Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 17 – Phần pháp-hành tứ-oai-nghi

2- Phần pháp-hành tứ-oai-nghi

Đối-tượng tứ-oai-nghi (iriyāpathapabba) là 1 trong 14 đối-tượng trong phần thân-niệm-xứ, cũng là 1 trong 21 đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ. 21 đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ, mà mỗi đối-tượng đều có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-Đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi tham-ái, mọi phiền-não, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cả thảy.

Hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành pháp-hành tứ-niệm xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ với đối-tượng tứ-oai-nghi. Sau khi đã học hỏi, nghiên cứu, tìm hiểu rõ phần pháp-học tứ-oai-nghi xong rồi, để chuyển sang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ với đối-tượng tứ-oai-nghi, hành-giả cần phải hội đầy đủ những điều kiện cần thiết như sau:

* Trước tiên, hành-giả là hạng người tam-nhân (tihetukapuggala) đã từng tích-lũy 10 pháp-hạnh ba-la-mật từ vô số kiếp quá-khứ, kiếp hiện-tại là người có giới-hạnh trong sạch, cần phải tìm vị Thiền sư thông hiểu về pháp-học Phật-giáo, có đủ kinh nghiệm về pháp-hành thiền-tuệ, nhất là đối-tượng tứ-oai-nghi, rồi nương nhờ nơi vị Thiền sư ấy.

Hành-giả trực tiếp thọ giáo với vị Thiền sư, theo đúng nghi lễ thọ pháp-hành thiền-tuệ , để hộ trì, hỗ-trợ hành-giả trong khi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ và để cho hành-giả trình pháp-hành của mình, bởi vì khi hành-giả chưa có khả năng nhận thức đúng hoặc sai, chưa có kinh nghiệm về pháp-hành thiền-tuệ với đối-tượng tứ oai-nghi, dễ phát sinh tâm hoài-nghi, làm trở ngại cho hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

Vị Thiền sư giảng giải cho hành-giả hiểu rõ phương pháp thực-hành pháp-hành thiền-tuệ đúng theo pháp-hành trung-đạo.

* Hành-giả là người có giới-hạnh của mình trong sạch và trọn vẹn, để làm nền tảng, làm nơi nương nhờ, để thực-hành pháp-hành thiền-định và thực-hành pháp-hành thiền-tuệ. Nếu giới của mình không được trong sạch thì định và tuệ không có nơi nương nhờ để phát sinh, và tiến triển tốt được.

Cũng ví như không có mặt đất tốt thì cây cối không có nơi nương nhờ để phát sinh và tăng trưởng được, thì còn mong gì đến hoa và quả.

* Hành-giả là người có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, có chánh-kiến đúng đắn, có sự tinh-tấn không ngừng thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, để mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

* Hành-giả cần phải có đủ điều kiện thuận lợi , tránh xa những điều bất lợi, để cho pháp-hành thiền-tuệ được phát triển tốt.

* Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ với đối-tượng tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm, phương pháp thực-hành pháp-hành thiền-tuệ theo mỗi oai-nghi như sau:

2.1- Đối-tượng oai-nghi đi

Oai-nghi đi là thân đi hoặc sắc-đi đó chính là tư thế đi, dáng đi toàn thân di chuyển, bước đi từng bước theo mỗi tư thế đi, mỗi dáng đi, phát sinh do đại-thiện-tâm trong sạch với tư thế đi, dáng đi tự nhiên, thanh thản, như đi tản bộ, không nên đi chậm quá hoặc đi mau quá, làm cho dáng đi mất tự nhiên, làm che phủ thật-tánh của sắc-đi ấy.

Thật-tánh của các pháp luôn luôn ở trong trạng-thái tự nhiên, nên tư thế đi, dáng đi làm đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ cũng phải ở trong trạng-thái tự nhiên.

Sắc-đi ở trong trạng-thái-động thuộc về sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa), làm đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ đó là mỗi tư thế đi, mỗi dáng đi toàn thân di chuyển bước đi từng bước, từng bước một cách tự nhiên.

* Chủ thể

Hành-giả có chánh-niệm (niệm-thân) trực nhận đúng ngay đối-tượng mỗi tư thế đi, mỗi dáng đi, theo dõi, ghi nhớ theo quá trình diễn biến mỗi tư thế đi, mỗi dáng đi toàn thân di chuyển do bước đi từng bước, từng bước một cách tự nhiên.

Toàn thân di chuyển như thế nào?

Ví dụ: Khi thấy chiếc xe chạy, là thấy toàn chiếc xe di chuyển, không phải thấy bánh xe lăn, …

Cũng như vậy, hành-giả có chánh-niệm trực nhận ngay đối-tượng mỗi tư thế đi, mỗi dáng đi, theo dõi sự diễn biến của mỗi tư thế đi, mỗi dáng đi toàn thân di chuyển bước đi một cách tự nhiên.

Hành-giả không nên chú tâm ở phần nào của thân như chân phải bước, chân trái bước từng bước, không nên có khái niệm về tư thế đi, dáng đi ở trong tâm, và cũng không nên niệm tưởng trong tâm rằng: “Sắc-đi, sắc-đi, …” hoặc “chân phải bước, chân trái bước,…”

Nếu hành-giả có khái niệm về tư thế đi, dáng đi, hoặc niệm tưởng “sắc-đi, sắc-đi” hoặc “chân phải bước, chân trái bước, …” ở trong tâm như vậy, thì đối-tượng sắc-đi ấy trở thành đối-tượng chế-định-pháp, không phải là đối-tượng chân-nghĩa-pháp. Do đó, đối-tượng sắc-đi ấy không phải là đối-tượng thiền-tuệ.

Theo chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), đối-tượng sắc-đi đó là tư thế đi, dáng đi hiện rõ toàn thân di chuyển đang bước đi. Đối-tượng sắc-đi hiện-tại hiện rõ ở toàn thân (bên ngoài), không ở trong tâm tưởng.

Nếu hành-giả niệm tưởng sắc-đi ở trong tâm thì tâm biết đối-tượng sắc-đi không đúng nơi vị trí, nên hành-giả không thể thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-đi ấy.

Cho nên, hành-giả có chánh-niệm trực nhận đúng ngay đối-tượng sắc-đi hiện-tại trong mỗi tư thế đi, mỗi dáng đi hiện rõ toàn thân di chuyển đang bước đi.

* Hành-giả có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ mỗi tư thế đi, mỗi dáng đi toàn thân di chuyển bước đi ấy, mà mỗi tư thế đi, mỗi dáng đi ấy gọi là “sắc-đi”.

Có vô số tư thế đi, dáng đi, nên có vô số sắc-đi.

* Hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ mỗi tư thế đi, mỗi dáng đi ấy gọi là sắc-đi đúng theo chánh-kiến thiền-tuệ, đồng thời có khả năng diệt được tà-kiến theo chấp ngã tưởng lầm là “ta đi”.

Tóm lại, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có chánh-niệm trực nhận mỗi tư thế đi, mỗi dáng đi toàn thân di chuyển như thế nào thì trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ mỗi tư thế đi, mỗi dáng đi toàn thân di chuyển như thế ấy một cách thóang qua.

* Hành-giả là người có tâm tinh-tấn không ngừng hỗ trợ cho chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thực-hành pháp-hành thiền-tuệ không ngừng, để cho trí-tuệ thiền-tuệ phát triển, chánh-kiến thiền-tuệ càng thấy rõ, biết rõ “sắc-đi” thì đồng thời tà-kiến theo chấp ngã tưởng lầm rằng “ta đi” bị lu mờ dần cho đến khi tà-kiến theo chấp ngã bị diệt, không phát sinh, do năng lực của trí-tuệ thiền-tuệ chỉ thấy rõ, biết rõ mỗi tư thế đi, mỗi dáng đi gọi là sắc-đi mà thôi.

Trên đây phân tích 3 loại tâm-sở: Niệm tâm-sở (saticetasika) đó là chánh-niệm, trí-tuệ tâm-sở (paññā-cetasika) là trí-tuệ tỉnh-giác đó là chánh-kiến, tinh-tấn tâm-sở (vīriyacetasika) đó là chánh-tinh-tấn với 3 phận sự khác nhau, cùng với các tâm-sở khác đồng sinh với đại-thiện-tâm ấy có đối-tượng oai-nghi đi gọi là sắc đi đó là tư-thế đi, dáng đi.

2.2- Đối-tượng oai-nghi đứng

Oai-nghi đứng là thân đứng hoặc sắc-đứng đó chính là tư thế đứng, dáng đứng toàn thân đứng thẳng yên theo mỗi tư thế đứng, mỗi dáng đứng, không cử động, phát sinh do đại-thiện-tâm trong sạch với tư thế đứng, dáng đứng tự nhiên, không nên đứng dáng này dáng nọ, cũng không nên đứng trân người, làm cho dáng đứng mất tự nhiên, làm che phủ thật-tánh của sắc-đứng ấy.

