Tóm lại: Pākakālacatukka: 4 loại nghiệp cho quả theo thời gian:
Phần 4 loại nghiệp trong cùng dục-giới lộ-trình-tâm có 7 sát-na tác-hành-tâm cho quả theo thời gian:
4 loại nghiệp ấy là:
1- Tác-ý tâm-sở trong sát-na tác-hành-tâm thứ nhất gọi là diṭṭhadhammavedanīyakamma: hiện-kiếp quả-nghiệp là nghiệp cho quả trong kiếp hiện-tại.(kiếp thứ nhất).
2- Tác-ý tâm-sở trong sát-na tác-hành-tâm thứ 7 cuối cùng gọi là upapajjavedanīyakamma:hậu-kiếp quả-nghiệp
là nghiệp cho quả tái-sinh kiếp-kế-tiếp và cho quả sau khi đã tái-sinh. (kiếp thứ nhì).
3- Tác-ý tâm-sở trong sát-na tác-hành-tâm thứ 2 đến sát-na tác-hành-tâm thứ 6 gọi là aparāpariyavedanīya-kamma:kiếp-kiếp quả-nghiệp là nghiệp cho quả kiếp sau tiếp tục từ kiếp này đến kiếp khác (kể từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh-A-ra-hán, trước khi tịch diệt Niết-bàn).
4- Tác-ý tâm-sở trong 7 sát-na tác-hành-tâm quá hạn định thời gian cho quả của mỗi nghiệp gọi là ahosi-kamma: vô-hiệu-quả-nghiệp là nghiệp không còn hiệu lực cho quả của mỗi nghiệp được nữa.
Nguyên-nhân 3 nghiệp cho quả theo thời gian khác nhau
Trong bộ Paramatthadīpanīmahāṭīkā, Ngài Đại-Trưởng lão Le-Đi (Myanmar) giải thích rằng:
Trong 7 dục-giới tác-hành-tâm phân loại như sau:
* Tác-hành-tâm thứ 1 đến tác-hành-tâm thứ 3 gọi là tác-hành-tâm tăng.
* Tác-hành-tâm thứ 5 đến tác-hành-tâm thứ 7 gọi là tác-hành-tâm giảm.
* Tác-hành-tâm thứ 4 gọi là tác-hành-tâm đỉnh.
Xét về năng lực của mỗi tác-hành-tâm ấy:
* Tác-hành-tâm thứ nhất có năng lực yếu, bởi vì phát sinh đầu tiên chưa tiếp nhận sự hỗ-trợ của āsevana-paccaya: thường-tác-duyên.
* Tác-hành-tâm thứ 7 tuy đã tiếp nhận được sự hỗ-trợ của āsevanapaccaya: thường-tác-duyên của 6 tác-hành-tâm trước, nhưng năng lực đã giảm xuống, bởi vì tác-hành-tâm cuối cùng tiếp nhận tiếp-cận-duyên của tác-hành-tâm thứ 6 yếu dần rồi.
* Tác-hành-tâm thứ 2 đến tác-hành-tâm thứ 6 có nhiều năng lực nhất, bởi vì tiếp nhận sự hỗ-trợ của các āsevanapaccaya: thường-tác-duyên, do không phải phát sinh đầu tiên, cũng không phải phát sinh cuối cùng.
Do nguyên-nhân ấy nên 3 loại nghiệp này cho quả theo thời gian khác nhau.
Ví dụ có 3 loại cây ăn quả:
* Loại cây ăn quả thứ nhất được gieo trồng trên đất màu mỡ xong, biết săn sóc chăm bón phân tốt, thời tiết mưa thuận gió hoà, nên cho quả ngắn ngày, khi cho quả rồi, cây sẽ chết khô, ví như cây bắp, cây mè, cây đậu, v.v… bởi vì các loại cây này không có lõi, nên không thể sống lâu ngày được.
* Loại cây ăn quả thứ nhì được trồng trên đất màu mỡ, rồi biết săn sóc chăm bón, thời tiết mưa thuận gió hoà đến năm thứ nhì mới cho quả, sau khi cho quả rồi, cây sẽ chết dần, ví như cây chuối, cây dưa, cây thơm (dứa), v.v…. bởi vì các loại cây này cũng không có lõi, nên không thể sống lâu nhiều năm được.
* Loại cây ăn quả thứ ba được trồng trên đất màu mỡ, cây trưởng thành sau nhiều năm mới cho quả, khi đã cho quả rồi, cây vẫn sống nhiều năm sau. Hằng năm cứ đến mùa lại cho quả, ví như cây mít, cây me, cây xoài, v.v…. bởi vì các loại cây này có lõi, nên có khả năng sông lâu nhiều năm được.
Cũng như vậy
1- Tác-ý tâm-sở trong sát-na tác-hành-tâm thứ nhất gọi là diṭṭhadhammavedanīyakamma: hiện-kiếp quả-nghiệp là nghiệp cho quả trong kiếp hiện-tại, (kiếp thứ nhất). Ví như loại cây ăn quả thứ nhất.
2- Tác-ý tâm-sở trong sát-na tác-hành-tâm thứ 7 cuối cùng gọi là upapajjavedanīyakamma: hậu-kiếp quả-nghiệp là nghiệp cho quả tái-sinh kiếp-kế-tiếp và cho quả sau khi đã tái-sinh, (kiếp thứ nhì). Ví như loại cây ăn quả thứ nhì.
3- Tác-ý tâm-sở trong sát-na tác-hành-tâm thứ 2 đến sát-na tác-hành-tâm thứ 6 gọi là aparāpariyavedanīya-kamma: kiếp-kiếp quả-nghiệp là nghiệp cho quả kiếp sau tiếp tục từ kiếp này đến kiếp khác (kể từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót của bậc Thánh-A-ra-hán, trước khi tịch diệt Niết-bàn). Ví như loại cây ăn quả thứ ba.
Trong bộ Visuddhimaggamahāṭīkā, Ngài Đại-Trưởng-lão Dhammapālamahāthera giải thích rằng:
“ Dubbalāpi antimajavanacetanā sanniṭṭhānakicca- visesayuttatāya phalapaccane sattivisesayuttā hotīti upapajjavedanīyā anantarikā ca hoti.”
Tác-ý tâm-sở đồng sinh với tác-hành-tâm thứ 7 dù có năng lực yếu, nhưng hợp với lực đặc biệt trong sự cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) và trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh kiếp sau (pavattikāla), bởi vì tác-ý tâm-sở đồng sinh với tác-hành-tâm thứ 7 có phận-sự đặc biệt làm cho thành-tựu nghiệp ấy, cho nên tác-ý tâm-sở trong sát-na tác-hành-tâm thứ 7 cuối cùng gọi là upapajjavedanīyakamma: hậu-kiếp quả-nghiệp là nghiệp cho quả tái-sinh (paṭisandhikāla) kiếp-kế-tiếp, và cho quả sau khi đã tái-sinh (pavattikāla) (kiếp thứ nhì). Ví như loại cây ăn quả thứ nhì.
Còn tác-ý tâm-sở trong sát-na tác-hành-tâm thứ 2 đến sát-na tác-hành-tâm thứ 6 gọi là aparāpariyavedanīya-kamma: kiếp-kiếp quả-nghiệp là nghiệp cho quả kiếp sau tiếp tục từ kiếp này đến kiếp khác (kể từ kiếp thứ 3 cho đến kiếp chót trở thành bậc Thánh-A-ra-hán).
Dù nghiệp aparāpariyavedanīyakamma không còn có khả năng cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla), nhưng vẫn còn có khả năng cho quả trong thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla) kiếp-hiện-hữu.
Đến khi nào bậc Thánh-A-ra-hán tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam-giới, khi ấy, nghiệp aparāpariyavedanīyakamma mới thật sự trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosikamma), không còn có cơ-hội cho quả được nữa.
Vấn: Sắc-giới và vô-sắc-giới thiện-nghiệp thuộc về nghiệp nào trong 4 loại nghiệp cho quả theo thời gian ?
Đáp: Phần 4 loại nghiệp cho quả theo thời gian chỉ đề cập đến dục-giới lộ-trình-tâm có 7 dục-giới tác-hành-tâm mà thôi, mà dục-giới tác-hành-tâm đó là 12 ác-tâm, 8 dục-giới đại-thiện-tâm.
Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 ác-tâm tạo 12 ác-nghiệp, tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 dục-giới đại-thiện-tâm tạo 8 dục-giới đại-thiện-nghiệp.
* 12 ác-nghiệp cho quả trong 4 cõi ác-giới là địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh.
* 8 dục-giới đại-thiện-nghiệp cho quả trong 7 cõi thiện dục-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới.
* Nếu đề cập đến 5 sắc-giới thiện-nghiệp và 4 vô-sắc-giới thiện-nghiệp thì thuộc về upapajjavedanīyakamma: hậu-kiếp quả-nghiệp, bởi vì hành-giả có khả năng chứng đắc 5 sắc-giới thiện-nghiệp và 4 vô-sắc-giới thiện-nghiệp.
Hành-giả sau khi chết, chắc chắn chỉ có 1 bậc thiền nào cao nhất có quyền ưu tiên, có cơ-hội ưu tiên cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) trên tầng trời sắc-giới hoặc tầng trời vô-sắc-giới tương xứng với quả của bậc thiền thiện-nghiệp ấy. Còn lại các thiền thiện-nghiệp bậc thấp đều trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosikamma), không còn có cơ-hội cho quả của thiện-nghiệp được nữa.
* Nếu đề cập đến 4 siêu-tam-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm liền cho quả là 4 Thánh-quả-tâm không có thời gian chờ đợi, nghĩa là sau khi chứng đắc Thánh-đạo-tâm nào liền cho quả Thánh-quả-tâm ấy sau 1 sát-na-tâm, trong cùng Thánh-đạo lộ-trình-tâm ấy. Cho nên 4 siêu-tam-giới thiện-nghiệp thuộc về diṭṭhadhammavedanīyakamma: hiện-kiếp quả-nghiệp.
4 siêu-tam-giới thiện-nghiệp hoàn toàn không cho quả tái-sinh kiếp sau, mà trái lại làm giảm kiếp tái-sinh dần dần tuỳ theo năng lực của mỗi bậc Thánh-nhân.
Đối với bậc Thánh-A-ra-hán ngay kiếp-hiện-tại sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam-giới, không còn tái-sinh kiếp nào nữa.