Ahetukacitta: Vô-Nhân-Tâm

Ahetukacitta: Vô-nhân-tâm là tâm không hợp với nhân.

Hetu: Nhân có 6 nhân chia ra 2 loại:

– Akusalahetu: Bất-thiện-nhân có 3 nhân là lobhahetu: nhân tham, dosahetu: nhân sân, mohahetu: nhân si.

– Kusalahetu: Thiện-nhân có 3 nhân là alobhahetu: nhân vô-tham, adosahetu: nhân vô-sân, amohahetu: nhân vô-si (trí-tuệ).

– Những tâm nào hợp với bất-thiện-nhân hoặc thiện-nhân thì những tâm ấy gọi là sahetukacitta: hữu-nhân-tâm.

– Những tâm nào không hợp với nhân nào trong 6 nhân thì những tâm ấy gọi là ahetuka-citta: vô-nhân-tâm.

Ahetukacitta: Vô-nhân-tâm có 18 tâm chia ra làm 3 loại:

1- Akusalavipākacitta: Bất-thiện-quả vô-nhân-tâm có 7 tâm là quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) trong 12 bất-thiện-tâm (12 ác-tâm).

2- Ahetukakusalavipākacitta: Thiện-quả vô-nhân-tâm có 8 tâm, là quả của đại-thiện-nghiệp trong 8 đại-thiện-tâm.

3- Ahetukakriyacitta: Vô-nhân duy-tác-tâm có 3 tâm là tâm làm phận sự, không có quả. 

1- Akusalavipākacitta 

Bất-thiện-quả vô-nhân-tâm

Akusalavipākacitta: Bất-thiện-quả vô-nhân-tâm là quả của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) trong 12 bất-thiện-tâm (12 ác-tâm) đã tạo trong thời quá-khứ, cho quả có 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm.

Akusalavipākacitta: Bất-thiện-quả vô-nhân-tâm có 7 tâm:

1- Upekkhāsahagataṃ akusalavipākāṃ cakkhuviññāṇaṃ.

Nhãn-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của bất-thiện-nghiệp, thấy đối-tượng sắc xấu .

2- Upekkhāsahagataṃ akusalavipākāṃ sotaviññāṇaṃ.

Nhĩ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của bất-thiện-nghiệp, nghe đối-tượng âm-thanh dở.

3- Upekkhāsahagataṃ akusalavipākāṃ ghānaviññāṇaṃ.

Tỷ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của bất-thiện-nghiệp, ngửi đối-tượng hương hôi.

4- Upekkhāsahagataṃ akusalavipākāṃ jivhāviññāṇaṃ.

Thiệt-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của bất-thiện-nghiệp. nếm đối-tượng vị dở.

5- Dukkhasahagataṃ akusalavipākāṃ kāyaviññāṇaṃ.

Thân-thức-tâm đồng sinh với thọ khổ là quả của bất-thiện-nghiệp, xúc giác đối-tượng xúc thô.

6- Upekkhāsahagataṃ akusalavipākāṃ sampaṭicchanacittaṃ.

Tiếp-nhận-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của bất-thiện-nghiệp, tiếp nhận 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) xấu .

7- Upekkhāsahagataṃ akusalavipākāṃ santīraṇacittaṃ.

Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của bất-thiện-nghiệp, suy xét 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) xấu.

2- Ahetukakusalavipākacitta 

Thiện-quả vô-nhân-tâm

Ahetukakusalavipākacitta: Thiện-quả vô-nhân-tâm là quả của đại-thiện-nghiệp trong 8 đại-thiện-tâm đã tạo trong thời quá-khứ, cho quả có 8 thiện-quả vô-nhân-tâm.

Ahetukakusalavipākacitta: 

Thiện-quả vô-nhân-tâm có 8 tâm:

1- Upekkhāsahagataṃ kusalavipākāṃ cakkhuviññāṇaṃ.

Nhãn-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, thấy đối-tượng sắc tốt .

2- Upekkhāsahagataṃ kusalavipākāṃ sotaviññāṇaṃ. 

Nhĩ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, nghe đối-tượng âm-thanh hay.

3- Upekkhāsahagataṃ kusalavipākāṃ ghānaviññāṇaṃ.

Tỷ-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, ngửi đối-tượng hương thơm.

4- Upekkhāsahagataṃ kusalavipākāṃ jivhāviññāṇaṃ:

Thiệt-thức-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, nếm đối-tượng vị ngon.

5- Sukhasahagataṃ kusalavipākāṃ kāyaviññāṇaṃ.

Thân-thức-tâm đồng sinh với thọ lạc là quả của đại-thiện-nghiệp, xúc giác đối-tượng xúc tốt .

6- Upekkhāsahagataṃ kusalavipākāṃ sampaṭicchanacittaṃ:

Tiếp-nhận-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, tiếp nhận 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) tốt .

7- Upekkhāsahagataṃ kusalavipākāṃ santīraṇacittaṃ:

Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp, suy xét 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) tốt.

8- Somanassasahagataṃ kusalavipākāṃ santīraṇacittaṃ: 

Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ hỷ là quả của đại-thiện-nghiệp, suy xét 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) tốt.

* Do nguyên-nhân nào quả-tâm của bất-thiện-nghiệp gọi là akusalavipākacitta: bất-thiện-quả vô-nhân-tâm và do nguyên-nhân nào quả-tâm của đại-thiện-nghiệp gọi là ahetukakusala-vipākacitta: thiện-quả vô-nhân-tâm?

– Do nguyên-nhân bất-thiện-nghiệp trong 12 bất-thiện-tâm có năng lực yếu chỉ có khả năng cho quả bất-thiện-quả vô-nhân-tâm mà thôi, nên gọi là akusalavipākacitta: bất-thiện-quả vô-nhân-tâm, bởi vì bất-thiện-nghiệp trong 12 bất-thiện-tâm đều có phóng-tâm tâm-sở (uddhacca-cetasika) làm cho bất-thiện-nghiệp yếu, nên không có khả năng cho quả-tâm hữu-nhân.

– Do nguyên-nhân đại-thiện-nghiệp trong 8 đại-thiện-tâm có năng lực yếu, bởi vì phiền-não phát sinh xen lẫn, thì cho quả có 8 thiện-quả vô-nhân-tâm, nên gọi là ahetukakusalavipāka-citta: thiện-quả vô-nhân-tâm.

Nếu đại-thiện-nghiệp trong 8 đại-thiện-tâm có nhiều năng lực do không có phiền-não nào xen lẫn, thì cho quả có 8 hữu-nhân thiện-quả-tâm (sahetukakusalavipākacitta) đó là 8 đại-quả-tâm hợp với vô-tham, vô-sân, vô-si.

Như vậy, bất-thiện-nghiệp trong 12 bất-thiện-tâm chỉ có khả năng cho một loại quả-tâm là 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm mà thôi, nên gọi là akusalavipākacitta.

* Đại-thiện-nghiệp trong 8 đại-thiện-tâm có khả năng cho 2 loại quả-tâm là 8 thiện-quả vô-nhân-tâm và 8 đại-quả-tâm, nên gọi là ahetuka-kusalavipākacitta: thiện-quả vô-nhân-tâm để phân biệt 2 loại quả-tâm của đại-thiện-nghiệp.

3- Ahetukakriyacitta: Vô-nhân duy-tác-tâm

Ahetukakriyacitta: Vô-nhân duy-tác-tâm là tâm phát sinh làm phận sự của mình, tâm này không hợp với bất-thiện-nhân (akusalahetu) (tham, sân, si) cũng không hợp với thiện-nhân (kusalahetu) (vô-tham, vô-sân, vô-si), nên không phải là bất-thiện-tâm cũng không phải là đại-thiện-tâm, cũng không phải là quả-tâm của tâm nào cả. Vì vậy, tâm này gọi là vô-nhân duy-tác-tâm chỉ có làm phận sự, mà không có quả.

Ahetukakriyacitta: Vô-nhân duy-tác-tâm có 3 tâm:

1- Upekkhāsahagataṃ pañcadvāravajjanacittam:

Ngũ-môn-hướng-tâm đồng sinh với thọ xả, tiếp xúc 5 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc) trong ngũ-môn để ngũ-môn lộ-trình-tâm phát sinh.

2- Upekkhāsahagataṃ manodvāravajjanacittam:

Ý-môn-hướng-tâm đồng sinh với thọ xả, tiếp xúc 6 đối-tượng (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) trong ý môn, để ý môn lộ-trình-tâm phát sinh, hoặc là tâm làm phận sự quyết định 5 đối-tượng trong ngũ môn, để ngũ môn lộ-trình-tâm phát sinh.

3- Somanassasahagataṃ hasituppādacittaṃ:

Tâm mỉm cười của bậc Thánh A-ra-hán đồng sinh với thọ hỷ.

Giảng giải 18 vô-nhân-tâm

1- Bảy bất-thiện-quả vô-nhân-tâm là quả của bất-thiện-nghiệp trong 12 bất-thiện-tâm (12 ác-tâm) có hai tên gọi: viññāṇaṃ và cittaṃ.

* Gọi viññāṇa có 5 tâm là:

– Cakkhuviññāṇa: Nhãn-thức-tâm là tâm phát sinh do nương nhờ nhãn-môn, làm phận sự thấy đối-tượng sắc xấu.

– Sotaviññāṇa: Nhĩ-thức-tâm là tâm phát sinh do nương nhờ nhĩ-môn, làm phận sự nghe đối-tượng âm-thanh không hay.

– Ghānaviññāṇa: Tỷ-thức-tâm là tâm phát sinh do nương nhờ tỷ-môn, làm phận sự ngửi đối-tượng hương mùi hôi.

– Jivhāviññāṇa: Thiệt-thức-tâm là tâm phát sinh do nương nhờ thiệt-môn, làm phận sự nếm đối-tượng vị không ngon. 

– Kāyaviññāṇa: Thân-thức-tâm là tâm phát sinh do nương nhờ thân-môn, làm phận sự xúc-giác đối-tượng xúc thô…

* Bảy bất-thiện-quả vô-nhân-tâm tiếp nhận 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc xấu, không đáng hài lòng.

Danh từ chế định gọi 5 thức-tâm này là cakkhuviññāṇa, … do nương nhờ nơi 5 môn (cakkhudvāra, …) và 5 nơi sinh (cakkhuvatthu)… của 5 thức-tâm đều là sắc-pháp (rūpadhamma) nên gọi là viññāṇa cho dễ hiểu.

* Gọi cittaṃ có 2 tâm là:

– Sampaṭicchanacitta: Tiếp-nhận-tâm.

– Santīraṇacitta: Suy-xét-tâm.

Danh từ chế định gọi 2 tâm này do nương nhờ phận sự của tâm (kicca) thuộc về danh-pháp (nāmadhamma) nên gọi là citta.

* Vedanā: Thọ đồng sinh với 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm tiếp nhận 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc xấu, không đáng hài lòng, có 2 loại thọ là thọ xả (upekkhāvedanā) và thọ khổ (dukkhavedanā).

* Cakkhuviññāṇa, sotaviññāṇa, ghānaviññāṇa, jivhāviññāṇa, sampaṭicchanacitta, santīraṇacitta gồm có 6 tâm này đồng sinh với thọ xả (upekkhā-sahagata) (không khổ không lạc), bởi vì 6 tâm này phát sinh do nương nhờ sắc-phụ-thuộc tiếp xúc với sắc-phụ-thuộc (upādāyarūpa) như đối-tượng sắc tiếp xúc với nhãn-tịnh-sắc, v.v… nên không có đủ cảm giác khổ hoặc lạc. Ví như bông gòn tiếp xúc với bông gòn rất nhẹ.

* Kāyaviññāṇa là thức-tâm đồng sinh với thọ khổ (dukkhasahagata), bởi vì thân-thức-tâm phát sinh do nương nhờ đối-tượng xúc thô (3 đại: địa-đại, hỏa-đại, phong-đại (trừ thủy-đại) tiếp xúc với thân-tịnh-sắc (kāyapasādarūpa) nên có cảm giác khổ. Ví như cái búa đập mạnh bông gòn đặt trên tấm đá.

* Trong bộ Abhidhammatthasaṅgaha: Vi-diệu-pháp yếu-nghĩa giảng giải rằng:

Phoṭṭhabbārammaṇa: Đối-tượng xúc chỉ có 3 sắc-pháp mà thôi là:

– Paṭhavīphoṭṭhabbārammaṇa: Đối-tượng xúc là địa-đại cứng hoặc mềm.

– Tejophoṭṭhabbārammaṇa: Đối-tượng xúc là hỏa-đại nóng hoặc lạnh.

– Vāyophoṭṭhabbārammaṇa: Đối-tượng xúc là phong-đại phồng hoặc xẹp.

Trong sắc tứ đại, chỉ có 3 đại là sắc địa-đại, sắc hỏa-đại, sắc phong-đại có thể tiếp xúc với thân-tịnh-sắc (kāyapasādarūpa) để phát sinh thân-thức-tâm có phận sự biết đối-tượng xúc (sắc địa-đại cứng hoặc mềm, sắc hỏa-đại nóng hoặc lạnh, và sắc phong-đại phồng hoặc xẹp) mà thôi.

Còn sắc thủy-đại không phải là đối-tượng xúc, nên thân-thức-tâm không thể biết được sắc thủy-đại, bởi vì sắc thủy-đại thuộc về đối-tượng pháp rất vi-tế, nên chỉ có ý-thức-tâm biết sắc thủy-đại mà thôi.

Thật vậy, trong bộ Abhidhammavibhāvinīṭīkā giảng giải rằng:

“Āpodhātuyā sukhumabhāvena phusitaṃ askkuṇeyyattaṃ vuttaṃ.”

Sắc thuỷ-đại có thật-tánh rất vi-tế, nên thân-tịnh-sắc không thể tiếp xúc với sắc thuỷ-đại được.

Sắc tứ đại gồm có 4 sắc-pháp là sắc địa-đại, sắc thủy-đại, sắc hỏa-đại, sắc phong-đại không thể tách rời nhau được. Trong sắc tứ đại này, nếu sắc đại nào có số lượng nhiều hơn 3 đại kia, thì gọi tên sắc đại ấy.

Ví dụ: Trong sắc tứ đại, nếu sắc thủy-đại có số lượng nhiều hơn sắc địa-đại, sắc hỏa-đại, sắc phong-đại thì gọi là sắc thủy-đại.

Sắc thủy-đại đó là chất nước có thật-tánh rất vi-tế, nên thân-thức-tâm không phát sinh biết được chất nước.

Thật vậy, * khi thân-thức-tâm tiếp xúc với chất nước nóng, nước lạnh đó là chất lửa gọi là hỏa-đại.

* Khi thân-thức-tâm tiếp xúc với chất nước đông đặc (nước đá) đó là chất đất cứng, mềm gọi là địa-đại.

* Khi thân-thức-tâm tiếp xúc với chất nước lay động, phồng xẹp đó là chất gió gọi là phong-đại.

Ví dụ: Người uống nước như thế nào?

Nếu người uống nước nóng, nước lạnh, thì nóng hoặc lạnh đó là chất lửa gọi là hỏa-đại; người nuốt nước chuyển động chảy vào trong bụng phồng, xẹp đó là chất gió gọi là phong-đại; người ngậm nước đá cứng, mềm đó là chất đất gọi là địa-đại. Cho nên, thân-thức-tâm xúc-giác địa-đại cứng mềm, xúc-giác hỏa-đại nóng lạnh, xúc-giác phong-đại phồng xẹp chuyển động.

* Tuy nhiên các nhà khoa học khám phá nước là một hợp chất hóa học của oxy và hydro, có công thức hóa học là H 2 O (2 nguyên tử hydro và 1 nguyên tử oxy).

2- Tám thiện-quả vô-nhân-tâm là quả của đại-thiện-nghiệp trong 8 đại-thiện-tâm, cũng có 2 tên gọi: viññānaṃ và cittaṃ, giải thích tương tự như 7 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm. 

* Vedanā: Thọ đồng sinh với 8 thiện-quả vô-nhân-tâm tiếp nhận 5 đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc tốt, đáng hài lòng, có 3 loại thọ là thọ xả (upekkhāvedanā), thọ lạc (sukhavedanā) và thọ hỷ (somanassavedanā).

* Cakkhuviññāṇa, sotaviññāṇa, ghānaviññāṇa, jivhāviññāṇa, sampaṭicchanacitta, gồm có 5 tâm này đồng sinh với thọ xả (upekkhāsahagata) (không khổ không lạc) cách giải thích như bất-thiện-quả vô-nhân-tâm đồng sinh với thọ xả.

* Kāyaviññāṇa là thức-tâm đồng sinh với thọ lạc (sukhasahagata), bởi vì thân-thức-tâm phát sinh do nương nhờ đối-tượng xúc mềm mại tiếp xúc với thân-tịnh-sắc (kāyapasādarūpa), nên có cảm giác an-lạc.

* Thiện-quả vô-nhân-tâm có 8 quả-tâm nhiều hơn bất-thiện-quả vô-nhân-tâm 1 quả-tâm, bởi vì santīraṇacitta là thiện-quả vô-nhân suy-xét-tâm làm phận sự suy xét đối-tượng tốt, đáng hài lòng là quả của đại-thiện-nghiệp, có 2 loại đối-tượng tốt:

– Iṭṭhamajjhattārammaṇa: Đối-tượng tốt trung bình.

– Ati-iṭṭhārammaṇa: Đối-tượng tốt đặc biệt.

* Nếu khi thiện-quả vô-nhân suy-xét-tâm làm phận sự suy xét đối-tượng tốt trung bình thì tâm này không đủ để đồng sinh với thọ hỷ, chỉ đồng sinh với thọ xả, nên gọi là upekkhāsahagataṃ santīraṇakusalavipākacittaṃ: thiện-quả vô-nhân suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả.

* Nếu khi thiện-quả vô-nhân suy-xét-tâm làm phận sự suy xét đối-tượng tốt đặc biệt thì tâm này đồng sinh với thọ hỷ, nên gọi là somanassa-sahagataṃ santīraṇakusalavipākacittaṃ: thiện-quả vô-nhân suy-xét-tâm đồng sinh với thọ hỷ.

Nhưng bất-thiện-quả vô-nhân suy-xét-tâm làm phận sự suy xét dù đối-tượng xấu trung bình (aniṭṭhamajjhattārammaṇa) dù đối-tượng xấu thậm tệ (ati-aniṭṭhārammaṇa) thì tâm này cũng chỉ đồng sinh với thọ xả mà thôi, bởi vì bất-thiện-quả vô-nhân suy-xét-tâm làm phận sự suy xét dù đối-tượng xấu thậm tệ (ati-aniṭṭhā-rammaṇa) thì tâm này cũng không thể đồng sinh với thọ ưu (domassavedanā) được, bởi vì thọ ưu chỉ có đồng sinh với 2 sân-tâm mà thôi.

Vì vậy, bất-thiện-quả vô-nhân-tâm chỉ có 7 quả-tâm mà thôi.

Cách gọi chung cakkhuviññāṇa, sotaviññāṇa, ghānaviññāṇa, kāyaviññāṇa thuộc về 5 bất-thiện-quả vô-nhân-tâm và 5 thiện-quả vô-nhân-tâm gom lại gọi là dvipañcaviññāṇacitta: 10 thức-tâm phát sinh do nương nhờ nhãn-môn, nhĩ-môn, tỷ-môn, thiệt-môn, thân-môn. 

 

Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 12 - Dục-giới quả-tâm & Duy-tác-tâm
Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 14 - Nhận xét về bất-thiện-nghiệp và đại-thiện-nghiệp cho quả

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *