[01]

HẠNH PHÚC AN LÀNH

Hạnh phúc an lành là điều mong ước không những của nhân loại mà còn của các hàng chư thiên nữa. Mỗi chúng sinh có quan niệm về hạnh phúc an lành không hoàn toàn giống nhau, nên thường tranh luận nhau, suốt thời gian lâu dài mà không nhất trí với nhau được.

May sao, gặp thời kỳ Ðức Phật xuất hiện trên thế gian, các hàng chư thiên đồng nhau đến hầu Ðức Phật, đảnh lễ Ðức Phật xong, bạch bằng bài kệ rằng:

“Bahù devà manussà ca,
Mangalàni acintayum.
Àkankhamànà sotthànam,
Brùhi mangalàmuttamam”.

Kính bạch Ðức Thế Tôn cao thượng!
Phần đông chư thiên cùng nhân loại,
Mong ước điều hạnh phúc an lành,
Cho kiếp hiện tại, kiếp vị lai,
Ðã nhiều năm suy xét, xét suy,
Không nhất trí quan niệm hạnh phúc.
Kính xin Ngài từ bi tế độ,
Thuyết giảng pháp an lành cao thượng.

Nhân dịp ấy Ðức Phật thuyết bài kinh Mangalasutta (kinh An lành), gồm có 38 pháp hạnh phúc an lành, bắt đầu bằng 3 pháp là:

“Asevanà ca bàlànam,
Panditànanca sevanà,
Pùjà ca pùjaneyyànam,
Etam mangalamuttamam”.

Này tất cả chư thiên, nhân loại!
Có 3 pháp an lành cao thượng:
Một, không nên thân cận kẻ ác,
Hai, nên thân cận bậc Thiện trí,
Ba, lễ bái bậc đáng tôn kính.
Ðiều nào cũng an lành cao thượng.

Trong 38 pháp hạnh phúc an lành, đây là 3 pháp quan trọng đầu tiên để mở đường cho mọi nguồn hạnh phúc an lành khác được phát triển từ hạnh phúc an lành trong tam giới , cho đến an lành siêu tam giới . Cho nên, điều trước tiên cần phải biết rõ “ai là kẻ ác”, “ai là bậc Thiện trí”.

Biết được kẻ ác để mà không dám gần, biết được bậc Thiện trí để mà thường thân cận.

Thế nào gọi là kẻ ác?

Kẻ ác (bàla) không hẳn là người thất học, nghèo hèn, xấu xí, tàn tật v.v….

Ðức Phật dạy có nhiều cách nhận xét về kẻ ác như sau:

* Nhận xét về trạng thái:

Trong đời này, kẻ ác thường nghĩ điều ác; thường nói lời ác; thường làm việc ác. Nếu kẻ ác không nghĩ điều ác, không nói lời ác; không làm việc ác, thì làm sao chư bậc Thiện trí biết rõ được rằng: người ấy là kẻ ác?

Do kẻ ác thường nghĩ điều ác; thường nói lời ác; thường làm việc ác; cho nên, chư bậc Thiện trí mới biết được rằng: người ấy là kẻ ác.

– Nghĩ điều ác nghĩa là: nghĩ đến sự tham lam của cải người khác một cách phi pháp; nghĩ đến thù hận người khác; nghĩ đến sự tà kiến thấy sai chấp lầm.

– Nói lời ác nghĩa là: nói dối; nói lời đâm thọc chia rẽ; nói lời thô tục, chửi rủa mắng nhiếc; nói lời vô ích.

– Làm việc ác nghĩa là: giết hại chúng sinh; trộm cắp của cải người khác; tà dâm.

* Nhận xét về nghiệp:

Kẻ ác thường tạo thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp, ý ác nghiệp.

– Thân ác nghiệp có 3 loại: sát sanh, trộm cắp, tà dâm.

– Khẩu ác nghiệp có 4 loại: nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ; nói lời thô tục ch?i rủa mắng nhiếc; nói lời vô ích.

– Ý ác nghiệp có 3 loại: tham lam, thù hận, tà kiến.

Ðó là 10 ác nghiệp mà kẻ ác thường tạo.

Do đó, chư bậc Thiện trí nhận xét biết rõ được người ấy là kẻ ác.

* Nhận xét về tội lỗi:

– Kẻ ác không thấy, không biết điều tội lỗi, sai lầm của mình.

– Dầu được thấy, được biết điều tội lỗi sai lầm của mình rồi, vẫn không chịu từ bỏ, không chịu sửa sai.

– Người khác phạm lỗi với kẻ ác, đến xin sám hối tha lỗi, kẻ ác vẫn khư khư không chịu xá lỗi cho họ.

Người nào có hành vi cử chỉ như vậy gọi là kẻ ác.

Kẻ ác thường che giấu tội lỗi của mình, khoe khoang điều tốt của mình; và thường hay nói điều xấu, phơi bày những tội lỗi của người khác, không ca ngợi những điều thiện, điều tốt của người khác.

Người nào có tánh xấu như vậy gọi là kẻ ác.

Kẻ ác thường chê trách những bậc đáng ca tụng; thường ca tụng những hạng người đáng chê trách; thường tin tưởng những hạng người không đáng tin.

Người nào có tư cách sai lầm như vậy gọi là kẻ ác v.v….

Thật ra, kẻ ác không tự biết mình là người ác, cũng không biết kẻ khác là người ác hoặc là bậc Thiện trí; bởi vì họ quá si mê.

Kẻ ác đã tạo thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp, ý ác nghiệp tự làm khổ mình, làm khổ người và làm khổ những chúng sinh khác.

Kẻ ác không những làm cho mình những điều bất lợi, sự thoái hoá, sự thống khổ lâu dài trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai; mà còn đem lại cho những chúng sinh gần gũi những điều bất lợi, những sự thoái hoá, những sự thống khổ lâu dài trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai nữa.

Kẻ ác đã tạo thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp, ý ác nghiệp cho quả khổ ở kiếp hiện tại; sau khi chết, do ác nghiệp ấy cho quả tái sanh trong 4 ác đạo: địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh chịu khổ do ác nghiệp của mình đã tạo.

Do đó, Ðức Phật dạy: “Không nên thân cận với kẻ ác”. Ðó là điều hạnh phúc an lành cao thượng trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.

Thế nào gọi là bậc Thiện trí?

Bậc Thiện trí (pandita) không hẳn là người có học thức, giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng, xinh đẹp v.v….

Ðức Phật dạy có nhiều cách nhận xét về bậc Thiện trí như sau:

* Nhận xét về trạng thái:

Trong đời này, bậc Thiện trí thường nghĩ đến điều thiện; thường nói đến điều thiện; thường làm nhiều việc thiện. Nếu bậc Thiện trí không nghĩ đến điều thiện, không nói đến điều thiện; không làm nhiều việc thiện thì làm sao chư bậc Thiện trí biết rõ được rằng: người ấy là bậc Thiện trí?

Do bậc Thiện trí thường nghĩ đến điều thiện; thường nói đến điều thiện; thường làm nhiều việc thiện; cho nên, chư bậc Thiện trí mới biết được rằng: người ấy là bậc Thiện trí.

– Nghĩ đến điều thiện nghĩa là: không nghĩ đến sự tham lam của cải người khác một cách phi pháp, mà thường hay bố thí; không nghĩ đến thù hận người khác, mà thường rải tâm từ; không nghĩ đến tà kiến thấy sai chấp lầm, mà nghĩ đến chánh kiến thấy đúng theo sự thật chân lý.

– Nói điều thiện nghĩa là: không nói dối, mà nói lời chân thật; không nói lời đâm thọc chia rẽ, mà nói lời hoà hợp; không nói lời thô tục chửi rủa mắng nhiếc, mà nói lời nghe êm tai, tế nhị; không nói lời vô ích, mà nói lời có ích cho mọi người.

– Làm việc thiện nghĩa là: không sát sanh, mà thường phóng sanh; không trộm cắp, mà thường đem của cải bố thí cho người khác; không tà dâm, mà thường tôn trọng hạnh phúc gia đình người khác.

* Nhận xét về nghiệp:

Bậc thiện trí thường tạo thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp, ý thiện nghiệp.

– Thân thiện nghiệp có 3 loại: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.

– Khẩu thiện nghiệp có 4 loại: không nói dối, không nói lời đâm thọc chia rẽ, không nói lời thô tục chửi rủa mắng nhiếc, không nói lời vô ích.

– Ý thiện nghiệp có 3 loại: không tham lam, không thù hận, có chánh kiến.

Ðó là 10 thiện nghiệp mà bậc Thiện trí thường tạo. Do đó, chư bậc Thiện trí biết rõ người ấy là bậc Thiện trí.

* Nhận xét về tội lỗi:

– Bậc Thiện trí thấy rõ, biết rõ được điều tội lỗi sai lầm của mình.

– Khi thấy rõ biết rõ được điều tội lỗi sai lầm của mình rồi, liền sửa chữa ngay; rồi họ cố gắng thu thúc không để tái phạm nữa.

– Người khác phạm lỗi với bậc Thiện trí, đến xin sám hối tha lỗi, bậc Thiện trí hoan hỷ xá lỗi, không còn chấp lỗi.

Người nào có hành vi cử chỉ như vậy, gọi là bậc Thiện trí.

Bậc Thiện trí không che giấu tội lỗi của mình; không thích khoe khoang điều thiện, điều tốt của mình; và thường không nói điều xấu, không phơi bày những tội lỗi của người khác, thường ca ngợi những điều thiện điều tốt của người khác.

Người nào có đức tánh tốt như vậy gọi là bậc Thiện trí.

Bậc Thiện trí thường ca tụng những bậc đáng ca tụng; thường chê trách những hạng người đáng chê trách; thường có đức tin trong sạch nơi hạng người đáng tín.

Người nào có tư cách đúng đắn như vậy gọi là bậc Thiện Trí v.v….

Thật ra, bậc Thiện trí tự biết mình là bậc Thiện trí; biết người khác là bậc Thiện trí hoặc là kẻ ác; bởi vì họ có trí tuệ sáng suốt.

Bậc Thiện trí đã tạo thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp, ý thiện nghiệp cho quả an lạc kiếp hiện tại; sau khi chết, do thiện nghiệp ấy cho quả tái sanh lên cõi thiện giới như: tái sanh làm người ở cõi người, hoặc tái sanh làm chư thiên ở cõi trời dục giới, an hưởng sự an lạc và tuổi thọ lâu dài ở cõi trời ấy, do thiện nghiệp của mình đã tạo.

Bậc Thiện trí không những làm cho mình được những sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài trong kiếp hiện tại và những kiếp vị lai; mà còn đem lại cho những chúng sinh gần gũi thân cận cũng được những sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài trong kiếp hiện tại và những kiếp vị lai.

Do đó, Ðức Phật dạy: “Nên thân cận với bậc Thiện trí”. Ðó là điều hạnh phúc an lành cao thượng trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.

-ooOoo-

Món Quà Pháp: Hạnh Phúc An Lành - MỤC LỤC & LỜI NÓI ĐẦU - Tỳ Khưu Hộ Pháp
Món Quà PHáp: Hạnh Phúc An Lành - Chương II - YÊU MÌNH

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *