Quả Báu Phước-Thiện Bố-Thí Đến Tỳ-Khưu-Tăng
Thí-chủ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, dù làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư phàm-tăng vẫn được thành tựu quả báu không kém.
Thật vậy, Đức-Phật dạy Ngài Đại-đức Ānanda rằng:
– Này Ānanda! Trong thời vị-lai, sẽ có hạng người có tên “bhikkhu: tỳ-khưu”, chỉ còn mảnh y quấn cổ (hoặc cột ở cổ tay), là người phạm-giới, hành ác-pháp. Song những thí-chủ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, có tác-ý đại-thiện-tâm làm phước-thiện bố-thí cúng dường hướng đến chư tỳ-khưu-tăng, dù trong số tỳ-khưu phạm- giới ấy.
– Này Ānanda! Người thí-chủ làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu-tăng trong thời vị-lai ấy, Như-Lai dạy rằng: “Thí-chủ vẫn có phước-thiện vô lượng và có quả báu vô lượng không sao kể xiết được”.
Như-lai không hề dạy trực tiếp hoặc gián tiếp rằng: “Thí-chủ làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến cá- nhân thọ-thí, sẽ có phước-thiện nhiều hơn và có quả báu nhiều hơn làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu-tăng thọ thí bao giờ”.(1)
Cho nên, ân-đức Tăng-bảo này gọi là Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa Bhagavato sāvakasaṃgho.
Đề-Mục Niệm-Niệm 9 Ân-Đức Tăng-Bảo (Saṃghānussati)
9 ân-đức Tăng-bảo là đối-tượng của đề-mục thiền- định niệm-niệm 9 ân-đức Tăng-bảo. Đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Tăng-bảo là 1 trong 10 đề-mục anussati: niệm-niệm cũng là 1 trong 40 đề-mục thiền-định.
Muốn thực-hành đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Tăng- bảo, trước tiên hành-giả cần phải học hỏi, nghiên cứu cho hiểu rõ ý nghĩa 9 ân-đức Tăng-bảo kỹ càng, từng các chi pháp cho thật rành rẽ về phần pháp-học.
Về phần pháp-hành, trước khi thực-hành đề-mục niệm- niệm 9 ân-đức Tăng-bảo, hành-giả nên có đức-tin nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo.
Phương Pháp Niệm Ân-Đức Tăng-Bảo
9 ân-đức Tăng-bảo này chỉ có hiện hữu đầy đủ trong chư Thánh-Tăng mà thôi. Chư Thánh-Tăng là những bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn, có 4 đôi thành 8 bậc Thánh tính theo tâm siêu-tam-giới.
Nếu kể Thánh-nhân, thì có 4 bậc Thánh.
– Bậc Thánh Nhập-lưu (Sotāpanna),
– Bậc Thánh Nhất-lai (Sakadāgāmī),
– Bậc Thánh Bất-lai (Anāgāmī),
– Bậc Thánh A-ra-hán (Arahanta).
Muốn thực-hành đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Tăng- bảo, trước tiên hành-giả cần phải học hỏi cho hiểu rõ ý nghĩa 9 ân-đức Tăng-bảo kỹ càng từng các chi pháp về phần pháp-học.
Phần pháp-hành, trước khi thực-hành đề-mục niệm- niệm 9 ân-đức Tăng-bảo, hành-giả nên có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức- Tăng-bảo.
– Nếu là người cận-sự-nam, cận-sự-nữ, thì nên xin thọ phép quy-y Tam-bảo và ngũ-giới hoặc bát giới, cửu giới, …
– Nếu là Sa-di, thì nên xin thọ phép quy-y Tam-bảo và Sa-di thập giới với vị Thầy tế độ hoặc với một vị Đại-đức.
– Nếu là vị tỳ-khưu, thì nên xin sám hối āpatti với một vị tỳ-khưu khác.
Như vậy, hành-giả là người có giới thuộc về phần pháp-hành giới làm nền tảng cho pháp-hành thiền-định, thực-hành đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Tăng-bảo.
9 ân-đức Tăng-bảo này chỉ có hiện hữu đầy đủ trong chư Thánh-Tăng mà thôi. Còn ân-đức Tăng-bảo của chư phàm-tăng có phần hạn chế.
Muốn thực-hành đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Tăng- bảo, hành-giả nên tìm một nơi thanh vắng, để thuận lợi thực-hành đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Tăng-bảo.
Phương pháp thực-hành đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Tăng-bảo có nhiều cách như sau:
– Cách thứ nhất (phổ thông): Niệm trọn vẹn 9 ân-đức Tăng-bảo.
Hành-giả thực-hành niệm 9 ân-đức Tăng-bảo như sau:
“Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho. Ujuppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho. Ñāyappaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho. Sāmīcippaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho. Yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭha purisapuggalā, esa Bhagavato sāvakasaṃgho Āhuneyyo, Pāhuneyyo, Dakkhiṇeyyo, Añjalikaraṇīyo, Anuttaraṃ puññak- khettaṃ lokassa, …” làm đối-tượng thiền-định.
Hành-giả tâm niệm đến ân-đức Tăng-bảo nào, nên hiểu rõ ý nghĩa và chi pháp của ân-đức Tăng-bảo ấy, định-tâm theo dõi mỗi ân-đức Tăng-bảo như vậy, hằng trăm lần, hằng ngàn lần, … trong suốt thời gian thực-hành đề-mục niệm niệm 9 ân-đức Tăng-bảo, để làm tăng trưởng đức-tin trong sạch nơi Đức-Tăng-bảo.
– Cách thứ nhì (đặc biệt): Niệm một ân-đức Tăng-bảo.
Hành-giả có thể chọn một ân-đức Tăng-bảo trong 9 ân-đức Tăng-bảo làm đối-tượng, để thực-hành đề-mục niệm-niệm ân-đức Tăng-bảo, nên hiểu rõ ý nghĩa và chi pháp của ân-đức Tăng-bảo ấy, luôn luôn định-tâm nơi ân-đức Tăng-bảo ấy.
Ví dụ: Niệm ân-đức Tăng-bảo thứ nhất: “Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, … Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, …) làm đối-tượng thiền-định.
Hoặc: Niệm ân-đức Tăng-bảo thứ chín: “Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa, … Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa, …) làm đối-tượng thiền-định.
Hành-giả tâm niệm câu ân-đức Tăng-bảo ấy, đồng thời hiểu rõ ý nghĩa và chi pháp của ân-đức Tăng-bảo ấy, định-tâm theo dõi ân-đức Tăng-bảo ấy hằng trăm lần, hằng ngàn lần, … trong suốt thời gian thực-hành đề- mục niệm-niệm ân-đức Tăng-bảo ấy, để làm tăng trưởng đức-tin trong sạch nơi Đức-Tăng-bảo.
Đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Tăng-bảo là một đề-mục thiền-định dễ làm cho phát sinh đức-tin nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo mà đức- tin là nền tảng cho mọi thiện-pháp từ dục-giới thiện- pháp, sắc-giới thiện-pháp, vô-sắc-giới thiện-pháp cho đến siêu-tam-giới thiện-pháp.
Đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Tăng-bảo là đề-mục thiền-định vô cùng vi-tế, vô cùng sâu sắc, rộng lớn mênh mông bao la, vô lượng vô biên. Vì vậy, định-tâm không thể an-định vào một pháp nào nhất định làm đối-tượng được. Cho nên, đề-mục niệm 9 ân-đức Tăng-bảo này chỉ có khả năng đạt đến cận-định (upacārasamādhi) mà thôi, không có khả năng chứng đạt đến an-định (appanā- samādhi), nên không thể chứng đắc bậc thiền sắc-giới nào.
Do đó, tâm cận-định vẫn còn là dục-giới thiện-tâm.
Quả Báu Trong Kiếp Hiện-Tại
Dục-giới thiện-nghiệp do hành-giả thực-hành pháp- hành thiền-định với đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Tăng- bảo rất đặc biệt. Do năng lực của dục-giới thiện-nghiệp này, trong kiếp hiện-tại hành-giả có thân tâm thường được an-lạc, tránh khỏi điều rủi ro tai hại một cách phi thường, phần đông mọi người kính mến, chư-thiên kính mến và hộ trì hành-giả.
Quả Báu Trong Những Kiếp Vị-Lai
Dục-giới thiện-nghiệp do hành-giả thực-hành thiền- định với đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Tăng-bảo này có phần vững chắc hơn là dục-giới thiện-nghiệp được tạo do bố-thí, giữ-giới, vv…
Cho nên, hành-giả khi gần chết, tâm không mê muội, tâm bình tĩnh sáng suốt. Vì vậy, sau khi hành-giả chết, nếu dục-giới thiện-nghiệp này có cơ hội cho quả tái-sinh làm người thì sẽ là người có trí-tuệ thuộc “hạng người tam-nhân”, hoặc tái-sinh hoá-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ có trí-tuệ ở 1 trong 6 cõi trời dục-giới, vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ ấy ở cõi trời nào cũng có nhiều oai lực, có hào quang sáng ngời đặc biệt.
* Tuy nhiên, đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Tăng-bảo không chỉ là pháp-hành thiền-định có khả năng đạt đến cận-định (upacārasamādhi) mà tâm cận-định còn là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến sự nhàm chán trong ngũ-uẩn, danh-pháp, sắc-pháp, diệt tận tham-ái, phiền-não, chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn được nữa. Như Đức-Phật dạy:
– Này chư tỳ-khưu! Có một pháp-hành mà hành-giả đã thực-hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sinh sự nhàm chán trong ngũ-uẩn, danh-pháp, sắc- pháp, để diệt tận tham-ái, sân hận, si mê, để làm vắng lặng mọi phiền-não, phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng- thái khổ, trạng-thái vô-ngã của danh-pháp, sắc-pháp, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.
Pháp-hành ấy là pháp-hành gì ?
– Pháp-hành ấy là Saṃghānussati: Pháp-hành niệm- niệm 9 ân-đức Tăng-bảo.
– Này chư tỳ-khưu! Pháp-hành niệm-niệm 9 ân-đức Tăng-bảo mà hành-giả đã thực-hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sinh sự nhàm chán trong ngũ-uẩn, danh-pháp, sắc-pháp, để diệt tận tham-ái, sân hận, si mê, để làm vắng lặng mọi phiền-não, phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái- chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng- thái vô-ngã của danh-pháp, sắc-pháp, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn”(1).
Qua lời giáo huấn trên của Đức-Phật, thì đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Tăng-bảo, không chỉ là đề-mục thiền-định, mà còn làm nền tảng để thực-hành pháp- hành thiền-tuệ nữa. Cho nên, đề-mục niệm-niệm 9 ân- đức Tăng-bảo có 2 giai đoạn:
– Giai đoạn đầu: Đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Tăng- bảo thuộc về pháp-hành thiền-định mà hành-giả thực- hành niệm-niệm 9 ân-đức Tăng-bảo có khả năng dẫn đến cận-định (upacārasamādhi) (phương pháp đã trình bày).
– Giai đoạn sau: Sau khi hành-giả đã thực-hành đề- mục niệm-niệm 9 ân-đức Tăng-bảo đã đạt đến cận-định, nếu hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, thì phải có ngũ-uẩn hoặc danh-pháp, sắc-pháp làm đối- tượng thiền-tuệ.
Pháp-Hành Thiền-Tuệ
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ cần phải có đối-tượng thân, thọ, tâm, pháp trong pháp-hành tứ niệm-xứ: thân niệm-xứ, thọ niệm-xứ, tâm niệm-xứ, pháp niệm-xứ, hoặc danh-pháp, sắc-pháp đều thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) làm đối-tượng- thiền-tuệ.
Tâm cận-định trong đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Tăng-bảo làm nền tảng, làm đối-tượng, để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ như thế nào?
Đúng theo thật tánh của chân-nghĩa-pháp, thì không có hành-giả thực-hành niệm-niệm 9 ân-đức Tăng-bảo mà chỉ có đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ làm phận sự thực-hành niệm-niệm 9 ân-đức Tăng-bảo đạt đến cận- định mà thôi.
* Phân Tích Theo Ngũ-Uẩn
– Tâm cận-định này đó là dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ, thuộc về thức-uẩn.
– Thọ tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm ấy, thuộc về thọ-uẩn.
– Tưởng tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm ấy, thuộc về tưởng-uẩn.
– Các tâm-sở còn lại đồng sinh với dục-giới thiện-tâm ấy, thuộc về hành-uẩn.
– Sắc ý căn (hadayavatthu) là nơi nương nhờ để phát sinh dục-giới thiện-tâm ấy, thuộc sắc-uẩn.
Ngũ-uẩn này, thuộc về phần pháp niệm-xứ trong pháp-hành tứ niệm-xứ.
Như vậy, ngũ-uẩn này là 1 trong 5 đối-tượng trong phần pháp niệm-xứ của pháp-hành tứ niệm-xứ, hoặc ngũ-uẩn, hoặc danh-pháp, sắc-pháp này cũng là đối- tượng của pháp-hành thiền-tuệ.
* Phân Tích Theo Danh-Pháp, Sắc-Pháp
– Tâm cận-định này thuộc về phần tâm niệm-xứ trong pháp-hành tứ niệm-xứ, và tâm cận-định là 1 trong 16 loại tâm trong phần tâm niệm-xứ của pháp-hành tứ niệm-xứ.
Tâm cận-định này đó là dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ thuộc về danh-pháp cũng là đối-tượng của pháp- hành thiền-tuệ.
– Tâm cận-định này nương nhờ nơi sắc-ý-căn (hadayavatthu) thuộc về sắc-pháp cũng là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.
Như vậy, tâm cận-định này là 1 trong 16 loại tâm trong phần tâm niệm-xứ, hoặc tâm cận-định này đó là dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ thuộc về danh-pháp là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có chánh- niệm, có trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của danh-pháp, sắc-pháp; thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của ngũ-uẩn hoặc danh-pháp, sắc-pháp; thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của ngũ-uẩn, hoặc danh-pháp, sắc-pháp dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não, mọi tham-ái, mọi ác-pháp, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.
Cho nên, tâm cận-định trong đề-mục niệm-niệm 9 ân- đức Tăng-bảo làm nền tảng, làm đối-tượng thiền-tuệ, để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ như Đức-Phật dạy:
– Này chư tỳ-khưu! Pháp-hành niệm-niệm 9 ân-đức Tăng-bảo, mà hành-giả đã thực-hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sinh sự nhàm chán trong ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp, để diệt tận tham-ái, sân hận, si mê, để làm vắng lặng mọi phiền-não, phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của danh-pháp, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.”
Quả Báu Đặc Biệt Niệm 9 Ân-Đức Tăng-Bảo
Hành-giả thực-hành niệm-niệm 9 ân-đức Tăng-bảo, trong kiếp hiện-tại, nếu chưa chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào, chưa trở thành bậc Thánh-nhân thì hành-giả sẽ được hưởng những quả báu đặc biệt ngay trong kiếp hiện-tại và nhiều kiếp vị-lai như sau:
– Được phần đông chúng-sinh kính trọng.
– Có đại-thiện-tâm trong sạch thanh-tịnh.
– Khi sắp chết, tâm bình tĩnh sáng suốt, không mê muội.
– Sau khi chết, đại-thiện-nghiệp này cho quả tái-sinh làm người cao quý hoặc chư-thiên cao quý.
– Tái-sinh kiếp nào cũng thuộc hàng chúng-sinh cao quý.
– Có sắc thân xinh đẹp đáng ngưỡng mộ.
– Các bộ phận trong thân thể đều xinh đẹp đáng quý.
– Thân có mùi thơm toả ra.
– Miệng có mùi thơm toả ra.
– Có trí-tuệ nhiều.
– Có trí-tuệ sâu sắc.
– Có trí-tuệ sắc bén.
– Có trí-tuệ nhanh nhẹn.
– Có trí-tuệ phong phú.
– Trí-tuệ phi thường.
– Nói lời hay có lợi ích, …
– Kiếp vị-lai có duyên lành gặp Đức-Phật, lắng nghe chánh-pháp dễ dàng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, …
Đó là những quả báu phát sinh từ đề-mục niệm- niệm 9 ân-đức Tăng-bảo.
Nhận Xét Về Đề-Mục Niệm Ân-Đức Tăng-Bảo
Đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Tăng-bảo là một đề-mục thiền-định chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, hoàn toàn không có ngoài Phật-giáo. Hành-giả thực-hành đề-mục niệm-niệm 9 ân-đức Tăng-bảo này dễ phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật-bảo, nơi Đức-Pháp-bảo, nơi Đức-Tăng-bảo.
Đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo có tầm quan trọng làm nền tảng cho tất cả mọi thiện-pháp được phát triển từ dục-giới thiện-pháp, sắc-giới thiện-pháp, vô-sắc-giới thiện-pháp cho đến Siêu-tam-giới thiện-pháp đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.