Đức-Thế-Tôn thuyết giảng Tạng Vi-diệu-pháp

Trong mùa hạ thứ 7, Đức-Phật Gotama ngự lên cung trời Tam-thập-tam-thiên, ngồi tại tảng đá Paṇḍu-kambalasilā giữa đại chúng chư-thiên, phạm-thiên, để tế độ Phật-mẫu (kiếp hiện-tại là vị thiên-nam Santussita) thuyết giảng Abhidhammapiṭakapāḷi: Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi gồm có 7 bộ lớn là:

1- Bộ Dhammasaṅganīpāḷi: Bộ Pháp-hội-tụ.

2- Bộ Vibhaṅgapāḷi: Bộ Pháp-phân-tích.

3- Bộ Dhātukathāpāḷi: Bộ Pháp-phân-loại.

4- Bộ Puggalapaññattipāḷi: Bộ chúng-sinh chế-định.

5-Bộ Kathāvatthupāḷi: Bộ Pháp-luận-đề.

6- Bộ Yamakapāḷi: Bộ Pháp-song-đối.

7- Bộ Paṭṭhānapāḷi: Bộ Pháp-duyên-hệ.

Đức-Thế-Tôn thuyết giảng bộ thứ nhất là bộ Dhamma-saṅganīpāḷi: bộ Pháp-hội-tụ rồi theo tuần tự đến bộ thứ 7: bộ Paṭṭhānapāḷi: bộ Pháp-duyên-hệ cuối cùng, suốt 3 tháng mùa mưa tại cõi người (so với thời gian tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên chỉ có 3 phút 36 giây, bởi vì 1 ngày 1 đêm trên cõi trời này bằng 100 năm tại cõi người).

Đức-Phật thuyết giảng Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên này, đến giờ khất thực, Đức-Phật hoá ra Nimmitabuddha (Đức-Phật hoá), rồi phát nguyện rằng: “Đức-Phật hoá này tiếp tục ngồi thuyết-phần pháp này cho đến khi Như-lai trở về.”

Khi ấy, Đức-Phật thật hiện xuống rừng núi Himavanta, rửa mặt tại hồ Anodatta xong, rồi bay đến Uttarakurudīpa (Bắc-cưu-lưu châu) nằm ở phía Bắc núi Sineru, để đi khất thực.

Đức-Phật đem vật thực ngự trở về rừng trầm, gần hồ Anodatta ven khu rừng Himavanta, ngồi độ vật thực. Khi ấy, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta đến hầu phục vụ Đức-Phật.

Sau khi thọ thực xong, Đức-Phật thuyết giảng tóm lược lại các pháp mà Ngài đã thuyết giảng tại cung trời Tam-thập-tam-thiên, rồi truyền dạy Ngài Đại-Trưởng-lão rằng:

– Này Sāriputta! Hôm nay Như-lai đã thuyết giảng Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi, bộ thứ nhất phần đầu các pháp như vầy, khi trở về con nên khai triển dạy lại nhóm 500 đệ-tử của con.

Nhóm 500 đệ-tử này vốn là những người cận-sự-nam (upāsaka) cùng nhau đến xem Đức-Phật biểu diễn phép thần-thông yamakapāṭihāriya, rồi phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật, cùng dẫn nhau đến xuất gia trở thành tỳ-khưu nơi Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

Sau khi truyền dạy Ngài Đại-Trưởng-lão như vậy, Đức-Phật ngự lên cung trời Tam-thập-tam-thiên thay thế Đức-Phật Nimmitabuddha, rồi tiếp tục thuyết giảng các pháp tiếp theo.

Tạng Vi-Diệu-Pháp tại cõi người

Đức-Phật thuyết giảng Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi gồm có 7 bộ lớn tại cung trời Tam-thập-tam-thiên trong hạ thứ 7 của Đức-Phật suốt 3 tháng mùa mưa.

Mỗi ngày đến giờ khất thực, Đức-Phật hoá ra Nimmitabuddha tiếp tục thuyết giảng, Đức-Phật thật ngự đi khất thực ở Bắc-cưu-lưu châu, đem vật thực ngự trở về rừng trầm, gần hồ Anodatta ven khu rừng Himavanta, ngồi độ vật thực. Mỗi ngày, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta đến hầu phục vụ Đức-Phật.

Sau khi thọ thực xong, Đức-Phật thuyết giảng tóm lược theo cách saṅkhepa các pháp mà Đức-Phật đã thuyết giảng ngày hôm ấy cho Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, rồi Đức-Phật ngự lên cung trời Tam-thập-tam-thiên thay thế Đức-Phật Nimmitabuddha tiếp tục thuyết giảng các pháp tiếp theo.

Vâng theo lời dạy của Đức-Phật, mỗi ngày sau khi trở về, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta truyền dạy lại khai triển đầy đủ các pháp ấy đến nhóm 500 đệ-tử.

Cho nên, mãn mùa hạ suốt 3 tháng mùa mưa ấy, nhóm 500 đệ-tử của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta thông thuộc, thấu suốt Abhidhammapiṭakapāḷi: Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi gồm có 7 bộ lớn trước tiên trong cõi người.

* Tiền-kiếp của nhóm 500 vị tỳ-khưu

Trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa, tiền-kiếp của nhóm 500 tỳ-khưu này là 500 con dơi đeo trong một cái động.

Mỗi ngày, 2 Ngài Trưởng-lão vừa đi kinh hành ở trong động vừa tụng ôn Abhidhammapiṭakapāḷi: Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi gồm có 7 bộ lớn. Khi ấy, nhóm 500 con dơi đeo trong động, cung-kính lắng nghe âm-thanh Pāḷi từ 2 Ngài Trưởng-lão tụng ôn Abhidhamma-piṭakapāḷi: Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi, nhóm 500 con dơi không hiểu biết rằng:

“Kusalā dhammā (các thiện-pháp), akusalā dhammā (các bất-thiện-pháp), abyākatā dhammā (các pháp không thiện không bất-thiện), khandha (ngũ-uẩn), āyatana (12 xứ), dhātu (18 tự-tánh), sacca (tứ-đế), v.v…” mà chỉ cung-kính lắng nghe âm thanh Pāḷi mà thôi.

Sau khi nhóm 500 con dơi ấy chết, đại-thiện-nghiệp cung-kính lắng nghe âm thanh Pāḷi ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hoá sinh làm 500 vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới, hưởng quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy suốt thời gian từ thời-kỳ Đức-Phật Kassapa cho đến thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, 500 vị thiên-nam

cùng chuyển kiếp (cuti: chết) từ cõi trời dục-giới, đại-thiện-nghiệp ấy trong đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm (paṭi-sandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp chót đầu thai làm người tam-nhân (tihetukapuggala) trong kinh-thành Sāvatthī.

Khi sinh ra đời, lúc trưởng thành là người tam-nhân đều trở thành cận-sự-nam (upāsaka) trong kinh-thành Sāvatthī.

Vào ngày rằm tháng 6 âm lịch, Đức-Phật Gotama biểu diễn phép-thần-thông yamakapāṭihāriya tại cây xoài gần kinh-thành Sāvatthī, nhóm 500 người cận-sự-nam (upāsaka) ấy cùng nhau đến xem Đức-Phật biểu diễn phép-thần-thông yamakapāṭihāriya, rồi phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật.

Sau khi biểu diễn phép thần-thông yamakapāṭihāriya xong, Đức-Phật ngự lên cung trời Tam-thập-tam-thiên, nhập hạ thứ 7, để thuyết giảng Abhidhammapiṭakapāḷi: Tạng Vi-diệu-pháp.

Nhóm 500 người cận-sự-nam cùng dẫn nhau đến hầu đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, xin xuất gia trở thành 500 vị tỳ-khưu là đệ-tử của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

Mỗi ngày, Đức-Phật ngự đi khất thực ở Bắc-cưu-lưu châu, đem vật thực ngự trở về rừng trầm, gần hồ Anodatta ven khu rừng Himavanta, ngồi độ vật thực. Mỗi ngày, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta đến hầu phục vụ Đức-Phật. Sau khi thọ thực xong, Đức-Phật thuyết giảng tóm lược theo cách saṅkhepa các pháp mà Đức-Phật đã thuyết giảng ngày hôm ấy cho Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, rồi truyền dạy Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta trở về dạy nhóm 500 đệ-tử bằng cách khai triển đầy đủ các pháp ấy.

