CHƯƠNG IV – Lễ Xin Thọ Phép Quy-Y Tam-Bảo (Tisaraṇagamana)

Lễ Xin Thọ Phép Quy-Y Tam-Bảo (Tisaraṇagamana)

*   Các hàng phàm-nhân tại gia có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật-bảo, nơi Đức-Pháp-bảo, nơi Đức-Tăng- bảo, có đại-thiện-tâm tôn kính Đức-Phật cao thượng, Đức-Pháp cao thượng, Đức-Tăng cao thượng, có nguyện vọng muốn trở thành người cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

Điều trước tiên, người đệ-tử cần phải đến gần gũi thân cận với các Ngài Đại-đức để học hỏi, hiểu biết rõ về giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, nhất là hiểu biết rõ ý nghĩa 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo.

Sau khi hiểu biết như vậy xong, người đệ-tử đi đến hầu đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão, kính thỉnh Ngài hướng dẫn làm lễ thọ phép quy-y Tam-bảo, người đệ-tử ấy đọc lặp lại đúng theo phép quy-y Đức-Phật-bảo, phép quy-y Đức-Pháp-bảo, phép quy-y Đức-Tăng-bảo đầy đủ 3 lần xong, thì người nam đệ-tử trở thành cận-sự-nam (upāsaka), hoặc người nữ đệ-tử trở thành cận-sự-nữ (upāsikā) trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

*    Nếu không có Ngài Đại-Trưởng-Lão thì Ngài Trưởng- Lão hướng dẫn làm lễ thọ phép quy-y Tam-bảo, …

*   Nếu không có Ngài Trưởng-Lão thì vị tỳ-khưu hướng dẫn làm lễ thọ phép quy-y Tam-bảo, …

*   Nếu không có vị tỳ-khưu thì vị sa-di hướng dẫn làm lễ thọ phép quy-y Tam-bảo, …

*    Nếu không có vị sa-di thì thậm chí người cận-sự- nam hoặc người cận-sự-nữ là bậc thiện-trí hiểu biết rõ về phép quy-y Tam-bảo cũng có khả năng hướng dẫn làm lễ thọ phép quy-y Tam-bảo.

Thật ra, để trở thành người cận-sự-nam hoặc người cận-sự-nữ trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, điều trọng yếu là người đệ-tử có đức-tin trong sạch nơi Tam- bảo, có trí-tuệ hiểu biết giáo-pháp của Đức-Phật, nhất là biết cách thọ phép quy-y Tam-bảo nghĩa là:

*   Khi lặp lại câu:

“Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.”

“Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Phật” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 9 ân-đức Phật-bảo: “Itipiso Bhagavā Arahaṃ, … Bhagavā”.

*   Khi lặp lại câu:

“Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.”

“Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Pháp” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 6 ân-đức Pháp-bảo: “Svākkhāto Bhagavatā dhammo, … paccattaṃ veditabbo viññūhi”.

*   Khi lặp lại câu:

“Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.”

“Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Tăng” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 9 ân-đức Tăng-bảo: “Suppaṭipanno Bhagavato sāvaka- saṃgho,… Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa.”

*   Dutiyampi: Lần thứ nhì, lặp lại từng câu quy-y Phật, quy-y Pháp, quy-y Tăng với đại-thiện-tâm hợp với trí- tuệ có đối-tượng theo tuần tự 9 ân-đức Phật-bảo, 6 ân- đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo.

*   Tatiyampi: Lần thứ ba, cũng như lần thứ nhì.

Phép quy-y Tam-bảo lặp lại đến lần thứ ba theo truyền thống, để chứng tỏ lòng chân thành tôn kính Tam- bảo, khẳng định chắc chắn đã quy-y Tam-bảo: quy-y Đức- Phật-bảo, quy-y Đức-Pháp-bảo, quy-y Đức-Tăng-bảo.

Như vậy, người đệ-tử thành-tựu thọ phép quy-y Tam- bảo. Nếu là người nam thì trở thành người cận-sự-nam (upāsaka), hoặc nếu là người nữ thì trở thành người cận- sự-nữ (upāsikā) trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

Thọ Phép Quy-Y Tam-Bảo Phổ thông

Thời nay, theo cách thọ phép quy-y Tam-bảo phổ thông, Ngài Đại-Trưởng-lão đọc trước từng câu, người đệ-tử lặp theo sau từng câu như sau:

–   Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Phật.

– Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Pháp.

–   Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Tăng.

–   Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Phật, lần thứ nhì.

– Dutiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Pháp, lần thứ nhì.

–   Dutiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Tăng, lần thứ nhì.

–   Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Phật, lần thứ ba.

– Tatiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Pháp, lần thứ ba.

– Tatiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Tăng, lần thứ ba.

*      Thành kính xin quy-y Phật: Đức-Phật là Bậc không thầy chỉ dạy, tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não, mọi tham-ái không còn dư sót, đặc biệt diệt được mọi tiền-khiên-tật (vāsanā) trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi tam- giới chúng-sinh, nên gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị, có danh hiệu là Đức-Phật Gotama, rồi Đức-Phật giáo huấn chúng-sinh cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

Các hàng thanh-văn đệ-tử chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn bậc nào hoàn toàn tuỳ theo năng lực của 10 pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ: tín pháp-chủ, tấn pháp-chủ, niệm pháp-chủ, định pháp-chủ, tuệ pháp-chủ của mỗi hàng thanh-văn đệ-tử.

Cho nên, khi người ấy lặp lại từng chữ, từng câu: “Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Phật” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 9 ân-đức Phật-bảo, khi ấy, người phàm-nhân thanh-văn đệ-tử ấy thành tựu được phép quy-y Đức- Phật-bảo theo pháp tam-giới (lokiyasaraṇa-gamana).

Các hàng phàm-nhân xin quy-y nương nhờ nơi Đức- Phật-bảo, thực-hành theo lời giáo huấn của Đức-Phật, cố gắng tinh-tấn tạo mọi thiện-pháp từ dục-giới thiện-pháp, sắc-giới thiện-pháp, vô-sắc-giới thiện-pháp cho đến siêu-tam-giới thiện-pháp, đó là 4 Thánh-đạo-tâm, để được thành tựu phép quy-y Đức-Phật-bảo theo pháp siêu-tam-giới (Lokuttarasaraṇagamana).

Quy-y nương nhờ nơi Đức-Phật-bảo như thế nào?

Thời kỳ Đức-Phật còn hiện hữu trên thế gian, Ngài Trưởng-lão Vakkali có đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật, xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu, để có nhiều cơ hội được gần gũi chiêm ngưỡng kim thân của Đức-Phật, bởi vì Đức-Phật có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc đại-nhân và 80 tướng tốt phụ, có hào quang mát mẻ, nên Ngài Trưởng-lão Vakkali thường chú tâm chiêm ngưỡng kim thân của Đức-Phật mà không bao giờ biết đủ. Ngài Trưởng-lão không quan tâm đến chánh-pháp mà Đức-Phật thuyết giảng, nên cũng không thực-hành pháp-hành thiền-định, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

Một hôm, Đức-Phật quở Ngài Trưởng-lão Vakkali:

–   Kim te Vakkali! Iminā pūtikāyena diṭṭhena!

Yo kho Vakkali! Dhammaṃ passati, so maṃ passati, yo maṃ passati, so Dhammaṃ passati.(1)

–    Này Vakkali! Ích lợi gì mà con chăm chú nhìn sắc thân ô trược này của Như-Lai.

–    Này Vakkali! Người nào thấy (chứng ngộ) chánh- pháp, người ấy mới thấy Như-Lai, người nào thấy Như- Lai, người ấy thấy (chứng ngộ) chánh-pháp.

Hiểu được lời dạy của Đức-Phật, về sau, Ngài Trưởng- lão Vakkali thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

“Thấy chánh-pháp” “Thấy Như-Lai”: không phải thấy bằng mắt thịt (maṃsacakkhu), mà phải thấy bằng “pháp- nhãn” (dhammacakkhu) hoặc “tuệ-nhãn” (paññācakkhu) bằng Thánh-đạo-tuệ, Thánh-quả-tuệ thuộc trí-tuệ-thiền- tuệ siêu-tam-giới (lokuttaravipassanā) y theo Đức-Phật.

Như vậy, thấy Đức-Phật không chỉ là thấy kim thân có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc đại-nhân và 80 tướng tốt phụ của Đức-Phật, mà sự-thật còn phải chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết- bàn là pháp siêu-tam-giới nữa.

Một đoạn kinh trong bài kinh Mahāparinibbānasutta (kinh Đại-Niết-bàn), trước khi sắp tịch diệt Niết-bàn, Đức-Phật dạy Ngài Trưởng-lão Ānanda rằng:

–    Này Ānanda! Trong số các con, nếu có người nghĩ rằng: Đức-Thế-Tôn tịch diệt Niết-bàn rồi, chúng ta sẽ không còn vị Tôn sư nữa (natthi no satthā), thì các con chớ nên nghĩ vậy.

Đức-Phật dạy tiếp rằng:

–  Yo vo Ānanda! Mayā dhammo ca vinayo ca desito paññatto, so vo mamaccayena satthā.(1)

–    Này Ānanda! Chánh-pháp nào Như-Lai đã thuyết, Luật nào Như-Lai đã chế định ban hành, khi Như-Lai tịch diệt Niết-bàn rồi, Pháp và Luật ấy là vị Tôn sư của các con.

Trong Chú-giải bài kinh Đại-Niết-bàn này dạy rằng:

–    Dhammo: Chánh-pháp đó là gồm toàn Tạng Kinh Pāḷi và Tạng Vi-Diệu-Pháp Pāḷi.

–   Vinayo: Luật đó là toàn Tạng Luật Pāḷi.

Phân tách theo pháp-môn

–     Tạng Luật Pāḷi  có 21.000 pháp-môn

–     Tạng Kinh Pāḷi có 21.000 pháp-môn

–   Tạng Vi-Diệu-Pháp Pāḷi có 42.000 pháp-môn Trọn bộ Tam-Tạng gồm có 84.000 pháp-môn.

Trong Chú-giải bài kinh Mahāparinibbānasutta (kinh Đại-Niết-bàn) này, Đức-Phật giải thích rằng:

“Iti imāni caturāsīti dhammakkhandhasahassāni tiṭṭhanti, ahaṃ ekova parinibbāyāmi. Ahañca kho pana dāni ekakova ovadāmi anusāsāmi, mayi parinibbute, imāni caturāsīti dhammakkhandhasahassāni tumhe ovadissanti anusāsisanti.”(1)

“Như vậy, 84.000 pháp môn này vẫn tồn tại, chỉ có một mình Như-Lai tịch diệt Niết-bàn. Thật ra, bây giờ chỉ có một mình Như-Lai giáo huấn, theo dạy dỗ các con; khi Như-Lai tịch diệt Niết-bàn rồi, 84.000 pháp môn này sẽ giáo huấn, theo dạy dỗ các con.”

Căn cứ vào đoạn Kinh Pāḷi và Chú-giải Pāḷi trên, hiện nay, dù Đức-Phật đã tịch diệt Niết-bàn rồi, vẫn còn có Chánh-pháp và Luật hoặc 84.000 pháp-môn cũng là vị Tôn-Sư giáo huấn, theo dạy dỗ các hàng thanh-văn đệ-tử chúng ta.

Cho nên, ngày nay người cận-sự-nam, cận-sự-nữ khi đọc câu: “Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Phật” vẫn còn có ý nghĩa đầy đủ, có tầm quan trọng không kém thời xưa.

Quy-y nương nhờ nơi Đức-Pháp-bảo như thế nào?

*   Thành kính xin quy-y Pháp: Đức-Pháp đó là 10 chánh-pháp: 1 pháp-học chánh-pháp và 9 pháp siêu- tam-giới là pháp dẫn dắt chúng-sinh giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.

Cho nên, khi người ấy lặp lại từng chữ, từng câu: “Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Pháp” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 6 ân-đức Pháp-bảo. Khi ấy, các hàng phàm-nhân thành tựu được phép quy-y Đức-Pháp- bảo theo pháp tam-giới (lokiyasaraṇagamana).

Các hàng phàm-nhân xin quy-y nương nhờ nơi Đức- Pháp-bảo, là nương nhờ nơi pháp-học chánh-pháp, pháp-hành chánh-pháp, chưa nương nhờ được pháp- thành chánh-pháp.

Cho nên, các hàng phàm-nhân nên thực-hành pháp- hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, chứng đắc 4 Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, thuộc về pháp-thành chánh-pháp, để được thành-tựu phép quy-y Đức-Pháp-bảo theo pháp siêu- tam-giới (Lokuttarasaraṇagamana).

Quy-y nương nhờ nơi Đức-Tăng-bảo như thế nào?

*  Thành kính xin quy-y Tăng: Đức-Tăng đó là chư Đại-đức tỳ-khưu Thánh-Tăng là bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật có 4 đôi thành 8 bậc Thánh:

4 đôi: Thánh-Đạo – Thánh-quả tương xứng

1- Nhập-lưu Thánh-đạo → Nhập-lưu Thánh-quả,

2- Nhất-lai Thánh-đạo →  Nhất-lai Thánh-quả,

3-   Bất-lai Thánh-đạo →  Bất-lai Thánh-quả,

4-   A-ra-hán Thánh-đạo →  A-ra-hán Thánh-quả.

8 bậc Thánh: 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả

1- Bậc Nhập-lưu Thánh-đạo (Sotāpattimagga),

2- Bậc Nhất-lai Thánh-đạo (Sakadāmimagga),

3- Bậc Bất-lai Thánh-đạo (Anāgāmimagga),

4-   Bậc A-ra-hán Thánh-đạo (Arahattamagga),

5-   Bậc Nhập-lưu Thánh-quả (Sotāpattiphala),

6- Bậc Nhất-lai Thánh-quả (Sakadāmiphala),

7- Bậc Bất-lai Thánh-quả (Anāgāmiphala),

8- Bậc A-ra-hán Thánh-quả (Arahattaphala).

Bậc Thánh-nhân có 4 hạng:

1- Bậc Thánh Nhập-lưu (Sotāpanna),

2- Bậc Thánh Nhất-lai (Sakadāgāmī),

3- Bậc Thánh Bất-lai (Anāgāmī),

4- Bậc Thánh A-ra-hán (Arahanta).

Cho nên, khi người ấy lặp lại từng chữ, từng câu: “Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Tăng” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 9 ân-đức Tăng-bảo. Khi ấy, các hàng phàm-nhân thành tựu được phép quy-y Đức-Tăng- bảo theo pháp tam-giới (lokiyasaraṇagamana).

Các hàng phàm-nhân thành kính xin quy-y  nương nhờ nơi Đức-Tăng-bảo là nương nhờ nơi chư Đại-đức tỳ-khưu Thánh-Tăng, chứ không phải chư tỳ-khưu phàm-Tăng, bởi vì chư tỳ-khưu phàm-Tăng không có đầy đủ 9 ân-đức Tăng-bảo.

Vậy, các hàng phàm-nhân xin nương nhờ nơi chư tỳ- khưu phàm-Tăng trong những trường hợp nào?

Các hàng phàm-nhân xin nương nhờ nơi chư tỳ-khưu phàm-Tăng trong những trường hợp như sau:

*    Trong trường hợp làm phước-thiện bố-thí: Những người cận-sự-nam, cận-sự-nữ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, khi làm phước-thiện bố-thí dâng lễ cúng dường đến chư Đại-đức tỳ-khưu Thánh-Tăng và chư Đại-đức tỳ-khưu phàm-Tăng, sự cúng dường đến chư Đức-Tăng-bảo gồm cả chư Đại-đức tỳ-khưu Thánh-Tăng và chư Đại-đức tỳ-khưu phàm-Tăng, chắc chắn họ có được nhiều phước-thiện thanh cao vô lượng, có quả báu thanh cao vô lượng ngay kiếp hiện-tại lẫn vô lượng kiếp vị-lai.

*       Trong trường hợp nghe Chánh-pháp: Những người cận-sự-nam, cận-sự-nữ có đức-tin  trong  sạch nơi Tam-bảo, đến gần gũi thân cận với chư Đại-đức tỳ-khưu Thánh-Tăng hoặc chư Đại-đức tỳ-khưu phàm- Tăng, để lắng nghe quý Ngài thuyết giảng Chánh-pháp của Đức-Phật.

*    Trong trường hợp kính xin làm lễ thọ phép quy-y Tam-bảo, xin thọ trì ngũ-giới, hoặc bát-giới uposatha- sīla, hoặc cửu giới uposathasīla, làm lễ xuất gia trở thành sa-di, trở thành tỳ-khưu, … nương nhờ theo học pháp-học Phật-giáo, theo học pháp-hành Phật-giáo, nương nhờ theo học và thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới, 4 bậc thiền vô- sắc-giới, để hưởng sự an-lạc trong kiếp hiện-tại và kiếp vị-lai; nương nhờ theo học và thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân, để thành-tựu phép quy-y Đức-Tăng- bảo theo pháp siêu-tam-giới (Lokuttarasaraṇagamana).

Tóm lại:

*    Thời xưa, các bậc Thánh-nhân quy-y nương nhờ nơi Tam-bảo khi sát-na Thánh-đạo-tâm phát sinh, có đối-tượng Niết-bàn, diệt tận được phiền-não. Khi ấy, bậc Thánh-nhân đã thành tựu phép quy-y Tam-bảo theo  pháp siêu-tam-giới (Lokuttarasaraṇagamana) ở trong tâm.

Một lần nữa, bậc Thánh-nhân xin quy-y nương nhờ nơi Tam-bảo bằng lời, trước sự hiện diện chứng minh của Đức-Phật, hoặc bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức- Phật, kính bạch rằng:

*   Nếu là nam Thánh-nhân thì kính bạch rằng:

Esāhaṃ Bhante Bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchāmi, dhammañca bhikkhusaṃghañca, upāsakaṃ maṃ Bhagavā dhāretu, ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gataṃ.

Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con thành kính xin quy-y Đức-Thế-Tôn, xin quy-y Đức-Pháp-bảo, xin quy-y chư Đại-đức tỳ-khưu Tăng-bảo.

Kính xin Đức-Thế-Tôn công nhận con là người cận- sự-nam (upāsaka) đã quy-y Tam-bảo, kể từ nay cho đến trọn đời.

*   Nếu là nữ Thánh-nhân thì kính bạch rằng:

Esāhaṃ Bhante Bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchāmi, dhammañca bhikkhusaṃghañca, upāsikaṃ maṃ Bhagavā dhāretu, ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gataṃ.

Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con thành kính xin quy-y Đức-Thế-Tôn, xin quy-y Đức-Pháp-bảo, xin quy-y chư Đại-đức tỳ-khưu Tăng-bảo.

Kính xin Đức-Thế-Tôn công nhận con là người cận- sự-nữ (upāsikā) đã quy-y Tam-bảo, kể từ nay cho đến trọn đời.

Khi ấy, bậc Thánh-nhân đã thành tựu phép quy-y Tam-bảo theo pháp tam-giới (Lokiyasaraṇagamana) bằng khẩu nói ra lời chân thật.

* Thời nay, các hàng phàm-nhân có ý nguyện muốn trở thành người cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ, phàm- nhân ấy có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật- bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, có trí-tuệ sáng suốt học hỏi hiểu biết rõ các pháp của Đức-Phật, nhất là 9 ân- đức Phật-bảo, 6 ân-đức Pháp-bảo, 9 ân-đức Tăng-bảo.

Người đệ-tử ấy đi đến hầu đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng- lão, kính thỉnh Ngài hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo.

Ngài Đại-Trưởng-lão hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo phổ thông từng chữ, từng câu và người đệ-tử ấy lặp lại theo từng chữ, từng câu như sau:

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi

–   Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

–   Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi

Dutiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

–   Dutiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

–   Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Tatiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Tatiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Người đệ-tử lặp lại theo, hiểu rõ ý nghĩa từng chữ, từng câu và đối-tượng của mỗi câu như sau:

–   Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

“Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Phật” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 9 ân-đức- Phật-bảo.

–   Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

“Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Pháp” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 6 ân-đức Pháp-bảo.

Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

“Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Tăng” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 9 ân-đức Tăng-bảo.

–   Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi, …

“Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Phật, lần thứ nhì” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 9 ân- đức Phật-bảo, …

–   Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi, …

“Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Phật, lần thứ ba” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 9 ân- đức Phật-bảo, …

Đến câu cuối lần thứ ba:

–   Tatiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

“Con đem hết lòng thành kính xin quy-y Tăng, lần thứ ba” với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có đối-tượng 9 ân- đức Tăng-bảo chấm dứt.

Khi ấy, người đệ-tử đã thành tựu thọ phép quy-y Tam- bảo phổ thông theo pháp tam-giới (Lokiyasaraṇa- gamana) bằng khẩu nói ra lời chân thật.

* Người nam đệ-tử chính thức trở thành người cận- sự-nam (upāsaka) là một trong tứ chúng thanh-văn đệ- tử của Đức-Phật Gotama,

*   Người nữ đệ-tử chính thức trở thành người cận-sự- nữ (upāsikā) là một trong tứ chúng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.

Thọ Phép Quy-Y Tam-Bảo Thành Thói Quen Tốt

Người cận-sự-nam, cận-sự-nữ là hàng phàm-nhân đã thành tựu thọ phép quy-y Tam-bảo theo pháp tam-giới rồi.

–     Nếu biết rõ quy-y Tam-bảo của mình không bị đứt, hoặc không bị ô nhiễm do bởi phiền-não, thì không cần phải xin thọ phép quy-y Tam-bảo trở lại.

–   Nếu biết rõ quy-y Tam-bảo của mình bị đứt, hoặc bị ô nhiễm do bởi phiền-não, thì cần phải xin thọ phép quy- y Tam-bảo trở lại, để có được nơi nương nhờ chân- chánh là nương nhờ nơi Đức-Phật-bảo, nơi Đức-Pháp- bảo, nơi Đức-Tăng-bảo cao thượng, hầu mong đem lại sự lợi ích cao thượng, sự tiến hóa cao thượng, sự an-lạc Niết-bàn cao thượng.

Thật ra, đối với hàng phàm-nhân (puthujjana) vốn còn nhiều phiền-não nặng nề ở trong tâm mà chưa diệt được, có khi tâm bị ô nhiễm do bởi phiền-não. Vì vậy muốn giữ gìn duy trì quy-y Tam-bảo, và thọ trì ngũ-giới, bát giới, v.v… cho được hoàn toàn trong sạch thuần khiết và trọn vẹn không phải là việc dễ. Cho nên, người cận-sự-nam, cận-sự-nữ thường xin thọ phép quy-y Tam- bảo trở lại là một việc không thừa, thậm chí còn rất cần thiết nữa.

Vả lại, thường xuyên xin thọ phép quy-y Tam-bảo, để trở thành một thói quen tốt, thật quý báu biết dường nào!

Tại các nước Phật-giáo Theravāda, trong các buổi lễ, dù lớn dù nhỏ, thường có phong tục tập quán, trước tiên lễ bái Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức- Tăng-bảo, tiếp đến nghi thức các người cận-sự-nam, cận-sự-nữ thành kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới, hoặc bát-giới uposathasīla, hoặc cửu- giới uposathasīla, …

Một Ngài Đại-Trưởng-lão đại diện chư Tăng hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới, hoặc bát-giới uposathasīla, hoặc cửu-giới uposathasīla, theo nguyện vọng của các cận-sự-nam, cận-sự-nữ.

Các người cận-sự-nam, cận-sự-nữ đồng thanh cùng lặp lại theo lời của Ngài Đại-Trưởng-lão từng chữ, từng câu theo phép quy-y Tam-bảo bằng tiếng Pāḷi và ý nghĩa bằng tiếng xứ sở.

Nghi thức thọ phép quy-y Tam-bảo phổ thông này trở thành truyền thống của các nước Phật-giáo Theravāda trong thời nay.

Thật ra, điều quan trọng của sự thành tựu của phép quy-y Tam-bảo là do sự hiểu biết cách thọ phép quy-y Tam-bảo của người cận-sự-nam, cận-sự-nữ. Còn vị Thầy hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo chỉ hỗ trợ cho người cận-sự-nam, cận-sự-nữ, để được thành tựu phép quy-y Tam-bảo mà thôi. Cho nên, trường hợp:

–      Nếu không có Ngài Đại-Trưởng-lão thì một vị Trưởng-lão hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo.

–    Nếu không có vị Trưởng-lão thì vị tỳ-khưu hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo.

–   Nếu không có vị tỳ-khưu, thì một vị sa-di hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo.

–      Nếu không có vị sa-di, thì thậm chí người cận-sự- nam hoặc cận-sự-nữ là bậc thiện-trí hiểu biết cách làm lễ thọ phép quy-y Tam-bảo phổ thông cũng có khả năng hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo.

Nếu người nào không hiểu biết rõ cách thọ phép quy- y Tam-bảo dù cho Ngài Đại-Trưởng-lão hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo thì người ấy cũng không thành tựu phép quy-y Tam-bảo.

Nếu người nào hiểu biết rõ cách thức thọ phép quy-y Tam-bảo, dù vị thầy nào hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo thì người ấy vẫn thành tựu thọ phép quy-y Tam-bảo, trở thành cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ.

Để cho phép quy-y Tam-bảo của mình trở thành thói quen tốt lành, hằng ngày, trước khi tụng kinh lễ bái Tam-bảo, người cận-sự-nam, cận-sự-nữ nên đọc thọ phép quy-y Tam-bảo ba lần và thọ trì ngũ-giới hoặc bát- giới uposathasīla, … tiếp theo tụng kinh lễ bái Tam-bảo, tụng kinh Parittapāḷi, … để trở thành một thói quen tốt lành cho mình.

Như vậy, kiếp sống hiện-tại, tâm thường được an-lạc, mọi điều kinh sợ không xảy đến với mình, bởi vì, do nhờ oai lực của Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng- bảo là nơi nương nhờ chân-chánh cao thượng của mình, nên tất cả mọi thiện-pháp có cơ hội phát triển, từ dục- giới thiện-pháp, sắc-giới thiện-pháp, vô-sắc-giới thiện- pháp cho đến siêu-tam-giới thiện-pháp.

Nếu chưa trở thành bậc Thánh-nhân thì cận-sự-nam, hoặc cận-sự-nữ đến lúc lâm chung, từ bỏ cuộc đời, tâm không bị mê muội, có đại-thiện-tâm trong sáng, sau khi chết dục-giới thiện-nghiệp thường-hành (āciṇṇa- kusalakamma) ấy có cơ hội cho quả tái-sinh trong cõi thiện-giới (cõi người, hoặc cõi trời dục-giới) hưởng mọi sự an-lạc đặc biệt trong cõi người hoặc cõi trời cho đến hết tuổi thọ. Đặc biệt đã tạo được duyên lành, dục-giới thiện-nghiệp sâu sắc trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

CHƯƠNG IV - Quả Báu Của Phép Quy-Y Tam-Bảo
CHƯƠNG IV - Lợi Ích Của Phép Quy-Y Tam-Bảo

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *