Phần II – Con đường giải thoát khổ
Con đường giải thoát khổ hoàn toàn
Con đường giải thoát khổ hoàn toàn phải là con đường dẫn đến giải thoát khổ tái sinh(jātidukkha) trong ba giới bốn loài. Đó mới thật gọi là giải thoát khổ hoàn toàn. Hễ còn tái sinh trong cõi nào trong tam giới, thì vẫn còn khổ, chỉ có khác nhau mức độ khổ nhiều khổ ít mà thôi, bởi vì trong tam giới, khổ là sự thật chân lý (dukkhasacca), còn lạc chỉ là sự đảo điên(sukhavipallāsa) mà thôi. Thật ra, ngũ uẩn là vô thường, khổ, vô ngã, đều là Khổ đế. Bậc Thánh Nhân có trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới chứng ngộ sự thật chân lý Khổ đế này gọi là Khổ Thánh Đế.
Đức Phật dạy:
“Jighacchāparamā rogā,
saṅkhāraparamā dukkhā.
Etaṃ ñatvā yathābhūtaṃ,
Nibbānaṃ paramaṃ sukhā” 1 .
“Đói khát là căn bệnh trầm kha,
Ngũ uẩn là cực kỳ đau khổ.
Bậc trí biết rõ sự thật,
Đói khát, ngũ uẩn là Khổ đế,
Chứng ngộ Niết Bàn là cực lạc”.
Trong các chứng bệnh tuy có những bệnh nặng, nhưng chữa trị một thời gian lâu cũng có thể khỏi hẳn; còn căn bệnh đói khát không sao chữa trị khỏi hẳn được, cứ dai dẳng suốt cuộc đời cho đến chết, không có căn bệnh nào bằng. Cho nên, Đức Phật dạy:
“Đói khát là căn bệnh trầm kha cực kỳ khó chữa”.
Trong mọi nỗi khổ, nỗi khổ phải săn sóc ngũ uẩn suốt ngày đêm không bao giờ ngừng nghỉ là nỗi khổ cực kỳ trầm trọng, không có nỗi khổ nào bằng. Do đó, Đức Phật dạy:
“Ngũ uần là cực kỳ đau khổ”.
Bậc thiện trí có trí tuệ sáng suốt thấy rõ, biết rõ căn bệnh đói khát, nỗi khổ của ngũ uẩn đều là Khổ đế, nên tìm con đường giải thoát khổ.
Trong mọi sự an lạc, như sự an lạc trong ngũ dục 2 , sự an lạc trong khi đang nhập thiền. Những sự an lạc này cũng bị vô thường chi phối, nên chung quy chỉ có Khổ đế mà thôi. Chỉ có Niết Bàn không bị vô thường chi phối, nên mới có sự an lạc tuyệt đối thật sự, không có sự an lạc nào bằng. Do đó, Đức Phật dạy:
“Niết Bàn thật là cực kỳ an lạc”.
Muốn chứng ngộ Niết Bàn chỉ có con đường pháp hành Bát Chánh Đạo, khi hợp đủ 8 chánh: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định, là pháp hành dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn diệt Khổ Thánh Đế.
Bát Chánh Đạo có 8 chánh là:
1- Chánh kiến: Trí tuệ chân chính là trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới chứng ngộ sự thật chân lý Tứ Thánh Đế: Khổ Thánh Đế, Nhân sinh Khổ Thánh Đế, Diệt Khổ Thánh Đế, Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế, có đối tượng Niết Bàn.
2- Chánh tư duy: Tư duy chân chính là tư duy thoát ra khỏi ngũ trần, tư duy không làm khổ mình, khổ người, tư duy không làm hại mình, hại người, có đối tượng Niết Bàn.
3- Chánh ngữ: Nói chân chính là tránh xa sự nói dối, tránh xa sự nói lời chia rẽ, tránh xa sự nói lời thô tục chửi rủa mắng nhiếc, tránh xa sự nói lời vô ích, có đối tượng Niết Bàn.
4- Chánh nghiệp: Hành nghiệp chân chính là tránh xa sự sát sinh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà dâm, có đối tượng Niết Bàn.
5- Chánh mạng: Nuôi mạng chân chính là tránh xa cách sống tà mạng do thân và khẩu hành ác, có đối tượng Niết Bàn.
6- Chánh tinh tấn: Tinh tấn chân chính là tinh tấn 4 điều:
– Tinh tấn ngăn ác pháp chưa sinh thì không cho phát sinh.
– Tinh tấn diệt ác pháp đã phát sinh.
– Tinh tấn làm cho thiện pháp chưa sinh thì phát sinh.
– Tinh tấn làm tăng trưởng thiện pháp đã phát sinh, có đối tượng Niết Bàn.
7- Chánh niệm: Niệm chân chính là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp, có đối tượng Niết Bàn.
8- Chánh định: Định chân chính là định tâm trong các bậc thiền Siêu tam giới, có đối tượng Niết Bàn.
Bát Chánh Đạo khi hợp đủ 8 chánh là pháp hành dẫn đến chứng ngộ sự thật chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Bát Chánh Đạo đó là 8 tâm sở đồng sinh trong tâm Thánh Đạo chắc chắn chỉ có đối tượng Niết Bàn mà thôi.
8 tâm sở đồng sinh trong tâm Thánh Đạo làm phận sự Bát Chánh Đạo là:
1- Tâm sở trí tuệ (paññācetasika) gọi là chánh kiến (sammādiṭṭhi)
2- Tâm sở hướng tâm (vitakkacetasika) gọi là chánh tư duy (sammāsaṅkappa)
3- Tâm sở chánh ngữ (sammāvācācetasika) gọi là chánh ngữ (sammāvācā)
4- Tâm sở chánh nghiệp (sammākammantacetasika) gọi là chánh nghiệp (sammākammanta)
5- Tâm sở chánh mạng (sammā ājīvacetasika) gọi là chánh mạng (sammā ājīva)
6- Tâm sở tinh tấn (vīriyacetasika) gọi là chánh tinh tấn (sammāvāyāma)
7- Tâm sở niệm (saticetasika) gọi là chánh niệm (sammāsati)
8- Tâm sở nhất tâm (ekaggatācetasika) gọi là chánh định (sammāsamādhi)
Trong tâm Thánh Đạo có 36 tâm sở đồng sinh, nhưng chỉ có 8 tâm sở (tâm sở trí tuệ, tâm sở hướng tâm, tâm sở chánh ngữ, tâm sở chánh nghiệp, tâm sở chánh mạng, tâm sở tinh tấn, tâm sở niệm, tâm sở nhất tâm) có tên trong Bát Chánh Đạo, là pháp hành dẫn đến chứng ngộ Niết bàn diệt Khổ Thánh Đế, gọi tắt là Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế, hoặc Đạo Thánh Đế. Còn tâm Thánh Đạo cùng với 28 tâm sở còn lại không gọi là Pháp hành diệt Khổ Thánh Đế, hoặc Đạo Thánh Đế và cũng không có trong 3 Thánh Đế còn lại. Cho nên, gọi là ngoại Thánh Đế (Saccavimutti) hoặc ngoài Tứ Thánh Đế.
Trong tâm Thánh Đạo có 8 tâm sở có tên trong Bát Chánh Đạo là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định tuần tự trước sau theo thứ tự thuyết pháp và theo tính chất quan trọng hỗ trợ: Chánh đạo trước hỗ trợ cho chánh đạo sau như chánh kiến có vai trò quan trọng chứng ngộ sự thật chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, nên đề cao chánh kiến trước hỗ trợ cho chánh tư duy, rồi chánh tư duy hỗ trợ cho chánh ngữ, v.v… theo tuần tự cho đến chánh định. 8 chánh đạo này đồng sinh, đồng diệt, nên không phải trước sau theo thời gian.
Ví dụ:
Như một thang thuốc có 8 vị thuốc, trong 8 vị có một vị thuốc chính trị bệnh, 7 vị thuốc còn lại là phụ, bỏ thang thuốc ấy vào siêu sắc thuốc, đổ 2 chén nước sắc còn 8 phân. Bệnh nhân uống chén thuốc ấy 1 lần có đầy đủ 8 chất thuốc hỗ trợ lẫn nhau trị bệnh. Cũng như vậy, 8 chánh đạo là 8 tâm sở đồng sinh trong tâm Thánh Đạo cùng một lúc không trước không sau. Riêng mỗi chánh đạo có khả năng diệt mỗi tà đạo, như chánh kiến diệt tà kiến, chánh tư duy diệt tà tư duy, chánh ngữ diệt tà ngữ, chánh nghiệp diệt tà nghiệp, chánh mạng diệt tà mạng, chánh tinh tấn diệt tà tinh tấn, chánh niệm diệt tà niệm, chánh định diệt tà định.
8 chánh đạo diệt đoạn tuyệt được tham ái, phiền não, tùy theo mỗi Thánh Đạo Tuệ.
Bát Chánh Đạo là 8 tâm sở này chỉ đồng sinh cùng một lúc trong tâm Siêu tam giới (4 Tâm Thánh Đạo + 4 Tâm Thánh Quả) mà thôi. Còn trong tâm tam giới không có đầy đủ Bát Chánh Đạo, nhất là 3 tâm sở: Chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng chỉ phát sinh riêng rẽ mỗi tâm sở trong 8 tâm đại thiện dục giới mà thôi, 3 tâm sở này không phát sinh trong các tâm tam giới còn lại.