Quả của thân hành ác (kāyaduccarita) và khẩu hành ác (vacīduccarita)
Trong kinh Duccaritavipākasutta(1) Đức-Phật thuyết dạy về quả của thân-hành-ác và quả của khẩu-hành-ác như sau:
– Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp sát-sinh, thường sát-sinh, sát-sinh nhiều. Người ấy sau khi chết, ác-nghiệp sát-sinh ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc-sinh, trong loài ngạ-quỷ.
Nếu ác-nghiệp sát-sinh nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới), mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người chết yểu.
– Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp trộm-cắp, thường trộm-cắp, trộm-cắp nhiều. Người ấy sau khi chết, ác-nghiệp trộm-cắp ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc-sinh, trong loài ngạ-quỷ.
Nếu ác-nghiệp trộm-cắp nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới), mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người có của cải, tải sản bị khánh kiệt, nghèo khổ thiếu thốn.
– Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp tà-dâm, thường tà-dâm, tà-dâm nhiều. Người ấy sau khi chết, ác-nghiệp tà-dâm ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc-sinh, trong loài ngạ- quỷ.
Nếu ác-nghiệp tà-dâm nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới), mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người, thì người ấy sẽ là người có nhiều người thù, có nhiều người oan trái.
– Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp nói dối, thường hay nói dối, nói dối nhiều lần. Người ấy sau khi chết, ác-nghiệp nói dối ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc-sinh, trong loài ngạ-quỷ.
Nếu ác-nghiệp nói dối nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới), mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người thì người ấy sẽ là người thường bị vu oan giá họa với những điều không có thật.
– Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp nói lời chia rẽ, thường hay nói lời chia rẽ, nói lời chia rẽ nhiều lần. Người ấy sau khi chết, ác-nghiệp nói lời chia rẽ ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc- sinh, trong loài ngạ-quỷ.
Nếu ác-nghiệp nói lời chia rẽ nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới), mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người thì người ấy sẽ là người thường bị bạn bè xa lánh.
– Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc), thường hay nói lời thô tục, nói lời thô tục nhiều lần. Người ấy sau khi chết, ác-nghiệp nói lời thô tục ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc-sinh, trong loài ngạ-quỷ.
Nếu ác-nghiệp nói lời thô tục (chửi rủa, mắng nhiếc) nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới), mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người thì người ấy sẽ là người thường nghe những lời nói cay độc.
– Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp nói lời vô ích, thường hay nói lời vô ích, nói lời vô ích nhiều lần. Người ấy sau khi chết, ác-nghiệp nói lời vô ích ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc-sinh, trong loài ngạ-quỷ.
Nếu ác-nghiệp nói lời vô ích nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới), mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người thì người ấy sẽ là người nói điều gì cũng không ai tin tưởng, thường bị chống đối.
– Này chư tỳ-khưu! Người nào đã tạo ác-nghiệp uống rượu và các chất say, thường hay uống rượu và các chất say, uống rượu và các chất say nhiều lần. Người ấy sau khi chết, ác-nghiệp uống rượu và các chất say ấy cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, trong loài súc-sinh, trong loài ngạ-quỷ.
Nếu ác-nghiệp uống rượu và các chất say nhẹ không có khả năng cho quả tái-sinh kiếp sau (trong cõi ác-giới), mà do nhờ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau làm người thì người ấy sẽ là người điên cuồng loạn trí.
1 Aṅguttaranikāya, Aṭṭhakanipāta, kinh Duccaritavipākasutta.