4- Điều-Giới Tránh Xa Sự Nói-Dối
Musāvādā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.
Nghĩa từng chữ:
– Musāvāda: Musā + vāda
– Musā: Chuyện dối trá, điều không thật, vật không có,
– Vāda: Lời nói.
Ví dụ: tôi biết chuyện ấy mà nói tôi không biết; tôi không biết chuyện ấy mà nói tôi biết,… như vậy “chuyện ấy” là chuyện musā: lừa dối.
Tôi có tiền mà nói tôi không có tiền; tôi không có tiền mà nói tôi có tiền, … như vậy “tiền” là vật musā: lừa dối.
– Veramaṇisikkhāpadaṃ: Veramaṇī + sikkhāpadaṃ
– Veramaṇī: tác-ý tránh xa.
– Sikkhāpadaṃ: điều-giới, giới.
– Samādiyāmi: Con xin thọ-trì.
Điều không thật, vật không có, v.v… người ta có tác-ý tâm-sở đồng sinh với bất-thiện-tâmmuốn lừa dối người khác, nên nói rằng: “điều ấy là thật, vật ấy là có.”
Như vậy, gọi là nói-dối (musāvāda) cốt để cho người khác tin là thật.
Sự nói-dối này phát sinh phần nhiều do khẩu nói bằng lời nói, và đôi khi cũng phát sinh dothân bằng cử động lắc đầu phủ định, gật đầu khẳng định, … mặc dù vậy, vẫn gọi là nói-dối(musāvāda).
Nghĩa toàn câu:
Con xin thọ-trì điều-giới, có tác ý tránh xa sự nói-dối.
Chi-Pháp Của Điều-Giới Nói-Dối
Người phạm điều-giới nói-dối hợp đủ 4 chi-pháp:
1- Điều không thật, vật không có (atthavatthu).
2- Tâm nghĩ lừa dối (visaṃvādanacittatā).
3- Cố gắng lừa dối bằng lời nói hoặc bằng thân cử động theo tâm nghĩ lừa dối của mình (payoga).
4- Người nghe tin theo sự lừa dối ấy (tadattha vijānanaṃ).
Nếu người nào có đầy đủ 4 chi-pháp này thì người ấy phạm điều-giới nói-dối. Nếu không đủ 4 chi-pháp thì không phạm điều-giới nói-dối.
Giảng Giải Về Sự Nói-Dối
Những điều không thật như:
– Điều mình không thấy, nói rằng: tôi thấy.
– Điều mình không nghe, nói rằng: tôi nghe.
– Điều mình không biết, nói rằng: tôi biết.
– Điều mình thấy, nói rằng: tôi không thấy.
– Điều mình nghe, nói rằng: tôi không nghe.
– Điều mình biết, nói rằng: tôi không biết, …
Những vật không có như:
– Vật ấy mình không có, nói rằng: tôi có.
– Vật ấy mình có, nói rằng: tôi không có, v.v…
Tâm nghĩ lừa dối người nghe có 2 trường hợp:
1- Tâm nghĩ lừa dối người nghe, nhưng không gây thiệt hại đến cho người tin theo, thì chỉ phạm điều-giới nói-dối mà không cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới.
2- Tâm nghĩ lừa dối người nghe, để gây thiệt hại đến cho người tin theo, thì thật là lừa dối, cho nên phạm điều-giới nói-dối, cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới.
Sự cố gắng lừa dối bằng lời nói hoặc bằng thân cử động có 4 cách:
1- Tự mình cố gắng lừa dối bằng lời nói-dối hoặc bằng thân cử động lắc đầu phủ định điều có thật, hoặc gật đầu khẳng định điều không có thật.
2- Sai khiến người khác lừa dối bằng khẩu nói-dối, hoặc bằng thân ra hiệu.
3- Viết chuyện không thật trên báo, trong thư, nói điều không thật trên đài phát thanh, … lan truyền lừa dối độc giả, thính giả, … tin theo cho là thật.
4- Viết sách nội dung không có thật, ghi âm thanh điều không thật vào băng đĩa, … có tính cách lâu dài, để lừa dối độc giả, thính giả tin theo.
Người nào có tác-ý trong bất-thiện-tâm lừa dối người khác, nếu người khác tin theo sự lừa dối của mình, nên hội đầy đủ 4 chi-pháp thì người ấy phạm điều-giới nói-dối, tạo ác-nghiệp nói-dối. Nhưng nếu người khác không tin theo sự lừa dối ấy, nên không hội đủ 4 chi-pháp thì người ấy không phạm điều-giới nói-dối.
Ác-Nghiệp Nặng – Nhẹ Của Điều-Giới Nói-Dối
Người phạm điều-giới nói-dối tạo ác-nghiệp nặng hoặc ác-nghiệp nhẹ căn cứ vào sự thiệt hại nhiều hoặc ít đến cho người tin theo sự nói-dối ấy.
– Nếu người nào phạm điều-giới nói-dối đã gây ra sự thiệt hại nhiều đến cho người tin theo sự nói-dối, thì người nói-dối ấy đã tạo ác-nghiệp nói-dối nặng, ác nghiệp này có cơ-hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.
– Nếu người nào phạm điều-giới nói-dối nhưng không gây ra sự thiệt hại nào đáng kể đến cho người tin theo sự nói-dối, thì người nói-dối ấy đã tạo ác-nghiệp nói-dối nhẹ, ác nghiệp này không có cơ-hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới, mà có cơ-hội cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh.
Tính Chất Của Sự Nói-dối
* Đối với người cận-sự-nam, cận-sự-nữ:
Nói-dối là 1 giới cấm trong ngũ-giới, trong bát-giới uposathasīla, trong cửu giới uposatha-sīla, … mà người tại gia nói chung cần phải giữ gìn cho được trong sạch, thì được nhiều phước-thiện cao quý.
Nếu người nào phạm điều-giới nói-dối thì người ấy đã tạo ác-nghiệp nói-dối nặng hoặc nhẹ tùy theo sự thiệt hại đã gây ra đối với người tin theo sự lừa dối ấy.
Ngay kiếp hiện-tại người phạm điều-giới nói-dối ấy bị mất uy tín đối với nhiều người, nếu tạo ác-nghiệp nói-dối nặng thì ác-nghiệp nói-dối ấy có cơ-hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.
* Đối với bậc xuất-gia là vị sa-di, tỳ-khưu:
Đối với vị Sa-di:
Nói-dối là 1 điều-giới cấm trong 10 sa-di giới, nếu vị sa-di nào phạm điều-giới nói-dối thì vị sa-di ấy bị mất phẩm-hạnh sa-di, không còn là vị sa-di nữa.
Nếu vị sa-di ấy biết mình không còn phẩm-hạnh sa-di nữa, thì nên biết cách phục hồi phẩm-hạnh sa-di trở lại, bằng cách tìm đến vị Thầy tế-độ hoặc Ngài Trưởng-lão đảnh lễ Ngài, kính xin Ngài hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo trở lại.
Sau khi vị Thầy hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo và vị sa-di ấy lặp lại phép quy-y Tam-bảo đúng theo ṭhāna, karaṇa, payatana của văn phạm Pāḷi và đúng theo 10 byañjanabuddhi, đến lần thứ ba. Ngay khi ấy, vị sa-di được phục hồi phẩm-hạnh sa-di trở lại như trước,
Đối với vị tỳ-khưu:
Tỳ-khưu phạm điều-giới nói-dối có nhiều mức độ nhẹ, nặng khác nhau.
Trong khi hành Tăng-sự tụng giới bổn của tỳ-khưu (bhikkhupātimokkhasīla) một vị tỳ-khưu luật sư tụng xong mỗi phần giới, hỏi nhóm tỳ-khưu hội họp tại Sīmā đều có điều-giới này trong sạch phải không?
* Nếu vị tỳ-khưu nào có giới không trong sạch mà vẫn ngồi im lặng, không nói, đó cũng là một cách lừa dối thì vị tỳ-khưu ấy phạm điều-giới dukkaṭa (tác-ác).
* Nếu vị tỳ-khưu nào nói lời không đúng sự thật thì vị tỳ-khưu ấy phạm điều-giới pācittiya.
* Nếu vị tỳ-khưu nào nói lời vu khống vị tỳ-khưu khác phạm điều-giới Pārājika thì vị tỳ-khưu ấy bị phạm điều-giới Saṃghādisesa.
* Nếu vị tỳ-khưu nào tự nói khoe khoang pháp của bậc Thánh-nhân như chứng đắc bậc thiền-định, đắc phép thần-thông, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn mà chính mình không có, thì vị tỳ-khưu ấy bị phạm điều-giới Pārājika mất hẳn phẩm-hạnh tỳ-khưu, không còn là tỳ-khưu nữa.
Đối với vị tỳ-khưu phạm điều-giới nói-dối có nhiều mức độ nhẹ, nặng khác nhau, tùy theo lời nói-dối.
Nói-Dối, Lừa Dối Vô Tội
Người nói-dối bằng khẩu hoặc lừa dối bằng thân, nếu không gây ra sự thiệt hại nào đến cho người tin theo lời nói-dối, sự lừa dối ấy, thậm chí còn đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài cho người tin theo lời nói-dối, sự lừa dối ấy, thì người ấy tuy phạm điều-giới nói-dối mà không có tội, lại còn có phước-thiện nữa.
* Tích tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama là Đức-Bồ-tát Pañcāvudhakumāra([10]) bị Dạ xoa Silesa-loma bắt để ăn thịt. Đức-Bồ-tát Pañcāvudha-kumāra bảo Dạ-xoa rằng:
– Này Dạ-xoa! Trong thân của ta có khí giới, nếu ngươi ăn thịt ta, thì khí giới của ta sẽ giết hại sinh-mạng của ngươi luôn.
Dạ-xoa nghe Đức-Bồ-tát nói như vậy, tin theo lời của Đức-Bồ-tát, nên Dạ-xoa không dám ăn thịt, mà thả Đức-Bồ-tát trở về.
Đức-Bồ-tát Pañcāvudhakumāra nói trong thân của mình có vũ khí, danh từ khí giới mà Đức-Bồ-tát sử dụng ở đây là khí giới trí-tuệ (ñāṇāvudha), nhưng Dạ-xoa lại tin và hiểu rằng khí giới ở đây là khí giới giết hại.
Đức-Bồ-tát nói lời lẽ khó hiểu, khiến Dạ-xoa tin theo và hiểu sai, nhưng không gây ra sự thiệt hại đến cho Dạ-xoa. Cho nên, Đức-Bồ-tát nói- dối nhưng không có tội.
* Tích tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama là Đức-Bồ-tát khỉ chúa([11]) sống trong rừng. Một hôm, con cá sấu bò lên bờ gặp khỉ chúa, nói-dối lừa gạt khỉ chúa rằng:
– Này chú khỉ! Bên bờ sông bên kia có nhiều thứ trái cây ngon, nếu chú muốn qua bên kia thì chú lên ngồi trên lưng, tôi sẽ chở chú qua.
Khỉ chúa tin theo lời của cá sấu, nên leo lên ngồi trên lưng, con cá sấu bơi ra giữa dòng sông định lặn xuống, thì khỉ chúa bèn hỏi rằng:
– Này anh cá sấu! Anh định cho tôi chìm trong nước để anh được lợi ích gì?
Cá sấu nói thật rằng:
– Này chú khỉ! Tôi nói-dối lừa gạt chú để ăn trái tim của chú.
Khỉ chúa bảo rằng:
– Này anh cá sấu! Trái tim của tôi không có trong thân này, tôi đã gỡ trái tim ra và đem treo lủng lẳng trên cành cây kia kìa.
Vừa nói, khỉ chúa vừa đưa tay chỉ cho cá sấu thấy chùm trái cây gần bờ sông và bảo với cá sấu rằng:
– Nếu anh muốn ăn trái tim của tôi thì anh hãy chở tôi trở lại bờ sông có chùm trái cây kia.
Nghe như vậy, cá sấu tin theo lời của Đức-Bồ-tát khỉ chúa, bơi vào gần bờ sông, Đức-Bồ-tát khỉ chúa liền nhảy lên cành cây, sinh-mạng được an toàn.
Như vậy, Đức-Bồ-tát khỉ chúa nói-dối lừa gạt cá sấu, nhưng không gây sự thiệt hại nào đến cá sấu. Cho nên, Đức-Bồ-tát khỉ chúa nói-dối nhưng không có tội.
Một người làm cử chỉ đuổi chim, bằng cách giả bộ ném một vật gì, hoặc giương cung mà không có mũi tên ra hăm dọa, … làm cho chim tưởng ném thật, hoặc bắn thật, chúng hoảng sợ bay đi, …
Đó là hành vi cử chỉ lừa dối bằng thân, nhưng không gây ra sự tai-hại nào đến đối tượng bị lừa dối. Cho nên, sự lừa dối ấy vô tội.
Như vậy, nói-dối bằng lời nói, hoặc hành vi lừa dối bằng thân, mà không gây ra sự thiệt hại nào đến cho người tin theo, đều là vô tội, không thể cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.