Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 5 – Chánh kiến, Nhận xét về tám tham-tâm & Quả của tham-tâm

Chánh-kiến phát sinh do nhân nào?

“Dveme bhikkhave, paccayā sammādiṭṭhiyā uppādāya. Katame dve?

Parato ca ghoso, yoniso ca manasikāro. Ime kho bhikkhve, dve paccayā sammādiṭṭhiyā uppādāya.”

– Này chư tỳ-khưu! Hai nhân duyên phát sinh chánh-kiến. Hai nhân duyên ấy là gì?

1- Parato ca ghoso: Lắng nghe chánh-pháp từ Đức-Phật, chư Thánh Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, các bậc thiện-trí.

2- Yoniso ca manasikāro: Do nhờ trí-tuệ hiểu biết trong tâm đúng theo thật-tánh của các pháp.

– Này chư tỳ-khưu! Hai nhân duyên này phát sinh chánh-kiến.

Chánh-kiến có 5 loại:

1- Kammassakatā sammādiṭṭhi: Chánh-kiến sở-nghiệp nghĩa là trí-tuệ thấy đúng, biết đúng thiện-nghiệp và ác-nghiệp mà mình đã tạo rồi là của riêng mình.

2- Vipassanā sammādiṭṭhi: Chánh-kiến thiền-tuệ nghĩa là trí-tuệ-thiền-tuệ tam-giới thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp danh-pháp là pháp vô-ngã, thấy rõ, biết rõ sự sinh sự diệt của sắc-pháp danh-pháp, thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp danh-pháp tam-giới.

3- Magga sammādiṭṭhi: Chánh-kiến Thánh-đạo-tuệ nghĩa là trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới chứng đắc 4 Thánh-đạo-tuệ, có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

4- Phala sammādiṭṭhi: Chánh-kiến Thánh-quả-tuệ nghĩa là trí-tuệ-thiền-tuệ siêu-tam-giới chứng đắc 4 Thánh-quả-tuệ, có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

5- Paccavekkhaṇā sammādiṭṭhi: Chánh-kiến quán-triệt nghĩa là trí-tuệ-thiền-tuệ quán-triệt Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn đã chứng đắc; quán-triệt phiền-não đã diệt tận và phiền não chưa diệt được.

* Diṭṭhigatavippayutta: Không hợp với tà-kiến

– Đối với các hạng phàm-nhân khi 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến nghĩa là không có tà-kiến tâm-sở (diṭṭhicetasika) đồng sinh với 4 tham-tâm này, nên không thấy sai, không chấp lầm, nhưng không có nghĩa là 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến này thấy đúng, biết đúng, mà chỉ là không quan tâm, không liên quan đến tà-kiến thấy sai, chấp lầm mà thôi.

– Nếu có ngã-mạn tâm-sở (mānacetasika) đồng sinh với 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến này thì tự cho ta hơn người, hoặc bằng người, hoặc kém thua người.

Thật ra, chỉ có bậc Thánh Nhập-lưu đã diệt tận được 4 tham-tâm hợp với tà-kiến rồi, nên mới vĩnh viễn không còn tà-kiến thấy sai, chấp lầm nơi cả chủ-thể lẫn các đối-tượng nữa.

* Asaṅkhārika: Không cần tác-động

Khi 4 tham-tâm phát sinh không cần tác-động có nghĩa là tham-tâm phát sinh do chính tự mình tác-động, không cần nương nhờ đến người khác tác-động.

Cho nên, 4 tham-tâm này có nhiều năng lực. 

* Sasaṅkhārika: Cần tác-động

Khi 4 tham-tâm phát sinh cần tác-động có nghĩa là tham-tâm phát sinh do nương nhờ đến người khác tác-động, sai khiến, chính tự mình không có khả năng tác-động.

Cho nên, 4 tham-tâm này có ít năng lực.

Tác-động có 3 cách:

1- Kāyapayoga: Thân-tác-động là tác-động bằng thân như nắm tay, chỉ tay, vẫy tay, gật đầu.

2- Vacīpayoga: Khẩu-tác-động là tác-động bằng khẩu, dùng lời thuyết phục, nói lời ca tụng, nói lời động viên khuyến khích, v.v…

3- Manopayoga: Ý-tác-động là tác-động bằng tâm, tự mình tác-động mình, do suy nghĩ sâu sắc thấy rõ, biết rõ sự lợi ích, nên phát sinh tâm hài lòng trong công việc ấy.

Trường hợp hành-giả thực-hành pháp-hành-thiền-định hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ luôn luôn cần đến ý-tác-động.

Nếu tự mình tác-động mình thì có đủ 3 cách là kāyapayoga, vacīpayoga và manopayoga.

Nếu có người khác tác-động thì chỉ có hai cách là kāyapayoga và vacīpayoga mà thôi.

Nhận xét về 8 tham-tâm

Trong 8 tham-tâm, “tham-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà-kiến, không cần tác-động” gồm có 19 tâm-sở đồng sinh với tham-tâm thứ nhất này.

Trong 19 tâm-sở này, có tác-ý tâm-sở gọi là ác-nghiệp. Ác-nghiệp trong tham-tâm thứ nhất thuộc về ác-nghiệp nặng hơn 7 tham-tâm còn lại, bởi vì tham-tâm thứ nhất này đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà-kiến, không cần tác-động.

Và “tham-tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, cần tác-động” gồm có 20 tâm-sở đồng sinh với tham-tâm thứ tám này.

Trong 20 tâm-sở này, có tác-ý tâm-sở gọi là ác-nghiệp. Ác-nghiệp trong tham-tâm thứ tám thuộc về ác-nghiệp nhẹ hơn 7 tham-tâm còn lại, bởi vì tham-tâm thứ tám này đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, cần tác-động.

Quả của tham-tâm

* Tham-tâm (lobhacitta) là bất-thiện-tâm có tham tâm-sở (lobhacetasika) nhiều năng lực dẫn dắt các tâm-sở đồng sinh với tham-tâm. Tham tâm-sở gọi là tham-ái (taṇhā), là nhân sinh khổ trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.

Tác-ý tâm-sở đồng sinh với tham-tâm tạo ác-nghiệp. Nếu ác-nghiệp trong tham-tâm ấy có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong tham-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm chúng-sinh trong cõi ngạ-quỷ, hoặc trong cõi a-su-ra, chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy mới thoát ra khỏi cõi ác-giới ấy.

 

Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 4 - Bất-thiện-tâm: Tà-kiến cố-định & Nhân sanh tà kiến
Vi Diệu Pháp Hiện Thực Trong Cuộc Sống – Chương 6 - Bất-thiện-tâm: Tâm có nhân sân

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *