Giải Thích 4 Tính Chất Của Nghiệp
Theo Chú-giải bài kinh Mahākammavibhaṅgasutta, giảng giải 4 tính chất của nghiệp và cơ hội cho quả của nghiệp.
1-Ác-nghiệp nặng ngăn cản ác-nghiệp nhẹ như thế nào?
Ác-nghiệp có vô số loại, trong vô số ác-nghiệp ấy, nếu ác-nghiệp nào có cơ hội, thì ác-nghiệp ấy mới có thể cho quả. Ác-nghiệp có cơ hội, có quyền ưu tiên nhất trong các ác-nghiệp, đó là ác-nghiệp nặng nhất.
Ác-nghiệp nặng nhất có khả năng ngăn cản ác-nghiệp nhẹ khác không cho có cơ hội cho quả, ác-nghiệp nặng nhất ấy giành quyền ưu tiên cho quả của ác-nghiệp ấy trong thời kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla), và tiếp tục cho quả trong thời kỳ sau khi đã tái-sinh, kiếp hiện hữu (pavattikāla). Còn các ác-nghiệp khác trở thành ác-hỗ-trợ-nghiệp cho ác-nghiệp nặng nhất ấy cho quả càng nặng thêm nữa.
Như vậy, gọi là ác-nghiệp nặng ngăn cản ác-nghiệp nhẹ, để ác-nghiệp nặng có cơ-hội cho quả tái-sinh kiếp sau và cho quả sau khi đã tái-sinh, kiếp-hiện-tại.
2- Ác-nghiệp ngăn cản thiện-nghiệp như thế nào?
Mỗi chúng-sinh trong vòng tử sinh luân hồi từ vô thuỷ cho đến kiếp-hiện-tại này, chắc chắn đã tích luỹ cả vô số ác-nghiệp và vô số thiện-nghiệp.
Vậy, ác-nghiệp nào có cơ hội, thì ác-nghiệp ấy cho quả của ác-nghiệp ấy. Ác-nghiệp ngăn cản thiện-nghiệp không cho quả, để ác-nghiệp có cơ-hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong những trường hợp như sau:
* Trường hợp người ấy đã tạo ác-nghiệp tà-kiến cố-định (aniyatamicchādiṭṭhikamma) nghĩa là người này hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp.
Trong các loại ác-nghiệp, ác-nghiệp tà-kiến cố-định là ác-nghiệp nặng thứ nhất, không có loại nghiệp nào có thể ngăn cản ác-nghiệp ấy cho quả được.
Cho nên, người ấy sau khi chết, chắc chắn ác-nghiệp tà-kiến cố-định cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy lâu dài.
* Trường hợp nếu người ấy không có ác-nghiệp tà-kiến cố-định, mà có tạo ác-nghiệp vô-gián trọng-tội (anantariyakamma) là giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh-A-ra-hán, làm bầm máu bàn chân của Đức-Phật, và chia rẽ chư tỳ-khưu-Tăng thì ác-nghiệp vô-gián trọng-tội là ác-nghiệp nặng thứ nhì.
Người ấy sau khi chết, chắc chắn ác-nghiệp vô-gián trọng-tội này cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi đại địa-ngục Avicī. (không có nghiệp nào có thể ngăn cản được), chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy lâu dài cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.
* Trường hợp nếu người ấy không có ác-nghiệp tà-kiến cố-định và ác-nghiệp vô-gián trọng-tội, mà có tạo ác-nghiệp thường-hành (āciṇṇa-akusalakamma) nghĩa là tạo ác-nghiệp hằng ngày trở thành thói quen thì ác-nghiệp thường-hành là ác-nghiệp nặng thứ ba.
Người ấy sau khi chết, ác-nghiệp thường-hành có cơ-hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, …
* Trường hợp người ấy trong lúc lâm chung bị mê sảng, hoặc phát sinh tâm sợ hãi… do hiện tượng của ác-nghiệp, đó là ác-nghiệp phát sinh trong lúc lâm chung, (āsanna-akusalakamma: cận-tử ác-nghiệp), nên người ấy sau khi chết, cận-tử ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới.
Như vậy, gọi là ác-nghiệp ngăn cản dục-giới đại-thiện-nghiệp không cho quả, để cho ác-nghiệp ấy có cơ-hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh).
3- Thiện-nghiệp ngăn cản ác-nghiệp như thế nào?
Ngoại trừ 2 loại ác-nghiệp trọng-tội đặc biệt là ác-nghiệp tà-kiến cố-định và ác-nghiệp vô-gián trọng-tội ra, người nào đã tạo các loại ác-bình-thường-nghiệp khác, nhưng về sau, người ấy phát sinh thiện-tâm biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, có đức tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, rồi cố gắng tinh tấn, có khả năng tạo mọi thiện-nghiệp từ dục-giới thiện-nghiệp, sắc- giới thiện-nghiệp, vô-sắc-giới thiện-nghiệp, cho đến siêu-tam-giới thiện-nghiệp, thì thiện-nghiệp này có khả năng ngăn cản ác-nghiệp không cho quả, để cho thiện-nghiệp ấy có cơ-hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới đó là cõi người hoặc các cõi trời.
Hoặc trường hợp trong lúc gần lâm chung, người thân-quyến của bệnh nhân thỉnh mời chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đến thăm bệnh nhân, khi còn sáng suốt hiểu
biết, Ngài Đại- đức hướng dẫn bệnh nhân thọ phép quy y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới, rồi chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng tụng kinh cho bệnh nhân nghe, thuyết pháp giảng dạy, làm cho bệnh nhân phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam-bảo, lắng nghe kinh, lắng nghe chánh-pháp, v.v.…
Đó là dục-giới đại-thiện-nghiệp phát sinh trong lúc gần lâm chung (āsannakusalakamma: cận-tử thiện-nghiệp), rồi người bệnh sau khi chết, chính nhờ dục-giới đại-thiện-nghiệp phát sinh lúc gần lâm chung ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện dục-giới là cõi người hoặc cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ.
Như vậy, gọi là dục-giới đại-thiện-nghiệp ngăn cản ác-nghiệp không cho quả, để cho dục-giới đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi-thiện-giới.
4- Thiện-nghiệp có nhiều năng-lực ngăn cản thiện-nghiệp có ít năng-lực như thế nào?
Thiện-nghiệp có 4 loại từ thấp đến cao như sau:
1- Dục-giới đại-thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 dục-giới đại-thiện-tâm trong sự bố-thí, giữ giới, hành-thiền, v.v…
2- sắc-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 5 sắc-giới thiền-thiện-tâm.
3- vô-sắc-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 vô-sắc-giới thiền-thiện-tâm.
4- Siêu-tam-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm.
Thiện-nghiệp nào có nhiều năng-lực ngăn cản các thiện-nghiệp có ít năng-lực không cho quả, để thiện-nghiệp ấy có nhiều năng-lực có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau như sau:
* Trong 8 dục-giới đại-thiện-nghiệp, nếu dục-giới đại thiện-nghiệp nào có nhiều năng-lực thì dục-giới đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) trong cõi thiện-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới. Các dục-giới đại-thiện-nghiệp khác còn lại không có cơ hội trực tiếp cho quả, mà trở thành đại thiện-hỗ-trợ-nghiệp cho quả trong thời-kỳ sau khi tái-sinh (pavattikāla) kiếp-hiện-tại cho được an lạc thêm nữa.
* Trong 5 sắc-giới thiện-nghiệp và 4 vô-sắc-giới thiện-nghiệp ấy, nếu hành-giả có khả năng chứng đắc cuối cùng đến bậc thiền nào cao nhất thì bậc thiền cao nhất ấy có quyền ưu tiên, có cơ-hội cho quả tái-sinh kiếp sau làm vị phạm-thiên trên cõi trời phạm-thiên ấy tương xứng với quả của bậc thiền cao nhất ấy. Còn lại các bậc thiền thấp đều trở thành vô-hiêu-quả, không còn có cơ hội cho quả của chúng được nữa.
Như vậy, gọi là thiện-nghiệp có nhiều năng-lực ngăn cản thiện-nghiệp có ít năng-lực, để cho thiện-nghiệp có nhiều năng-lực có cơ-hội cho quả tái-sinh kiếp sau.
* Trong 4 siêu-tam-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm liền cho quả tương xứng là 4 Thánh-quả-tâm, không có thời gian ngăn cách (akālikadhamma) nghĩa là sau khi Thánh-đạo-tâm nào sinh rồi diệt liền cho quả tương xứng là Thánh-quả-tâm ấy chỉ sau 1 sát-na-tâm trong cùng một Thánh-đạo lộ-trình-tâm ấy.
4 Thánh-đạo-tâm cho quả tương xứng là 4 Thánh-quả-tâm, trở thành 4 bậc Thánh-nhân như sau:
* Hạng thiện-trí phàm-nhân chứng đắc Nhập-lưu-Thánh-đạo, Nhập-lưu-Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-Nhập-lưu.
* Bậc Thánh-Nhập-lưu chứng đắc Nhất-lai-Thánh-đạo, Nhất-lai-Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-Nhất-lai.
* Bậc Thánh-Nhất-lai chứng đắc Bất-lai-Thánh-đạo, Bất-lai-Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-Bất-lai.
* Bậc Thánh-Bất-lai chứng đắc A-ra-hán-Thánh-đạo, A-ra-hán-Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-A-ra-hán.
Siêu-tam-giới thiện-nghiệp có 4 loại siêu-tam-giới thiện-nghiệp hoàn toàn không cho quả tái-sinh kiếp sau như những tam-giới thiện-nghiệp, mà trái lại 4 siêu-tam-giới thiện-nghiệp trong 4 Thánh-đạo-tâm của 4 bậc Thánh-nhân có khả năng đặc biệt hạn chế dần kiếp tái-sinh theo mỗi bậc Thánh-nhân.
* Bậc Thánh-Nhập-lưu chỉ còn tái-sinh nhiều nhất 7 kiếp nữa mà thôi, rồi sẽ trở thành bậc Thánh-A-ra-hán.
* Bậc bậc Thánh-Nhất-lai chỉ còn tái-sinh 1 kiếp duy nhất nữa mà thôi, rồi sẽ trở thành bậc Thánh-A-ra-hán.
* Bậc bậc Thánh-Bất-lai không còn tái-sinh trở lại trong cõi dục-giới, mà chỉ tái-sinh lên cõi trời sắc-giới phạm-thiên, rồi sẽ trở thành bậc Thánh-A-ra-hán.
* Bậc Thánh-A-ra-hán ngay trong kiếp-hiện-tại, khi hết tuổi thọ, đồng thời tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam-giới.
(Xong phần I)