Cho nên, nhóm 500 đệ-tử của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta thông thuộc, thấu suốt Abhidhammapiṭakapāḷi: Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi gồm có 7 bộ trước mọi tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, tại cõi người.

Đức-Phật Gotama thuyết giảng xong trọn bộ Abhidhammapiṭakapāḷi: Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi gồm có 7 bộ lớn tại cung trời Tam-thập-tam-thiên suốt 3 tháng mùa mưa tại cõi người. Phật-mẫu (kiếp hiện-tại là vị thiên-nam Santussita) chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, cùng với 800 tỷ có chư-thiên phạm-thiên cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân thấp hoặc cao tuỳ theo năng lực của các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi vị chư-thiên, phạm-thiên.

Đức-Phật Gotama trở về cõi người

Đức-Phật Gotama ngự lên cung trời Tam-thập-tam-thiên nhập hạ thứ 7 suốt 3 tháng mùa mưa, các hàng tứ chúng tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ là nhóm thanh-văn đệ-tử đông đảo ngày đêm trông mong đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, nghe pháp, nên đã kể tháng, đếm ngày thì còn 7 ngày nữa sẽ đến ngày rằm tháng 9 âm lịch là ngày đại-lễ mahāpavaraṇā của chư tỳ-khưu-Tăng, sáng ngày 16 tháng 9 là ngày mãn 3 tháng hạ mùa mưa, nên tất cả tứ chúng muốn biết Đức-Phật sẽ ngự trở về cõi người vào ngày nào, tại nơi nào, để chờ đón Đức-Phật ngự trở về cõi người.

Tứ chúng đến hầu đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna cầu xin Ngài Đại-Trưởng-lão bay lên cung trời Tam-thập-tam-thiên, đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi bạch hỏi Đức-Thế-Tôn vào ngày nào sẽ ngự trở về cõi người, và tại nơi nào, để cho tứ chúng thanh-văn đệ-tử chờ đón Đức-Thế-Tôn.

Nghe lời cầu xin của tứ chúng như vậy, Ngài Đại-Trưởng-Lão Mahāmoggallāna nhận lời, nên Ngài Đại-Trưởng-lão bay lên cung trời Tam-thập-tam-thiên, đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi bạch hỏi rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, tứ chúng thanh-văn đệ-tử trông mong đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, nghe pháp, rồi mới trở về chỗ ở của mình. Đức-Thế-Tôn sẽ ngự trở về cõi người vào ngày nào? Bạch Ngài. Và Đức-Thế-Tôn sẽ ngự xuống cõi người tại nơi nào? Bạch Ngài.

Nghe Ngài Đại-Trưởng-lão bạch hỏi như vậy, Đức-Thế-Tôn truyền hỏi rằng:

– Này Moggallāna! Sāriputta là sư huynh của con nhập hạ tại nơi nào vậy con?

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Sư huynh Sāriputta nhập hạ tại trong kinh-thành Saṅkassa. Bạch Ngài.

– Này Moggallāna! Kể từ hôm nay, còn 7 ngày nữa vào ngày rằm tháng 9, ngày đại-lễ mahāpavaraṇā của chư tỳ-khưu-Tăng, Như-lai sẽ ngự trở về cõi người, tại cửa kinh-thành Saṅkassa, các hàng tứ chúng tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ nên chờ đón Như-lai tại nơi cửa kinh-thành ấy.

– Này Moggallāna! Con khuyên các cận-sự-nam cận-sự-nữ nên thọ-trì bát-giới uposathasīla trong ngày hôm ấy.

Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna trở về cõi người báo cho các hàng tứ chúng biết rõ ngày và nơi ngự xuống của Đức-Thế-Tôn.

Đức-Phật mở trống trải toàn cõi-giới

Đức-Thế-Tôn truyền bảo với Đức-vua-trời Sakka rằng:

– Này Đức-vua-trời! Nhập hạ suốt 3 tháng xong rồi, Như-lai sẽ ngự trở về cõi người.

Nghe Đức-Thế-Tôn truyền bảo như vậy, Đức-vua-trời Sakka hoá ra 3 cái thang 3 loại:

Một cầu thang bằng vàng, một cầu thang bằng ngọc maṇi, một cầu thang bằng bạc, chân cầu thang đặt tại cửa kinh-thành Saṅkassa, đầu cầu thang đặt trên đỉnh núi Sineru.

* Cầu thang bằng vàng nằm bên phải dành cho chư-

thiên 6 cõi trời dục-giới.

* Cầu thang bằng bạc nằm bên trái dành cho chư phạm-thiên các cõi trời sắc-giới.

* Cầu thang bằng ngọc maṇi nằm giữa kính thỉnh Đức-Phật ngự từ cung trời Tam-thập-tam-thiên xuống cõi người. Khi đứng trên đỉnh núi Sineru, Đức-Phật hoá phép-thần-thông yamakapāṭihāriya trong khi đang ngự từ cõi trời xuống cõi người.

* Đức-Phật khi nhìn lên phía trên thấu đến tầng trời sắc-giới tột đỉnh, như một mặt bằng (ekaṅgana), khi nhìn xuống phía dưới thấu tận đến cõi đại-địa-ngục Avīci như một mặt bằng, khi nhìn ngang 8 hướng: hướng Đông, hướng Đông-nam, hướng Nam, hướng Tây-nam, hướng Tây, hướng Tây-bắc, hướng Bắc, hướng Đông-bắc như một mặt bằng, khi nhìn 100 ngàn cõi-giới chúng-sinh (cakkavāḷa) như một mặt bằng, cho nên, chư-thiên, phạm-thiên nhìn thấy loài người, loài người cũng nhìn thấy chư-thiên, phạm-thiên, tất cả mọi chúng-sinh cũng đều nhìn thấy lẫn nhau như thấy nhau trước mặt.

Đức-Phật cho toả hào quang 6 màu toả rộng ra khắp chu vi 36 do-tuần bao trùm loài người, trong ngày hôm ấy, mỗi người đều nhìn thấy kim thân của Đức-Phật có oai lực phi thường, nên có người phát nguyện muốn trở thành một Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

* Đoàn chư-thiên các tầng trời dục-giới tiễn đưa Đức-Phật theo cầu thang bằng vàng, phía bên phải của Đức-Phật.

* Đoàn chư phạm-thiên các tầng trời sắc-giới phạm-thiên tiễn đưa Đức-Phật theo cầu thang bằng bạc, phía bên trái của Đức-Phật.

* Đức-Phật ngự đi cầu thang bằng ngọc maṇi ở giữa, bên phải có vị thiên-nam Pañcasikha đánh đàn cúng-dường Đức-Phật, bên trái có vị thiên-nam Mātali cúng-dường nước hoa thơm cõi trời, Đại-phạm-thiên cầm chiếc lọng, Đức-Thiên-vương Suyāma cầm chiếc quạt.

Đức-Phật ngự từ cõi trời Tam-thập-tam-thiên có các đoàn chư-thiên, chư phạm-thiên tiễn đưa, Đức-Phật dừng lại tại cửa kinh-thành Saṅkassa.

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta đến hầu cung-kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn với đại-duy-tác-tâm vô cùng hoan-hỷ, bởi vì, chưa từng thấy Đức-Thế-Tôn mở trống trải toàn cõi-giới chúng-sinh, nên chư-thiên, phạm-thiên nhìn thấy loài người, và loài người cũng nhìn thấy chư-thiên, phạm-thiên, tất cả chúng-sinh nhìn thấy lẫn nhau vô cùng hoan-hỷ. Cho nên, chư-thiên, chư phạm-thiên, nhân loại kính yêu Đức-Thế-Tôn biết dường nào!

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết-pháp tế độ tứ chúng thanh-văn đệ-tử. Sau khi lắng nghe Đức-Thế-Tôn thuyết-pháp, chư tỳ-khưu, chư tỳ-khưu-ni, các cận-sự-nam, các cận-sự-nữ phát sinh đức-tin vô cùng hoan-hỷ theo lời giáo huấn của Đức-Thế-Tôn, nhóm 500 tỳ-khưu đệ-tử của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, đều chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, cùng với 300 triệu chúng-sinh khác cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân thấp hoặc cao tuỳ theo năng lực của các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ: tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi chúng-sinh.

Nhận xét về 2 vị thiên-nam Aṅkura và Indaka

* Tiền-kiếp của vị thiên-nam Aṅkura ở cõi người đã từng làm trại phước-thiện bố-thí trong quãng đường dài 12 do-tuần suốt thời gian 10 ngàn năm, đến nhiều hạng người không phải là bậc Thánh-nhân trong Phật-giáo.

* Tiền-kiếp của vị thiên-nam Indaka ở cõi người tạo phước-thiện bố-thí cung-kính cúng dường chỉ có một vá cơm đến Ngài Trưởng-lão Anurddha mà thôi.

Khi Đức-Phật Gotama thuyết Abhidhammapiṭakapāḷi: Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi tại cung trời Tam-thập-tam-thiên, ban đầu vị thiên-nam Indaka ngồi bên phải của Đức-Phật, còn vị thiên-nam Aṅkura ngồi bên trái của Đức-Phật.

Dù có các vị thiên-nam, các vị phạm-thiên có nhiều năng lực của phước-thiện hiện đến, vị thiên-nam Indaka vẫn ngồi yên chỗ cũ, không lùi lại đằng sau, bởi vì vị thiên-nam Indaka có nhiều năng lực phước-thiện hơn các vị ấy. Còn vị thiên-nam Aṅkura phải lùi lại đằng sau, nhường chỗ cho các vị vị thiên-nam, các vị phạm-thiên có nhiều năng lực phước-thiện khác, cách xa đến 12 do-tuần, bởi vì vị thiên-nam Aṅkura kém năng lực phước-thiện hơn các vị ấy.

Tuy tiền-kiếp của vị thiên-nam Aṅkura đã tạo phước-thiện bố-thí, trên quảng đường dài 12 do-tuần, suốt thời gian 10 ngàn năm. đến nhiều hạng người, nhưng không phải là bậc Thánh-nhân trong Phật-giáo.

Còn tiền-kiếp của vị thiên-nam Indaka đã tạo phước-thiện bố-thí, cung-kính cúng dường đến bậc Thánh-nhân trong Phật-giáo, dù chỉ có một vá cơm đến Ngài Trưởng-lão Anuruddha là bậc Thánh A-ra-hán, vẫn có quả báu của đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy có nhiều năng lực hơn quả báu của đại-thiện-nghiệp bố-thí mà tiền-kiếp của vị thiên-nam Aṅkura đã tạo phước-thiện bố-thí đến nhiều hạng người, không phải là bậc Thánh-nhân trong Phật-giáo, suốt thời gian 10 ngàn năm.

Vị thiên-nam Indaka nêu thí dụ:

Người nông dân không biết thời tiết thuận lợi, gieo nhiều hạt giống trong thửa ruộng cằn cỗi, sẽ thu hoạch quả không được nhiều, không làm cho người nông dân vui mừng hoan-hỷ như thế nào.

Cũng như vậy, người thí-chủ không hiểu biết tạo phước-thiện bố-thí nhiều vật thí đến nhiều người không có giới-đức, không có thiện-pháp cao thượng, nên có quả báu của đại-thiện-nghiệp bố-thí không nhiều, không làm cho thí-chủ vui mừng hoan-hỷ, cũng như thế ấy.

Người nông dân giỏi hiểu biết thời tiết thuận lợi, gieo dù ít hạt giống trong thửa ruộng màu mỡ, sẽ thu hoạch quả được rất nhiều, nên làm cho người nông dân vui mừng hoan-hỷ như thế nào.

Cũng như vậy, người thí-chủ có trí-tuệ sáng suốt hiểu biết tạo phước-thiện bố-thí đến những bậc có giới-đức trong sạch, có thiện-pháp cao thượng, là bậc Thánh-nhân trong Phật-giáo, dù vật thí ít cũng có quả báu của đại-thiện-nghiệp bố-thí rất nhiều, nên làm cho thí-chủ vui mừng hoan-hỷ, cũng như thế ấy.

 

Bài viết trích từ cuốn Phước ThiệnTỳ Khưu Hộ Pháp biên soạn. Quý vị có thể tải sách bản PDF tại đây.

 

AUDIO TOÀN BỘ CUỐN SÁCH PHƯỚC THIỆN

Phước-thiện bố-thí đến bậc Thánh-nhân có quả báu nhiều
Đức-vua-trời Sakka tạo phước-thiện bố-thí

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *