Tạng Vi-Diệu-Pháp Pāḷi gồm có 7 bộ

1-   Bộ Dhammasaṅgaṇīpāḷi: Bộ Pháp-hội-tụ gồm tất cả các chân-nghĩa-pháp thành nhóm Mātikā pháp đầu đề, có tất cả 132 mātikā chia làm hai loại:

– Tika mātikā: Pháp đầu đề có ba chi pháp gồm có 32 mātikā, Duka mātikā: Pháp đầu đề có hai chi pháp gồm có 100 mātikā, …

2-    Bộ Vibhaṅgapāḷi: Bộ Pháp-phân-tích gồm các pháp phân tích thành 18 loại, uẩn (khandha), xứ (āyatana), tự tánh (dhātu), v.v…

3-  Bộ Dhātukathāpāḷi: Bộ Pháp-phân-loại gồm các pháp phân loại thành ngũ-uẩn (khandha), 12 xứ (āyatana), 18 tự-tánh (dhātu), tứ đế (sacca)…

4-    Bộ Puggalapaññattipāḷi: Bộ Pháp-nhân-chế-định phân biệt các hạng người khác nhau.

5-    Bộ Kathāvatthupāḷi: Bộ Pháp-luận-đề đặt vấn đề phá tan mọi tà thuyết, trở lại Chánh-pháp.

6-    Bộ Yamakapāḷi: Bộ pháp-song-đối gồm các câu hỏi, câu trả lời đi đôi với nhau từng cặp.

7-    Bộ Paṭṭhānapāḷi: Bộ Pháp-duyên-hệ giải về 24 duyên (paccaya) có quan hệ với nhau.

Bộ Pháp-duyên-hệ này là bộ lớn và rộng nhất, sâu sắc và vi-diệu nhất trong Phật-giáo.

Tạng Vi-Diệu-Pháp Pāḷi Có 3 Đặc Tính Đặc Biệt

1- Đức-Phật thuyết giảng về chân-nghĩa-pháp (Paramatthadesanā).

2- Đức-Phật thuyết pháp giáo huấn chúng-sinh tùy theo căn duyên để diệt tà-kiến chấp-ngã (yathādhamma- sāsana).

3- Đức-Phật thuyết giảng phân tích sắc-pháp, danh- pháp (nāmarūpaparicchedakathā).

1-  Đức-Phật thuyết giảng về chân nghĩa pháp như thế nào?

Đức-Phật chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh- quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị, có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.

Đức-Phật thông hiểu thấu-suốt tất cả các chân-nghĩa- pháp (paramatthadhamma) đó là tâm (citta), tâm-sở (cetasika), sắc-pháp (rūpa) và Niết-bàn (Nibbāna).

Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có Ñeyyadhamma (1) đầy đủ 5 pháp đặc biệt, nên Đức-Phật có khả năng chế định ra ngôn ngữ để thuyết giảng chân-nghĩa-pháp, thuyết dạy Tạng Vi-diệu-pháp này.

Ngoài Đức-Phật ra, không có một vị đạo sư nào có khả năng thuyết giảng chân-nghĩa-pháp này, bởi vì họ không phải là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.

2- Đức-Phật thuyết pháp giáo huấn chúng-sinh tùy theo căn duyên để diệt tà-kiến chấp-ngã như thế nào?

Đức-Phật biết rõ tà-kiến theo chấp ngã của chúng- sinh khác nhau như:

*  Số chúng-sinh có tà-kiến theo chấp danh-pháp cho là ta (ngã) nặng hơn là chấp sắc-pháp cho là ta (ngã).

Để tế độ nhóm chúng-sinh ấy, Đức-Phật thuyết pháp ngũ-uẩn (pañcakkhandha) là pháp-vô-ngã (anattā),  bởi vì trong ngũ-uẩn có 4 danh-uẩn: thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn thuộc về danh-pháp là pháp-vô-ngã (anattā), còn một sắc-uẩn thuộc về sắc-pháp cũng là pháp vô-ngã.

*   Số chúng-sinh có tà-kiến theo chấp sắc-pháp cho là ta (ngã) nặng hơn là chấp danh-pháp cho là ta (ngã).

Để tế độ nhóm chúng-sinh này, Đức-Phật thuyết pháp 12 xứ (12 āyatana) là pháp-vô-ngã (anattā), bởi vì trong 12 xứ, có 10 xứ: nhãn-xứ, nhĩ-xứ, tỷ-xứ, thiệt-xứ, thân- xứ, và sắc-xứ, thanh-xứ, hương-xứ, vị-xứ, xúc-xứ thuộc về sắc-pháp là pháp-vô-ngã (anattā). Còn lại ý-xứ thuộc về danh-pháp và phần pháp-xứ thuộc về sắc-pháp, danh-pháp là pháp vô-ngã.

*   Số chúng-sinh có tà-kiến theo chấp danh-pháp và sắc-pháp tương đương cho là ta (ngã).

Để tế độ nhóm chúng-sinh ấy, Đức-Phật thuyết pháp 18 tự-tánh (18 dhātu) là pháp-vô-ngã (anattā), bởi vì trong 18 tự-tánh, có 10 tự-tánh: nhãn-tự-tánh, nhĩ-tự- tánh, tỷ-tự-tánh, thiệt-tự-tánh, thân-tự-tánh, và sắc-tự- tánh, thanh-tự-tánh, hương-tự-tánh, vị-tự-tánh, xúc-tự- tánh thuộc về sắc-pháp là pháp-vô-ngã (anattā). Còn lại 7 tự-tánh khác: Nhãn-thức-tự-tánh, nhĩ-thức-tự-tánh, tỷ- thức-tự-tánh, thiệt-thức-tự-tánh, thân-thức-tự-tánh, ý-tự-tánh, ý-thức-tự-tánh thuộc về danh-pháp là pháp-vô-ngã (anattā). Riêng pháp-tự-tánh thuộc về danh-pháp và sắc-pháp là pháp vô-ngã, v.v…

Đức-Phật thuyết pháp giáo huấn chúng-sinh thấy rõ, biết rõ tất cả các pháp là pháp-vô-ngã (anattā), không phải ta, không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải chúng-sinh, … để diệt tà-kiến theo chấp ngã.

3-  Đức-Phật thuyết giảng phân tích sắc-pháp, danh- pháp như thế nào?

Đức-Phật thuyết giảng phân tích cho chúng-sinh thấy rõ, biết rõ sắc-pháp, danh-pháp thuộc về pháp hữu-vi, mỗi danh-pháp, mỗi sắc-pháp có thật-tánh-pháp, có trạng- thái riêng, có sự sinh, sự diệt, nên có 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, để diệt tâm tà-kiến thấy sai chấp lầm từ danh-pháp, từ sắc-pháp cho là tự ngã của ta, diệt tâm tham-ái trong sắc-pháp, danh-pháp cho là của ta, diệt tâm ngã-mạn chấp sắc-pháp, danh-pháp cho là ta hơn người, bằng người, kém thua người, …

Đó là 3 đặc tính đặc biệt của Tạng Vi-diệu-pháp.

Quả Báu Của Sự Học Tam-Tạng Pāḷi

*   Hành-giả theo học và hành nghiêm chỉnh đúng đắn theo Tạng Luật Pāḷi, giữ gìn giới đức trong sạch trọn vẹn.

Hành-giả có giới trong sạch trọn vẹn làm nền tảng, nương nhờ giới, thực-hành pháp-hành thiền-định và thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân- lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cùng với tam- minh(1)do năng lực quả báu của pháp học Tạng Luật Pāḷi.

*    Hành-giả học thông-thuộc Tạng Kinh Pāḷi có giới trong sạch thanh-tịnh làm nền tảng, thực-hành pháp- hành thiền-định dẫn đến chứng đắc bát-thiền.(2)

Hành-giả dùng bậc thiền làm nền tảng, nương nhờ bậc thiền làm đối-tượng, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cùng với lục thông(1) do năng lực quả báu của pháp học Tạng Kinh Pāḷi.

*    Hành-giả học thông-thuộc Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi có giới và định làm nền tảng, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cùng với tứ-tuệ phân-tích,(2) do năng lực quả báu của pháp học Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi.

Ngũ-Bộ Pāḷi (Pañcanikāyapāḷi)

Toàn giáo-pháp của Đức-Phật, nếu phân chia theo bộ (nikāya), thì có 5 bộ gồm có 40 quyển căn cứ theo kỳ kết tập Tam-Tạng Pāḷi lần thứ 6 tại động Kaba Aye, Yangon xứ Myanmar.

Ngũ-Bộ Pāḷi (Pañcanikāyapāḷi)

1-   Trường-Bộ-Kinh Pāḷi (Dīghanikāyapāḷi).

2-   Trung-Bộ-Kinh Pāḷi (Majjhimanikāyapāḷi).

3-    Đồng-Loại-Bộ-Kinh Pāḷi (Saṃyuttanikāyapāḷi).

4-    Chi-Bộ-Kinh Pāḷi (Aṅguttaranikāyapāḷi).

5-    Tiểu-Bộ-Kinh Pāḷi (Khuddakanikāyapāḷi).

1- Trường-bộ-kinh Pāḷi là gì?

Trường-bộ-kinh Pāḷi gồm có 34 bài kinh dài chia làm 3 quyển:

1-   Sīlakkhandhavaggapāḷi gồm có 13 bài kinh dài.

2-   Mahāvaggapāḷi gồm có 10 bài kinh dài.

3-   Pāthikavaggapāḷi gồm có 11 bài kinh dài.

2- Trung-bộ-kinh Pāḷi là gì?

Trung-bộ-kinh Pāḷi gồm có 152 bài kinh loại vừa chia làm 3 quyển:

1-    Mūlapaṇṇāsapāḷi: có 5 chương, mỗi chương có 10 bài kinh trung bình, gồm có 50 bài kinh loại vừa.

2-    Majjhimapaṇṇāsapāḷi: có 5 chương, mỗi chương có 10 bài kinh trung bình, gồm có 50 bài kinh loại vừa.

3-    Uparipaṇṇāsapāḷi: có 5 chương, chương 1, 2, 3 và 5: mỗi chương có 10 bài kinh loại vừa, còn chương 4 có 12 bài kinh trung bình, gồm có 52 bài kinh loại vừa.

3- Đồng-loại-bộ-kinh Pāḷi là gì?

Đồng-loại-bộ-kinh Pāḷi có 7.762 bài kinh dài, ngắn khác nhau, đặc biệt bộ này những bài kinh có điểm đồng loại nhau, được gom chung lại với nhau thành một chương riêng biệt.

Ví dụ: Những bài kinh liên quan đến chư-thiên gom chung lại với nhau thành nhóm gọi là devatasaṃyutta. Những bài kinh liên quan đến Đức-vua xứ Kosala gom chung lại thành chương gọi là Kosalasaṃyutta, v.v…

Đồng-loại-bộ-kinh Pāḷi có 5 bộ chia làm 3 quyển:

1- Sagāthavaggasaṃyuttapāḷi gồm có 11 chương và Nidānavaggasaṃyuttapāḷi gồm có 10 chương.

2 – Khandhavaggasaṃyuttapāḷi gồm có 13 chương và Sāḷāyatanasaṃyuttapāḷi gồm có 10 chương.

3-   Mahāvaggasaṃyuttapāḷi gồm có 12 chương.

Như vậy, tổng cộng tất cả 56 chương gồm có 7.762 bài kinh.

4-   Chi-bộ-kinh Pāḷi là gì?

Chi-bộ-kinh Pāḷi gồm có những bài kinh có chi pháp. Những bài kinh có một chi pháp, những bài kinh có hai chi pháp, v.v… cho đến những bài kinh có 11 chi pháp.

*      Những bài kinh có một chi pháp gọi là: Ekakanipāta.

*  Những bài kinh có hai chi pháp gọi là: Dukanipāta, Tikanipāta, Catukkanipāta, Pañcakanipāta, … cho đến những bài kinh có 11 chi pháp gọi là: Ekādasakanipāta.

Chi-bộ-kinh Pāḷi này có 11 nipāta, gom thành 3 quyển, gồm tất cả có 9.557 bài kinh ngắn dài khác nhau.

1-   Ekaka-duka-tika-catukka nipātapāḷi,

2-   Pañcaka-chakka-sattaka nipātapāḷi,

3-   Aṭṭhaka-navaka-dasaka-ekādasaka nipātapāḷi.

5- Tiểu-bộ-kinh Pāḷi là gì?

Tiểu-bộ-kinh Pāḷi này gồm có tất cả các bài kinh nào, quyển nào không có trong 4 bộ trên đều được gom vào Tiểu-bộ-kinh Pāḷi này.

Tiểu-bộ-kinh Pāḷi gồm có Tạng Luật Pāḷi, Tạng Vi- diệu-pháp Pāḷi và một phần Tạng Kinh Pāḷi còn lại gồm có 28 quyển:

*   Tiểu-bộ-kinh Pāḷi phần Tạng Luật Pāḷi có 5 bộ, có 5 quyển:

–   Pārājikapāḷi.

–   Pācittiyapāḷi,

–   Mahāvaggapāḷi,

–   Cūḷavaggapāḷi,

–   Parivārapāḷi.

*   Tiểu-bộ-kinh Pāḷi phần Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi có 7 bộ, gồm có 12 quyển:

–   Dhammasaṅgaṇīpāḷi,

–   Vibhaṅgapāḷi,

–   Dhātukathā và

–   Puggalapaññattipāḷi,

–   Kathāvatthupāḷi

–   Yamakapāḷi (3 quyển),

–   Paṭṭhānapāḷi (5 quyển).

* Tiểu-bộ-kinh Pāḷi phần Tạng Kinh gồm có 19 bộ, gồm có 11 quyển:

Khuddakapāṭhapāḷi, Dhammapadagāthāpāḷi, Udāna-pāḷi, Itivuttakapāḷi, Suttanipātapāḷi (gồm có 5 bộ).

Vimānavatthupāḷi, Petavatthupāḷi, Theragāthāpāḷi, Therīgāthāpāḷi (gồm có 4 bộ).

–   Apādānapāḷi (phần 1).

–  Apādānapāḷi (2), Buddhavaṃsapāḷi, Cariyapiṭakapāḷi.

–   Mahāniddesapāḷi.

Cūḷaniddesapāḷi.

–   Jātakapāḷi (2 quyển).

–   Paṭisambhidāmaggapāḷi.

–   Nettipāḷi, Peṭakopādesapāḷi.

–   Milindapañhāpāḷi.

Ngũ-bộ gồm có 40 quyển.

Cửu-Phần (Navaṅga)

Toàn giáo pháp của Đức-Phật, nếu phân chia theo phần (aṅga) thì có 9 phần như sau:

1- Suttapāḷi (kinh): Gồm những bài kinh văn xuôi lẫn kệ, như kinh Maṅgalasuttapāḷi, Ratanasuttapāḷi và Tạng luật Pāḷi cũng được gom chung vào phần Suttapāḷi này.

2- Geyyapāḷi (kệ): Gồm những bài kinh hoàn toàn bằng những câu kệ (không có đoạn văn xuôi) như những bài kệ trong phần Sagāthavaggasaṃyuttapāḷi, …

3-   Veyyākaraṇapāḷi (kinh): Gồm những bài kinh hoàn toàn văn xuôi (không có kệ xen vào) như Dhamma- cakkappavattanasuttapāḷi, Mahāsatipaṭṭhānasuttapāḷi,… và Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi được gom chung vào trong phần Veyyākaraṇapāḷi này.

4- Gāthāpāḷi (kệ): Gồm những bài kệ không có tên bài kinh như Dhammapadagāthāpāḷi, Theragāthāpāḷi, Therīgāthāpāḷi, …

5-     Udānapāḷi (bài tự thuyết): Gồm có 82 bài tự thuyết của Đức-Phật do tâm hoan hỷ phát sinh.

6- Itivuttakapāḷi: Gồm có 110 bài kinh, thường bắt đầu có câu: Vuttam hetaṃ Bhagavatā, … Điều này đúng như lời Đức-Thế-Tôn dạy …

7-   Jātakapāḷi (tiền-kiếp): Những câu kệ liên quan đến 547 tích tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, bắt đầu tích Apannakajātakapāḷi và cuối cùng Vessantarajātakapāḷi.

8-   Abhūtadhammapāḷi: Gồm những bài kinh có pháp phi thường chưa từng có từ trước (acchariyabhūta- dhammapāḷi), thường khởi đầu bằng câu:

“Này chư tỳ-khưu, những pháp phi thường chưa từng có từ trước …” như bài kinh Pahārādasutta …

9- Vedalla: Gồm những bài kinh vấn đáp bằng trí-tuệ hợp với hỷ như Cūḷavedallasuttapāḷi, Mahāvedallasutta- pāḷi, Sakkapañhāsuttapāḷi, …

84.000 Pháp-Môn (Dhammakkhandhapāḷi)

Toàn giáo-pháp của Đức-Phật, nếu phân chia thành pháp-môn Pāḷi (Dhammakkhandhapāḷi) thì có 84.000 pháp-môn Pāḷi, trong bộ Tam-tạng Pāḷi như sau:

1-   Tạng Luật Pāḷi gồm có 21.000 Pháp-môn.

2-   Tạng Kinh Pāḷi gồm có 21.000 Pháp-môn.

3-   Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi gồm có 42.000 Pháp-môn.

Phương Pháp Đếm Pháp-Môn Trong Tam-Tạng Pāḷi

* Trong Tạng Luật Pāḷi: Mỗi chuyện làm nguyên nhân đầu tiên để Đức-Phật chế định điều-giới, ban hành giới đến chư tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni là một pháp-môn.

Mỗi nguồn gốc phát sinh, mỗi cách phạm giới, mỗi cách không phạm giới, v.v… mỗi điều là một pháp-môn.

Như vậy, trong Tạng Luật gồm có 21.000 pháp-môn.

* Trong Tạng Kinh Pāḷi: Mỗi bài kinh có ý nghĩa pháp liên tục là một pháp-môn.

Trong bài kinh có nhiều đoạn, mỗi đoạn có ý nghĩa pháp riêng rẽ là một pháp-môn, mỗi câu hỏi, mỗi câu trả lời là một pháp-môn, v.v…

Như vậy, trong Tạng Kinh có 21.000 pháp-môn.

* Trong Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi: Pháp phân chia mỗi tika, mỗi duka là một pháp-môn, phân loại tâm và tâm- sở đồng sinh là một pháp-môn, v.v…

Như vậy, trong Tạng Vi-diệu-pháp Pāḷi gồm có 42.000 pháp-môn.

Trong 84.000 pháp-môn Pāḷi này, Đức-Phật trực tiếp thuyết dạy có 82.000 pháp-môn Pāḷi, còn 2.000 pháp- môn Pāḷi do chư bậc Thánh A-ra-hán thuyết dạy.

Như Ngài Trưởng-lão Ānanda, bậc thủ kho tàng pháp-bảo Pāḷi của Đức-Phật Gotama dạy trong bộ Theragāthāpāḷi, Ānandattheragāthā có câu kệ rằng:

“Dvāsiti Buddhato gaṇhiṃ, dve sahassāni bhikkhuto. Caturāsiti sahassāni, ye me dhammā pavattino.”(1)

“Tôi là Ā-nan-da,

Đã học từ kim ngôn Đức-Phật,

Được tám mươi hai ngàn pháp-môn,

Học từ chư Thánh A-ra-hán,

Gom nhặt được hai ngàn pháp-môn,

Tôi là thủ kho tàng pháp-bảo

Trọn tám mươi bốn ngàn pháp-môn.”

Toàn giáo-pháp của Đức-Phật Gotama gồm có 84.000 pháp-môn Pāḷi vẫn còn lưu truyền trong các nước có truyền thống Phật-giáo Theravāda (Phật-giáo nguyên- thuỷ) như nước Tích Lan (Srilankā), nước Miến Điện (Myanmar), nước Campuchia, nước Lào, v.v…

Ngày nay, Phật-giáo Theravāda (Phật-giáo nguyên- thuỷ) được truyền bá đến nhiều nước trên thế giới, trong số các nước ấy có Phật-giáo nguyên-thuỷ Theravāda tại Việt-Nam.

Duy Trì Pháp-Học Phật-Giáo

Pháp-học Phật-giáo (Pariyattisāsana) là toàn lời giáo huấn của Đức-Phật được ghi trong Tam-tạng Pāḷi và các bộ Chú-giải Pāḷi là nền-tảng căn bản của Phật-giáo.

Khi pháp-học Phật-giáo còn tồn tại, thì pháp-hành Phật-giáo mới mong được phát triển. Khi pháp-hành Phật-giáo được phát triển tốt, thì pháp-thành Phật-giáo mới có thể phát sinh.

Nếu pháp-học Phật-giáo bị tiêu hoại, thì pháp-hành Phật-giáo và pháp-thành Phật-giáo chắc chắn sẽ không còn nữa.

Vì vậy, chư Đại-Trưởng-lão, chư Trưởng-lão là những Bậc thông-thuộc Tam-tạng Pāḷi và Chú-giải Pāḷi, tổ chức kết tập toàn giáo-pháp của Đức-Phật, không để rời rạc, không cho thất lạc, rồi giữ gìn duy trì toàn bộ pháp-học Phật-giáo được trường tồn lâu dài trên thế gian, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc cho tất cả chúng-sinh nhất là chư-thiên và nhân-loại.

CHƯƠNG I – Tam-Tạng Pāḷi (Tipiṭakapāḷi)
CHƯƠNG I – Kết Tập Tam-Tạng Pāḷi

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *