Nhân-duyên đặc biệt của nghiệp cho quả trong khoảng thời gian 7 ngày

Nhân-duyên đặc biệt của nghiệp cho quả trong khoảng thời gian 7 ngày.

 

Nghiệp nào có năng lực cho quả trong khoảng thời gian 7 ngày ngay trong kiếp-hiện-tại, thì nghiệp ấy cần phải hội đủ nhân-duyên đặc biệt.

 

Nhân-duyên đặc biệt như thế nào?

 

* Đại-thiện-nghiệp bố-thí có năng lực cho quả trong khoảng thời gian 7 ngày, cần phải hội đủ 4 nhân-duyên:

 

1- Vatthusampadā: Bậc thọ thí là Đức-Phật, hoặc bậc

Thánh-A-ra-hán, bậc Thánh-Bất-lai.

 

2- Paccayasampadā: Vật bố-thí được phát sinh một cách hợp pháp và hoàn toàn trong sạch.

 

3- Cetanāsampadā: Thí-chủ là người có đức tin trong sạch nơi Tam-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có đầy đủ 3 thời tác-ý đại-thiện-tâm trong sạch là:

 

– Tác-ý đại-thiện-tâm trong sạch và hoan hỷ trước khi làm phước-thiện bố-thí.

– Tác-ý đại-thiện-tâm trong sạch và hoan hỷ đang khi làm phước-thiện bố-thí.

– Tác-ý đại-thiện-tâm trong sạch và hoan hỷ sau khi đã làm phước-thiện bố-thí xong.

 

4- Guṇātirekasampadā: Bậc-thọ-thí có ân-đức đặc biệt như Đức-Phật, hoặc bậc Thánh-A-ra-hán, bậc Thánh-Bất-lai vừa mới xả diệt-thọ-tưởng suốt 7 ngày đêm xong, rồi đi khất thực.

 

Nếu thí-chủ làm phước-thiện bố-thí hội đủ 4 nhân duyên này, thì đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy sẽ cho quả trong khoảng thời gian 7 ngày, có khi ngay trong ngày hôm ấy, như những trường hợp sau:

 

* Tích người nghèo khó Mahāduggata

 

Tích người nghèo khó Mahāduggata(1)được tóm lược

như sau:

 

Vào thời kỳ Đức-Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, Đức-Phật ngự cùng với 20 ngàn bậc Thánh-A-ra-hán đến kinh-thành Bārāṇasī.

 

Một hôm, sau khi độ vật thực xong, Đức-Phật Kassapa

thuyết pháp dạy rằng:

 

– Này cận-sự-nam, cận-sự-nữ! Trong đời này:

 

* Số người tự mình làm phước-thiện bố-thí, mà không tác động, khuyến khích người khác cùng làm phước-thiện bố-thí với mình, thì phước-thiện bố-thí ấy cho quả đối với số người ấy là người có nhiều của cải, nhưng không có bạn bè, thuộc hạ thân thiết.

 

* Số người tác động, khuyến khích những người khác làm phước-thiện bố-thí, nhưng chính mình thì không chịu đem của cải ra làm phước-thiện bố-thí, thì phước-thiện của sự tác động, khuyến khích ấy cho quả đối với số người ấy là người có nhiều bạn bè, thuộc hạ thân thiết, nhưng không có nhiều của cải.

 

* Số người tự mình không làm phước-thiện bố-thí, cũng không tác động, khuyến khích những người khác làm phước-thiện bố-thí, thì số người ấy sống ở nơi nào cũng là người ít của cải, nghèo khổ, thiếu thốn và cũng không có bạn bè, không có thuộc hạ thân thiết.

 

* Số người tự mình làm phước-thiện bố-thí, còn tác động, khuyến khích những người khác cùng làm phước-thiện bố-thí với mình, thì những phước-thiện ấy cho quả đối với số người ấy là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, tài sản lớn và có nhiều bạn bè, có nhiều thuộc hạ thân thiết,…

 

Nghe Đức-Phật thuyết dạy như vậy, người cận-sự-nam suy xét nghĩ rằng: “Ta muốn có được nhiều của cải và cũng có nhiều bạn bè, thuộc hạ thân thiết”.

 

Người ấy đảnh lễ Đức-Phật, rồi bạch rằng:

 

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con xin kính thỉnh Đức-Thế-Tôn ngự cùng với tất cả 20.000 (hai mươi ngàn) chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, để chúng con làm phước-thiện bố-thí, cúng-dường vật thực vào ngày mai.

 

Đức-Phật Kassapa nhận lời bằng cách im lặng.

 

Ông trở về đi thông báo cho toàn thể dân chúng trong

kinh-thành Bārāṇasī, biết ngày mai sẽ làm phước-thiện bố-thí cúng-dường đến Đức-Phật cùng với tất cả 20.000 chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng. Ai có khả năng làm phước-thiện bố-thí cúng-dường đến bao nhiêu vị, xin ghi danh.

 

Có gia đình xin thỉnh 10 vị, có gia đình xin thỉnh 20 vị, … có gia đình xin thỉnh 100 vị, v.v…

 

Khi gặp cậu Mahāduggata là người nghèo khó nhất trong thành, người cận-sự-nam tác động. khuyến khích cậu Mahāduggata rằng:

 

– Này cậu Mahāduggata! ngày mai, tôi có thỉnh Đức-Phật cùng với 20.000 Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, để làm phước-thiện bố-thí cúng-dường. Cậu có khả năng làm phước-thiện bố-thí được bao nhiêu vị ?

 

– Thưa ông, gia đình con nghèo khó, vợ chồng con đi làm thuê, làm được ngày nào ăn ngày ấy còn không đủ nữa, thì lấy gì mà làm phước-thiện bố-thí, cúng-dường. Thưa ông.

 

– Này cậu Mahāduggata! Trong thành này, những người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, có quyền cao chức trọng… là do nhờ quả của phước-thiện bố-thí. Còn gia đình cậu, ngày qua ngày làm thuê mà không đủ ăn, đó là do không làm phước-thiện bố-thí. Cậu có hiểu biết rõ như vậy không?

 

– Thưa ông! Con hiểu rồi, ngày mai, xin ông cho gia đình con thỉnh một vị Đại-đức- tỳ-khưu, để gia-đình con làm phước-thiện bố-thí, cúng-dường đến vị Đại-đức- tỳ-

khưu ấy.

 

Ông cận-sự-nam hoan hỷ chấp thuận cho gia đình cậu Mahāduggata thỉnh một vị Đại-đức tỳ-khưu, để làm phước-thiện bố-thí, cúng-dường vào ngày mai, nhưng ông quên ghi vào danh sách, mà tiếp tục đi tác động, khuyến khích người khác nhận đủ 20.000 vị Đại Đức tỳ-khưu-Tăng.

 

Sau khi được ông cận-sự-nam chấp thuận cho thỉnh một vị Đại-đức tỳ-khưu để làm phước-thiện bố-thí, cúng-dường vào ngày mai.

 

Cậu Mahāduggata vô cùng hoan hỷ, trở về báo tin cho người vợ hay biết, người vợ cũng vô cùng hoan hỷ, bàn tính nhau làm thuê kiếm gạo, đồ ăn về để ngày mai, làm phước-thiện bố-thí, cúng-dường đến một vị Đại-đức tỳ-khưu ấy.

 

Cậu Mahāduggata đi tìm việc làm, ông phú-hộ nhìn thấy cậu gọi lại thuê chẻ đống củi, để ngày hôm sau nấu đồ ăn dâng cúng đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, cậu vô cùng hoan hỷ, lấy búa chẻ trong chốc lát là xong ngay đống củi lớn, ông phú-hộ ngạc nhiên hỏi:

 

– Này Mahāduggata! Sao hôm nay cậu làm việc siêng năng và nhanh nhẹn thế?

 

– Thưa ông, ngày mai, gia đình con sẽ làm phước-thiện bố-thí, cúng-dường đến một vị Đại-đức tỳ-khưu, nên con cảm thấy hoan hỷ, sung sướng mà làm việc không biết mệt.

 

Ông phú-hộ ca tụng cậu, làm một việc khó làm. Ông

trả công cho 4 ô gạo sāli (loại gạo ngon thời xưa).

 

* Về phần vợ của cậu đi giúp việc nhà bếp cho bà phú-hộ, cô cũng vô cùng hoan hỷ làm mọi công việc một cách sạch sẽ, gọn gàng, nhanh nhẹn, nên bà phú-hộ rất hài lòng, rất ngạc nhiên hỏi rằng:

 

– Này con! Sao hôm nay con có vẻ vui sướng và làm việc giỏi giang như vậy?

 

– Thưa bà, ngày mai gia đình con sẽ làm phước-thiện bố-thí đến một vị Đại-đức tỳ-khưu, nên con vô cùng hoan hỷ làm mọi công việc, có được những đồ gia vị làm món đồ ăn, để làm phước-thiện bố-thí cúng-dường đến một vị Đại-đức tỳ-khưu trong ngày mai.

 

Nghe nói vậy, bà phú-hộ ca tụng cô đã làm được một việc khó làm. Bà trả công bằng bơ, dầu, đồ gia vi…

 

Vợ chồng Mahāduggata vô cùng hoan hỷ được gạo gạo sāli ngon, dầu bơ, đồ gia vị, … để làm phước-thiện bố-thí cúng-dường đến một vị Đại-đức tỳ-khưu vào ngày mai.

 

Sáng sớm hôm sau, người vợ thưa với chồng đi kiếm một ít rau về nấu một bát canh. Cậu Mahāduggata đi ra khỏi nhà, vừa đi vừa ca hát, đi ngang bến ghe chài; đêm hôm trước, người dân chài bắt được nhiều cá vừa cập bến, nghe tiếng ca hát của Mahāduggata bèn gọi:

 

– Này Mahāduggata! Cậu đi đâu đó? Sao hôm nay vui sướng quá vậy? Hãy xuống đây giúp tôi đem cá bán, rồi tôi sẽ cho một ít cá.

 

– Này bạn! Hôm nay gia đình tôi sẽ làm phước-thiện bố-thí cúng-dường đến một vị Đại-đức tỳ-khưu, tôi đang đi tìm rau về nấu canh.

May quá! Có được cá lại càng tốt!

 

Cậu Mahāduggata hăng hái đem cá bán, hôm ấy dân chúng trong thành mua cá làm đồ ăn để làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, nên

phần cá bán không còn con nào cả.

 

Cậu Mahāduggata muốn về nhà cho kịp làm phước-thiện bố-thí cúng-dường, nên hỏi người chủ thuyền:

 

– Này bạn! Phần cá mà anh hứa cho tôi đâu?

 

– Này bạn! Tôi còn một phần cá đặc biệt ở dưới ghe, để tôi lấy cho bạn.

 

Người chủ đem cho cậu Mahāduggata 4 con cá hồi (rohitamaccha). Cậu vội vàng đem về nhà.

 

* Canh chót đêm ấy, Đức-Phật Kassapa nhập đại-bi- định, khi xả định quán xét chúng-sinh nào có duyên lành nên tế độ. Đức-Phật nhìn thấy Mahāduggata là người có đức tin trong sạch, thỉnh một vị Đại-đức tỳ-khưu để làm phước-thiện bố-thí vào ngày mai, nhưng người cận-sự-nam quên ghi vào danh sách.

Khi Mahāduggata gặp người cận-sự-nam xin một vị Đại-đức tỳ-khưu ấy thỉnh về nhà, thì không còn một vị Đại-đức tỳ-khưu nào cả.

 

Vậy, chính Như-Lai sẽ tế độ Mahāduggata mà thôi.

 

Đức-vua trời Sakka cảm thấy chỗ ngồi phát nóng, suy xét thấy rõ hôm nay Mahāduggata sẽ làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến Đức-Phật Kassapa, nên hiện xuống hỗ-trợ Mahāduggata cùng làm phước-thiện.

 

Đức-vua trời Sakka biến hóa thành một người đầu bếp tài giỏi đến xin giúp việc cho Mahāduggata không lấy tiền công, chỉ bỏ công làm phước-thiện mà thôi. Mahāduggata đồng ý chấp thuận, xin mời vào nhà lo giúp việc nấu ăn, Đức-vua trời Sakka nấu cơm, các món ăn đều bỏ đồ gia vị cõi trời, hương trời, Đức-vua trời Sakka bảo rằng:

 

– Này bạn! Công việc nấu nướng để tôi lo, bạn hãy đi

thỉnh một vị Đại-đức tỳ-khưu ấy về nhà cho kịp giờ.

 

Cậu Mahāduggata đi đến tìm người cận-sự-nam xin thỉnh một vị Đại-đức tỳ-khưu ấy, mà ông đã tác động, khuyến khích ngày hôm qua.

 

Khi đến gặp ông cận-sự-nam, thì hỡi ơi! Ông đã quên

ghi vào danh sách, nên không còn một vị Đại-đức tỳ-khưu nào cả.

 

Cậu Mahāduggata thất vọng buồn tủi ôm mặt khóc, mọi người nhìn thấy cậu đáng thương và trách người cận-sự-nam ấy. Người cận-sự-nam ấy nói lời xin lỗi và an ủi cậu Mahāduggata, rồi khuyên bảo rằng:

 

– Này Mahāduggata! Còn Đức-Phật ở trong cốc chưa mở cửa. Đức-vua, các quan, các phú-hộ đang trông chờ Đức-Phật mở cửa, để thỉnh bát của Đức-Phật.

Đức-Phật thường tế độ những người nghèo khó. Vậy, cậu hãy vào xin kính thỉnh Đức-Phật tế độ.

 

Nghe nói vậy, đôi mắt của cậu Mahāduggata bừng sáng lên, niềm hy vọng phát sinh, cậu dũng cảm đến trước cửa cốc, đảnh lễ, đầu va chạm vào cửa, bạch rằng:

 

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, trong thành này người nghèo khó hơn con không có. Kính xin Đức-Phật có lòng đại-bi tế độ con. Bạch Ngài.

 

Đức-Phật Kassapa mở cửa ra, liền trao bình bát cho Mahāduggata. Cậu được bình bát của Đức-Phật mừng hơn được ngai vàng của Đức-chuyển-luân-Thánh- vương. Đức-vua, các quan, các phú-hộ xin lại bình bát trên tay của cậu, hứa sẽ ban cho cậu nhiều tiền của, nhưng cậu không màng đến.

 

Cậu Mahāduggata kính thỉnh Đức-Phật Kassapa về đến nhà, Đức-vua trời Sakka hóa thành người đầu bếp đã làm xong vật thực ngon lành, trải chỗ ngồi cao quý, thỉnh Đức-Phật Kassapa vào nhà.

 

Khi Đức-Phật Kassapa vừa bước vào, thì căn nhà cao hẳn lên, nên Đức-Phật không phải cúi khom người xuống, Đức-Phật ngự trên chỗ ngồi đã trải sẵn.

 

Còn Đức-vua trời Sakka là người đầu bếp đã làm xong những món vật thực, liền bảo Mahāduggata đem những món vật thực dâng cúng-dường đến Đức-Phật Kassapa. Mùi thơm của các món vật thực toả khắp cả kinh-thành Bārāṇasī.

 

Trong khi ấy, Đức-vua cùng các quan, các phú-hộ đi theo sau Đức-Phật Kassapa đến tận nhà của Mahā-duggata, để biết Mahāduggata làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến Đức-Phật Kassapa bằng những món vật thực gì.

Khi đến nơi tất cả đều được ngửi mùi thơm của những món vật thực, mà trong đời chưa từng được ngửi bao giờ.

 

Đức-vua trời Sakka đảnh lễ Đức-Phật Kassapa, rồi ngồi hầu Đức-Phật.

 

Độ vật thực xong, Đức-Phật Kassapa thuyết pháp tế độ gia-đình Mahāduggata, rồi Đức-Phật ngự trở về chùa, Mahāduggata ôm bát theo sau tiễn đưa Đức-Phật.

 

Đức-vua-trời Sakka hoan hỷ phước-thiện bố-thí cúng-dường đến Đức-Phật Kassapa xong, cũng hồi cung trở về cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

 

Khi Mahāduggata trở về nhà đứng trước cửa, nhìn thấy từ hư không rơi xuống 7 thứ báu vật đầy nhà, người vợ phải dắt đứa con ra khỏi nhà, vì 7 thứ báu vật tràn từ trong ra ngoài nhà của ông, không còn chỗ nào trống cả.

Cậu Mahāduggata nghĩ rằng: “Đó là quả báu của phước-thiện bố-thí cúng-dường đến Đức-Phật Kassapa của chúng ta ngày hôm nay.”

 

Cậu Mahāduggata liền đến chầu Đức-vua tâu rằng:

– Muôn tâu Đại-vương, nhà của tiện dân đầy cả thất báu, xin Đại-vương đem 1.000 chiếc xe đến nhà tiện dân chở tất cả thất báu ấy về cung điện.

 

Đức-vua truyền quân lính trong triều đình đem 1.000 chiếc xe chở tất cả 7 thứ báu vật đem về chất thành đống trước sân rồng.

 

Đức-vua truyền hỏi:

– Trong thành này, người nào có của báu nhiều như thế này không?

 

Tất cả mọi người đều tâu rằng:

 

– Muôn tâu Hoàng-thượng, không một người nào có nhiều của báu như thế ấy cả.

 

Do đó, Đức-vua tấn phong Mahāduggata địa vị đại-

phú-hộ, rồi truyền rằng:

 

– Này Mahāduggata! Tất cả của báu này là quả báu phước-thiện bố-thí cúng-dường đến Đức-Phật Kassapa của nhà ngươi. Vậy, nhà ngươi hãy nhận lấy.

 

Đức-vua cấp đất đai, xây cất ngôi nhà lớn, cấp nhiều gia nhân. Khi xây cất ngôi nhà xong, ông đại-phú-hộ Mahāduggata kính thỉnh Đức-Phật Kassapa ngự cùng chư Đại-đức-tỳ-khưu-Tăng đến ngôi nhà lớn làm phước-thiện đại-thí suốt 7 ngày.

 

Từ đó về sau, ông đại-phú-hộ Mahāduggata thường bố-thí, giữ-giới, tạo mọi thiện-pháp cho đến hết tuổi thọ.

 

Ông đại-phú-hộ Mahāduggata sau khi chết, đại-thiện-

nghiệp bố-thí ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trên cõi trời

dục-giới hưởng mọi sự an lạc.

 

* Đến thời kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu-kiếp của Mahāduggata trong thời kỳ Đức-Phật Kassapa, là vị thiên-nam sau khi hết tuổi thọ tại cõi trời, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh đầu thai vào người con gái của ông phú-hộ.

 

Người mẹ sinh ra một bé trai đặt tên là “Paṇḍita.” Người mẹ của công tử Paṇḍita vốn là người hộ độ Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

 

Khi công tử Paṇḍita lên 7 tuổi xin phép mẹ cha chấp thuận cho phép xuất gia trở thành sa-di Paṇḍita với Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta là thầy tế độ.

 

Mẹ cha của vị sa-di Paṇḍita đến chùa làm phước-thiện bố-thí các món vật thực, đặc biệt có món cá hồi (rohitamaccha) đến Đức-Phật cùng chư Đại-đức-tỳ-khưu-Tăng suốt 7 ngày.

 

Qua đến ngày thứ 8, vị sa-di Paṇḍita ở tại cốc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng-ngộ chân-lý tứ-Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt-đoạn-tuyệt được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh-A-ra-hán, cùng với tứ-tuệ- phân-tích, hoàn thành xong phận-sự của bậc xuất gia trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

 

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta đi khất thực độ xong, còn đem về cho sa-di Paṇḍita một phần vật thực, trong đó có món cá hồi, theo nguyện vọng của vị sa-di Paṇḍita, người đệ tử có sắc thân bé nhỏ, còn tâmbậc Thánh-A-ra-hán cao thượng.

 

Làm phước-thiện bố-thí cúng-dường đến Đức-Phật với đức tin trong sạch, hoan hỷ trong phước-thiện, quả

báu của phước-thiện bố-thí ấy không chỉ được giàu sang phú quý ngay trong kiếp-hiện-tại, những kiếp vị lai đầy đủ của cải thế gian, mà còn kiếp chót cũng có đầy đủ 9 pháp siêu-tam-giới đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn nữa.

1 Bộ Chú giải Dhammapadaṭṭhakathā, tích Paṇḍitasāmaṇeravatthu.

Nghiệp già dặn nhiều năng lực có khả năng cho quả trong khoảng thời gian 7 ngày
Tích gia đình ông Puṇṇa

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *