Nhân duyên có sắc đẹp
Phàm là phụ nữ, ai ai cũng muốn có sắc đẹp, duyên dáng, dễ thương, song không phải người phụ nữ nào cũng có sắc đẹp, duyên dáng như mình muốn.
Trong đời này, có số phụ nữ xinh đẹp, có số phụ nữ xấu xí. Do nguyên nhân nào lại có số phụ nữ xinh đẹp, duyên dáng, dễ thương và do nguyên nhân nào lại có số phụ nữ xấu xí, vô duyên?
Để hiểu biết rõ nguyên nhân, nên tìm hiểu bài kinh Mallikāsuṭṭa (Aṅguṭṭaranikāya, Caṭukanipāṭa, kinh Mallikāsuṭṭa), được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại chùa Jeṭavana gần kinh thành Sāvaṭṭhi. Khi ấy, Chánh cung Hoàng hậu của Đức vua Pasenadi-kosala đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, bà bạch rằng:
1- Kính bạch Đức Thế Tôn, do nhân nào, duyên nào cho quả, có số phụ nữ trong đời này có da dẻ sần sùi, thân hình xấu xí, nhìn đáng ghê tởm; còn là người nghèo khó, thiếu thốn của cải và có địa vị thấp kém?
2- Kính bạch Đức Thế Tôn, do nhân nào, duyên nào cho quả, có số phụ nữ trong đời này có da dẻ sần sùi, thân hình xấu xí, nhìn đáng ghê tởm; nhưng là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, sự nghiệp lớn lao và có địa vị cao quý?
3- Kính bạch Đức Thế Tôn, do nhân nào, duyên nào cho quả, có số phụ nữ trong đời này có da dẻ mịn màng, thân hình xinh đẹp, duyên dáng, đáng chiêm ngưỡng; nhưng là người nghèo khó, thiếu thốn của cải và có địa vị thấp kém?
4- Kính bạch Đức Thế Tôn, do nhân nào, duyên nào cho quả, có số phụ nữ trong đời này có da dẻ mịn màng, thân hình xinh đẹp, duyên dáng, đáng chiêm ngưỡng; còn là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, sự nghiệp lớn lao và có địa vị cao quý?
Đức Thế Tôn thuyết dạy rằng:
1- Này Mallikā, trong đời này có số phụ nữ có tính sân hận, thường hay khổ tâm, bực tức, khi bị xúc phạm chút đỉnh, tâm sân hận liền phát sanh, nổi cơn giận dữ, có trạng thái hung hãn, dữ dằn, biểu hiện rõ nỗi bất bình, không hài lòng; lại là người không hoan hỉ tạo phước thiện bố thí như: thức ăn, thức uống, vải, y phục, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn,… đến Sa môn, Bà la môn, và còn là người có tính ganh tị lợi lộc, địa vị, lễ vật, sự cung kính, lễ bái cúng dường của người khác, hay ngăn cản, cắt đứt lợi lộc… bởi do tính ganh tị. Số phụ nữ này sau khi chết, do thiện nghiệp khác cho quả, nếu được tái sanh trở lại làm người, thì là người phụ nữ có da dẻ sần sùi, thân hình xấu xí, nhìn đáng ghê tởm; còn là người nghèo khó, thiếu thốn của cải và có địa vị thấp kém trong đời.
Này Mallikā, đó là nhân, là duyên cho quả, có số phụ nữ trong đời này có da dẻ sần sùi, thân hình xấu xí, nhìn đáng ghê tởm; còn là người nghèo khó, thiếu thốn của cải và có địa vị thấp kém.
2- Này Mallikā, trong đời này có số phụ nữ có tính sân hận, thường hay khổ tâm, bực tức, khi bị xúc phạm chút đỉnh, tâm sân hận liền phát sanh, nổi cơn giận dữ, có trạng thái hung hãn, dữ dằn, biểu hiện rõ nỗi bất bình, không hài lòng; nhưng là người hoan hỉ tạo phước thiện bố thí như: thức ăn, thức uống, vải, y phục, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn,… đến Sa môn, Bà la môn, và còn là người không có tính ganh tị lợi lộc, địa vị, lễ vật, sự cung kính, lễ bái cúng dường của người khác, không ngăn cản, không cắt đứt lợi lộc… bởi do tính không ganh tị. Số phụ nữ này sau khi chết, do thiện nghiệp ấy cho quả, nếu được tái sanh trở lại làm người, thì là người phụ nữ có da dẻ sần sùi, thân hình xấu xí, nhìn đáng ghê tởm; nhưng là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, sự nghiệp lớn lao và có địa vị cao quý trong đời.
Này Mallikā, đó là nhân, là duyên cho quả, có số phụ nữ trong đời này có da dẻ sần sùi, thân hình xấu xí, nhìn đáng ghê tởm; nhưng là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, sự nghiệp lớn lao và có địa vị cao quý.
3- Này Mallikā, trong đời này có số phụ nữ không có tính sân hận, thường không khổ tâm, bực tức, dù bị xúc phạm nhiều, tâm sân hận vẫn không phát sanh, không nổi cơn giận dữ, không có trạng thái hung hãn, không dữ dằn, không biểu hiện rõ nỗi bất bình, không tỏ ra sự không hài lòng; nhưng là người không hoan hỉ tạo phước thiện bố thí như: thức ăn, thức uống, vải, y phục, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn,… đến Sa môn, Bà la môn, và còn là người có tính ganh tị lợi lộc, địa vị, lễ vật, sự cung kính, lễ bái cúng dường của người khác, hay ngăn cản, cắt đứt lợi lộc… bởi do tính ganh tị. Số phụ nữ này sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả, nếu được tái sanh trở lại làm người, thì là người phụ nữ có da dẻ mịn màng, thân hình xinh đẹp duyên dáng, đáng chiêm ngưỡng; nhưng là người nghèo khó, thiếu thốn của cải và có địa vị thấp kém trong đời.
Này Mallikā, đó là nhân, là duyên cho quả, có số phụ nữ trong đời này có da dẻ mịn màng, thân hình xinh đẹp, duyên dáng, đáng chiêm ngưỡng; nhưng là người nghèo khó, thiếu thốn của cải và có địa vị thấp kém.
4- Này Mallikā, trong đời này có số phụ nữ không có tính sân hận, thường không khổ tâm, bực tức, dù bị xúc phạm nhiều, tâm sân hận vẫn không phát sanh, không nổi cơn giận dữ, không có trạng thái hung hãn, không dữ dằn, không biểu hiện rõ nỗi bất bình, không tỏ ra sự không hài lòng; lại là người hoan hỉ tạo phước thiện bố thí như: thức ăn, thức uống, vải, y phục, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn,… đến Sa môn, Bà la môn, và còn là người không có tính ganh tị lợi lộc, địa vị, lễ vật, sự cung kính, lễ bái cúng dường của người khác, không ngăn cản, không cắt đứt lợi lộc… bởi do tính không ganh tị. Số phụ nữ này sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả, nếu được tái sanh trở lại làm người, thì là người phụ nữ có da dẻ mịn màng, thân hình xinh đẹp duyên dáng, đáng chiêm ngưỡng; lại là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, sự nghiệp lớn lao và có địa vị cao quý trong đời.
Này Mallikā, đó là nhân, là duyên cho quả, có số phụ nữ trong đời này có da dẻ mịn màng, thân hình xinh đẹp, duyên dáng, đáng chiêm ngưỡng; lại là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, sự nghiệp lớn lao và có địa vị cao quý.
Nghe Đức Thế Tôn thuyết dạy và giải đáp xong những câu hỏi, bà Chánh cung Hoàng hậu Mallikā bèn bạch rằng:
— Kính bạch Đức Thế Tôn, tiền kiếp của con là người có tính sân hận, thường hay khổ tâm, bực tức, khi bị xúc phạm chút đỉnh, tâm sân hận liền phát sanh, nổi cơn giận dữ, có trạng thái hung hãn, dữ dằn, biểu hiện rõ nỗi bất bình, không hài lòng; cho nên, kiếp hiện tại này con có da dẻ không mịn màng, thân hình không xinh đẹp, không đáng chiêm ngưỡng.
— Kính bạch Đức Thế Tôn, những người phụ nữ trong nước, trong dòng dõi Bà la môn, trong hoàng tộc, trong cung điện này, con là người phụ nữ có địa vị cao quý hơn tất cả những người phụ nữ ấy.
Kính bạch Đức Thế Tôn, kể từ nay về sau, con không dám có tính sân hận, thường không khổ tâm, bực tức, dù bị xúc phạm nhiều, tâm sân hận vẫn không phát sanh, không nổi cơn giận dữ, không có trạng thái hung hãn, dữ dằn, biểu hiện rõ nỗi bất bình, không hài lòng; con sẽ hoan hỉ tạo phước thiện bố thí như: thức ăn, thức uống, vải, y phục, xe cộ, hoa quả, vật thơm, vật thoa, chỗ nằm, chỗ ở, đèn,… đến Sa môn, Bà la môn; con không có tính ganh tị lợi lộc, địa vị, lễ vật, sự cung kính, lễ bái cúng dường của người khác, không ngăn cản, không cắt đứt lợi lộc,… bởi do tính không ganh tị nữa.
Kính bạch Đức Thế Tôn, lời dạy của Ngài rõ ràng quá! Kính bạch Đức Thế Tôn, lời dạy của Ngài rõ ràng quá!
Con xin hết lòng thành kính nương nhờ nơi Đức Thế Tôn, Đức Pháp, Đức Tăng, kính xin Ngài nhận biết con là người cận sự nữ đã quy y Tam bảo kể từ nay cho đến trọn đời.
(Xong bài kinh Mallikāsuṭṭa)
Qua bài kinh trên, có thể hiểu rằng:
— Người có tính sân hận, khi tâm sân phát sanh cơn giận dữ, bực tức, mặt mày trông đáng ghê sợ, cho nên người ta thường xa lánh. Tâm sân là tâm bất thiện (tâm ác), có nghiệp bất thiện (nghiệp ác); nếu nghiệp bất thiện này cho quả, thì người ấy có da dẻ sần sùi, thân hình xấu xí, nhìn đáng ghê tởm, ví như tích bà Chánh cung Hoàng hậu Pañcapāpi và tích Đức vua Kusa (Xem tích truyện đầy đủ trong quyển “Tìm hiểu phước Bố thí” của cùng soạn giả).
— Người không có tính sân hận, có tâm từ, có đức tính nhẫn nại, gương mặt trông dễ thân thiện kính mến, cho nên, người ta thường gần gũi, thân cận. Tâm từ hoặc đức tính nhẫn nại thuộc tâm thiện có nghiệp thiện; nếu nghiệp thiện này cho quả thì người ấy có da dẻ mịn màng, thân hình xinh đẹp, duyên dáng, đáng chiêm ngưỡng, ví như tích nàng Ummadandī (Xem tích truyện đầy đủ trong quyển “Tìm hiểu phước Bố thí” của cùng soạn giả).
— Người có tính keo kiệt trong tài sản, của cải của mình, không chịu đem của cải làm phước thiện bố thí đến những người khác, cho nên, chư bậc Thiện trí, những người khác thường không gần gũi, thân cận. Nếu nghiệp bất thiện này cho quả, thì người ấy là người nghèo khó, thiếu thốn của cải.
— Người có tính nhân từ, hoan hỉ tạo phước thiện bố thí, đem của cải phân phát, bố thí đến những người khác, cho nên, chư bậc Thiện trí, những người khác thường gần gũi, thân cận. Nếu nghiệp thiện này cho quả, thì người ấy là người giàu sang phú quý, có nhiều của cải, sự nghiệp lớn lao.
— Người hay có tính ganh tị lợi lộc, địa vị… của người khác, cho nên người ta không yêu mến. Nếu nghiệp bất thiện này cho quả, thì người ấy có địa vị thấp kém trong đời.
— Người không có tính ganh tị lợi lộc, địa vị… của người khác, thường có tâm hoan hỉ lợi lộc, địa vị, sự an lạc của người khác, cho nên, được nhiều yêu mến. Nếu nghiệp thiện này cho quả, thì người ấy có địa vị cao quý trong đời.
Tóm lại, nghiệp và quả của nghiệp phân loại chúng sinh, muốn quả như thế nào, thì nên tạo nghiệp như thế ấy.
Quả của nghiệp tương xứng với nghiệp.
Nghiệp thiện cho quả tốt, an lạc.
Nghiệp ác cho quả xấu, khổ não.