Thật-tánh của các pháp luôn luôn ở trong trạng-thái tự nhiên, nên tư thế đứng, dáng đứng làm đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ cũng phải ở trong trạng-thái tự nhiên.

Sắc-đứng ở trong trạng-thái-tĩnh thuộc về sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa), làm đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ đó là mỗi tư thế đứng, mỗi dáng đứng toàn thân đứng thẳng yên, không cử động trong khoảnh khắc tuỳ theo nhân-duyên, một cách tự nhiên.

Cho nên, sắc-đứng hiện tại ngắn ngủi, nếu thân cử động thì tư thế đứng, dáng đứng biến đổi khác.

* Chủ thể

* Hành-giả là người có chánh-niệm (niệm-thân) trực nhận đúng ngay đối-tượng mỗi tư thế đứng, mỗi dáng đứng, theo dõi, ghi nhớ mỗi tư thế đứng, dáng đứng toàn thân đứng thẳng yên, không cử động, trong khoảnh khắc tuỳ theo nhân-duyên, một cách tự nhiên.

Hành-giả không nên chú tâm ở phần nào của thân như dưới bàn chân, không nên có khái niệm về tư thế đứng, dáng đứng ở trong tâm, và cũng không nên niệm tưởng trong tâm rằng: “Sắc-đứng, sắc-đứng,…” hoặc “đứng à, đứng ā, …”

Nếu hành-giả có khái niệm về tư thế đứng, dáng đứng, hoặc niệm tưởng “sắc-đứng, sắc-đứng” hoặc “đứng à, đứng à” ở trong tâm như vậy, thì đối-tượng sắc-đứng ấy trở thành đối-tượng chế-định-pháp, không phải đối-tượng chân-nghĩa-pháp. Do đó, đối-tượng sắc-đứng ấy không phải là đối-tượng thiền-tuệ.

Theo chân-nghĩa-pháp, đối-tượng sắc-đứng đó là tư thế đứng, dáng đứng hiện rõ toàn thân đứng thẳng yên, không cử động là đối-tượng sắc-đứng hiện-tại hiện rõ ở toàn thân (bên ngoài), không ở trong tâm tưởng.

Nếu hành-giả niệm tưởng sắc-đứng ở trong tâm thì tâm biết đối-tượng sắc-đứng không đúng nơi vị trí, nên hành-giả không thể thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-đứng ấy.

Cho nên, hành-giả có chánh-niệm trực nhận đúng ngay đối-tượng sắc-đứng hiện-tại trong mỗi tư thế đứng, mỗi dáng đứng hiện rõ toàn thân đứng thẳng yên, không cử động trong khoảnh khắc tuỳ theo nhân-duyên của mỗi tư thế đứng, mỗi dáng đứng ấy.

* Hành-giả là người có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ mỗi tư thế đứng, mỗi dáng đứng toàn thân đứng thẳng yên không cử động ấy, mà mỗi tư thế đứng, mỗi dáng đứng ấy gọi là “sắc-đứng”.

Có vô số tư thế đứng, dáng đứng, nên có vô số sắc-đứng.

* Hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ tư thế đứng, dáng đứng ấy gọi là sắc-đứng đúng theo chánh-kiến thiền-tuệ, đồng thời có khả năng diệt được tà-kiến theo chấp ngã tưởng lầm là “ta đứng”.

Tóm lại, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có chánh-niệm trực nhận mỗi tư thế đứng, dáng đứng toàn thân đứng thẳng yên, không cử động như thế nào thì trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ mỗi tư thế đứng, dáng đứng toàn thân đứng thẳng yên, không cử động như thế ấy một cách thóang qua.

* Hành-giả có tâm tinh-tấn không ngừng hỗ trợ cho chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thực-hành pháp-hành thiền-tuệ không ngừng, để cho trí-tuệ thiền-tuệ phát triển, chánh-kiến thiền-tuệ càng thấy rõ, biết rõ “sắc-đứng” thì đồng thời tà-kiến theo chấp ngã tưởng lầm rằng “ta đứng” bị lu mờ dần cho đến khi tà-kiến theo chấp ngã bị diệt, không phát sinh, do năng lực của trí-tuệ thiền-tuệ, chỉ thấy rõ, biết rõ mỗi tư thế đứng, mỗi dáng đứng gọi là sắc-đứng mà thôi.

Trên đây phân tích 3 loại tâm-sở: Niệm tâm-sở đó là chánh-niệm, trí-tuệ tâm-sở (paññācetasika) là trí-tuệ tỉnh-giác đó là chánh-kiến, tinh-tấn tâm-sở (vīriya-cetasika) đó là chánh-tinh-tấn với 3 phận sự khác nhau, cùng với các tâm-sở khác đồng sinh với đại-thiện-tâm ấy có đối-tượng oai-nghi đứng.

2.3- Đối-tượng oai-nghi ngồi

Oai-nghi ngồi là thân ngồi hoặc sắc-ngồi đó chính là tư thế ngồi, dáng ngồi toàn thân ngồi yên, không cử động, thân phần trên ngồi thẳng, thân phần dưới co theo mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi phát sinh do đại-thiện-tâm trong sạch với tư thế ngồi, dáng ngồi tự nhiên, không nên ngồi dáng này dáng nọ, cũng không nên ngồi trân người, làm cho dáng ngồi mất tự nhiên, làm che phủ thật-tánh của sắc-ngồi ấy.

Thật-tánh của các pháp luôn luôn ở trong trạng-thái tự nhiên, nên tư thế ngồi, dáng ngồi làm đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ cũng phải là tự nhiên.

Sắc-ngồi ở trong trạng-thái-tĩnh thuộc về sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa), làm đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ đó là mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi toàn thân ngồi yên, không cử động trong khoảnh khắc tuỳ theo nhân-duyên, một cách tự nhiên.

Cho nên, sắc-ngồi hiện tại ngắn ngủi, nếu thân cử động thì tư thế ngồi, dáng ngồi biến đổi khác.

* Chủ Thể

* Hành-giả là người có chánh-niệm (niệm-thân) trực nhận đúng ngay đối-tượng mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi, theo dõi, ghi nhớ mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi toàn thân ngồi yên không cử động, trong khoảnh khắc tuỳ theo nhân-duyên, một cách tự nhiên.

Hành-giả không nên chú tâm ở phần nào của thân như dưới mông, không nên có khái niệm về tư thế ngồi, dáng ngồi ở trong tâm, và cũng không nên niệm tưởng trong tâm rằng: “Sắc-ngồi, sắc-ngồi…” hoặc “ngồi à, ngồi à..”

Nếu hành-giả có khái niệm về tư thế ngồi, dáng ngồi, hoặc niệm tưởng “sắc-ngồi, sắc-ngồi” hoặc “ngồi à, ngồi à” ở trong tâm như vậy, thì đối-tượng sắc-ngồi ấy trở thành đối-tượng-chế-định-pháp, không phải đối-tượng-chân-nghĩa-pháp. Do đó, đối-tượng sắc-ngồi ấy không phải là đối-tượng thiền-tuệ.

Theo chân-nghĩa-pháp, đối-tượng sắc-ngồi đó là tư thế ngồi, dáng ngồi hiện rõ toàn thân ngồi yên, không cử động là đối-tượng sắc-ngồi hiện-tại hiện rõ ở toàn thân (bên ngoài), không ở trong tâm tưởng.

Nếu hành-giả niệm tưởng sắc-ngồi ở trong tâm thì tâm biết đối-tượng sắc-ngồi không đúng nơi vị trí, nên hành-giả không thể thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-ngồi ấy.

Cho nên, hành-giả có chánh-niệm trực nhận đúng ngay đối-tượng sắc-ngồi hiện-tại trong mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi hiện rõ toàn thân ngồi yên, không cử động trong khoảnh khắc tuỳ theo nhân-duyên của mỗi tư thế ngồi, dáng ngồi ấy.

* Hành-giả là người có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi toàn thân ngồi yên không cử động ấy, mà mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi ấy gọi là “sắc-ngồi”.

Có vô số tư thế ngồi, dáng ngồi, nên có vô số sắc-ngồi.

Hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ tư thế ngồi, dáng ngồi ấy gọi là sắc-ngồi đúng theo chánh-kiến thiền-tuệ, đồng thời có khả năng diệt được tà-kiến theo chấp ngã tưởng lầm là “ta ngồi”.

Tóm lại, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có chánh-niệm trực nhận mỗi tư thế ngồi, dáng ngồi toàn thân ngồi yên, không cử động như thế nào thì trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi toàn thân ngồi yên không cử động như thế ấy một cách thóang qua.

* Hành-giả là người có tâm tinh-tấn không ngừng hỗ trợ cho chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thực-hành pháp-hành thiền-tuệ không ngừng, để cho trí-tuệ thiền-tuệ phát triển, chánh-kiến thiền-tuệ càng thấy rõ, biết rõ “sắc-ngồi” thì đồng thời tà-kiến theo chấp ngã tưởng lầm rằng “ta ngồi” bị lu mờ dần cho đến khi tà-kiến theo chấp ngã bị diệt, không phát sinh, do năng lực của trí-tuệ thiền-tuệ, chỉ thấy rõ, biết rõ mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi gọi là sắc-ngồi mà thôi.

Trên đây phân tích 3 loại tâm-sở: Niệm tâm-sở (saticetasika) đó là chánh-niệm, trí-tuệ tâm-sở (paññā-cetasika) là trí-tuệ tỉnh-giác đó là chánh-kiến, tinh-tấn tâm-sở (vīriyacetasika) đó là chánh-tinh-tấn với 3 phận sự khác nhau, cùng với các tâm-sở khác đồng sinh với đại-thiện-tâm ấy có đối-tượng oai-nghi ngồi.

2.4- Đối-tượng oai-nghi nằm

Oai-nghi nằm là thân nằm hoặc sắc-nằm đó chính là tư thế nằm, dáng nằm toàn thân nằm yên, không cử động theo mỗi tư thế nằm, dáng nằm, phát sinh do đại-thiện-tâm trong sạch với tư thế nằm, dáng nằm tự nhiên, không nên nằm dáng này dáng nọ, cũng không nên nằm trân ngườì, làm cho dáng nằm mất tự nhiên, làm che phủ thật-tánh của sắc-nằm ấy.

Thật-tánh của các pháp luôn luôn ở trong trạng-thái tự nhiên, nên tư thế nằm, dáng nằm làm đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ cũng phải là tự nhiên.

Sắc-nằm ở trong trạng-thái-tĩnh thuộc về sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa) làm đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ đó là mỗi tư thế nằm, mỗi dáng nằm toàn thân nằm yên không cử động trong khoảnh khắc tuỳ theo nhân-duyên, một cách tự nhiên.

Cho nên, sắc-nằm hiện tại ngắn ngủi, nếu thân cử động thì tư thế nằm, dáng nằm biến đổi khác.

* Chủ Thể

* Hành-giả là người có chánh-niệm (niệm-thân) trực nhận đúng ngay đối-tượng mỗi tư thế nằm, mỗi dáng nằm, theo dõi, ghi nhớ mỗi tư thế nằm, dáng nằm toàn thân nằm yên không cử động, trong khoảnh khắc tuỳ theo nhân-duyên, một cách tự nhiên.

Hành-giả không nên chú tâm ở phần nào của thân như lưng, mông, v.v…. không nên có khái niệm về tư thế nằm, dáng nằm ở trong tâm, và cũng không nên niệm tưởng trong tâm rằng: “Sắc-nằm, sắc-nằm,…” hoặc “nằm à, nằm ā, …”.

Nếu hành-giả có khái niệm về tư thế nằm, dáng nằm, hoặc niệm tưởng “sắc-nằm, sắc-nằm” hoặc “nằm à, nằm à” ở trong tâm như vậy, thì đối-tượng sắc-nằm ấy trở thành đối-tượng chế-định-pháp, không phải đối-tượng chân-nghĩa-pháp. Do đó, đối-tượng sắc-nằm ấy không phải là đối-tượng thiền-tuệ.

Theo chân-nghĩa-pháp, đối tượng sắc-nằm đó là tư thế nằm, dáng nằm hiện rõ toàn thân nằm yên không cử động là đối-tượng sắc-nằm hiện-tại hiện rõ ở toàn thân (bên ngoài), không ở trong tâm tưởng.

Nếu hành-giả niệm tưởng sắc-nằm ở trong tâm thì tâm biết đối-tượng sắc-nằm không đúng nơi vị trí, nên hành-giả không thể thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-nằm ấy.

Cho nên, hành-giả có chánh-niệm trực nhận đúng ngay đối-tượng sắc-nằm hiện-tại trong mỗi tư thế nằm, mỗi dáng nằm hiện rõ toàn thân nằm yên, không cử động trong khoảnh khắc tuỳ theo nhân-duyên của mỗi tư thế nằm, dáng nằm ấy.

* Hành-giả là người có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ mỗi tư thế nằm, mỗi dáng nằm toàn thân nằm yên, không cử động ấy, mà mỗi tư thế nằm, dáng nằm ấy gọi là “sắc-nằm”.

Có vô số tư thế nằm, dáng nằm, nên có vô số sắc-nằm.

Hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ tư thế nằm, dáng nằm ấy gọi là sắc-nằm đúng theo chánh-kiến thiền-tuệ, đồng thời có khả năng diệt được tà-kiến theo chấp ngã tưởng lầm là “ta nằm”.

Tóm lại, hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có chánh-niệm trực nhận mỗi tư thế nằm, mỗi dáng nằm toàn thân nằm yên, không cử động như thế nào thì trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ mỗi tư thế nằm, mỗi dáng nằm toàn thân nằm yên, không cử động như thế ấy một cách thóang qua.

* Hành-giả là người có tâm tinh-tấn không ngừng hỗ trợ cho chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thực-hành pháp-hành thiền-tuệ không ngừng, để cho trí-tuệ thiền-tuệ phát triển, chánh-kiến thiền-tuệ càng thấy rõ, biết rõ “sắc-nằm” thì đồng thời tà-kiến theo chấp ngã tưởng lầm rằng “ta nằm” bị lu mờ dần cho đến khi tà-kiến theo chấp ngã bị diệt, không phát sinh, do năng lực của trí-tuệ thiền-tuệ, chỉ thấy rõ, biết rõ mỗi tư thế nằm, mỗi dáng nằm gọi là sắc-nằm mà thôi.

Trên đây phân tích 3 loại tâm-sở: Niệm tâm-sở (saticetasika) đó là chánh-niệm, trí-tuệ tâm-sở (paññā-cetasika) là trí-tuệ tỉnh-giác đó là chánh-kiến, tinh-tấn tâm-sở (vīriyacetasika) đó là chánh-tinh-tấn với 3 phận sự khác nhau, cùng với các tâm-sở khác đồng sinh với đại-thiện-tâm ấy có đối-tượng oai-nghi nằm.

Tứ oai-nghi với oai-nghi phụ

* Tứ oai-nghi là oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm, mà mỗi oai-nghi có vô số tư thế, vô số dáng tương tự nhau nên kể chung một oai-nghi ấy. Do đó gọi là 4 oai-nghi là 1 trong 14 đối-tượng của phần thân-niệm-xứ, trong pháp-hành tứ-niệm-xứ.

* Oai-nghi phụ là những oai-nghi nhỏ cử động của thân, khi hỗ trợ cho mỗi oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm được hoàn thành, cũng có khi oai-nghi phụ của thân cử động đơn phương như co tay vào, co chân vào, duỗi tay ra, duỗi chân ra, v.v…

Tứ oai-nghi với các oai-nghi phụ đều là sắc-pháp phát sinh do tâm ((cittajarūpa) có tính hỗ trợ với nhau, bởi vì mỗi khi thay đổi oai-nghi nào chắc chắn cần phải nhờ các oai-nghi phụ hỗ trợ, để hoàn thành oai-nghi ấy.

Do đó, tứ-oai-nghi và các oai-nghi phụ phát sinh nương nhờ lẫn nhau, có khi oai-nghi phụ phát sinh đơn thuần như co tay vào, co chân vào, duỗi tay ra, duỗi chân ra, v.v… thường phát sinh trong thời gian ngắn ngủi.

Cho nên, các oai-nghi phụ có riêng một đối-tượng gọi là Sampajaññapabba trong phần thân-niệm-xứ.

Thật ra, tứ oai-nghi với oai-nghi-phụ không hiện hữu cùng một lúc, nếu khi có oai-nghi-chính hiện hữu thì không có oai-nghi-phụ, và ngược lại, nếu khi có oai-nghi-phụ hiện hữu thì không có oai-nghi-chính.

Tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm là sắc-pháp phát sinh do tâm; các oai-nghi phụ cũng là sắc-pháp phát sinh do tâm, cả 2 loại oai-nghi đều là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.

Thay đổi oai-nghi

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ với đối-tượng tứ-oai-nghi: Oai-nghi đi, oai-nghi đứng, oai-nghi ngồi, oai-nghi nằm, mỗi khi hành-giả thay đổi từ oai-nghi cũ sang oai-nghi mới, đó là thời điểm rất quan trọng, để cho pháp-hành thiền-tuệ được tiếp tục phát triển hoặc bị ngừng trệ, có 2 trường hợp như sau:

– Nếu thay đổi oai-nghi không hợp pháp thì phiền-não dễ dàng phát sinh, làm cho pháp-hành thiền-tuệ bị ngừng trệ trong thời điểm ấy.

– Nếu thay đổi oai-nghi hợp pháp thì chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác tiếp tục phát triển trong thời điểm ấy.

Thay đổi oai-nghi không hợp pháp

– Nếu khi hành-giả đang ở oai-nghi ngồi, muốn thay đổi sang oai-nghi đi, để cho được thoải mái, thì oai-nghi đi mới phát sinh do tham-tâm, nên tâm của hành-giả đã bị ô nhiễm, dù cho hành-giả muốn có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-đi ấy không phải dễ dàng, bởi vì đại-thiện-tâm có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác trong oai-nghi ngồi cũ đã bị gián đọan.

– Hoặc nếu khi hành-giả đang ở oai-nghi ngồi cảm thấy bực mình, rồi thay đổi sang oai-nghi đi thì oai-nghi đi mới phát sinh do sân-tâm, nên tâm của hành-giả đã bị ô nhiễm, dù cho hành-giả muốn có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-đi ấy không phải dễ dàng, bởi vì đại-thiện-tâm có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác ở oai-nghi ngồi cũ đã bị gián đọan. 

– Hoặc nếu khi hành-giả đang ở oai-nghi ngồi, phóng-tâm phát sinh, quên mình thay đổi sang oai-nghi đi thì oai-nghi đi mới phát sinh do si-tâm, nên tâm của hành-giả đã bị ô nhiễm, dù cho hành-giả muốn có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-đi ấy không phải dễ dàng, bởi vì đại-thiện-tâm có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác ở oai-nghi ngồi cũ đã bị gián đọan rồi.

Thay đổi oai-nghi hợp pháp

Để thay đổi từ oai-nghi cũ sang oai-nghi mới, hành-giả cần phải luôn luôn có yonisomanasikāra: Hiểu biết ở trong tâm hợp với trí-tuệ hiểu biết đúng theo 4 trạng-thái của sắc-pháp, của danh-pháp làm nền tảng, rồi mới thay đổi oai-nghi mới.

Thay đổi oai-nghi mới chỉ có những trường hợp:

– Thay đổi oai-nghi do thọ khổ bắt buộc

Hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ với đối-tượng oai-nghi ngồi:

– Có chánh-niệm (niệm-thân) trực nhận đúng ngay đối-tượng sắc-ngồi hiện tại trong mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi, theo dõi, ghi nhớ mỗi tư thế ngồi, dáng ngồi toàn thân ngồi yên, không cử động, một cách tự nhiên.

– Có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi toàn thân ngồi yên, không cử động ấy, mà mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi ấy gọi là “sắc-ngồi”.

– Có tâm tinh-tấn không ngừng hỗ trợ cho chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, để cho trí-tuệ thiền-tuệ phát triển, chánh-kiến thiền-tuệ càng thấy rõ, biết rõ “sắc-ngồi” thì đồng thời tà-kiến theo chấp ngã tưởng lầm là “ta ngồi” bị lu mờ dần cho đến khi tà-kiến theo chấp ngã bị diệt, không phát sinh, do năng lực của trí-tuệ thiền-tuệ, chỉ thấy rõ, biết rõ mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi gọi là sắc-ngồi mà thôi.

Khi hành-giả thực-hành như vậy, trải qua thời gian, nên cảm giác thọ khổ phát sinh trong sắc-ngồi ấy, cần phải thay đổi sang oai-nghi đi, để làm giảm bớt thọ khổ trong oai-nghi ngồi ấy.

Hành-giả vẫn có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác theo dõi mọi sự chuyển đổi, diễn biến liên tục do nhờ các oai-nghi phụ hỗ trợ từ oai-nghi ngồi cũ cho đến khi hoàn thành oai-nghi đi mới với tư thế đi, dáng đi toàn thân di chuyển bước đi.

Cho nên, tuy đối-tượng thiền-tuệ thay đổi từ oai-nghi ngồi cũ sang oai-nghi đi mới, nhưng đại-thiện-tâm có chánh-niệm trực nhận, trí-tuệ tỉnh-giác trực giác đối-tượng các tư thế ấy diễn biến từ oai-nghi ngồi cũ, các oai-nghi-phụ cho đến khi hoàn thành oai-nghi đi mới một cách liên tục.

Như vậy, do nhờ có yonisomanasikāra: Hiểu biết ở trong tâm hợp với trí-tuệ, hiểu biết đúng theo trạng-thái khổ của sắc-ngồi, khi thay đổi từ oai-nghi ngồi cũ do nguyên nhân thọ khổ bắt buộc, nên không phát sinh sân-tâm không hài lòng trong oai-nghi ngồi cũ, khi thay đổi sang oai-nghi đi mới cũng không phát sinh tham-tâm hài lòng trong oai-nghi-đi mới, chỉ có đại-thiện-tâm có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác thấy rõ, biết rõ tư thế đi, dáng đi gọi là sắc-đi ấy mà thôi.

– Thay đổi oai-nghi do nguyên nhân cần thiết

Hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ với đối-tượng oai-nghi ngồi, có chánh-niệm (niệm-thân) trực nhận đúng ngay đối-tượng mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi, toàn thân ngồi yên, không cử động, một cách tự nhiên; có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi toàn thân ngồi yên, không cử động ấy, mà mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi ấy gọi là “sắc-ngồi”, v.v…

Khi ấy, nếu cảm giác thọ khổ do tiểu tiện hoặc đại tiện phát sinh thì hành-giả cần phải thay đổi oai-nghi đi, để làm giảm nỗi khổ ấy.

Cũng như trường hợp trên, hành-giả vẫn có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác theo dõi mọi sự chuyển đổi, diễn biến liên tục do nhờ các oai-nghi phụ hỗ trợ từ oai-nghi ngồi cũ cho đến khi hoàn thành oai-nghi đi mới với tư thế đi, dáng đi toàn thân di chuyển bước đi đến phòng vệ sinh, hành-giả ngồi xuống để giải khổ ấy.

Sau khi xong rồi, hành-giả nên tiếp tục oai-nghi đi hoặc oai-nghi nào thích hợp với thời gian và nơi chốn.

Cho dù thay đổi bất cứ đối-tượng oai-nghi nào, hành-giả vẫn tiếp tục có chánh-niệm trực nhận đối-tượng tư thế ấy, dáng ấy, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác tư thế ấy, dáng ấy, vẫn có trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp oai-nghi ấy, và danh-pháp biết đối-tượng sắc-oai-nghi ấy một cách tự nhiên và hợp với thiện-pháp.

– Biến chuyển oai-nghi do nguyên nhân khác

Hành-giả đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ với đối-tượng oai-nghi ngồi, có chánh-niệm (niệm-thân) trực nhận đúng ngay đối-tượng mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi, toàn thân ngồi yên, không cử động, một cách tự nhiên; có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi toàn thân ngồi yên, không cử động ấy, mà mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi ấy gọi là “sắc-ngồi”, v.v… 

Khi ấy, nếu bị con muỗi hoặc con kiến cắn, thì hành-giả có cảm giác ngứa khó chịu mà vẫn còn trong oai-nghi ngồi, đưa tay gãi chỗ ngứa hoặc thoa dầu chỗ đau.

Trong trường hợp ấy, hành-giả vẫn có chánh-niệm, trí-tuệ tỉnh-giác theo dõi sự biến chuyển cử động của thân thuộc về các oai-nghi phụ cũng là sắc-pháp phát sinh do tâm. Sau khi xong rồi, hành-giả có chánh-niệm trực nhận tư thế ngồi, dáng ngồi toàn thân ngồi yên, không cử động, một cách tự nhiên; có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác thấy rõ, biết rõ mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi toàn thân ngồi yên, không cử động ấy, mà mỗi tư thế ngồi, mỗi dáng ngồi ấy gọi là “sắc-ngồi”.

Có vô số tư thế ngồi, dáng ngồi, nên có vô số sắc-ngồi.

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có chánh-niệm trực nhận, có trí-tuệ tỉnh-giác trực giác không những thấy rõ, biết rõ thật-tánh của đối-tượng sắc-pháp phát sinh do tâm (cittajarūpa), mà còn thấy rõ, biết rõ các đối-tượng sắc-pháp danh-pháp khác và đặc biệt thấy rõ, biết rõ thật-tánh của chủ-thể danh-pháp (chánh-niệm và trí-tuệ tỉnh-giác) trực giác biết đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp nữa, đúng theo pháp-hành thiền-tuệ.

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ sử dụng 4 oai-nghi hoặc các oai-nghi phụ làm đối-tượng thiền-tuệ đều có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi tham ái, mọi phiền-não, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

 

Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 16 - Phần pháp-học tứ-oai-nghi
Quyển 10 – Pháp Hành Thiền Tuệ – Chương 18 - Chánh-Niệm, Trí-Tuệ Tỉnh-Giác

Nền Tảng Phật Giáo

Phước thiện pháp thí thanh cao này của mỗi người chúng con, xin làm duyên lành dẫn dắt mỗi người chúng con đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não trầm luân, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nền Tảng Phật Giáo has 640 posts and counting. See all posts by Nền Tảng Phật Giáo

Nền Tảng Phật Giáo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *