5- Đề-Mục Thiền-Định Vật Thực Đáng Nhờm Gớm (Āhārepaṭikkūlasaññā)
Āhārepaṭikkūlasaññā: Suy tưởng về vật thực phát sinh tâm nhờm gớm trong vật thực.
Āhārepaṭikkūlasaññā là một đề-mục thiền-định có chi-pháp là tưởng tâm-sở (saññācetasika) đồng sinh với dục-giới thiện-tâm.
Trong bộ Visuddhimagga trình bày cách thực-hành đề-mục thiền-định āhārepaṭikkūlasaññā, hành-giả ở nơi thanh vắng suy tưởng về vật thực, để phát sinh tâm ghê tởm nhờm gớm trong vật thực có 10 cách như sau:
1- Gamanato: Do đi đến nơi có vật thực.
2- Pariyesanato: Do đi tìm kiếm vật thực.
3- Paribhogato: Do dùng vật thực.
4- Āsayato: Do chỗ vật thực nương nhờ.
5- Nidhānato: Do bao tử chứa đựng vật thực.
6- Aparipakkato: Do vật thực chưa tiêu hóa.
7- Paripakkato: Do vật thực đã tiêu hóa rồi.
8- Phalato: Do hiệu quả của vật thực trong cơ thể.
9- Nissandato: Do thải trừ chất cặn bã ra khỏi cơ thể.
10- Sammakkhanato: do dính bẩn.
Giải thích:
1- Gamanato: Suy tưởng về vật thực đáng nhờm gớm do đi đến nơi có vật thực:
– Hành-giả là tỳ-khưu, sa-di thường trú nơi thanh vắng, mỗi ngày đến giờ đi khất thực, hành-giả mặc y, mang bát đi vào xóm làng từng nhà để khất thực vất vả, phải tiếp xúc với đủ hạng người, cho đủ một bữa ăn.
– Đối với người tại gia cần phải đi làm lụng cực nhọc vất vả mới có đủ ăn đủ mặc.
Vậy, để có được vật thực nuôi sống hằng ngày là điều khổ cực. Thật đáng nhàm chán.
2- Pariyesanato: Suy tưởng về vật thực đáng nhờm gớm do đi tìm kiếm vật thực:
– Khi đến xóm nhà, hành-giả đi khất thực xin ăn từ nhà này sang nhà khác, từ con đường này sang con đường khác, chỉ tìm kiếm vật thực cho đủ một bữa ăn trong ngày hôm ấy mà thôi.
– Đối với người tại gia cần phải đi mua sắm đem về nấu nướng để có được một bữa ăn cũng vất vả không kém.
Vậy, tìm kiếm được vật thực nuôi sống hằng ngày là điều khổ cực. Thật đáng nhàm chán.
3- Paribhogato: Suy tưởng về vật thực đáng tởm do dùng vật thực:
– Khi dùng vật thực, hành-giả bỏ vào miệng, 2 hàm răng nhai nhỏ vật thực, món ăn bị nhai nhỏ lẫn với nước bọt, thật đáng tởm, do không nhìn thấy nên nuốt vào bụng.
Nếu trước khi nuốt miếng ăn ấy vào bụng, hành-giả nhả ra trên bàn tay sạch hoặc cái đĩa sạch, để nhìn thấy rõ ràng miếng ăn ấy, thì hành-giả có thể nuốt lại miếng ăn ấy vào bụng được hay không?
Vậy, vật thực là thật đáng ghê tởm.
4- Āsayato: Suy tưởng về vật thực đáng nhờm gớm do xét chỗ vật thực nương nhờ:
Vật thực được nuốt vào bên trong, nương nhờ nước mật, nước đàm, nước mủ, máu. Nếu người nào có thứ nước nào nhiều thì vật thực trộn lẫn với nước ấy nhiều.
Vậy, vật thực là thật đáng nhờm gớm.
5- Nidhānato: Suy tưởng về vật thực đáng nhờm gớm do vật thực chứa đựng trong bao tử:
Những món ăn được nuốt vào gọi là vật thực mới trộn lẫn với mật, đàm, mủ, máu chứa chất chung trong bao tử đầy hôi thối. Người sống bao nhiêu năm tháng, thì vật thực cũng chứa đựng bấy nhiêu, mà không hề làm sạch.
Vậy, vật thực mới chứa đựng trong bao tử thật đáng nhờm gớm.
6- Aparipakkato: Suy tưởng về vật thực đáng nhờm gớm do vật thực chưa tiêu hóa:
Vật thực mới từ ngày hôm qua và hôm nay chứa đựng trong bao tử, chất lửa (pācakatejo) chưa kịp tiêu hóa vật thực ấy, nên có trạng-thái sình lên.
Vậy, vật thực mới chứa đựng trong bao tử, chưa kịp tiêu hóa thật đáng nhờm gớm.
7- Paripakkato: Suy tưởng về vật thực đáng nhờm gớm do vật thực đã tiêu hóa rồi:
Vật thực mới được tiêu hóa do chất lửa trong bao tử, (pācakatejo) một phần bổ dưỡng đem nuôi cơ thể, phần thải ra biến thành phân chứa trong bọc phân, và biến thành nước tiểu chứa trong bọc nước tiểu.
Vậy, vật thực đã tiêu hóa rồi, phần thải ra chất cặn bã thành phân, nước tiêu thật đáng nhờm gớm.
8- Phalato: Suy tưởng về vật thực đáng nhờm gớm do biết hiệu quả của vật thực trong cơ thể:
Vật thực mới đã tiêu hóa do chất lửa trong bao tử, rồi đem lại hiệu quả cho máu, thịt, xương, tóc, lông, móng, răng, da, v.v…
Nếu phần vật thực nào không tiêu hóa được thì sẽ sinh ra các thứ bệnh. Đó là hậu quả do vật thực.
Vậy, hiệu quả của vật thực có lợi và cũng có hại, thật đáng nhờm gớm.
9- Nissandato: Suy tưởng về vật thực đáng nhờm gớm do thải trừ các chất cặn bã ra khỏi cơ thể:
Vật thực được nuốt vào chỉ có một đường là cửa miệng. Sau khi vật thực được tiêu hóa, phần thải trừ các chất cặn bã ra khỏi cơ thể bằng 9 môn (cửa) và lỗ chân lông như sau:
– 2 nhãn môn (mắt) là nơi chảy ra nước mắt, ghèn.
– 2 nhĩ môn (tai) là nơi chảy ra ráy tai, mủ tai.
– 2 tỷ môn (mũi) là nơi chảy ra nước mũi.
– Khẩu môn (miệng) là nơi chảy ra nước bọt, đàm,…
– Hậu môn là nơi chảy ra phân.
– Đường tiểu là nơi chảy ra nước tiểu.
– Lỗ chân lông là nơi chảy ra mồ hôi …
Vật thực là những món ăn ngon hoặc dở nuốt vào miệng, sau khi vật thực đã tiêu hóa xong, rồi thải trừ chất cặn bã ra qua các môn (cửa) đều là những chất ô trọc, hôi thối, thật đáng nhờm gớm.
10- Sammakkhanato: Suy tưởng về vật thực đáng nhờm gớm do vật thực dính bẩn:
Vật thực là các món ăn, khi dùng các món ăn dính bàn tay, bỏ vào miệng dính lưỡi, răng,… sau khi ăn xong, cần phải súc miệng, đánh răng bằng những thứ kem có mùi thơm, để tránh mùi hôi tanh.
Khi thải trừ các chất cặn bã ra khỏi cơ thể bằng 9 môn (cửa) và các lỗ chân lông toàn thân đầy hôi hám.
Hằng ngày, người ta cần phải tắm rửa sạch sẽ bằng những thứ nước thơm, để làm cho dễ chịu đối với chính mình và mọi người. Vật thực vốn thật là đáng nhờm gớm.
Nimitta, bhāvanā của đề-mục thiền-định āhārepaṭikkūlasaññā
Thực-hành đề-mục thiền-định āhārepaṭikkūlasaññā: Suy tưởng trong vật thực phát sinh tâm ghê tởm vật thực, sau khi hành-giả suy tưởng về vật thực đáng nhờm gớm bằng 10 cách như đã trình bày.
Ba loại nimitta
Đề-mục thiền-định āhārepaṭikkūlasaññā có đối-tượng thật-tánh kabaḷīkārāhāra: Món vật-thực thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), nên chỉ có parikam-manimitta: Đối-tượng ban đầu thực-hành mà thôi, đó là các món vật thực liên quan đến saññā suy tưởng về vật-thực thật đáng nhờm gớm.
Đề-mục thiền-định này không thể phát sinh đối-tượng uggahanimitta và đối-tượng paṭibhāganimitta.
Ba loại bhāvanā, ba loại samādhi
Đề-mục thiền-định āhārepaṭikkūlasaññā chỉ có 2 loại bhāvanā, 2 loại samādhi là parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu, parikammasamādhi: Sơ-định ban đầu, và upacārabhāvanā: Tâm-hành cận bậc thiền, upacāra-samādhi mà thôi, không có khả năng dẫn đến appanā-bhāvanā: Tâm-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, appanāsamādhi: An-định trong bậc thiền sắc-giới thiện-tâm.
Đề-mục thiền-định āhārepaṭikkūlasaññā này chỉ có khả năng đạt đến upacārasamādhi: Cận định mà thôi, mà không có khả năng chứng đắc appanāsamādhi: An-định chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nào cả, bởi vì đề-mục thiền-định này không có đối-tượng uggahanimitta và đối-tượng này tâm vẫn còn là dục-giới thiện-tâm, có dục-giới thiện-nghiệp.
Tính chất của đề-mục āhārepaṭikkūlasaññā
Hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định āhāre-paṭikkūlasaññā này có khả năng đặc biệt diệt tâm tham-ái trong vị món ăn (rasataṇhā).
Khi hành-giả dùng vật thực, các món ăn như thế nào?
Ví dụ: Hai vợ chồng ẵm đứa con nhỏ yêu quý đi lánh nạn, giữa đường trên bãi sa mạc, hết sạch lương khô đi đường, đứa con nhỏ đói khát không chịu nổi, nên bị chết, hai vợ chồng vô cùng đau khổ vì thương tiếc đứa con yêu quý.
Khi ấy, hai vợ chồng bàn bạc với nhau rằng:
“Đứa con yêu quý đã chết, chúng ta hết sạch lương khô, khoảng đường còn xa, dù cố gắng hết sức chúng ta cũng chỉ đi được một đoạn đường nữa mà thôi, rồi chắc chắn chúng ta sẽ ngã gục chết ở phía trước, vì đói khát.
Bây giờ, đứa con yêu quý đã chết rồi, chúng ta nên dùng thịt của đứa con, để có thể tiếp tục đi khoảng đường còn lại.”
Sau khi bàn bạc như vậy, hai vợ chồng đành phải ăn thịt đứa con yêu quý đã chết ấy, không ham thích chút nào cả, nhưng phải ăn để duy trì sinh-mạng tiếp tục đi vượt qua khỏi sa mạc như thế nào.
Cũng như vậy, hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định āhārepaṭikkūlasaññā phát sinh trí-tuệ sáng suốt suy tưởng về vật thực thấy rõ, biết rõ các món ăn thật đáng ghê tởm, đáng nhờm gớm, nên diệt được tâm tham-ái trong vị (rasataṇhā) của vật thực, nhưng cũng phải dùng vật thực để duy trì sinh-mạng tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, giống như trường hợp hai vợ chồng đành phải ăn thịt đứa con yêu quý đã chết như thế ấy.
Hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định āhārepaṭik-kūlasaññā suy tưởng về vật thực thật đáng ghê tởm, đáng nhờm gớm cũng như hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatāsati, trí-tuệ thấy rõ, biết rõ 32 thể trọc (trược) trong thân thể, hoặc thực-hành đề-mục thiền-định asubha tử-thi, trí-tuệ thấy rõ, biết rõ tử-thi thật đáng ghê tởm như vậy.
Hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định āhārepaṭik-kūlasaññā này, nếu chưa chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán thì sau khi chết, dục-giới thiện-nghiệp của đề-mục thiền-định này sẽ cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới là cõi người hoặc 1 trong 6 cõi trời dục-giới.
(Xong đề-mục thiền-định āhārepaṭikkūlasaññā.)