi là ác-nghiệp tà-dâm.

Nếu người đàn ông với người đàn bà là vợ chồng của nhau, đúng theo phong tục tập quán, được hai bên cha mẹ, bà con dòng họ công nhận, được chính quyền chấp thuận đúng theo luật pháp hiện hành, được mọi người đều công nhận… thì sự quan hệ tình dục giữa vợ chồng của nhau không gọi là tà-dâm, bởi vì đó là việc bình thường của những người tại gia, cũng không bị mọi người chê trách.

Chi-pháp của ác-nghiệp tà-dâm

Để biết ác-nghiệp tà-dâm có hội đủ các chi-pháp hay không hội đủ các chi-pháp, thì căn cứ vào 4 chi-pháp của ác-nghiệp tà-dâm như sau:

1- Agamaniyavatthu: Đối tượng là người nữ không được quan hệ tình dục.

2- Tasmiṃ sevanacittaṃ: Tham-tâm muốn quan hệ tình dục.

3– Payogo: Cố gắng quan hệ tình dục.

4- Maggenamaggapaṭipatti addhivāsaṃ: Tâm thỏa thích trong sự tiếp xúc giữa hai bộ phận sinh dục của người nam với người nữ.

Nếu người nào tạo ác-nghiệp tà-dâm hội đủ 4 chi-pháp của ác-nghiệp tà-dâm này thì người ấy tạo ác-nghiệp tà-dâm hội đủ chi-pháp, nhưng nếu không hội đủ 4 chi-pháp này thì người ấy tạo ác-nghiệp tà-dâm không hội đủ chi-pháp.

Quả của 2 loại ác-nghiệp tà-dâm này có sự khác biệt:

– Nếu ác-nghiệp tà-dâm hội đủ 4 chi-pháp này thì ác-nghiệp tà-dâm ấy có năng lực, có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla), và trong thời kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla) kiếp-hiện-hữu.

– Nếu ác-nghiệp tà-dâm không hội đủ 4 chi-pháp này thì ác-nghiệp tà-dâm ấy có ít năng lực, nếu có cơ-hội thì chỉ cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavatti-kāla) kiếp-hiện-hữu mà thôi.

 

Giảng giải về chi-pháp của ác-nghiệp tà-dâm

Đối tượng 20 người nữ mà người nam không được phép quan hệ tình dục là:

1- Con gái có mẹ trông nom (cha chết hay ở xa).

2- Con gái có cha trông nom (mẹ chết hay ở xa).

3- Con gái có mẹ cha trông nom.

4- Con gái có chị hoặc em gái trông nom.

5- Con gái có anh hoặc em trai trông nom.

6- Con gái có bà con trông nom.

7- Con gái có dòng họ trông nom (nếu con gái sống ở ngoại quốc, thì có người cùng nòi giống trông nom).

8- Con gái hành phạm hạnh có thầy, bạn trông nom.

9- Con gái đã được Đức-vua hoặc người có quyền thế đến mai mối rồi.

10- Con gái đã nhận lễ hứa hôn của đằng nhà trai.

11- Con gái đã được người đàn ông chuộc về làm vợ.

12- Con gái đã ưng thuận đi theo người mình yêu, để làm vợ.

13- Con gái đã ưng thuận làm vợ của một người đàn ông với hy vọng có được của cải.

14- Con gái đã ưng thuận làm vợ của một người đàn ông với hy vọng có được đồ trang sức.

15- Con gái đã làm lễ thành hôn với một người đàn  ông đúng theo phong tục tập quán.

16- Con gái nghèo buôn bán, đã được một người đàn ông thương yêu, rồi đem về nuôi, để làm vợ.

17- Con gái là tù nhân đã được người đàn ông lấy làm vợ.

18- Con gái làm trong công sở đã được người chủ sở  lấy làm vợ.

19- Con gái tôi tớ trong nhà đã được người chủ nhà lấy làm vợ.

20- Con gái chịu làm vợ trong thời gian ngắn (như các cô kỹ-nữ).

Trong 20 hạng con gái ấy, 8 hạng con gái phần đầu kể từ “con gái có mẹ trông nom” cho đến “con gái là người hành phạm-hạnh” tuy có người thân trông nom bảo vệ, nhưng người thân này không phải là chủ cuộc đời của họ. 8 hạng con gái này là người chưa có chồng, chưa có người đàn ông nào làm chủ cuộc đời của họ. Do đó, nếu 8 hạng con gái này tự ý lén lút yêu thương một người con trai còn độc thân, và hai người này đã có quan hệ tình dục với nhau.

* Nếu xét về nghiệp, thì người con gái ấy không tạo ác-nghiệp tà-dâm, vì không hội đủ 4 chi-pháp, mà chỉ có người con trai tạo ác-nghiệp tà-dâm vì hội đủ 4 chi-pháp mà thôi, bởi vì người con trai ấy đã xúc phạm đến hạng người con gái mà người thân của cô ấy chưa cho phép, không hợp với thuần phong mỹ tục, nên bị bậc thiện-trí chê trách.

Tuy người con gái không tạo ác-nghiệp tà-dâm ([1]) vì không hội đủ 4 chi-pháp, nhưng đó là một hành vi xấu xa không đúng theo thuần phong mỹ tục của xứ sở của chúng ta, nên cha mẹ, bà con dòng họ bị mang tiếng xấu, nên người con gái bị mọi người chê trách. Cho nên, người con gái cảm thấy hổ thẹn, hối hận về hành vi xấu xa của mình, làm cho tâm bị ô nhiễm bởi phiền-não, thuộc về ý-ác-nghiệp.

Người con gái sau khi chết, nếu ác-nghiệp có cơ-hội thì cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi-kāla) trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy.

Còn lại 12 hạng con gái, kể từ hạng con gái thứ 9 cho đến hạng con gái thứ 20 là người con gái đã có chồng, đã có người đàn ông làm chủ cuộc đời của họ (cô kỹ-nữ ưng thuận làm vợ của một người đàn ông trong thời gian ngắn, cô vẫn được xem như đã có chồng).

Trong 12 hạng con gái này, nếu người con gái nào tự ý ngoại tình và có quan hệ tình dục với một người đàn ông nào khác (không phải là chồng của mình), thì người con gái ấy đã phạm giới tà-dâm tạo ác-nghiệp tà-dâm hội đủ 4 chi-pháp. Và người đàn ông có quan hệ tình dục với 12 hạng người con gái này cũng phạm giới tà-dâm tạo ác-nghiệp tà-dâm hội đủ 4 chi-pháp.

Như vậy, người con trai không được phép quan hệ tình dục với 20 hạng con gái này. Nếu người con trai nào có quan hệ tình dục với 1 trong 20 hạng người con gái này, thì người con trai ấy tạo ác-nghiệp tà-dâm.

Và người đàn ông nào đã có vợ (dù là vợ chưa cưới), người vợ ấy đã là chủ cuộc đời của ông, nếu người đàn ông ấy tự ý ngoại tình và có quan hệ tình dục với một người đàn bà nào khác (không phải là vợ của mình), thì người đàn ông ấy tạo ác-nghiệp tà-dâm.

 

Sự cố gắng hành dâm

Sự cố gắng tà-dâm là hành vi của thân-môn, không phải lời nói từ khẩu-môn. Do đó, người tạo ác-nghiệp tà-dâm chính tự thân mình, không phải sai khiến người khác. Cho nên ác-nghiệp tà-dâm chỉ được tạo do chính tự mình mà thôi, không do người khác. Còn ác-nghiệp sát-sinh, ác-nghiệp trộm-cắp, v.v…. được tạo do chính mình và do sai khiến người khác.

Tội nặng – tội nhẹ của ác-nghiệp tà-dâm

– Người nào tạo ác-nghiệp tà-dâm với người có giới-đức, thì người ấy phạm tội nặng.

– Người nào tạo ác-nghiệp tà-dâm với người không có giới-đức, thì người ấy phạm tội nhẹ.

– Người nào tạo ác-nghiệp tà-dâm bằng cách hiếp-dâm, dù với người không có giới, thì người ấy vẫn phạm tội nặng.

– Người nào tạo ác-nghiệp tà-dâm giữa hai bên nam nữ cùng thỏa thuận với nhau, thì người ấy phạm tội nhẹ.

– Người nào tạo ác-nghiệp tà-dâm với bậc Thánh-nhân, thì người ấy phạm tội nặng hơn tạo ác-nghiệp tà-dâm với hạng phàm- nhân.

– Người nào tạo ác-nghiệp tà-dâm với bậc Thánh-nhân càng cao, thì người ấy phạm tội càng nặng.

– Người nào hiếp-dâm bậc Thánh nữ A-ra-hán, thì người ấy phạm trọng-tội nặng nhất.

Như trường hợp tên Nanda hiếp-dâm Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā, là bậc Thánh-A-ra-hán. Tên Nanda đã phạm ác-nghiệp trọng tội nặng làm cho mặt đất nứt nẻ ra, hút gã vào sâu trong lòng đất. Tên Nanda sau khi chết, ác-nghiệp trọng-tội ấy cho quả tái-sinh vào cõi đại-địa ngục Avīci, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài trải qua nhiều đại-kiếp trái đất.(1)

 

Vấn đề liên quan đến tà-dâm

Người đàn bà nào đã có chồng, nghĩa là người đàn bà đã có người đàn ông làm chủ và cũng đã chấp thuận làm vợ của người đàn ông ấy rồi. Như vậy, phần thể xác của cô đã có chủ, cô có phận-sự giữ gìn thể xác của mình, chỉ dành cho người chồng của cô mà thôi. Nếu cô ấy ngoại tình, tự quan hệ tình dục với người đàn ông khác thì cô đã tự trộm-cắp thể xác của mình đã có chủ, đem trao cho người đàn ông khác, cho nên cô ấy tạo ác-nghiệp tà-dâm.

Cũng tương tự như vậy, người đàn ông đã có vợ, nghĩa là người đàn ông đã có một người đàn bà làm chủ và cũng đã chấp thuận làm chồng của cô ấy rồi. Như vậy, phần thể xác của ông ấy đã có chủ, ông ấy có phận-sự giữ gìn thể xác của mình, chỉ dành cho người vợ của mình mà thôi. Nếu ông ấy ngoại tình, tự quan hệ tình dục với người đàn bà khác thì ông đã tự trộm-cắp thể xác của mình đã có chủ, đem trao cho người đàn bà khác, cho nên ông ấy tạo ác-nghiệp tà-dâm.

Quả xấu của ác-nghiệp tà-dâm

Người nào tạo ác-nghiệp tà-dâm với vợ, chồng, con người khác. Nếu có tội nặng thì người ấy sau khi chết, ác-nghiệp tà-dâm ấy cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ- quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ của ác-nghiệp tà-dâm ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp tà-dâm ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.

Sau khi thoát ra khỏi cõi ác-giới, * trường-hợp nếu có đại-thiện-nghiệp nào khác có cơ-hội thì cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) làm người.

* Và trường hợp, người nào tạo ác-nghiệp tà-dâm có tội nhẹ. Người ấy sau khi chết, nếu ác-nghiệp tà-dâm không có cơ-hội cho quả thì dục-giới đại-thiện-nghiệp cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) làm người.

Cả 2 trường-hợp ấy, người ấy còn phải chịu quả xấu của ác-nghiệp tà-dâm mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong quá-khứ.

Trong chú-giải Khuddakapātha giảng giải về 20 quả xấu của ác-nghiệp tà-dâm trong kiếp-quá-khứ.

Kiếp-hiện-tại của người ấy:

1- Là người có nhiều người oan trái.

2- Là người có nhiều người thù ghét.

3- Là người nghèo khổ, thiếu thốn.

4- Là người ngủ không được an lạc.

5- Là người thức không được an lạc.

6- Là người khó tránh khỏi 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh).

7- Là người ái nam, ái nữ (không phải đàn ông, cũng không phải đàn bà).

8- Là người có tính hay nóng giận.

9- Là người sinh vào dòng họ thấp hèn, hạng người thấp hèn.

10- Là người có tính không minh bạch, hay che giấu tội lỗi.

11- Là người có thân hình tật nguyền, xấu xí.

12- Là người có sắc diện mặt mày sầu não, khổ tâm.

13- Là người bị mọi người coi thường khinh bỉ, không  tin tưởng.

14- Là người khuyết tật: đui mù, câm điếc,…

15- Sinh làm người đàn bà (tiền-kiếp là người đàn ông).

16- Là người có nhiều chứng bệnh đáng ghê sợ.

17- Là người không biết đủ, sống khổ cực.

18- Là người sống nơi nào cũng không được an lạc.

19- Là người thường gặp tai hoạ, hay oan trái với nhiều người.

20- Là người sống xa người thân yêu, hay bị ruồng bỏ.

Đó là 20 quả xấu của ác-nghiệp tà-dâm mà tiền-kiếp của người ấy đã tạo trong thời quá-khứ.

Tóm lại, thân ác-nghiệp là ác-nghiệp phần nhiều được tạo bằng thân-môn hành động, còn gọi là thân hành ác có 3 loại ác-nghiệp:

– Ác-nghiệp sát-sinh.

– Ác-nghiệp trộm-cắp.

– Ác-nghiệp tà-dâm.

Ác-nghiệp sát-sinh và ác-nghiệp trộm-cắp không những được tạo phần nhiều bằng thân-môn hành động, mà còn có thể được tạo bởi khẩu-môn sai khiến, ra lệnh, truyền lệnh người khác sát-sinh, trộm-cắp theo lời nói của người ấy.

Như vậy, tuy ác-nghiệp sát-sinh và ác-nghiệp trộm-cắp cũng được tạo bằng khẩu, nhưng không thuộc về khẩu ác-nghiệp mà thuộc về thân ác-nghiệp là vì 2 ác-nghiệp này phần nhiều được tạo bằng thân-môn hơn là bằng khẩu-môn.

Ác-nghiệp tà-dâm chỉ được tạo bằng thân-môn do tự mình hành động mà thôi. Ác-nghiệp tà-dâm này không phải tạo bằng khẩu-môn sai khiến người khác.

Trong 10 ác-nghiệp theo 3 môn: Thân-môn, khẩu-môn, ý-môn thì ác-nghiệp sát-sinh, ác-nghiệp trộm-cắp và ác-nghiệp tà-dâm phần nhiều được tạo bằng thân-môn thuộc về thân hành-ác.

[1] Đó chỉ là phong tục thời xưa của xứ sở ấy mà thôi.

1 Xem đầy đủ trong phần phạm giới tà-dâm trong bộ Nền-Tảng Phật-giáo quyển III “Pháp-Hành Giới” cùng một soạn giả.

10 ác nghiệp theo 3 môn: Thân ác-nghiệp - Trộm Cắp
10 ác nghiệp theo 3 môn: Khẩu ác nghiệp - Nói Dối

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *