2- Trường hợp thứ nhì: Dục-giới đại-thiện-nghiệp, ác-nghiệp được tạo trong lúc lâm chung
Āsanne kataṃ āsannaṃ: Dục-giới đại-thiện-nghiệp nào hoặc ác-nghiệp nào mà người bệnh tạo trong lúc lâm chung, dục-giới đại-thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp ấy có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla), tùy theo quả của nghiệp ấy.
* Đại-Thiện-Nghiệp Được Tạo Trong Lúc Lâm Chung:
Ví dụ: Tích sư phụ của Ngài Đại-đức Soṇa(2)
Ngài Đại-đức Soṇa ở tại ngôi chùa Acelavihāra dưới
chân núi Soṇagiri. Thân phụ của Ngài hành nghề săn bắn thú rừng để nuôi mạng. Ngài Đại-đức đã khuyên thân phụ từ bỏ nghề săn bắn thú rừng, rồi hành nghề lương thiện khác nuôi mạng, nhưng thân phụ của Ngài đã quen với nghề này vả lại không biết nghề khác, cho nên ông vẫn tiếp tục hành nghề ấy.
Đến lúc tuổi già sức yếu, thân phụ của Ngài không thể hành nghề săn bắn thú rừng được nữa. Ngài Đại-đức Soṇa khuyên thân phụ xuất gia trở thành tỳ-khưu. Sau khi trở thành tỳ-khưu, sư phụ của Ngài vì tuổi già sức yếu, khi thực-hành pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ tâm vẫn chưa được ổn định.
Khi bị lâm bệnh nặng trầm trọng, trước lúc lâm chung, sư phụ của Ngài Đại-đức thấy những hiện tượng ác-nghiệp sát-sinh trong thời quá khứ hiện ra trong tâm, làm cho sư phụ của Ngài Đại-đức kinh hoảng kêu la, nhờ Ngài Đại-đức Soṇa xua đuổi.
Ngài Đại-đức Soṇa nghĩ rằng: “Nếu sư phụ tịch (chết)
trong lúc này, chắc chắn ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả thì khó tránh khỏi tái-sinh trong cõi địa ngục, ta phải tìm cách hóa giải đối tượng xấu của ác-nghiệp ấy”.
Ngài Đại-đức Soṇa bảo vị sa-di đem lại cho Ngài một ít cành hoa, và nhờ người khiêng chiếc gường sư phụ của Ngài nằm đem lên đặt trên nền ngôi Bảo-tháp, rồi Ngài Đại-đức trao những cành hoa để cho sư phụ cúng dường đến ngôi Bảo-tháp, và hướng dẫn sư phụ đem hết lòng thành kính bạch rằng:
-“ Kính bạch Đức-Thế-tôn, đây là những cành hoa, lễ vật mọn của con, con đem hết lòng thành kính dâng cúng-dường lên Đức-Thế-Tôn.”
Sư phụ đã làm theo sự hướng dẫn của Ngài Đại-đức. Thật phi thường! Ngay khi ấy, đối tượng xấu của ác-nghiệp kia biến mất, thay bằng đối tượng những cảnh đẹp ở trên cõi trời, lâu đài nguy nga, những thiên nữ hiện ra hầu hạ.
Sư phụ của Ngài Đại-đức phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ thốt lên rằng: Các cô thiên nữ đã đến rồi!
Nghe vậy, Ngài Đại-đức Soṇa nghĩ rằng: “Cõi trời dục-giới đã hiện ra với sư phụ rồi.”
Sư phụ của Ngài Đại-đức sau khi tịch, nhờ dục-giới đại-thiện-nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới ấy, hưởng mọi quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ, mới tái-sinh kiếp sau trong cõi khác tuỳ theo quả của nghiệp khác.
Đó là trường-hợp dục-giới đại-thiện-nghiệp được tạo lúc lâm chung của bệnh nhân.
* Ác-Nghiệp Được Tạo Lúc Lâm Chung:
Ví dụ: Ông A để tâm hận thù ông B từ lâu. Một hôm, ông A gặp ông B, hai người cãi lộn, gây gỗ lẫn nhau. Ông A tức giận đánh ông B, ông B lấy dao đâm ông A bị
thương nặng rồi chết.
Ông A sau khi chết, ác-nghiệp hận thù có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi-kāla) trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy, cho đến lúc mãn quả của ác-nghiệp ấy.
Đó là trường-hợp ác-nghiệp hận thù được tạo trong lúc lâm chung.
Hoặc những người đang uống rượu, các chất say, hoặc đang say mê trong sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc thỏa thích… với tham-tâm.
Ngay khi ấy bị xảy ra tai nạn rồi chết đột ngột. Sau khi chết, ác-nghiệp ấy có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla), trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh) chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy, cho đến lúc mãn quả của ác-nghiệp ấy.
Đó là trường-hợp ác-nghiệp tham được tạo trong lúc lâm chung.
Hoặc người có tà-kiến, khi người ấy bị lâm bệnh nặng trầm trọng, sai bảo người nhà giết gà, giết heo… cúng thần để cho mau khỏi bệnh, nhưng chẳng may, người bệnh đến thời kỳ hết tuổi thọ hoặc mãn hỗ-trợ-nghiệp nên phải chết.
Trước lúc chết có tà-kiến, dị đoan mê tín đã tạo ác-nghiệp sát-sinh, cho nên, người ấy sau khi chết, ác-nghiệp tà-kiến ấy có cơ hội ưu tiên cho quả trong thời kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi-kāla) trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy, cho đến lúc mãn quả của ác-nghiệp ấy.
Đó là trường-hợp ác-nghiệp tà-kiến được tạo trong lúc lâm chung.
Trong 4 loại nghiệp theo tuần tự cho quả nhất định, nếu không có loại trọng-yếu-nghiệp (garukakamma) và cũng không có loại cận-tử-nghiệp (āsannakamma) thì loại thường-hành-nghiệp (āciṇṇakamma) có quyền ưu tiên, có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái-sinh kiếp sau.
2 Maj. Uparipaṇṇāsa. Bahudhātukasuttavaṇṇanā.