Pattānumodanākusala: Phước-thiện hoan-hỷ

Định nghĩa Pattānumodanā:

“Pāpiyatī’ti: patti. Pattiṃ anumodanti sādhukāraṃ dadanti etenā’ti: pattānumodanaṃ.”

Phần phước-thiện của người khác hồi-hướng đến gọi là patti. Những chúng-sinh phát sinh đại-thiện-tâm hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng đến cho mình bằng cách nói lên lời hoan-hỷ rằng: “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” với tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hoan-hỷ gọi là pattānumodanākusala: phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng.

Patti trong danh từ pattānumodanākusala này có nghĩa là phần phước-thiện của người khác hồi-hướng.

Chúng-sinh phát sinh đại-thiện-tâm hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng đến cho mình, bằng cách nói lên lời hoan-hỷ rằng:

“Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” với tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hoan-hỷ, gọi là pattānumodanākusala: phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng đến cho mình.

Căn cứ theo định nghĩa này:

* Nếu tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ hỷ vô cùng hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng đến cho mình, bằng cách nói lên lời hoan-hỷ rằng: “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” thì pattānumodanākusala: phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng được trọn vẹn.

* Nếu tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ xả không hoan-hỷ nhiều nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng đến cho mình, dù có nói lên lời hoan-hỷ theo người khác rằng: “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” thì pattānumodanākusala: phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng không được trọn vẹn.

* Nếu người nào có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm đồng sinh với thọ hỷ hợp với trí-tuệ vô cùng hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng đến cho mình, bằng cách nói lên lời hoan-hỷ rằng: “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” thì pattānumodanākusala: phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác hồi-hướng được hoàn toàn trọn vẹn.

Anumodanākusala với Pattānumodanākusala

* Anumodanākusala: Phước-thiện hoan-hỷ.

Ví như người nào nhìn thấy người khác đang tạo phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ gìn giới trong sạch, phước-thiện đang thực-hành pháp-hành thiền-định, đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, v.v… hoặc nhìn thấy tên thí-chủ ghi trên vật thí dâng cúng dường đến Tam-bảo, hoặc đọc kinh sách thấy danh sách các thí-chủ tạo phước-thiện pháp-thí, rồi người ấy phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ phước-thiện pháp-thí như vậy, gọi là anumodanākusala: phước-thiện hoan-hỷ.

* Pattānumodanākusala: Phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác chia cho mình.

Ví như người thí-chủ nào đã tạo được phước-thiện bố-thí, hoặc phước-thiện xây dựng chỗ ở xong, làm lễ dâng cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng, rồi người thí-chủ ấy nói lên lời hồi-hướng phần phước-thiện ấy đến cho bà con thân quyến đã quá vãng, và nói lời chia phần phước-thiện ấy đến cho những người đến tham dự trong buổi lễ ấy, hoặc sau đó gặp những người bà con thân quyến, bạn hữu, quen biết, v.v…

Khi nghe người thí-chủ ấy chia phần phước-thiện của họ đến cho mình như vậy, những người nghe phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ nói lên lời hoan-hỷ rằng: “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” với tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của thí-chủ chia cho mình, như vậy, gọi là pattānumodanākusala: phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác chia đến mình.

Phước-thiện hồi-hướng (Pattidāna)

Pattidāna có 2 cách:

1- Uddissikapattidāna: Hồi-hướng phần phước-thiện đến cho chúng-sinh riêng biệt.

2- Anuddissikapattidāna: Hồi-hướng phần phước-thiện đến chung cho tất cả chúng-sinh.

* Hồi-hướng phần phước-thiện đến cho chúng-sinh riêng biệt như thế nào?

Sau khi đã tạo được phước-thiện nào xong rồi, người thí-chủ hồi-hướng phần phước-thiện ấy đến cho bà con thân quyến của họ đã quá vãng thời gian lâu hoặc mau không giới hạn.

Nếu bà con thân quyến quá vãng nào hay biết có thân nhân tạo phước-thiện, rồi hồi-hướng phần phước-thiện ấy thì xuất hiện đến nơi ấy. Bà con thân quyến quá vãng ấy phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch vô cùng hoan-hỷ nói lên lời hoan-hỷ rằng: “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” nhận phần phước-thiện ấy. Ngay tức thì bà con thân quyến quá vãng ấy hưởng được quả báu của phần phước-thiện ấy, thoát khỏi kiếp khổ cực thiếu thốn ấy, được hưởng kiếp sống an-lạc đầy đủ ngay khi ấy.

Ví dụ: Tích Tirokuḍḍapetavatthu(1) được tóm lược điểm chính như sau:

Nhóm ngạ-quỷ là bà con thân quyến của Đức-vua Bimbisāra từ thời-kỳ Đức-Phật Phussa xuất hiện trên thế gian cho đến thời-kỳ Đức-Phật Gotama của chúng ta trải qua thời gian khoảng cách 92 đại-kiếp trái đất, có 8 Đức-Phật theo tuần tự xuất hiện trên thế gian: Đức-Phật Phussa, Đức-Phật Vipassī, Đức-Phật Sikhī, Đức-Phật Vessabhū, Đức-Phật Kakusandha, Đức-Phật Koṇā-gamana, Đức-Phật Kasspa, đến Đức-Phật Gotama.

Những người bà con thân quyến của Đức-vua Bimbisāra ấy vốn là những người hộ độ Đức-Phật Phussa cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, họ gây gỗ với nhóm người có đức-tin khác, rồi cố ý làm trở ngại công việc bố-thí cúng dường, họ đã tự lấy các đồ ăn của chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng mà dùng, lại còn đốt cháy nhà bếp, nên họ đã tạo ác-nghiệp trộm cắp của chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Sau khi nhóm người ấy chết, ác-nghiệp trộm-cắp ấy cho quả tái-sinh trong cõi đại-địa-ngục, từ cõi đại-địa ngục này đến các tiểu-địa-ngục khác, trải qua 92 đại-kiếp trái đất, đến kiếp trái đất Bhaddakappa này.

Trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa xuất hiện trên thế-gian, nhóm chúng-sinh ấy mới được thoát ra khỏi cõi địa-ngục, rồi tái-sinh làm loài ngạ-quỷ đói khát.

Một hôm, nhóm ngạ-quỷ này đến hầu Đức-Phật Kassapa, bạch rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, nhóm ngạ-quỷ chúng con đến khi nào mới có người bà con thân quyến tạo phước-thiện bố-thí, rồi hồi-hướng phần phước-thiện bố-thí ấy đến cho chúng con, để chúng con nhận được phần phước-thiện hồi-hướng ấy, mới mong thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ đói khát khổ cực này, được hưởng kiếp sống đầy đủ an-lạc? Bạch Ngài.

Nghe chúng ngạ-quỷ bạch hỏi như vậy, Đức-Phật Kassapa dạy bảo rằng:

– Này các ngạ-quỷ! Bây giờ các con chưa được gì đâu! Các con hãy ráng chờ trong thời vị-lai đến khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian.

Thuở ấy, Đức-vua Bimbisāra đã từng là bà con thân quyến của các con trước đây cách 92 đại-kiếp trái đất. Đức-vua Bimbisāra sẽ tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường đến Đức-Phật Gotama cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, rồi sẽ hồi-hướng phần phước-thiện ấy đến cho các con.

Nghe lời dạy của Đức-Phật Kassapa, nhóm ngạ-quỷ vô cùng hoan-hỷ trông chờ như sắp nhận được phần phước-thiện bố-thí ấy nay mai.

Thời-kỳ Đức-Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, tuổi thọ con người khoảng 20.000 năm. Đến khi Đức-Phật Kassapa tịch diệt Niết-bàn, và giáo-pháp của Đức-Phật cũng hoàn toàn bị tiêu hoại, thì ác-pháp dần dần tăng trưởng, còn thiện-pháp từ từ suy thoái, cho nên, tuổi thọ của con người giảm dần, giảm dần từ 20.000 năm xuống dần cho đến khi tuổi thọ chỉ còn 10 năm.

Khi ấy, một thảm họa khủng khiếp xảy ra, con người chém giết lẫn nhau vô cùng tàn khốc, không phân biệt cha mẹ, con cái, anh em, bà con thân quyến,…

Một số người hoảng sợ chạy trốn trong rừng núi thoát thân. Khi biết nạn chém giết không còn nữa, số người ấy gặp lại nhau, cam kết không sát hại lẫn nhau nữa.

Từ đó, con người bắt đầu biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, giữ gìn ngũ-giới trong sạch trọn vẹn. Vì vậy, tuổi thọ con người dần dần càng ngày càng tăng trưởng lên đến tột đỉnh a-tăng-kỳ năm (1)

.

Thời-kỳ ấy, con người sống lâu phát sinh tâm dể duôi, ác-pháp bắt đầu phát sinh, do đó, tuổi thọ của con người cũng bắt đầu giảm xuống dần, giảm xuống dần cho đến thời-kỳ con người có tuổi thọ khoảng 100 năm. Khi ấy, Đức-Phật Gotama của chúng ta xuất hiện trên thế gian.

Vào thời ấy, Đức-vua Bimbisāra ngự tại kinh-thành Rājagaha, trị vì đất nước Māgadha, Đức-Thế-Tôn ngự đến kinh-thành Rājagaha cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng. Khi ấy, Đức-vua Bimbisāra ngự đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, cùng toàn thể dân chúng trong kinh-thành, Đức-Phật thuyết-pháp tế độ Đức-vua Bimbisāra và toàn thể dân chúng. Ngay ngày hôm ấy, Đức-vua Bimbisāra chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu cùng với dân chúng 110.000 người trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

Đức-vua Bimbisāra có đức-tin trong sạch vững chắc nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, kính thỉnh Đức-Phật cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng ngày hôm sau độ vật thực tại cung điện.

Đức-Phật im lặng nhận lời thỉnh mời của Đức-vua Bimbisāra.

Sáng ngày hôm sau, Đức-Phật ngự cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đến cung điện, Đức-vua Bimbisāra tạo phước-thiện đại-thí cúng dường đến Đức-Phật và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng.

Khi ấy, nhóm ngạ-quỷ bà con thân quyến của Đức-vua Bimbisāra cùng nhau hiện đến cung điện đứng chờ đợi với hy vọng rằng:

“Bây giờ, Đức-vua Bimbisāra sẽ hồi-hướng phần phước-thiện đại-thí đến cho nhóm ngạ-quỷ chúng ta. Bây giờ, Đức-vua Bimbisāra sẽ hồi-hướng, …”

Sau khi làm lễ phước-thiện đại-thí cúng dường vật thực đến Đức-Phật và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng độ xong, Đức-vua Bimbisāra mải lo suy nghĩ xây dựng ngôi chùa nơi nào thuận lợi, làm chỗ ở của Đức-Phật và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, nên không hồi-hướng phần phước thiện đại-thí ấy đến cho một ai cả.

Nhóm ngạ-quỷ bà con thân quyến của Đức-vua không nhận được phần phước-thiện đại-thí ấy. Vì vậy, chúng ngạ-quỷ vô cùng thất vọng khổ tâm khôn xiết.

Ban đêm, nhóm ngạ-quỷ bà con thân quyến của Đức-vua dẫn nhau hiện đến lâu đài của Đức-vua, kêu la khóc than những âm thanh đáng kinh sợ.

Sáng ngày hôm sau, Đức-vua Bimbisāra ngự đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, bạch rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, đêm qua, con nghe những âm thanh đáng kinh sợ.

Vậy, có chuyện gì xảy đến với con? Bạch Ngài.

Đức-Thế-Tôn dạy rằng:

– Này Đại-vương! Không có gì đáng cho Đại-vương lo sợ. Nhóm ngạ-quỷ là bà con thân quyến của Đại-vương trong thời quá khứ, chúng trông đợi Đại-vương từ thời-kỳ Đức-Phật Kassapa cho đến nay với hy vọng Đại-vương tạo phước-thiện đại-thí rồi hồi-hướng phần phước-thiện đại-thí ấy đến cho nhóm ngạ-quỷ riêng biệt.

Sau khi nhóm ngạ-quỷ ấy hoan-hỷ nhận được phần phước-thiện hồi-hướng ấy, chúng sẽ được thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ đói khát khổ cực, được hưởng kiếp sống đầy đủ an-lạc.

Ngày hôm qua, sau khi tạo phước-thiện đại-thí xong, Đại-vương không hồi-hướng phần phước-thiện đại-thí ấy đến cho nhóm ngạ-quỷ ấy.

Vì vậy, nhóm ngạ-quỷ vô cùng thất vọng khổ tâm, nên đêm khuya nhóm ngạ-quỷ ấy hiện đến gần lâu đài của Đại-vương kêu la khóc than những âm thanh đáng kinh sợ như vậy.

Nghe Đức-Thế-Tôn dạy như vậy, Đức-vua Bimbisāra bạch rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, nếu ngày mai con tạo phước-thiện đại-thí, rồi hồi-hướng phần phước-thiện đại-thí ấy thì nhóm ngạ-quỷ bà con thân quyến của con có nhận được phần phước-thiện đại-thí ấy hay không? Bạch Ngài.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

– Này Đại-vương! Nhóm ngạ-quỷ bà con thân quyến của Đại-vương sẽ nhận được phần phước-thiện bố-thí ấy.

Lắng nghe Đức-Thế-Tôn truyền dạy như vậy, Đức-vua Bimbisāra liền bạch rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, ngày mai, con kính thỉnh Đức-Thế-Tôn ngự cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đến cung điện, để con xin tạo phước-thiện đại-thí cúng dường đến Đức-Thế-Tôn và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, lần này con sẽ hồi-hướng phần phước-thiện đại-thí ấy đến cho nhóm ngạ-quỷ bà con thân quyến của con riêng biệt, để cứu giúp chúng thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ đói khát khổ cực ấy, được hưởng kiếp sống đầy đủ an-lạc.

Đức-Phật im lặng nhận lời thỉnh mời của Đức-vua Bimbisāra.

Đức-vua Bimbisāra thành kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi xin phép hồi cung ngự trở về cung điện, lo sửa soạn vật thực, để tạo phước-thiện đại-thí vào ngày hôm sau.

Sáng ngày hôm sau ấy, Đức-Phật ngự cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đến cung điện của Đức-vua Bimbisāra, Đức-Phật ngự lên ngồi chỗ cao quý và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng ngồi chỗ mỗi vị.

Nhóm ngạ-quỷ bà con thân quyến của Đức-vua Bimbisāra dẫn nhau hiện đến đứng các nơi bên ngoài chờ đợi với hy vọng rằng:

“Hôm nay, chúng ta chắc chắn sẽ nhận được phần phước-thiện đại-thí hồi-hướng ấy, rồi sẽ hóa thành thức ăn, thức uống, v.v… cho chúng ta.”

Đức-Phật làm cho tất cả nhóm ngạ-quỷ hiện rõ ra, để cho Đức-vua Bimbisāra nhìn thấy chúng. Mỗi khi, Đức-vua tự tay mình dâng cúng dường món ăn, thức uống nào đến Đức-Phật và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, Đức-vua đều hồi-hướng phần phước-thiện bố-thí rằng:

“Idaṃ me ñātīnaṃ hotu” phước-thiện bố-thí này, cầu mong cho được thành tựu đến những bà con thân quyến của tôi.

Nhóm ngạ-quỷ bà con thân quyến của Đức-vua Bimbisāra phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ nói lên lời hoan-hỷ rằng:

“Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!”

Ngay khi ấy, những ngạ-quỷ bà con thân quyến đều thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ, hoá-sinh làm nhóm chư-thiên có đầy đủ món ăn, thức uống cõi trời, không còn phải chịu cảnh đói khát khổ thân nữa, chúng có nước tắm đầy đủ mát mẻ, có thân hình khỏe mạnh.

Đức-vua Bimbisāra thành kính dâng cúng dường y và các thứ vật dụng khác đến Đức-Phật và chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, rồi hồi-hướng phần phước-thiện bố-thí rằng:

“Idaṃ me ñātīnaṃ hotu” phước-thiện bố-thí này, cầu mong cho được thành tựu đến những bà con thân quyến của tôi.

Nhóm ngạ-quỷ bà con thân quyến của Đức-vua Bimbisāra phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ nói lên lời hoan-hỷ rằng:

“Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!”.

Ngay khi ấy, những ngạ-quỷ bà con thân quyến đều có đầy đủ các bộ y phục đẹp đẽ lạ thường, các đồ trang sức quý giá, các lâu đài sang trọng, chỗ nằm, chỗ ngồi đẹp đẽ, v.v… như cõi trời được phát sinh đến tất cả nhóm bà con thân quyến ấy.

Do nhờ oai lực của Đức-Phật, nên Đức-vua Bimbisāra tận mắt nhìn thấy tất cả nhóm bà con thân quyến của mình được thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ, được hoá-sinh làm nhóm chư-thiên hưởng được mọi sự an-lạc như nhóm chư-thiên. Đức-vua phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ.

Sau khi độ vật thực xong, Đức-Thế-Tôn thuyết-pháp tích Tirokuḍḍapetavatthu này.

Tích Tirokuḍḍapetavatthu này có 12 bài kệ, trong đó có câu hồi-hướng rằng:

“Idaṃ vo ñātīnaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo”.

Cầu mong phần phước-thiện bố-thí này được thành tựu quả báu đến những bà con thân quyến của các con, cầu mong những bà con thân quyến của các con thoát khỏi mọi cảnh khổ, được hưởng sự an-lạc lâu dài.

* Về sau, mỗi khi người thí-chủ nào tạo phước-thiện nào rồi, người thí-chủ ấy đọc câu hồi-hướng phần phước-thiện ấy bằng câu kệ Pāḷi rằng:

“Idaṃ no ñātīnaṃ hotu, sukhitā hontu ñātayo”.

Cầu mong phần phước-thiện bố-thí này được thành tựu quả báu đến những bà con thân quyến của chúng con, cầu mong những bà con thân quyến của chúng con thoát khỏi mọi cảnh khổ, được hưởng sự an-lạc lâu dài.

Như vậy, thí-chủ hồi hướng phần phước-thiện của mình đến cho chúng-sinh khác gọi là pattidānakusala: phước-thiện hồi-hướng phần phước-thiện của mình và chúng-sinh khác hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của thí-chủ gọi là pattānumodanakusala: phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác, nên 2 loại phước-thiện này có sự liên quan với nhau giữa người ban cho và người hoan-hỷ nhận.

Tích Sāriputtattheramātupeta

Tích Sāriputtattheramātupeta: Ngạ-quỷ thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta được tóm lược như sau:

Tiền-kiếp của nữ ngạ-quỷ này đã từng là thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta trong quá khứ kiếp thứ 5 kể từ kiếp hiện-tại.

Tiền-kiếp của nữ ngạ-quỷ là vợ của ông Bà-la-môn nhà giàu có nhiều của cải. Ông Bà-la-môn là người có tâm từ, tâm bi đối với mọi người. Hằng ngày, ông tự tay tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường vật thực, y phục, vật dụng cần thiết,… đến các Sa-môn, Bà-la-môn, những người nghèo khổ, người qua đường, v.v…

Một hôm, ông Bà-la-môn có công việc phải đi khỏi nhà, nên ông dạy bảo người vợ ở nhà thay ông giữ gìn truyền thống gia đình tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường vật thực, y phục, vật dụng cần thiết,… đến các Sa-môn, Bà-la-môn, những người nghèo khổ, những người qua đường, nhưng người vợ ở nhà không làm theo lời dạy bảo của chồng.

Hễ có người đến nương nhờ thì bà buông lời mắng nhiếc rằng: “Các người hãy ăn phẩn, uống nước tiểu, liếm máu mủ, nước miếng,…”.

Sau khi bà chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh vào loài ngạ-quỷ đói khát, ăn uống những đồ dơ bẩn như ăn phẩn, uống nước tiểu, liếm máu mủ, nước miếng,… chịu

bao nỗi khổ cực đói khát, lạnh lẽo do quả của ác-nghiệp của mình đã tạo trong tiền-kiếp.

Nữ ngạ-quỷ nhớ lại được tiền-kiếp của mình đã từng là thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, nên bà đến nương nhờ Ngài Đại-Trưởng-lão có tâm bi tế độ, nhưng vị thiên-nam giữ cổng ngăn cản không cho vào, nên nữ ngạ-quỷ thưa với vị thiên-nam rằng:

– Thưa thiên-nam, tiền-kiếp của tôi đã từng là thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta. Xin thiên-nam cho tôi được phép vào đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão.

Nữ ngạ-quỷ được phép vào đứng khép nép. Nhìn thấy nữ ngạ-quỷ, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta có tâm bi bèn hỏi rằng:

– Này nữ ngạ-quỷ! Ngươi là ai mà thân hình trần truồng, ốm yếu da bọc xương, đứng run rẩy thật đáng thương. Lão tăng tế độ ngươi thế nào?

Nghe Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta hỏi, nên nữ ngạ-quỷ bạch rằng:

– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, tiền-kiếp của con đã từng là thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão, do ác-nghiệp của con cho quả tái-sinh làm loài nữ ngạ-quỷ chịu cảnh khổ đói khát, đành phải ăn uống đồ dơ bẩn, ăn phẩn, uống nước tiểu, nước đàm, nước miếng người ta nhổ bỏ, liếm máu mủ của đàn ông, đàn bà, nước vàng từ tử thi chảy ra, sống không có nơi nương tựa trong các nghĩa địa, bãi tha ma.

– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, kính xin Ngài Đại-Trưởng-lão tạo phước-thiện bố-thí, rồi hồi-hướng phần phước-thiện bố-thí ấy đến cho con. Khi con phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch hoan-hỷ nhận được phần phước-thiện bố-thí hồi-hướng ấy, may ra cứu giúp con thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ đói khát khổ sở như thế này.

Lắng nghe nữ ngạ-quỷ đã từng là thân mẫu của Ngài trong tiền-kiếp thứ 5, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta phát sinh tâm bi tìm cách cứu giúp nữ ngạ-quỷ thoát khỏi cảnh khổ, nên Ngài Đại-Trưởng-lão đến bàn bạc với Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna, Ngài Trưởng lão Anuruddha, Ngài Trưởng-lão Mahākappina cùng nhau cứu giúp nữ ngạ-quỷ.

Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna đi khất thực trong kinh-thành Rājagaha, vào cung điện gặp Đức-vua Bimbisāra. Đức-vua thỉnh mời, yêu cầu Ngài Đại-Trưởng-lão cần những thứ vật dụng nào, để Đức-vua dâng cúng. Nhân dịp ấy, Ngài Đại-Trưởng-lão báo cho Đức-vua biết chuyện nữ ngạ-quỷ đã từng là thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, sống trong cảnh đói khát khổ sở không có nơi nương tựa.

Nghe vậy, Đức-vua truyền lệnh xây cất 4 cái cốc chỗ ở của chư tỳ-khưu-Tăng. Sau khi xây cất xong, sắm sửa đầy đủ 4 thứ vật dụng cần thiết đối với tỳ-khưu.

Đức-vua Bimbisāra làm lễ dâng 4 cái cốc ấy đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta có Đức-Phật chủ trì.

Một lần nữa, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta làm lễ dâng 4 cái cốc có đầy đủ 4 thứ vật dụng cần thiết đến chư tỳ-khưu-Tăng từ bốn phương, có Đức-Phật chủ trì, rồi xin hồi-hướng phần phước-thiện bố-thí ấy đến nữ ngạ-quỷ đã từng là thân mẫu của mình trong tiền-kiếp.

Nữ ngạ-quỷ phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ, nói lên lời hoan-hỷ rằng: “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” nhận được phần phước-thiện bố-thí hồi-hướng đặc biệt ấy. Ngay tức thì, nữ ngạ-quỷ thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ, hóa-sinh làm vị thiên-nữ xinh đẹp trên cõi trời, có hào quang sáng ngời, có y phục lộng lẫy trong lâu đài nguy nga tráng lệ, có đầy đủ các thứ của cải quý giá của chư-thiên, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy.

Sau đó, vị thiên-nữ hiện xuống cõi người, đến hầu đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna, rồi đứng một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Ngài Đại-Trưởng-lão hỏi vị thiên-nữ đã tạo đại-thiện-nghiệp nào mà trở thành vị thiên-nữ có nhiều quả báu đặc biệt như vậy.

Vị thiên-nữ bạch với Ngài rõ về tiền-kiếp của mình…

 

Bài viết trích từ cuốn Phước ThiệnTỳ Khưu Hộ Pháp biên soạn. Quý vị có thể tải sách bản PDF tại đây.

 

AUDIO TOÀN BỘ CUỐN SÁCH PHƯỚC THIỆN

Phước Thiện - Pattidānakusala : Phước-thiện hồi-hướng
Quả báu Của Pattānumodanākusala - Tích cận sự nữ Visākhā

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *