Sự Chết Của Chúng-sinh
Tất cả mọi chúng-sinh trong 3 giới 4 loài đều phải chết. Sự chết có 4 trường hợp:
1- Chết vì hết tuổi thọ.
2- Chết vì mãn nghiệp hỗ trợ.
3- Chết vì hết tuổi thọ và mãn nghiệp-hỗ-trợ.
4- Chết vì tai nạn (chưa hết tuổi thọ cũng chưa mãn nghiệp-hỗ-trợ).
* Người Có Phước-Thiện Tránh Được Tai Nạn
Không đề cập đến 3 trường hợp chết trên, mà chỉ đề cập đến trường hợp thứ tư: Chết vì tai nạn (chưa hết tuổi thọ cũng chưa mãn nghiệp-hỗ-trợ).
Người có phước-thiện hộ trì có thể thoát khỏi mọi tai nạn một cách mầu nhiệm tự nhiên, ngoài khả năng của người ấy, dù người khác có tác-ý trong ác-tâm cũng không thể giết được người có phước-thiện, nhờ phước-thiện hộ mạng người ấy.
* Như trường hợp phú-hộ Ghosaka:
Đức-Phật ngự tại ngôi chùa Ghositārāma trong nước Kosambī, Ngài thuyết giảng tích Sāmāvatīvatthu(1), trong tích này có phần đề cập đến cuộc đời ông phú-hộ Ghosaka được tóm lược như sau:
Trong thời quá khứ, vùng Allakappa xảy ra nạn đói khát và bệnh dịch làm nhiều người chết. Người chồng tên Kotuhalika dẫn người vợ tên Kāḷī bồng đứa con nhỏ đi đến nước Kosambī để lánh nạn. Hai vợ chồng đi đường đồ ăn uống đã cạn hết, bệnh đói khát làm rã rời tay chân, bồng đứa con cũng không nổi nữa, người chồng bàn với vợ rằng:
– Này em! Vợ chồng chúng ta còn sống, hy vọng sẽ có con nữa, bỏ đứa con này, chúng ta đi thôi.
Người mẹ thương yêu con không đành bỏ con khi nó đang còn sống. Hai vợ chồng đồng ý thay phiên nhau bồng đứa con, mỗi người một đoạn đường. Sự đói khát lại càng làm bủn rủn tay chân, người chồng lại bàn tính với vợ bỏ đứa con, người vợ vẫn một mực năn nỉ chồng đừng bỏ đứa con.
Đứa con nhỏ được trao từ tay chồng sang tay vợ, rồi trao từ tay vợ sang tay chồng làm cho đứa trẻ như ngất xỉu trên tay người cha. Người cha biết đứa con mệt ngủ thiếp đi, nên đặt nó nằm trên đống lá cây khô, ở dưới bóng mát gốc cây, rồi bỏ đi theo vợ ở phía trước.
Người vợ nhìn lại không thấy đứa con bèn hỏi:
– Này anh! Con của chúng ta đâu rồi?
Người chồng trả lời:
– Này em! Anh để con nằm dưới bóng mát ở gốc cây kia rồi.
Người vợ khóc lóc, van xin chồng bồng đứa con lại cho mình, người chồng trở lại bồng đứa con, thì đứa con đã chết.([4])
Hai vợ chồng tiếp tục đi đến một vùng, gặp một gia đình nuôi bò.
Hôm ấy, gia đình nuôi bò làm lễ cầu an cho bò. Hằng ngày, ông chủ thỉnh Đức-Phật Độc-Giác đến độ vật thực, đặc biệt hôm ấy là ngày lễ cầu an, nên người nuôi bò nấu cơm sữa bò nhiều. Người chủ nhà nhìn thấy hai vợ chồng đói khát từ nơi xa đến, nên tiếp đãi rất tử tế và cho hai phần cơm sữa bò. Người vợ nói với chồng:
– Này anh! Anh còn sống thì em sống được an-lạc, đã 7 ngày qua, anh chịu đói khát nhiều, anh nên dùng thêm một phần cơm sữa bò của em cho đủ no.
Người vợ nhường một phần cơm của mình thêm cho chồng ăn đủ no, còn người vợ chỉ dùng một ít cơm với bơ còn lại mà thôi.
Người chồng chịu đói khát suốt 7 ngày qua, nay gặp món cơm sữa bơ ngon miệng nên ăn no. Nhìn thấy người chủ nhà cho con chó cái nằm dưới ghế, ăn cơm sữa bơ, người ấy ngồi nghĩ rằng:
“Con chó này có quả phước tốt thật, được ăn những đồ ăn ngon lành đến thế!”
Đêm hôm ấy, người chồng ăn vật thực no, không tiêu hóa được, nên bị chết. Khi sắp chết, nhớ tưởng đến con chó, nên người ấy sau khi chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh vào bụng con chó cái của chủ nhà.
Người vợ lo làm lễ hỏa táng cho chồng xong, xin ở lại làm công trong nhà người chủ nuôi bò ấy.
Người góa phụ làm công được một ít gạo, nấu cơm để bát cúng-dường Đức-Phật Độc-Giác, rồi bạch rằng:
– Kính bạch Ngài, cầu xin phước-thiện này được thành tựu đến người chồng của con vừa qua đời.
Người góa phụ suy nghĩ rằng:
“Ta nên ở lại làm công nơi này, hằng ngày Đức-Phật Độc-Giác ngự đến đây khất thực, dù có ít thì ta cúng-dường ít đến Ngài, dù không có thì ta có cơ-hội đảnh lễ Ngài, phát sinh đức tin trong sạch nơi Ngài, ta vẫn có được phước-thiện.”
Mấy tháng sau, con chó mẹ sinh ra một con chó đực khôn ngoan dễ thương. Người chủ nuôi con chó con bằng sữa bò, nên chó con mau lớn khôn.
Mỗi khi Đức-Phật Độc-Giác độ vật thực xong, phần còn thừa, Đức-Phật cho con chó ăn phần vật thực ấy.
Cho nên, con chó rất kính yêu Đức-Phật Độc-Giác. Mỗi ngày nó đi theo người chủ đến hầu Đức-Phật Độc-Giác. Trên đường đi đến nơi rừng cây rậm rạp, e sợ có thú dữ rình mồi, người chủ lên tiếng ‘sù! sù’ 3 lần, nếu có thú dữ thì chúng lánh đi nơi khác.
Một hôm, người chủ bạch với Đức-Phật Độc-Giác rằng:
– Kính bạch Ngài, ngày nào con không có cơ hội đến kính thỉnh Ngài được, con sẽ cho con chó này đến kính thỉnh Ngài đến nhà con.
Từ đó trở về sau, khi nào người chủ nhà không có cơ hội đến hầu Đức-Phật Độc-Giác được, thì người chủ sai bảo con chó rằng:
– Này con! Con hãy đến kính thỉnh Đức-Phật Độc-Giác nhé con!
Nghe xong, con chó liền vẫy đuôi chạy thẳng đến cốc của Đức-Phật Độc-Giác. Trên đường đi, đến nơi rừng cây rậm rạp, chó phát tiếng sủa 3 tiếng, để cho thú dữ lánh đi nơi khác. Con chó chạy đến cốc lá của Đức-Phật Độc-Giác, nhẹ nhàng đến trước cửa nằm mọp xuống ngẩng đầu sủa 3 tiếng, để báo tin cho Đức-Phật Độc-Giác biết, rồi nằm im lặng chờ Đức-Phật Độc-Giác đi ra.
Con chó đi đằng trước dẫn đường, Đức-Phật Độc-Giác đi theo đường về nhà, nó rất kính yêu Đức-Phật Độc Giác.
Về sau, bộ y của Đức-Phật Độc-Giác cũ quá, người chủ kính dâng cúng-dường vải may y đến Đức-Phật Độc-Giác. Công việc may y làm một người rất khó, nên Đức-Phật Độc-Giác nói với người chủ rằng:
– Này thí chủ! Công việc may y làm một mình không thuận tiện, cho nên Như-Lai phải tìm bạn đồng phẩm-hạnh cùng giúp may y.
Người chủ bạch rằng:
– Kính bạch Ngài, kính thỉnh Ngài đi may y xong, con kính thỉnh Ngài trở lại.
Con chó đứng nghe Đức-Phật Độc-Giác và người chủ nói chuyện với nhau. Tại nơi ấy, Đức-Phật Độc-Giác dùng phép thần thông bay lên hư không hướng về núi Gandhamādana. Con chó đứng nhìn theo Đức-Phật Độc-Giác bay lên hư không, và sủa theo với tất cả tấm lòng kính yêu Đức-Phật Độc-Giác, cho đến khi không còn nhìn thấy bóng dáng Đức-Phật Độc-Giác nữa. Con chó chết ngay tại nơi ấy.
Con chó chết với đại-thiện-tâm kính yêu vô hạn nơi Đức-Phật Độc-Giác, nên con chó sau khi chết, đại-thiện-nghiệp cung-kính ấy cho quả tái-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên trong lâu đài nguy nga tráng lệ, có 1.000 (một ngàn) thiên-nữ hầu hạ, hưởng mọi sự an-lạc ở cõi trời Tam-thập-tam-thiên ấy.
Khi thiên-nam này nói nhỏ bên tai vị chư-thiên nào, thì tiếng nói ấy vang xa đến 16 do-tuần (1 do-tuần khoảng 20 km), nếu thiên-nam này nói bình thường, tiếng nói vang rộng xa đến 10.000 (mười ngàn) do-tuần.
Cho nên, vị thiên-nam này tên là “Ghosaka-devaputta: Thiên-nam có giọng nói vang”. Đó là quả của phước-thiện kiếp chó sủa với tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Đức-Phật Độc-Giác. Vị thiên-nam Ghosaka hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên.
Vị thiên-nam Ghosaka say mê trong đối-tượng ngũ-dục, quên dùng vật thực, thể xác không thể duy trì được, nên chết từ cõi trời Tam-thập-tam-thiên, dục-giới đại-thiện-nghiệp của kiếp trước cho quả tái-sinh đầu thai vào lòng một kỹ nữ xinh đẹp ở kinh-thành Kosambī.