Suy Tư Thế Nào Xuất Gia Trở Thành Tỳ Khưu – Tích Đại Đức Tỳ Khưu Ni Sumedhā

II- TÍCH ÐẠI ÐỨC TỲ KHƯU NI SUMEDHĀ 

Ðại Ðức Tỳ khưu ni Sumedhā, kiếp hiện tại là Công chúa Sumedhā, con bà chánh cung hoàng hậu của đức vua Koñca, trị vì kinh thành Mantavatī. 

Sơ Lược Tiền Thân Tỳ Khưu Ni Sumedhā 

Trong bộ Chú giải Therīgāthā, Ðại Ðức Tỳ khưu ni Sumedhā dạy rằng: 

Những tiền thân của Ngài đã từng tạo pháp hạnh ba la mật, với ý nguyện mong giải thoát khỏi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài. 

– Trong kiếp trái đất này, vào thời kỳ tuổi thọ con người khoảng 30.000 năm, Ðức Phật Koṇāgamana xuất hiện trên thế gian, tiền thân Ðại Ðức Tỳ khưu ni Sumedhā, sanh làm con trong một gia đình phú hộ có nhiều của cải. Cô là người có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, cùng với hai người bạn gái tên là Dhanañjānī và Khemā xây cất một ngôi chùa lớn, nguy nga tráng lệ, dâng cúng đến chư Tỳ khưu Tăng có Ðức Phật Koṇāgamana chủ trì, và hộ độ bốn thứ vật dụng đến Ðức Phật cùng chư Tỳ khưu Tăng cho đến trọn đời. 

Do phước thiện ấy cho quả, cô được tái sanh làm chư thiên cõi trời dục giới và làm người suốt nhiều kiếp, không hề sa vào 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh). Cô tái sanh cõi trời nào, cũng là một thiên nữ cao quý nhất, là Chánh cung Hoàng hậu của Ðức vua trời cõi ấy, và được hưởng sự an lạc cao quý trong cõi trời ấy. Nếu cô sanh làm người vào thời đại có Ðức Chuyển luân thánh vương, cô sẽ là Chánh cung Hoàng hậu của Ðức Chuyển luân thánh vương, và vào thời đại không có Ðức Chuyển luân thánh vương, cô sẽ là Chánh cung Hoàng hậu của Ðức vua một nước lớn.

* Vào thời kỳ tuổi thọ con người khoảng 20.000, có Ðức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian. Cô tái sanh trong một gia đình quý phái, là bạn thân với 6 công chúa của đức vua Kīkī trị vì kinh thành Baraṇasī, họ đều là cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, Tam bảo, hoan hỉ trong sự bố thí cúng dường, giữ giới, tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ cho đến trọn đời. 

 – Cô tái sanh làm thiên nữ cõi Tam thập tam thiên, hưởng sự an lạc trong cõi trời này cho đến hết tuổi thọ 1.000 năm. (So với cõi người là 36 triệu năm, bởi 1 ngày 1 đêm của cõi trời này bằng 100 năm cõi người). 

– Cô tái sanh làm thiên nữ cõi trời cao hơn 1 bậc là cõi Dạ ma thiên, hưởng sự an lạc trong cõi trời này cho đến hết tuổi thọ 2.000 năm. (So với cõi người là 144 triệu năm, bởi 1 ngày 1 đêm của cõi trời này bằng 200 năm cõi người). 

– Cô tái sanh làm thiên nữ cõi trời cao hơn 1 bậc  là  cõi Ðâu  suất  đà  thiên, hưởng sự an lạc trong cõi trời này cho đến hết tuổi thọ 4.000 năm. (So với cõi người là 576 triệu năm, bởi 1 ngày 1 đêm của cõi trời này bằng 400 năm cõi người). 

– Cô tái sanh làm thiên nữ cõi trời cao hơn 1 bậc là cõi Hóa lạc thiên, hưởng sự an lạc trong cõi trời này cho đến hết tuổi thọ 8.000 năm. (So với cõi người là 2.304 triệu năm, bởi 1 ngày 1 đêm của cõi trời này bằng 800 năm cõi người). 

– Cô tái sanh làm thiên nữ cõi trời cao hơn 1 bậc là cõi Tha hóa tự tại  thiên, hưởng sự an lạc trong cõi trời này  cho  đến  hết  tuổi  thọ  16.000 năm. (So với cõi người là 9.216 triệu năm, bởi 1 ngày 1 đêm của cõi trời này bằng 1.600 năm cõi người). 

Do năng lực phước thiện, cô sanh làm thiên nữ cõi trời nào, cũng đều làm Chánh cung Hoàng hậu của Ðức vua trời cõi ấy và hưởng sự an lạc cao quý trong cõi trời ấy. 

Kiếp Hiện Tại Của Ðại Ðức Tỳ Khưu Ni Sumedhā 

Vào thời kỳ tuổi thọ con người 100 năm, Ðức Phật Gotama hiện tại xuất hiện trên thế gian. Cô từ cõi Tha hoá tự tại thiên, tái sanh làm người, là Công chúa Sumedhā của Ðức vua Koñcā trị vì kinh thành Mantavatī. Do năng lực phước thiện ba la mật đã tạo nhiều kiếp trong quá khứ, đến kiếp này là kiếp chót của cô. Vì vậy, dầu khi còn nhỏ, công chúa thường đến chùa Tỳ khưu ni để nghe pháp. Công chúa thường phát sanh động tâm (saṃvega), kinh sợ cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài, phát sanh tâm nhàm chán sắc thân ô trược này; trí tuệ thấy rõ tội lỗi của ngũ trần, phát sanh tâm nhàm chán ngũ trần, không muốn đời sống người tại gia, có chí hướng bỏ nhà xuất gia trở thành Tỳ khưu ni. 

 Khi Công chúa Sumedhā trưởng thành, Ðức vua và Hoàng hậu có ý định tác hợp Công chúa kết hôn cùng với đức vua Anikaratta trị vì kinh thành Vāraṇavati. Ðức vua và Hoàng hậu khuyên bảo Công chúa không nên xuất gia trở thành Tỳ khưu ni, nên thành hôn với đức vua Anikaratta, sẽ trở thành Chánh cung Hoàng hậu của đức vua Anikaratta, có nhiều quyền thế, có đầy đủ sự an lạc trong ngũ trần không một ai sánh được. Song công chúa Sumedhā nhất quyết không ưng thuận, quyết chí từ bỏ cung điện xuất gia trở thành Tỳ khưu ni. 

Trong bộ Therīgāthā, phần Sumedhāgāthā, Ðại Ðức Tỳ khưu ni Sumedhā dạy rằng: 

Nguyên trước kia bần đạo, công chúa Su-me-dhā, 

Con Chánh cung Hoàng hậu, của Ðức vua Koñ-ca. 

Trị vì nơi kinh thành, Man-ta-va-tī ấy. 

Tôi có đủ đức tin, trong sạch nơi Tam bảo. 

Do nhờ lắng nghe pháp, của bậc Thánh nhân dạy. 

Là Bậc đã thực hành, theo lời của Ðức Phật. 

Tôi là Su-me-dhā, có giới đức trong sạch,  

Bậc đa văn túc trí, nghe nhiều và hiểu rộng, 

Có khả năng thuyết pháp, rất hay bằng nhiều cách. 

Ðược thực hành đúng theo, giáo pháp của Ðức Phật. 

Cho nên thân khẩu ý, và lục căn thanh tịnh. 

Công chúa Sumedhā đến gặp Ðức vua và Hoàng hậu tâu rằng: 

“Con có lời kính tâu, phụ hoàng cùng mẫu hậu. 

Con nhàm chán ngũ uẩn.Con nhàm chán ngũ trần

Con chỉ mong chứng ngộ, Niết Bàn giải thoát khổ.  

Ngũ trần dầu cõi trời, vẫn vô thường tạm bợ. 

Ngũ trần trong cõi người, có gì đáng nói đâu! 

Những gì trong tam giới, đều là pháp vô ngã,  

Vô chủ và vô dụng, chỉ có khổ mà thôi. 

Ngũ trần vui thì ít, thống khổ cùng cực nhiều. 

Như một ít mật ong, dính trên lưỡi dao bén. 

Thèm liếm chút mật kia, bị đứt lưỡi chảy máu. 

Ngũ trần toàn cay dắng, không gì đáng mong ước, 

Ngũ trần như rắn hổ, nhiều nọc độc chết người, 

Thật vô cùng nguy hiểm, tai hại đến sanh mạng. 

Kẻ si mê tham đắm, trong dục lạc ngũ trần,  

Làm bao điều tội lỗi, tạo ác nghiệp, bất lương. 

Phải chịu khổ thân – tâm, cực hình trong địa ngục. 

 Những hạng người si mê, không hề biết thu thúc, 

Giữ gìn thân – khẩu – ý, trong sạch trong thiện pháp, 

Thường tạo mọi ác nghiệp, chịu khổ cõi ác giới. 

Người không có trí tuệ, không biết tạo thiện nghiệp, 

Không đem lại cho mình, sự lợi ích, tiến hóa, 

Không có sự an lạc, chỉ có khổ mà thôi. 

Người si có tham ái, nhân sanh khổ tái sanh,  

Dắt dẫn vòng luân hồi, tử sanh không cùng tận. 

Người si mê không hiểu, chân lý Tứ thánh đế, 

Mà Ðức Phật thuyết giảng, nên không chứng ngộ được. 

Tâu phụ hoàng mẫu hậu! 

Những người si mê ấy, mong ước sanh cõi trời, 

Sao thoát khỏi cảnh khổ, vòng tử sanh luân hồi, 

Trong ba giới bốn loài, vô thủy đến vô chung. 

Hạng người si mê ấy, có rất nhiều trong đời.  

Tất cả mọi cảnh giới, đều vô thường mà thôi.  

Dầu tái sanh cõi trời, cũng phải chịu cảnh khổ. 

Những hạng người si mê, không kinh sợ tái sanh. 

Cho nên sanh rồi tử, tử rồi sanh liên tục, 

Ðường tử sanh luân hồi, biết bao giờ cùng tận. 

Chúng sinh sa đọa vào, trong bốn cõi ác giới,  

Do ác nghiệp đã tạo, phải chịu khổ trọn đời. 

Chịu cực hình đọa đày, không có chút an lạc. 

Hai cảnh giới: người – trời, do nhờ nơi thiện nghiệp,  

Biết tạo nên thiện nghiệp, không phải việc dễ dàng.  

Ngoài sanh làm người ra, còn các cảnh giới khác, 

Thì không thể xuất gia, thành Tỳ khưu ni được! 

Tâu phụ hoàng mẫu hậu! 

Xin song thân bằng lòng, cho phép con xuất gia, 

Trở thành Tỳ khưu ni, hành phạm hạnh cao quý, 

Trong giáo pháp cao thượng, của Phật Go-ta-ma. 

Con hết sức cố gắng, sẽ tiến hành thiền tuệ, 

Chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả, Niết Bàn. 

Diệt khổ sanh – lão – tử, trong ba giới bốn loài. 

Xin phụ hoàng mẫu hậu! 

Cho phép con xuất gia, trở thành Tỳ khưu ni, 

Hầu mong diệt đoạn tuyệt, tham ái nhân sanh khổ. 

 Lợi ích gì sắc thân, ô trược đầy bịnh hoạn,  

Vô thường luôn biến đổi, khổ đau và vô dụng! 

Người si mê say đắm, để chịu mọi cảnh khổ. 

Con được nhiều diễm phúc, sanh làm người, gặp thời  

Ðức Thế Tôn xuất hiện, trên cõi thế gian này. 

Con đã rất may mắn, tránh được cảnh phi thời (akhaṇa).

Không rơi vào địa ngục, ngạ quỷ hoặc súc sanh. 

Khi con được xuất gia, trở thành Tỳ khưu ni, 

Trong giáo pháp Ðức Phật, con cố gắng giữ gìn, 

Tròn Tứ thanh tịnh giới, hành phạm hạnh cao thượng,  

Cho đến trọn đời này, con sẽ không dể duôi! 

Tuy nghe Công chúa tâu xin như vậy, nhưng Ðức vua và Hoàng hậu vẫn không bằng lòng cho phép công chúa xuất gia.

Biết phụ hoàng và mẫu hậu chưa bằng lòng cho phép, công chúa Sumedhā nói quả quyết rằng: “Ngày nào con còn sống tại gia, ngày ấy, con sẽ không dùng vật thực, thà chịu chết mà thôi”, rồi nằm lăn xuống nền lâu đài tại nơi ấy than khóc. Hoàng hậu thương con cũng khóc theo, còn Ðức vua thấy vậy cũng sầu não.

Ðức vua và Hoàng hậu khuyên bảo công chúa Sumedhā rằng: 

– Sumedhā con yêu quý, hãy dậy đi con! Con nên sống để tận hưởng sự an lạc trong đời. Con làm như vậy có ích lợi gì đâu? Phụ hoàng đã tác hợp con với đức vua Anikaratta, người có uy danh lừng lẫy, đang trị vì kinh thành Vāraṇavati, con sẽ trở thành Chánh cung Hoàng hậu của đức vua Anikaratta. 

Sumedhā con yêu quý, xuất gia trở thành Tỳ khưu ni, giữ gìn Tứ thanh tịnh giới, hành phạm hạnh khó lắm con à! Còn địa vị cao quý, quyền lực, giang sơn sự nghiệp của đức vua Anikaratta tất cả sẽ thuộc về con dễ dàng. Tuổi còn trẻ, con nên thụ hưởng ngũ trần. Vì vậy, phụ hoàng, mẫu hậu khuyên con nên thành hôn với đức vua Anikaratta. 

Công chúa Sumedhā vẫn cương quyết tâu với phụ hoàng và mẫu hậu rằng:

Tâu phụ hoàng, mẫu hậu! 

Ðịa vị và quyền lực, giang sơn của đức vua,  

A-ni-ka-rat-ta, không có đối với con. 

Bởi tất cả những gì, có trong tam giới này,  

Với con đều vô dụng, chẳng có ích lợi gì ! 

Vì vậy đối với con: “hoặc được phép xuất gia,  

Trở thành Tỳ khưu ni, hoặc là con sẽ chết”.  

Thành hôn với đức vua, A-ni-ka-rat-ta, 

 Sẽ không bao giờ có, chắc chắn là như vậy! 

Thân này là ô trược, rất dơ bẩn hôi thối. 

Ðáng nhờm gớm biết bao! Con nhàm chán thân này,  

Ví như một bao da, chứa đầy thứ ô uế. 

Những thứ nhơ bẩn ấy, thường chảy ra không ngớt.  

Con thấy rõ thân này, giống tử thi ô trược. 

Người si mê say đắm, chấp thủ lấy thân này.  

Nó trát bằng thịt, máu, bao bọc bởi làn da,  

Là môi trường sinh sản, của các loài sán lãi,  

Rồi sẽ là vật thực, của côn trùng, diều quạ….  

Sao phụ hoàng mẫu hậu, lại đem con tác hợp, 

Thành hôn với Ðức vua, A-ni-ka-rat-ta? 

Thân này chẳng bao lâu, khi tâm thức rời khỏi, 

Gọi mạng chung hoặc “chết”, thành tử thi bất động,  

Dù thân bằng quyến thuộc, cũng đều thấy ghê tởm,  

Ðem  bỏ  ngoài  nghĩa  địa,  như  cây  mục  vô  ích.

Cha mẹ cũng ghê tởm, không muốn nhìn thấy nữa,  

Ðem bỏ tử thi ấy, nơi nghĩa địa hoang vắng, 

Ðể trở thành vật thực, cho các loài chim, thú.  

Khi cha mẹ trở về, liền tắm gội sạch sẽ, 

Lại còn nói gì đến, những người xa lạ khác! 

Người si mê say đắm, do năng lực tham dục. 

Trong thân ô trược này, thực chất chỉ bộ xương, 

Ðược ràng rịt bởi gân, tô bồi thêm máu thịt. 

Trong khối sắc thân này, chứa đầy vật ô trược, 

Máu, mủ, phẩn, tiểu, đàm…, thường chảy ra không ngớt. 

Người có trí giải phẫu, sắc thân bằng trí tuệ,  

Nếu lộn ngược sắc thân, bên trong trở ra ngoài, 

Người ấy không thể nào, chịu nổi mùi hôi tanh,  

Ô trược đáng nhờm gớm, của sắc thân này được! 

Dầu chính mình cũng thấy, sắc thân ô trược này, 

Quả thật đáng nhàm chán, đáng ghê tởm dường nào!  

Huống chi bậc Thiện trí, có trí tuệ thiền tuệ, 

Thấy rõ biết rõ rằng: sắc thân này chỉ là: 

Sắc uẩn hoặc thân xứ, thân giới hoặc sắc thân, 

Do 4 nhân duyên là: nghiệp, tâm, với thời tiết,  

Và vật thực tạo nên, sắc thân ô trược này. 

Chỉ thuộc về khổ đế, do tham ái là nhân. 

Con cũng thường quán xét, thấy đúng sự thật này, 

Thì làm sao có thể, thành hôn với Ðức vua, 

 A-ni-ka-rat-ta, thành Chánh cung Hoàng hậu! 

Tâu phụ hoàng, mẫu hậu: 

Con có thể chấp nhận, mỗi ngày dầu có đến,  

Ba trăm mũi giáo bén, đâm vào sắc thân con, 

Con phải chịu đựng suốt, một trăm năm như vậy, 

Nếu con được giải thoát, khổ tử sanh luân hồi, 

Sự chịu đựng như thế, cao thượng biết dường nào!  

Người nào khi đã hiểu, lời dạy của Ðức Phật, 

Vòng tử sanh luân hồi, vô thủy không biết được, 

Người ấy phải chịu đựng, ba trăm mũi giáo đâm; 

Nếu họ được giải thoát, khổ tử sanh luân hồi, 

Sự chịu đựng thống khổ, bởi những mũi giáo ấy, 

Cũng vẫn xứng đáng hơn, người si mê phải chịu, 

Khổ sanh-lão-bệnh-tử, luân hồi không cùng tận. 

Khổ trong 4 ác giới, không sao kể xiết được! 

Chúng sinh đọa địa ngục, chịu hành hạ cực hình, 

Như đâm chém, đánh đập, chết đi rồi sống lại. 

Chư thiên ở cõi trời, cũng còn phải chịu khổ,  

Bởi tham ái, vô minh, lửa phiền não thiêu đốt.  

Cả tam giới đều khổ, không có nơi an toàn, 

Không có an lạc nào, hơn an lạc Niết Bàn. 

Chư bậc Thiện trí nào, thường có sự tinh tấn, 

Hành theo Ðức Phật dạy, mà tiến hành thiền tuệ. 

Tinh tấn không ngừng nghĩ, thì bậc Thiện trí ấy, 

Có thể chứng ngộ được, chân lý Tứ thánh đế, 

Chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả, Niết Bàn. 

Ðó là pháp diệt tận, khổ sanh-lão-bệnh-tử. 

Tâu phụ hoàng, mẫu hậu. 

Ngay hôm nay con nguyện, tha thiết chỉ một điều, 

Nhất định sẽ xuất gia, trở thành Tỳ khưu ni. 

Chẳng có lợi ích gì, ngôi Chánh cung Hoàng hậu. 

Những của cải tài sản, ngũ trần vô dụng ấy. 

Con thật sự nhàm chán, không còn chút tham muốn,  

Ngũ  trần  đáng  ghê  tởm,  nên  tránh  xa  mà  thôi!

Con sẽ làm như cây, thốt nốt đã đứt ngọn,  

Không bao giờ có thể, đâm chồi lên được nữa. 

Nghe Công chúa tâu trình những sự thật, và cho biết ý nguyện tha thiết cùng với sự quyết tâm của mình; Ðức vua và Hoàng hậu đang phân vân, vì hai Người chỉ muốn Công chúa thành hôn cùng đức vua Anikaratta, để trở thành Chánh cung Hoàng hậu, thì được tin báo đức vua Anikaratta dẫn đầu một đoàn tùy tùng sắp đến để cử hành hôn lễ với công chúa Sumedhā.

Khi nghe tin ấy, Công chúa biết rằng không thể dùng lời nói khẩn khoản để năn nỉ suông được, nên tỏ ý chí cương quyết bằng hành động. Nghĩ xong, cô vội vã đứng dậy, chạy lên lâu đài, vào phòng đóng cửa cẩn thận, lấy thanh gươm cắt ngang mái tóc đen nhánh mềm mại, rồi ngồi yên tịnh tiến hành thiền định, với đề mục niệm thân bất tịnh, chẳng bao lâu, Công chúa chứng đắc đệ nhất thiền sắc giới, nhập định đệ nhất thiền. 

Trong lúc ấy, Ðức vua Anikaratta với oai phong lẫm liệt, trang phục bằng những viên ngọ mani quý giá, ngự vào đến kinh thành Mantavatī, hay tin Công chúa cự tuyệt việc kết hôn, nên vội vã đến tận lâu đài nơi Công chúa đang ở, đứng bên ngoài nói vọng vào, khẩn khoản năn nỉ nàng rằng: 

Này công chúa Su-me-dhā yêu quý của Trẫm!  

Ðịa vị và quyền lực, giang sơn cùng sự nghiệp, 

Trẫm xin đem tất cả, hiến dâng đến ái khanh.  

Ái khanh một giai nhân, rất xinh đẹp, trẻ trung, 

Nên thụ hưởng ngũ trần, chớ nên làm khổ mình. 

An lạc trong ngũ trần, đời này khó có được. 

Trẫm hiến dâng vương quốc, rộng lớn 3 do tuần, 

Cho ái khanh thụ hưởng, sự an lạc đế vương. 

Trẫm chỉ xin một điều: ái khanh hãy từ bỏ,  

Ý định đi xuất gia, trở thành Tỳ khưu ni. 

Ái khanh nên thụ hưởng, sự an lạc ngũ trần,  

Nên làm mọi phước thiện, an lạc mình và người, 

Bố thí, cúng dường đến, Sa môn, Bà la môn. 

Xin ái khanh chớ nên, làm khổ thân – tâm mình, 

Lại làm cho phụ hoàng, và mẫu hậu buồn khổ”. 

Nghe Ðức vua Anikaratta khuyên như vậy, Công chúa Sumedhā tâu lại rằng: 

Thiếp xin tâu Hoàng thượng, 

Thần thiếp không còn muốn, thụ hưởng ngũ trần nữa.  

Cũng không còn si mê, say đắm trong ngũ trần. 

Xin Hoàng thượng chớ nên, say đắm trong ngũ trần.  

Nên sáng suốt thấy rõ, tội lỗi của ngũ trần. 

Quá khứ đã từng có, Ðức Chuyển luân thánh vương  

Man-dhā-tu trị vì, khắp bốn châu thiên hạ, 

Là người hưởng ngũ trần, bậc nhất trong cõi người,  

Cõi Tam thập tam thiên, suốt ba sáu đời vua (Sakka).  

Ðức vua Man-dhā-tu, vẫn chưa hề biết đủ, 

Trong dục lạc ngũ trần, thì Người đã băng hà, 

Mà lòng còn khao khát, chưa thỏa mãn ngũ trần, 

Nếu có trận mưa lớn, bằng ngọc ngà thất bảo, 

Rải đầy trên mặt đất, khắp tất cả mười phương, 

Biết đủ trong ngũ trần, chẳng bao giờ có được. 

Người  tham  đắm  ngũ  trần,  chưa  đủ  thì  đã  chết,

Tội lỗi của ngũ trần, ví dụ bằng nhiều cách:  

Ngũ trần như đao kiếm, để chém giết, chặt đầu. 

Như đầu rắn hổ mang, vì nọc độc chết người. 

Như bó đuốc ngược gió, làm bỏng người cầm nó. 

Như đống xương khô khan, chẳng còn chút hương vị.  

Như những trái cây ngon, làm cho cây tàn hại. 

Như miếng thịt thơm tho, có nhiều người chiếm đoạt.  

Như là giấc mộng mị, chỉ chốc lát rồi tan. 

Như là trò ảo thuật, vì không gì có thật.  

Như đồ mượn để dùng, vì chỉ được chốc lát. 

Như hầm lửa than hồng, thiêu đốt người tham đắm.  

Như cục sắt cháy đỏ, nóng bỏng người chạm vào, 

Tất cả ngũ trần ấy, là nguồn gốc khổ đau… 

Tội lỗi của ngũ trần, kể không sao xiết được.  

Ngũ trần vui rất ít, mà đau khổ nhiều hơn,  

Thống khổ đến cùng cực. Tội ngũ trần như vậy! 

Nên Ðức Phật dạy rằng: “Người tham đắm ngũ trần,  

Cản trở hành thiền định, khó tiến hành thiền tuệ. 

Cản trở sự chứng đắc, bậc thiền, hoặc Thánh Ðạo,  

Thánh Quả và Niết Bàn, không giải thoát khỏi khổ”.  

Thần thiếp tâu Hoàng thượng, xin Hoàng thượng hồi giá.  

Nay đối với thần thiếp, tâm không còn tham muốn, 

Trong ngũ trần này nữa, không muốn sống tại gia.  

Vì không còn tham muốn, trong tam giới khổ này. 

Khi mười một thứ lửa, đang cháy trên đầu thiếp,  

Sự già và sự chết, đang đuổi theo thần thiếp, 

Ngoài chính thần thiếp ra, không một người nào khác,  

Giúp thần thiếp thoát khỏi, sự già và sự chết. 

Chỉ chính thần thiếp thôi, mới tinh tấn dập tắt, 

Lửa đang cháy trong thân, phiền não đốt trong tâm,  

Diệt được sự tái sanh, thần thiếp giải thoát khổ. 

 Công chúa Sumedhā mở cánh cửa, nhìn thấy đức vua Anikaratta và phụ hoàng, mẫu hậu ngồi phía dưới sầu não khóc than, nàng tâu với lời lẽ rằng: 

“Vòng tử sanh luân hồi, vô thủy không biết được, 

Người si mê than khóc, khi gặp phải cảnh khổ, 

Cha, mẹ chết, con chết…, cảnh trái ý nghịch lòng, 

Suốt trong vòng luân hồi, từ vô thủy đến nay. 

Ðức Phật đã dạy rằng: 

Nếu gom lượng nước mắt, của mỗi chúng sinh lại,  

Nhiều hơn số lượng nước, trong bốn biển đại dương.  

Và cũng y như vậy, số lượng máu đã chảy, 

Số lượng sữa đã bú, của mỗi một chúng sinh, 

Nếu gom cả lại được, nhiều hơn nước bốn biển. 

Số xương  nơi nghĩa địa, bộ xương chồng bộ xương,  

Của mỗi một chúng sinh, chỉ trong một đại kiếp, 

Nếu chồng chất lại được, cao bằng (núi) Vi-pu-la. 

Ðức Phật dùng trái đất, để so sánh như vầy:  

Lấy đất trên địa cầu, viên thành từng viên nhỏ, 

Chỉ bằng đầu ngón tay, đếm rằng: viên này mẹ, 

Viên kia mẹ của mẹ, viên khác mẹ của bà,….  

Và cứ đếm như vậy, suốt trong vòng luân hồi,  

Sự sanh tử, tử sanh, từ vô thủy đến nay, 

Ðất địa cầu đã hết, mẹ của mẹ chưa cùng. 

Ðức Phật dùng cây cối, để so sánh như vầy: 

Lấy cây trên địa cầu, chặt thành lóng ngăn ngắn, 

Dài bằng bốn lóng tay, đếm: đoạn này là cha, 

Ðoạn kia cha của cha, đoạn khác cha của ông,… 

Và cứ đếm như vậy, suốt trong vòng luân hồi, 

Sự sanh tử, tử sanh, từ vô thủy đến nay, 

Cây trên địa cầu hết, cha của cha chưa cùng. 

Ðức Phật dạy: sự khó, được tái sanh làm người. 

Ðức Phật lấy ví dụ, như một tấm ván nhỏ, 

Có lỗ vừa đầu rùa, thả trôi trong đại dương.  

Tấm ván trôi theo gió, Ðông, Tây, Nam và Bắc…. 

Có một con rùa mù, ở dưới đáy đại dương, 

Cứ trăm năm một lần, nổi lên trên mặt nước, 

 Chui đầu lọt vào lỗ, của tấm ván nhỏ kia,  

Còn dễ hơn chúng sinh, trong bốn cõi ác giới, 

Ðược tái sanh làm người, thật vô cùng khó hơn! 

Ðức Phật thường dạy bảo: sắc thân ô trược này, 

Sanh diệt như bóng nước, không có gì bền vững. 

Nếu có trí thiền tuệ, thấy ngũ uẩn sanh diệt, 

Có trạng thái vô thường, trạng thái khổ, vô ngã. 

Cũng nên hiểu biết rõ, tám hầm cõi địa ngục,  

Chỉ có sự thống khổ, rất cùng cực mà thôi. 

Chúng sinh vì sự sống, nên phải tranh giành nhau,  

Từ miếng ăn, miếng uống, đã tạo bao ác nghiệp. 

Sau khi bỏ sanh mạng, sa vào cõi ác giới,  

Ðức Phật có tâm bi, quảng đại và vô lượng, 

Thuyết pháp độ chúng sinh, giải thoát khổ tử sanh. 

Khi Ðức Phật thuyết dạy, chỉ rõ pháp Niết Bàn, 

Có vị giải thoát khổ, vòng tử sanh luân hồi. 

Nào có lợi ích gì! Ngũ trần của Hoàng thượng, 

Chỉ có vị đắng cay, làm khổ thân, khổ tâm. 

Khi Ðức Phật thuyết dạy, chỉ rõ pháp Niết Bàn, 

Pháp diệt đoạn tuyệt được, những phiền não nóng nảy.  

Nào có lợi ích gì! Ngũ trần của Hoàng thượng, 

Nơi phiền não phát sanh, gây nên bao nóng nảy. 

Kiếp hiện tại, vị lai, người say mê ngũ trần,  

Như rơi vào hầm lửa, bị thiêu đốt nóng nảy,  

Có mười một loại lửa, luôn thiêu đốt ngày đêm. 

Theo con đường xuất gia, tránh khỏi năm kẻ thù. 

Nào có lợi ích gì! Ngũ trần của Hoàng thượng, 

Cận kề năm kẻ thù, rất nguy hiểm không ngờ. 

Người say mê ngũ trần, hẳn phải liên quan đến, 

Năm kẻ thù nguy hiểm: là vua chúa, trộm cướp, 

Cùng lửa cháy, nước cuốn, và người ghét chiếm đoạt.  

Khi Ðức Phật thuyết dạy, A-ra-hán Thánh Ðạo, 

Thánh Quả và Niết Bàn, là pháp giải thoát khổ. 

Nào có lợi ích gì! Ngũ trần của Hoàng thượng, 

Chỉ là nơi giam hãm, sát hại và chém giết, 

Do tranh giành lẫn nhau, gây bao nỗi khổ đau. 

Người say mê ngũ trần, muốn chiếm đoạt cho được,  

Là nhân giết lẫn nhau, cảnh tù đày giam hảm…. 

Ngũ trần là tệ hại, nguy hiểm nhất trên đời! 

Vậy chớ nên say đắm! Ngũ trần độc dược ấy. 

Ðuốc cỏ khô cháy đỏ, có thể thiêu hủy người. 

Ngũ trần chẳng khác nào, ngọn đuốc cháy đỏ ấy, 

Người không chịu từ bỏ, sẽ bị nó thiêu hủy,  

Nóng nảy kiếp hiện tại, và nhiều kiếp vị lai. 

Xin Hoàng thượng đừng bỏ, sự an lạc Niết Bàn, 

Chỉ vì sự an lạc, của ngũ trần chút ít. 

Như con cá tham ăn, thấy mồi ngon không bỏ,  

Mà nuốt phải lưỡi câu, chịu khổ đau đến chết. 

Hoàng thượng bị ràng buộc, bởi tham ái ngũ trần.  

Như súc vật bị cột, bằng sợi dây vào cọc, 

Chỉ quanh quẩn, quẩn quanh, không sao thoát khỏi được.  

Hoàng thượng bị ràng buộc, trong ngũ trần cũng vậy,  

Ngũ trần sẽ đem lại, tai hại cho Hoàng thượng. 

Sẽ chịu cảnh khổ thân, khổ tâm không cùng tận. 

Xin Hoàng thượng thấy rõ, tội lỗi của ngũ trần, 

Nên từ bỏ chúng đi, để thoát khỏi cảnh khổ. 

Tất cả mọi kiếp sống, cao quý hay thấp hèn,  

Sự già và sự chết, gắn liền với kiếp sanh, 

Sự già, sự chết ấy, không sao tránh khỏi được. 

Nên Ðức Phật đã dạy: 

“Niết Bàn, pháp giải thoát, khỏi tử sanh hiện có”. 

Nào có lợi ích gì! Ngũ trần của Hoàng thượng, 

Không tránh khỏi tử sanh, chịu đau khổ triền miên.  

Niết Bàn pháp giải thoát, khổ sanh, lão, bệnh, tử. 

Là pháp diệt đoạn tuyệt, được tất cả phiền não. 

Là pháp thật an toàn, không hề có tai họa. 

Là pháp diệt đoạn tuyệt, hoàn toàn mọi cảnh khổ. 

Niết Bàn, pháp diệt khổ, pháp an lạc tuyệt đối. 

Ðức Phật đã chứng ngộ, Niết Bàn, giải thoát khổ. 

Ðức Phật đã thuyết dạy, pháp hành Bát chánh đạo,  

Con đường để chứng ngộ, Niết Bàn, giải thoát khổ.  

Những hành giả tiến hành, đúng theo Bát chánh đạo,  

Chứng ngộ được Niết Bàn, ngay kiếp hiện tại này. 

Những  người  không  tiến  hành,  đúng  theo  Bát chánh đạo,  

Thì không thể chứng ngộ, được Niết Bàn bất tử. 

Công chúa Sumedhā giảng pháp bằng nhiều cách vô cùng phong phú như vậy, khiến cho đức vua Anikaratta đổi ý, vì nghe và hiểu rõ tâm trạng của Công chúa không còn tham muốn những gì trong thế gian này nữa. 

Khi ấy, công chúa Sumedhā từ trên lâu đài ném nắm tóc huyền xuống mặt nền trước lâu đài, thấy vậy, đức vua Anikaratta đứng dậy chắp tay tâu với đức vua Koñca, phụ hoàng của Công chúa rằng: 

– Tâu Ðại vương và Hoàng hậu, xin hai Người cho phép công chúa Sumedhā xuất gia; khi Công chúa xuất gia trở thành Tỳ khưu ni rồi, nàng sẽ chứng ngộ Niết Bàn như ý nguyện.

Ðức vua Anikaratta tâu xin như vậy, nên phụ hoàng và mẫu hậu của Công chúa chấp thuận cho phép nàngxuất gia trở thành Tỳ khưu ni theo ý nguyện. 

Ðược song thân chấp nhận theo ý nguyện của mình, công chúa Sumedhā vô cùng hoan hỉ, bởi do kinh sợ cảnh khổ tử sanh luân hồi trong tam giới, nên nàng vội lạy từ giả phụ hoàng và mẫu hậu, cùng thân quyến trong hoàng tộc, rời bỏ cung điện lên đường đi thẳng đến ngôi chùa Tỳ khưu ni xin làm lễ thọ giới Sikkhamānā (trước khi thọ Tỳ khưu ni). Nàng tiến hành thiền tuệ,  chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả, và Niết Bàn, cùng với Lục thông, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, cao thượng trong giáo pháp của Ðức Phật. 

Trong kiếp hiện tại, Ðại Ðức Tỳ khưu ni Sumedhā trở thành bậc Thánh A- ra-hán, đó là quả của những pháp hạnh ba la mật đã từng tạo nhiều kiếp trong quá khứ. 

Nguyên nhân như thế nào?

Trong bộ Apādāna, phần Sumedhātherī apādāna, Ðại Ðức Tỳ khưu ni Sumedhā cho biết rằng:

Trong quá khứ, thời kỳ Ðức Phật Koṇāgamana xuất hiện trên thế gian, thời ấy có 3 người bạn gái là: cô Dhanañjānī, cô Khemā và tiền thân của bần   đạo (Sumedhā), cả ba người cùng chung nhau xây cất một ngôi chùa lớn nguy nga. Sau khi hoàn thành xong, cả ba người cùng làm lễ dâng cúng ngôi chùa ấy đến chư Tỳ khưu Tăng có Ðức Phật Koṇāgamana chủ trì

Do năng lực phước thiện bố thí ngôi chùa ấy, cho quả tái sanh lên cõi trời hằng trăm kiếp, hằng ngàn kiếp, hằng vạn kiếp,… tái sanh làm thiên nữ cõi trời nào, tiền thân của bần đạo cũng là thiên nữ ở địa vị cao cả nhất, Chánh cung Hoàng hậu của Ðức vua cõi trời ấy, có nhiều oai lực, hưởng sự an lạc cao quý. Hoặc tái sanh làm người, tiền thân của bần đạo cũng là người nữ ở địa vị cao cả nhất, Chánh cung Hoàng hậu của Ðức Chuyển luân thánh vương, hoặc của Ðức vua một xứ lớn (thời kỳ không có Ðức Chuyển luân thánh vương).

Phước thiện dâng cúng ngôi chùa ấy, đến chư Tỳ khưu Tăng có Ðức Phật Koṇāgamana chủ trì, đó là nguyên nhân đầu tiên, là thiện nghiệp cho quả được thành tựu cõi người (manussasampatti), được thành tựu cõi trời (devasampatti), và cuối cùng được thành tựu Niết Bàn (Nibbānasampatti). 

Do nhờ phước thiện dâng cúng ngôi chùa ấy làm nhân duyên hỗ trợ cho tiền thân của bần đạo hoan hỉ trong mọi thiện pháp, đặc biệt kiếp hiện tại của bần đạo nguyên là công chúa Sumedhā, từ khi còn nhỏ đã có tâm hoan hỉ gần gũi thân cận với bậc Thiện trí, bậc Thánh Tăng, được lắng nghe lời giáo huấn của Ðức Phật, đã phát sanh đức tin trong sạch nơi Tam bảo, đã thấy rõ tội lỗi của ngũ trần, nhàm chán sắc thân ô trược, kinh sợ cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài; đến khi trưởng thành, bần đạo không thích sống trong cung điện, mà chỉ có ý nguyện xuất gia trở thành Tỳ khưu ni.

Bần đạo đã xuất gia trở thành Tỳ khưu ni trong giáo pháp của Ðức Phật Gotama là điều cao thượng thật sự. Bởi vì, bần đạo đã chứng đắc đến A-ra- hán Thánh Ðạo, A-ra-hán Thánh Quả cùng Tam minh, Tứ tuệ phân tích, Lục thông. Bần đạo là một bậc Thánh A-ra-hán, đã hoàn thành xong phạm hạnh, đã thực hành xong lời giáo huấn của Ðức Phật, trí tuệ thấy rõ biết rõ kiếp này là kiếp chót, sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt sự tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Qua hai sự tích, Ðại Ðức Raṭṭhapāla và Ðại Ðức Tỳ khưu ni Sumedhā, là hai tấm gương tiêu biểu cho các hàng Phật tử học hỏi nghiên cứu kỷ rồi cố gắng noi gương theo quý Ngài, chắc chắn sẽ đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài ngay trong kiếp hiện tại và kiếp vị lai. 

Suy Tư Thế Nào Xuất Gia Trở Thành Tỳ Khưu - Tích Đại Đức Raṭṭhapāla
Gương Bậc Xuất Gia - Bậc Thánh Thanh Văn (Ariyasāvaka)

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *